Báo cáo Kantar BrandZ Most Valuable Global Brands 2022: Apple soán ngôi đầu bảng của Amazon về giá trị thương hiệu

Theo báo cáo BrandZ Most Valuable Global Brands 2022 của Kantar, Apple đã soán ngôi Amazon trở thành cái tên đầu bảng. Song song đó, tốc độ tăng trưởng của các thương hiệu Trung Quốc có dấu hiệu chững lại trong năm 2022.

Khi thị trường dần hồi phục sau đại dịch, các thương hiệu công nghệ điện tiêu dùng, xa xỉ phẩm và tài chính là những đơn vị có mức tăng thẳng đứng trong báo cáo Kantar BrandZ Most Valuable Global Brands 2022. Điển hình, thương hiệu Louis Vuitton đã có một năm thành công khi giá trị thương hiệu tăng 64% trong năm nay. Kết quả này giúp Louis Vuitton là đại diện đầu tiên của ngành xa xỉ phẩm xuất hiện trong top 10.

Nhìn chung, tổng giá trị của 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới tăng đến 23%, tương đương 8,7 nghìn tỉ USD trong năm qua, đạt mức tăng cao thứ hai trong lịch sử của bảng xếp hạng. Trong đó, các thương hiệu công nghệ và xa xỉ được ghi nhận có mức tăng nhanh nhất, theo sau là những cái tên đến từ lĩnh vực ngân hàng, ô tô và chăm sóc cá nhân. Well Fargo là thương hiệu mới duy nhất trong các thương hiệu đứng đầu, “đá bay” ICBC của Trung Quốc để đứng đầu bảng trong lĩnh vực ngân hàng.

Nguồn: Campaign Asia-Pacific.

Trong bảng xếp hạng top 100 năm nay, tổng cộng có 37 thương hiệu đã thăng hạng. Hơn 3/4 giá trị thương hiệu trong năm 2022 thuộc về các công ty của Mỹ. Giá trị của các công ty truyền thông & giải trí, các đơn vị cung cấp giải pháp kinh doanh, công nghệ và bán lẻ chiếm hơn 1 nửa tổng giá trị của top 100. Với giá trị thương hiệu đạt 947,1 tỉ USD, Apple đã thành công hạ đo ván Amazon khỏi vị trí đầu bảng, đưa công ty này đến gần hơn với danh hiệu doanh nghiệp nghìn tỉ. Các thương hiệu công nghệ khác cũng có tốc độ tăng trưởng tốt. Tiêu biểu là Google đã vươn lên vị trí thứ 2 với giá trị thương hiệu tăng 79%, đạt 819,6 tỉ USD.

Nguồn: CampaignAsia-Pacific.

Dù vẫn góp mặt khá đông đảo trong danh sách năm nay, giá trị của các thương hiệu Trung Quốc vẫn có sự sụt giảm. Trong danh sách top 10, Tencent và Alibaba ghi nhận mức giảm lần lượt là 11% và 14%. Tencent vẫn cố gắng trụ vững ở top 10 trong khi Alibaba “sảy chân” hạ xuống 2 bậc và dừng lại ở hạng 9. Ngoài top 10, các thương hiệu Trung Quốc khác cũng chật vật để phát triển. Những cái tên đình đám như Moutai, TikTok, Huawei và Ping An đều ghi nhận sự sụt giảm về mặt giá trị thương hiệu.

Nguồn: CampaignAsia-Pacific.

Trong khi giá trị của các thương hiệu Trung Quốc giảm, tốc độ tăng trưởng của các thương hiệu khác thuộc APAC đã đem lại mức tăng trưởng dương cho khu vực. Dù Samsung vẫn nằm trong top đầu nhưng thương hiệu TCS của Ấn Độ mới là thương hiệu có mức tăng giá trị thương hiệu mạnh mẽ nhất (61%). Nhìn chung, các thương hiệu trong danh sách đều cần chú ý đến những cái tên mới xuất hiện trong năm nay. Đa số đều là công ty con của các ông lớn, mang nhiệm vụ “đánh chiếm” các lĩnh vực mới cho công ty mẹ. Năm 2022, các công ty xuất hiện lần đầu trong danh sách trải dài nhiều ngành hàng, từ ông trùm ngành dầu mỏ Aramco đến “đại gia” bán lẻ Target, gã khổng lồ ngành tài chính Morgan Stanley và đơn vị công nghệ Infosys của Ấn Độ.

Nguồn: CampaignAsia-Pacific.

Mặt khác, nền tảng công nghệ của Trung Quốc – Kuaishou và nền tảng khách sạn Airbnb cũng góp mặt trong danh sách top 100 năm nay. Để có thể xuất hiện trong bảng xếp hạng năm 2022, các thương hiệu cần đạt giá trị lớn hơn mức 21,21 tỉ USD – cao gấp 4 lần “điểm sàn” của danh sách vào năm 2006.

Thu Nga / Brands Vietnam
Nguồn: CampaignAsia-Pacific