Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Kantar FMCG Monitor Quý II/2022: Chi tiêu cho sản phẩm FMCG tăng nhưng lượng tiêu thụ vẫn ở mức thấp

Báo cáo FMCG Monitor Quý II/2022 (12 tuần và kết thúc vào ngày 19/6/2022) của Kantar tổng hợp và cập nhật tình hình và xu hướng phát triển trọng điểm của ngành FMCG tại 4 Thành phố chính và Nông thôn Việt Nam.

Tình hình kinh tế Việt Nam

GDP tăng mạnh trong quý II/2022, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nhẹ trước sự trở lại không lường trước được của COVID-19. Theo đó chỉ số CPI vượt 2%. Trong vài tháng tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức mới.

Quan điểm người tiêu dùng

Với tình hình COVID-19 bớt căng thẳng, niềm tin của người tiêu dùng Việt về triển vọng kinh tế, sức mua cũng lạc quan hơn và có những tiến triển vượt qua mức trước đại dịch.

Các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng

Mặc dù tình hình dịch bệnh khả quan hơn, nhưng chi phí sinh hoạt gồm giá xăng dầu/ gas, đến giá thực phẩm lại trở thành mối bận tâm lớn đối với người tiêu dùng vào nửa đầu năm 2022.

Lạm phát

Ngành hàng FMCG đang tiến gần đến mức lạm phát cao nhất trong những năm gần đây, khi chạm đỉnh 7%. Điều này khiến cho người mua cân nhắc nhiều hơn giá cả của sản phẩm.

Toàn cảnh ngành hàng FMCG

Trong quý II/2022, chi tiêu cho các sản phẩm thuộc ngành hàng FMCG cho tiêu dùng tại nhà tăng nhờ giá bán tăng. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ vẫn ở mức thấp.

Hiệu suất ngành

Ngành hàng Sữa và Thực phẩm đóng gói ghi nhận tăng trưởng mạnh trong COVID-19 nhờ thói quen mua tích trữ của người tiêu dùng. Thế nhưng ngành hàng phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ trong quý II/2022 khi người dân đã quen thuộc với thời kỳ bình thường mới. Bên cạnh đó, tăng giá bán là động lực tăng trưởng chính ở hầu hết các ngành hàng khác.

Sữa và Chăm sóc nhà cửa là hai ngành hàng tỏa sáng ở khu vực nông thôn, giúp thúc đẩy hiệu suất của toan ngành FMCG. Trong khi đó, những ngành khác lại đang trải qua tình trạng trì trệ. Tương tự, tăng giá bán vẫn là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng ở thị trường nông thôn.

Ngành hàng tiêu biểu

Mặc dù phải trải qua một số thời điểm khó khăn bởi tác động của COVID-19, ngành đồ uống giải khát đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2022. Đặc biệt,mức chi tiêu cao hơn hẳn so với thời điểm trước COVID-19. Trong đó, Nước giải khát, Trà đóng chai, và Nước tăng lực là những ngành hàng có kết quả kinh doanh tốt nhất trong 3 năm trở lại đây.

Toàn cảnh thị trường bán lẻ

Các kênh mới nổi gồm Online và Ministore tiếp tục củng cố vị thế của mình ở cả thành phố và nông thôn trong quý II/2022. Trong khi các mô hình kinh doanh lớn không có sự tăng trưởng đáng kể ở thành thị, thì các đại siêu thị ở nông thôn lại có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng nổi bật.

Tiêu điểm chính

Thị phần ngành hàng thực phẩm tươi sống chiếm ¾ ngành hàng FMCG. Trong đó, có tới 51% hộ gia đình mua gạo có thương hiệu và 18% mua thịt có thương hiệu. Điều này cho thấy cơ hội cho các nhà sản xuất thực phẩm tươi sống chuyển sang xây dựng thương hiệu để truyền tải giá trị đến khách hàng của họ.

Tải về báo cáo phiên bản đầy đủ tại đây.