Marketer Tạ Ngọc Thu Trang
Tạ Ngọc Thu Trang

Content Writer Intern @ BrandsVietnam

Du học Marketing #2: Nguyễn Đức Minh @ Erasmus University – Hành trình “hoà nhập nhưng không hoà tan” tại xứ sở cối xay gió

Đặt mục tiêu và có sự chuẩn bị, quyết tâm với mục tiêu đến cùng là điều Brands Vietnam nhận thấy rõ nhất từ anh Nguyễn Đức Minh qua hành trình 1 năm trau dồi và hệ thống hoá kiến thức tại Hà Lan. Mục tiêu nối tiếp mục tiêu và sự quyết tâm, thực hiện có hệ thống đã giúp anh từng bước đến gần hơn với điều anh mong muốn trong sự nghiệp của mình.

Ở số thứ hai của series, anh Nguyễn Đức Minh sẽ chia sẻ về hành trình du học Master Business Administration tại Rotterdam School of Management thuộc Erasmus University (Hà Lan) với nhiều biến động trong giai đoạn COVID-19. Sau khi hoàn tất chương trình MBA, anh Minh gia nhập tập đoàn Delivery Hero, chuyên về mảng giao nhận thực phẩm và đi chợ hộ với vai trò Senior International Marketing Manager, quản lý thị trường Châu Âu và Châu Á.

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

* Đâu sẽ là tính từ anh Minh dùng để mô tả hành trình du học của mình?

Tôi nghĩ là đó là từ “transformative”, hành trình chuyển đổi về mọi mặt. Một năm theo học chương trình Master of Business Administration vừa qua mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm, mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ cả trong cuộc sống cá nhân lẫn công việc, cả trong việc hợp tác với bạn học lẫn học hỏi từ thầy cô. Đồng thời về mặt chuyên môn, chương trình học cũng giúp tôi trau dồi hệ thống hoá kiến thức về mảng Business. Đây cũng là những kiến thức trọng tâm mà tôi đặt mục tiêu cho bản thân từ trước.

* Lý do khiến anh quyết định du học chuyên ngành MBA là gì?

Anh Nguyễn Đức Minh, hiện đang làm việc tại
tập đoàn Delivery Hero.

Thật ra, từ năm 2017 tôi đã suy nghĩ đến chuyện gap year để đi du học. Tuy nhiên, lúc đó tôi vẫn còn nhiều đắn đo nên chỉ mới dừng ở bước nhen nhóm ý tưởng, tìm hiểu thông tin.

Là một marketer, tôi luôn cho rằng sứ mệnh của mình là xây dựng thương hiệu. Vậy nên, trong nhiều năm đi làm, tôi luôn tự đặt câu hỏi cho bản thân và team rằng: “Làm thế nào để nhãn hàng có thể tối ưu hoá tất cả các nguồn đầu tư cho Marketing?” hay “Làm thế nào để đo lường được những hiệu quả mà Marketing có thể mang lại cho nhãn hàng?”. Đó là lí do tôi miệt mài học hỏi, củng cố những hiểu biết về mảng Business trong suốt 5-6 năm đi làm.

Năm 2019, tôi nhận thấy những hiểu biết của bản thân trong lĩnh vực Business Management chưa thực sự đầy đủ. Vậy nên tôi quay lại với ý định du học ngành MBA. Sau khi đã hình dung rõ hơn mong muốn của bản thân, tôi chuẩn bị cho hành trình du học 1 năm đó.

Tuy nhiên, ngày tôi thật sự ngồi lên máy bay so với kế hoạch đã thay đổi rất nhiều do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. May mắn là cuối cùng kết quả vẫn như tôi kỳ vọng.

* Sau khi quyết định du học MBA, đâu là những mục tiêu anh đặt ra cho hành trình mới của mình?

Tôi có 3 mục tiêu cho chuyến du học của mình. Về mặt kiến thức chuyên môn tôi mong sẽ được hệ thống hoá kiến thức về mảng Business một cách đầy đủ và bài bản hơn. Không chỉ vậy, tôi cũng có kỳ vọng củng cố và mở rộng chuyên môn Marketing. Thực ra, bằng MBA không phải yếu tố bắt buộc đối với một marketer. Tôi cũng đặt mục tiêu tận dụng quỹ thời gian 1 năm học MBA để khám phá thêm về thế giới Marketing bên ngoài lĩnh vực FMCG mà bản thân đã khá quen thuộc.

Và mục tiêu cuối cùng là phát triển networking và năng lực leadership. Trước đây, tôi may mắn có cơ hội được sinh sống và làm việc tại Singapore nên không quá xa lạ với môi trường quốc tế. Tuy nhiên khi học MBA tại Rotterdam, làm việc và giao tiếp với bạn bè đến từ những nền văn hoá khác nhau vẫn thực sự là một thử thách tôi cần phải chinh phục.

Khuôn viên trường Rotterdam School of Management thuộc Erasmus University (Hà Lan).
Nguồn: RSM

* Anh Minh đã cân nhắc những yếu tố nào trong quá trình lựa chọn trường và chương trình học?

Theo tôi, các trường có khoá MBA trong Top Ranking từ 50-100 trên thế giới đều có chuyên môn và nền tảng nhất định về Business Management. Vậy nên trong quá trình chọn trường, tôi chỉ cân nhắc đến những chuyên môn mình mong muốn thêm vào “giỏ kiến thức” của bản thân sau này. Sau khi trải nghiệm môi trường Marketing tại tập đoàn FMCG toàn cầu – Unilever, tôi xác định những chương trình học “nặng” về Marketing không phải là ưu tiên của mình trong thời gian tới. Thay vào đó, Supply Chain Management và Sustainability là 2 lĩnh vực mà tôi muốn trau dồi qua khoá học MBA này.

Lựa chọn Supply Chain Management là vì tôi cho rằng doanh nghiệp nào cũng cần hoàn thiện chuỗi cung ứng để hành trình đưa sản phẩm ra thị trường và phục vụ người tiêu dùng thuận tiện nhất có thể. Đây là một chuyên môn thiết yếu với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, trước đây tôi may mắn được làm việc với nhiều nhãn hàng theo đuổi sứ mệnh về Sustainability nên tôi cũng muốn học hỏi thêm về tính bền vững – một trong những yếu tố tạo nên giá trị doanh nghiệp trong dài hạn.

Sau khi xác định được hai nhánh kiến thức mình muốn được trải nghiệm, tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm “bến đỗ” cho chuyến du học của mình. Trong đó, Rotterdam School of Management thuộc Erasmus University ở Hà Lan là một trong những trường đáp ứng được kỳ vọng của tôi. Cụ thể, sứ mệnh của trường là đào tạo thế hệ học viên đem lại giá trị cho doanh nghiệp; giúp tạo ra những thay đổi tích cực cho công ty, cho cuộc sống và xã hội.

Chương trình MBA tại Rotterdam là sự kết hợp giữa yếu tố nền tảng (Fundamental) và sự linh hoạt (Flexibility).

* Anh có thể chia sẻ tổng quan về chương trình học MBA tại Rotterdam School of Management, Erasmus University?

Chương trình MBA tại Rotterdam là sự kết hợp giữa yếu tố nền tảng (Fundamental) và sự linh hoạt (Flexibility) dựa trên nhu cầu thực tế của sinh viên. Hai học kỳ đầu, học viên sẽ học chương trình nền tảng (fundamental course) bao gồm các vấn đề cốt lõi trong kinh doanh như: Accounting, Marketing, Supply Chain... Đây là giai đoạn các bạn học viên với “xuất thân” và kinh nghiệm từ nhiều ngành nghề khác nhau sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản. Riêng tôi, dù có kinh nghiệm và ít nhiều va chạm với các lĩnh vực này, cũng cảm thấy “refresh” khi đặt những kiến thức góp nhặt trước đây dưới lăng kính học thuật.

Vào học kỳ thứ ba, học viên sẽ được lựa chọn lĩnh vực chuyên môn và môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp (Advanced Course). Đảm nhiệm vai trò President của Marketing Club tại Erasmus cộng với kinh nghiệm làm việc trong ngành Marketing khiến nhiều người cho rằng tôi sẽ lựa chọn Advanced Course of Marketing. Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng của tôi lại là một “plot twist” với Business Strategy. Bên cạnh Business Strategy, nhà trường còn giảng dạy các lĩnh vực khác như Marketing, Finance, Supply Chain và Sustainability.

Anh Minh được vinh danh là “Student of Year” của khoá học.

Sau khi xác định Advanced Course phù hợp, các môn học tiếp theo trong chương trình sẽ được xây dựng và định hướng theo chuyên môn đã chọn. Điều thú vị khi học tại Erasmus University là sinh viên sẽ có cơ hội được trải nghiệm những project thực tế với doanh nghiệp, chính phủ như: Consulting Project, Sustainability Project... Riêng những dự án về Sustainability học viên sẽ làm việc với UBND của thành phố để đưa ra những định hướng phát triển đời sống cho người dân tại Rotterdam, Hà Lan. Đây cũng được xem là một trong những điểm nổi bật và thế mạnh của ngôi trường này.

Nhìn chung, ngoài thế mạnh về Sustainability tôi đã đề cập ở trên, Erasmus University cũng là một lựa chọn tuyệt vời với những bạn có định hướng học tập và phát triển trong ngành Supply Chain. Bởi thành phố Rotterdam vốn là thành phố cảng lớn nhất Châu Âu. Vậy nên những kiến thức chuyên môn, case study trong quá trình học sẽ được các giảng viên cập nhật liên tục và có tính ứng dụng cao.

* Anh Minh nhắc đến Rotterdam School of Management có thế mạnh về Sustainability. Hiện tại có khá nhiều buzzword trong chủ đề này như de-marketing, hoặc net-zero, anh Minh có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này?

Đây là câu hỏi rất hay. Các buzzword kể trên là một trong những yếu tố thôi thúc tôi học hỏi nhiều hơn về mảng này. Nhờ các khoá học ở trường, tôi đã hiểu về Sustainability một cách toàn diện hơn so với những nhận định của bản thân cách đây 2 năm. Đúc kết quan trọng nhất của tôi là doanh nghiệp không nên bị cuốn theo các từ khoá đó. Một số doanh nghiệp khoác lên mình tấm áo Sustainability chỉ trên mặt trận truyền thông mà không bắt tay vào xây dựng nền tảng hạ tầng, “core business” thì khó mà phát triển bền vững được. Yếu tố bền vững cần nằm trong từng hoạt động, từng bộ phận của doanh nghiệp. Nhưng làm được điều đó cần sự kiên trì và hợp tác của tất cả các phòng ban, chứ không thể thành công trong một sớm một chiều.

“Mặc dù có kinh nghiệm làm việc trong ngành Marketing, nhưng lựa chọn cuối cùng của tôi lại là Business Strategy”.

* Anh Minh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm thú vị và đáng nhớ trong quá trình học tại Rotterdam School of Management?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong suốt thời gian học là ngôi trường Erasmus đã mở ra một cơ hội nghề nghiệp mới mà mình chưa từng nghĩ đến. Chính những cuộc trò chuyện với thầy cô, bạn bè làm Marketing ở Châu Âu đã giúp tôi nhận ra các triển vọng mới về ngành. Đồng thời, sau khi tham gia khoá học Data Analytics of Marketing vào học kỳ tự chọn, tôi đã được tiếp xúc với những công việc và phần mềm phân tích dữ liệu đặc thù của các bạn làm research.

Nhờ những trải nghiệm đó, tôi đã mạnh dạn quyết định chuyển hướng sang nhóm ngành công nghệ (Tech). Công việc mới đã bén duyên từ khoảnh khắc đó và kéo dài đến hiện tại. Hiện nay, tôi đang đảm nhận vai trò Senior International Marketing Manager của tập đoàn Delivery Hero tại Đức.

Ngoài ra, trong quá trình học, tôi có chơi thân với một người bạn Hy Lạp và được “inspire” rất nhiều từ đam mê về Sustainability của bạn ấy. Bạn từ bỏ công việc tại một tập đoàn toàn cầu ở quê nhà, quyết định rẽ sang mảng Sustainability Consulting và theo học MBA tại Rotterdam School of Management. Từ câu chuyện cá nhân và gia đình, bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp hỗ trợ người nhập cư để họ có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Để hiện thực hóa mong muốn trên, bạn phải tìm hiểu về mảng sustainable consulting để xây dựng mạng lưới mối quan hệ và hiểu rõ hơn về các policy liên quan. Tôi rất ngưỡng mộ câu chuyện theo đuổi sự nghiệp sustainability của bạn ấy, từ chuyện mong muốn cá nhân đến xây dựng kế hoạch để hiện thực hóa mong muốn ấy.

Bên cạnh đó còn có một kỷ niệm “cười ra nước mắt” vào ngày kết thúc năm học. Sinh sống tại Hà Lan trong thời điểm dịch bệnh nhưng tôi chưa từng bị COVID-19. Đến khoảng 3-4 ngày trước lễ tốt nghiệp, tôi phát hiện bị nhiễm COVID-10 và phải cách ly tại nhà. Trớ trêu thay, “Student of Year” của khoá học lại không thể tham gia Lễ tốt nghiệp cùng bạn bè và thầy cô, mà chỉ có thể nhận bằng online.

* Tuy đã từng sinh sống và làm việc tại nước ngoài nhưng sau khi đến Hà Lan, đâu là những thay đổi khiến anh choáng ngợp về thành phố Rotterdam? Và đâu là cách anh vượt qua những thay đổi đó?

Tôi nghĩ từ “ngạc nhiên” sẽ phù hợp hơn trong trường hợp này. Điều đầu tiên chính là thay đổi thời tiết. Trước đây khi sinh sống tại Việt Nam hay Singapore thời tiết đều rất ôn hoà và nắng ấm với nhiệt độ khoảng 25-30 độ. Tuy nhiên, nhập học tại Erasmus vào tháng 1, tôi đã trải nghiệm mùa đông Hà Lan ngay khi vừa đến nơi. Riêng năm 2021 là năm lạnh nhất trong lịch sử 10 năm trở lại đây của Hà Lan. Tôi vẫn nhớ nhiệt độ chỉ khoảng đến 5 độ, thậm chí còn có bão tuyết. Đặc biệt trong suốt mùa Đông gần như tôi không tiếp xúc với ánh mặt trời vì thời gian ban ngày rất ngắn và mặt trời chỉ mọc trong khung giờ sinh viên có tiết học tại trường.

Tư duy mở sẽ là cánh cổng giúp các bạn du học sinh sẵn sàng góp những kiến thức, những cách suy nghĩ mới, những điều hay từ bạn bè quốc tế...

Thêm vào đó, một trong những khó khăn tôi nghĩ không chỉ đối với tôi mà tất cả mọi người trong giai đoạn đó là thay đổi nếp sống sinh hoạt do COVID-19. Hoạt động trong ngày từ việc học, kết nối bạn bè... đều thông qua các phương tiện điện tử. Lockdown nên hoàn toàn không có hoạt động giải trí nào, nhà hàng cửa tiệm đều đóng cửa. Thời gian đầu, nếp sinh hoạt của tôi chỉ đơn giản là sáng ngủ dậy, tập thể dục, mở zoom lên học, chiều đi dạo rồi về nhà học bài. Hầu như không gặp người khác ngoại trừ các bạn ở chung ký túc xá.

Sau đó khi quá trình học đã ổn định thì cú sốc thứ hai tôi phải đối mặt là sự khác biệt về lối sống và suy nghĩ giữa người Châu Âu và Châu Á. Cụ thể, người Phương Tây sẽ có quan niệm tách biệt rõ ràng giữa cuộc sống và công việc. Nghĩa là họ sẽ chỉ làm việc trong những khung giờ nhất định và sau đó là khoảng thời gian cho cuộc sống cá nhân và đặc biệt nghiêm túc nói không với công việc sau giờ làm. Bản thân tôi cũng mất một thời gian để có thể quen với nếp sinh hoạt cân bằng này. Đây cũng là một điều đáng học hỏi từ môi trường làm việc của các nước Châu Âu.

* Anh Minh có lời khuyên nào dành cho (1) các bạn du học sinh, đang có kết hoạch đi du học ở cấp bậc thạc sĩ và (2) các bạn du học sinh có ý định tìm việc làm ở quốc gia mình theo học?

Xác định được nhu cầu của bản thân và có sự chuẩn bị phù hợp giúp bạn chủ động hơn khi đối mặt với những thay đổi ở quốc gia mới.

Tôi nghĩ chính sự chuẩn bị đã giúp tôi vượt qua những khó khăn kể trên, cả về mặt tinh thần, thể chất và hành trang. Song, việc chuẩn bị như thế nào sẽ phụ thuộc vào lối sống cũng như sở thích của từng người. Một du học sinh xác định được nhu cầu của bản thân và có sự chuẩn bị phù hợp sẽ có thể chủ động hơn khi đối mặt với những thay đổi ở thành phố mới, quốc gia mới.

Bên cạnh đó, sau quá trình sinh sống và làm việc tại nước ngoài trong một thời gian nhất định, tôi nhận thấy tư duy mở là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với những bạn lần đầu xuất ngoại hay thậm chí có mong muốn định cư ở nước ngoài. Tư duy mở sẽ là cánh cổng giúp các bạn du học sinh sẵn sàng góp những kiến thức, những cách suy nghĩ mới, những điều hay từ bạn bè quốc tế... Tuy nhiên mỗi người cũng nên xác định rõ đâu là những “bản ngã” cần phải kiên định để “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Đồng thời nỗ lực phát triển hình ảnh người trẻ Việt Nam năng động, thông minh và chịu khó đến với bạn bè quốc tế.

Còn với các bạn có ý định tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, một kinh nghiệm tôi rút ra trong quá trình “đổi nghề” là không nên nộp hồ sơ quá nhiều mà hãy xác định rõ định hướng nghề nghiệp của bản thân. Tại Rotterdam School of Management, thông qua Career Center, tôi được hướng dẫn chi tiết về phương pháp xây dựng networking và tạo cơ hội để học hỏi từ những người xung quanh dựa trên mục tiêu sự nghiệp. Vậy nên theo tôi, các bạn du học sinh hãy xem mình là thỏi nam châm hút thật nhiều mối quan hệ và kỹ năng để trau dồi bản thân và toả sáng trong hành trình tìm việc.

* Cảm ơn những chia sẻ thiết thực và thú vị từ anh.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thu Trang / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam