Chuyên gia Inbound Marketing: “Làm đúng, mọi thứ tốt đẹp… tự nhiên đến!”

Không cần chạy quảng cáo, cũng chẳng phải “hô hào” tốn nhiều công sức, hình thức tiếp thị có tên Inbound Marketing đang được nhiều doanh nghiệp, cá nhân quan tâm. Đây là giải pháp đầy hứa hẹn, với nguyên lý phát triển bền vững từ gốc rễ.

Trong bối cảnh nhiều nhãn hàng đua nhau “đổ tiền” vào các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, Inbound Marketing xuất hiện một cách đầy thách thức.

Không đua tranh quảng cáo, chẳng sử dụng các chiến dịch hô hào hoành tráng hay hoa mỹ, giải pháp tiếp thị nói trên tạo ra sự lôi cuốn tự nhiên, để bên bán (sản phẩm, dịch vụ) mang tới những giá trị có ích thực sự, thu hút bên mua (khách hàng).

Để làm rõ hơn khả năng sức mạnh của Inbound Marketing, người viết đã có cuộc phỏng vấn thẳng thắn, chi tiết với ông Tuấn Hà – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vinalink, doanh nghiệp đào tạo và cung cấp dịch vụ hàng đầu trong lĩnh vực digital marketing tại Việt Nam.

Ông Tuấn Hà chính là một trong những người tiên phong sử dụng giải pháp Inbound Marketing cho mô hình doanh nghiệp của mình, với cách khai thác phù hợp hoàn cảnh thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, mọi người bắt đầu quan tâm và nói về Inbound Marketing. Giải pháp này mang tới cách tư duy và tiếp cận marketing hoàn toàn mới mẻ cho các doanh nghiệp Việt.

Ông có thể mô tả ngắn gọn về Inbound Marketing, với những điều nổi bật nhất?

Ông Tuấn Hà: Vâng! Inbound Marketing là hình thức tiếp thị không cần chạy quảng cáo, mà dùng “thính”, “mồi” (quà tặng, trò chơi và các phương án mang lại giá trị, lợi ích tích cực cho khách hàng tiềm năng), để tạo phễu thu hút.

Phễu này cần được “nuôi dưỡng”, có khả năng chuyển đổi để bán hàng.

Ông có thể chia sẻ bí quyết thực hiện thành công Inbound Marketing, được tóm gọn súc tích qua vài gạch đầu dòng?

Tôi cho rằng, có 4 gạch đầu dòng lớn, quan trọng nhất, để khai thác thành công giải pháp tiếp thị này.

Thứ nhất, chúng ta cần xác định được chân dung khách hàng mục tiêu. Nếu xác định sai thì không thể có hiệu quả được!

Muốn làm điều này thì cần thực hiện nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu một cách nghiêm túc, khoa học.

Thứ hai là khả năng “kích hoạt” khách hàng tự lan truyền câu chuyện của chúng ta, mà không phải tự làm, tự quảng bá rầm rộ. Phạm vi lan truyền thường là trong phễu marketing đã xây dựng bằng giải pháp Inbound Marketing.

Tôi xin lưu ý ở yếu tố này, là cần chuẩn bị các kịch bản xử lý tình huống lạm dụng đến từ các thành viên tham gia phễu, để đảm bảo tính giá trị thực chất.

Thứ ba là khả năng tạo ra hiệu ứng đám đông trong hệ thống phễu, để thúc đẩy lý do hành động, thay vì cố gắng nói quá nhiều về mình.

Tất nhiên, hiệu ứng gì thì cũng phải dựa trên sự thật, thu hút sự ủng hộ qua các bằng chứng cụ thể, xác đáng, chứ không phải “bánh vẽ”.

Và cuối cùng, thứ tư, là sự tích hợp các khâu – từ marketing, sale cho tới chăm sóc khách hàng – để tạo ra một chuỗi trải nghiệm khách hàng ấn tượng và chất lượng.

Dựa trên nội dung mà ông cung cấp, có thể thấy, đã có những cá nhân, doanh nghiệp manh nha làm Inbound Marketing, nhưng họ chưa gọi được tên giải pháp này ra.

Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất khi triển khai Inbound Marketing?

Làm Inbound Marketing nghĩa là đầu tư từ gốc rễ, tạo ra sự thu hút, hấp dẫn một cách tự nhiên đối với thị trường. Bởi thế, giải pháp này phù hợp để đi đường dài, nhưng cần thời gian để tích lũy trước khi có hiệu quả.

Do vậy, rào cản lớn nhất khi triển khai Inbound Marketing chính là việc đòi hỏi người thực hiện phải kiên trì, quyết tâm làm đến cùng. Các kiểu tư duy xốc nổi, “mỳ ăn liền” thì không phù hợp, không làm được.

Vậy, có cách nào vượt qua rào cản đó, trên góc độ người trực tiếp làm, cũng như góc độ bên cung cấp dịch vụ để thuyết phục chủ doanh nghiệp đi theo, thưa ông?

Câu hỏi rất hay!

Rào cản thì đã rõ, nhưng để vượt qua nó thì vừa dễ, vừa khó. Dễ ở chỗ nếu hiểu đúng, làm đúng, mọi thứ tốt đẹp tự nhiên đến – có hiệu quả thì người ta có động lực để kiên trì. Khó ở chỗ không hiểu, không biết làm thế nào, thì giống như việc đẽo cày giữa đường, nghe mỗi chỗ một chút và cuối cùng là chán nản, bỏ cuộc.

Theo tôi, ở bất kỳ góc độ nào, thì chúng ta cũng cần đánh giá xem, việc chạy ads đối với sản phẩm/dịch vụ/thị trường cụ thể của doanh nghiệp có hiệu quả không? Nếu có thì cứ duy trì, vì nó nhanh chóng, dễ đo lường…

Trường hợp chạy ads khó khăn, không ra đơn hoặc muốn phát triển bền vững, có chiều sâu, thì mới chọn Inbound Marketing.

Điều này cần được giải thích rõ cho chủ doanh nghiệp hiểu, để họ thấy cả ưu – nhược điểm của hai con đường: Inbound Marketing – Outbound Marketing (quảng cáo).

Để giải quyết vấn đề rào cản trên cả 2 góc độ này, tôi xin chia sẻ một thực tế rằng, Inbound Marketing là giải pháp đặc biệt phù hợp để chủ doanh nghiệp trực tiếp tham gia làm, ở vai trò người thực thi.

Vì sao? Vì họ có uy tín, thậm chí làm thương hiệu cá nhân rồi, hiểu biết rõ về lĩnh vực của doanh nghiệp, lại quyết định được các chính sách liên quan…

Thực tế, trên thế giới, nhiều chủ doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào giải pháp Inbound Marketing và làm rất hiệu quả, như ông chủ hãng Tesla Elon Musk, hay các danh thủ bóng đá Ronaldo, Messi…

Khi chủ doanh nghiệp trực tiếp làm thì vừa hiệu quả, vừa ấn tượng, lại vừa… không cần phải giải thích, thuyết phục họ nữa, đúng không? (cười).

Giả sử điều kiện lý tưởng nhất xảy ra, là ai cũng làm Inbound Marketing. Như vậy, cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng hướng tới giải pháp “thu hút, hấp dẫn khách hàng tiềm năng” bằng những thứ giá trị, có ích.

Liệu như vậy thì có e ngại tình trạng giẫm chân nhau, theo kiểu "lạm dụng... thuốc bổ" không, thưa ông?

Có! Điều đó là rất rõ ràng!

Bất kỳ giải pháp nào, dù tốt đẹp đến mấy, nhưng một khi bị lạm dụng, khai thác quá nhiều, thì đương nhiên, nó sẽ bị lạc hậu và cần phải thay đổi.

Tôi ví dụ về cách làm SEO: Trước đây, làm rất dễ lên “top Google”. Nhưng khi mọi người đổ xô vào làm, thì giờ, giải pháp SEO đã khó hơn rất nhiều.

Khi tình trạng “quá liều” xảy ra đối với bất kỳ một giải pháp nào, thì chúng ta buộc phải sáng tạo hơn – kiên trì hơn, thậm chí là chọn giải pháp mới để “đổi gió”. Đó là quy luật đào thải – phát triển rất tự nhiên!

Dù vậy, tôi cũng xin lưu ý rằng, hiện tại thì Inbound Marketing chưa có nhiều nơi khai thác, bởi giải pháp này đòi hỏi tính kiên trì, bền bỉ. Nó giống như cuộc đua về khả năng “lì lợm” vậy!

Bởi thế, cơ hội dành cho Inbound Marketing vẫn còn rất rộng mở!

Ông có thể chia sẻ một số dự án đã khai thác thành công giải pháp Inbound Marketing?

Vâng, tôi rất vui khi là một trong những người khai thác thành công Inbound Marketing tại Việt Nam, bằng cách vận dụng sáng tạo và linh hoạt giải pháp này cho phù hợp với tình hình thị trường nước ta.

Có thể kể tới dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Viewest, chuyên kinh doanh đất view hồ, view biển. Dự án này đã tạo ra cộng đồng mua – bán bất động sản tới 20.000 thành viên, thực hiện thành công khoảng 100 giao dịch mỗi ngày.

Nghe những con số đó, mọi người sẽ nghĩ phía doanh nghiệp phải đầu tư marketing rất lớn. Nhưng thực sự là tôi và ê-kíp chưa phải chạy quảng cáo gì cả, tất cả đều là do áp dụng Inbound Marketing.

Hay một dự án khác, là dự án thuần xã hội có tên “Khóa thiền Gosinga”, nhằm giúp mọi người hướng tới tư duy và quan điểm sống tích cực, hướng thiện.

Tôi cũng áp dụng giải pháp Inbound Marketing và kết quả là dự án này đã thu hút được hơn 10.000 thiền sinh trong vòng 2 năm qua.

Ông vừa nhắc đến dự án bất động sản. Thực tế hiện nay, nhiều người kinh doanh bất động sản đang có cách làm rất xốc nổi, vội vã, đua nhau chạy ads hòng mau ra số, chốt đơn. Theo ông, làm sao để họ hiểu và làm Inbound Marketing thành công?

Như tôi đã nói, nếu họ chạy quảng cáo (Outbound Marketing) mà ra được số, chốt được đơn, thì họ cứ tiếp tục duy trì và phát huy thôi! Đó là giải pháp nhanh chóng, dễ đo lường, dễ thấy được hiệu quả trước mắt.

Tới thời điểm họ nhận ra mặt trái của giải pháp trên – lúc chạy ads mà không ra được số, khó chốt đơn – thì lúc ấy, tự họ sẽ hiểu rằng, bản thân cần thay đổi phương pháp. Đó là lúc họ ý thức hơn về Inbound Marketing.

Thực tế, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp thành công trong lĩnh vực bất động sản nhờ cách làm Inbound Marketing. Những bằng chứng này cũng góp phần chứng minh, làm tăng động lực cho các “sale” bất động sản lựa chọn hướng đi bền vững và thu hút khách hàng tự nhiên.

Là người khơi dậy mạnh mẽ câu chuyện Inbound Marketing tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ các kênh tham khảo về giải pháp này, nếu mọi người muốn tìm kiếm thêm kiến thức, sự trợ giúp?

Vâng, khởi phát khái niệm “Inbound Marketing” do công ty công nghệ HubSpot đưa ra. Họ đã tạo một hệ thống nội dung chi tiết về giải pháp này, để mọi người có thể tham khảo.

Tuy nhiên, việc tự đọc, tự học có thể khá mất thời gian, đặc biệt là cần phải biết chọn lọc, sáng tạo hướng triển khai, áp dụng ở thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, HubSpot rất chú trọng việc khai thác kênh email khi làm Inbound Marketing, nhưng nếu áp dụng cách thức đó tại nước ta thì không có nhiều hiệu quả. Ở Việt Nam, việc tiếp cận qua các kênh social (mạng xã hội) phát triển hơn!

Nếu mọi người muốn tiết kiệm thời gian và nhận sự trợ giúp về Inbound Marketing thì có thể tham khảo khóa đào tạo “Inbound Marketing” tại Vinalink Academy.

Ở đó, chúng tôi thiết kế giáo trình dựa trên kinh nghiệm thực thi các dự án cụ thể tại Việt Nam, kết hợp với yếu tố sư phạm chuẩn mực để học viên hiểu bản chất và có thể áp dụng thực tiễn.

Nhiều học viên là các chủ doanh nghiệp, trưởng bộ phận marketing… đã tham gia và nhận được sự hỗ trợ thiết thực.

Xin chân thành cảm ơn ông Tuấn Hà – Chủ tịch Vinalink - đã nhiệt tình chia sẻ!

Thảo Anh (thực hiện) – Vietchuyennghiep.vn