Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Re-live MMA Impact Việt Nam 2022: Bàn về Sustainable Marketing và MarTech

Ngày 20/10/2022, sự kiện MMA Impact Việt Nam 2022 đã diễn ra và mang đến những thông tin giá trị về thị trường, giải pháp, báo cáo… đến người tham dự. Bài viết dưới đây điểm qua một số nội dung nổi bật được chia sẻ bởi hai đại diện cấp cao đến từ Coca-Cola và công ty chuyên về quản trị dữ liệu khách hàng Customer Data Plaform Institute tại sự kiện.

Đầu tiên là phần trình bày về “Sustainable Marketing – For Then, Now, And Future” được chia sẻ bởi ông Leonardo Garcia – General Manager của The Coca-Cola Company tại Vietnam và Cambodia. Tiếp đến là bài chia sẻ “Thriving in the new Martech Landscape” của ông David M. Raab – Founder và CEO của Customer Data Plaform Institute.

Bàn về chiến lược Sustainable Marketing

Theo ông Leonardo Garcia, Sustainable Marketing không chỉ xoay quanh mỗi “tính bền vững”. Sustainable Marketing là cách marketer làm Brand Building và tạo ra một thương hiệu phù hợp với người tiêu dung về lâu dài. Thêm vào đó, chiến lược Sustainable Marketing cần giúp thương hiệu phục vụ khách hàng tốt hơn bằng cách hoàn thiện ba khía cạnh gồm (1) Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, (2) Cải thiện đời sống của nười tiêu dùng, (3) Tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.

Nguồn: MMA

Vậy chiến lược Sustainable Marketing của Coca-Cola gồm những yếu tố nào để thoả mãn 3 khía cạnh kể trên? Ông Garcia lấy chính sách của Coca-Cola làm ví dụ. Theo đó, ông chỉ ra 4 yếu tố mà Coca-Cola nỗ lực đầu tư cho chiến lược Sustainable Marketing là Iconicity, Innovation, Occasion rituals, và Sustainbility.

  • Iconicity: Một số biểu trưng thương hiệu mà Coca-Cola cố gắng duy trì trong suốt 136 năm hoạt động như logo với tên thương hiệu màu trắng nổi bật trên nền đỏ; hay mẫu chai thân cong (chai Contour)...
  • Innovation: Coca-Cola thường xuyên đổi mới mình để nắm bắt xu hướng cũng như bày tỏ quan điểm của thương hiệu. Chẳng hạn để chào mừng tháng của LGBTQIA+ (tháng 7/2022), thương hiệu ra mắt bộ sưu tập NFT và dùng số tiền thu được quyên góp cho các tổ chức từ thiện hỗ trợ cộng đồng này...
  • Occasion rituals: Ông Garcia cho biết Coca-Cola không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu những mối quan tâm và hành vi của người dùng để kịp thời đưa ra những cách tiếp cận phù hợp. Chẳng hạn, Coca-Cola nỗ lực len lỏi vào thói quen ăn uống của người tiêu dùng với nhiều sự lựa chọn như Coca-Cola có đường, ít đường và không đường...
  • Sustainability: Coca-Cola tìm kiếm giải pháp hướng đến những thay đổi tích cực và xây dựng một tương lai bền vững. Chẳng hạn gần đây, thương hiệu triển khai xử lý rác thải nhựa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hay hãng thay thế chai nhựa xanh đặc trưng bằng chai nhựa PET trong suốt cho thương hiệu nước uống có ga Sprite...

Nguồn: MMA

Ở cuối phần trình bày, ông Gracia chia sẻ rằng việc theo đuổi chiến lược Sustainable Marketing đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng học hỏi, thích nghi nhanh và tạo ra những thay đổi trong một thị trường không ngừng biến động. Ông Gracia cũng nhấn mạnh rằng để có thể theo đuổi Sustainable Marketing, thương hiệu sẽ phải cần đáp ứng các yêu cầu gồm: (1) Lòng đam mê, (2) Sự cam kết thực hiện đến cùng, (3) Tính bền bỉ khi đối mặt với khó khăn, (4) Sự tập trung tuyệt đối dành cho những thay đổi mà doanh nghiệp đang hướng đến.

Tận dụng tối đa tiềm năng của MarTech

Trong phần trình bày “Thriving in the new Martech Landscape”, ông David M. Raab chia sẻ về những lợi ích, thách thức và cũng như cách tận dụng tối đa tiềm năng của MarTech. Trong một thế giới mà nhu cầu của khách hàng đang không ngừng thay đổi, MarTech giúp các marketer thích ứng nhanh chóng hơn. Sự gia tăng nhu cầu ứng dụng MarTech trong vận hành doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển trong những năm gần đây. Theo ông Raab, giờ đây MarTech có thể mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích sau đây:

  • Quản lý được nhiều kênh hơn
  • Đo lường hiệu quả hơn
  • Cá nhân hóa trải nghiệm người dùng
  • Tăng năng suất lao động
  • Tiết kiệm thời gian và chi phí

Dù vậy, MarTech hiện vẫn còn tồn tại những “mặt tối” nhất định mà doanh nghiệp cần tìm cách vượt qua. Thách thức lớn nhất là sự phức tạp của hệ thống Martech. Tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu, doanh nghiệp sẽ quyết định mức độ phức tạp cũng như số lượng giải pháp, nền tảng được tích hợp. Nhiều nhân viên đã cảm thấy bị choáng ngợp trước sự đồ sộ của MarTech. Điều này dẫn đến việc nhiều khi doanh nghiệp vẫn chưa thể tận dụng tối đa các tính năng của MarTech. Cụ thể, ông Raab đã nêu ra những số liệu nhằm làm rõ sự trăn trở của nhiều doanh nghiệp đối với MarTech. Một vài con số nổi bật mà ông đề cập đến trong phần trình bày của mình là: 61% doanh nghiệp cho rằng hệ thống MarTech hiện tại quá phức tạp, 57% vẫn còn mơ hồ về MarTech nói chung. Thêm vào đó, có đến 82% doanh nghiệp mong muốn thay đổi một số thành phần hiện tại liên quan đến MarTech và 63% có dự định sẽ cắt giảm ngân sách cho mảng này trong 12 tháng tiếp theo.

Nguồn: MMA

Vậy marketer cần ứng dụng MarTech như thế nào để thực sự mang lại hiệu quả? Theo ông David, Agility chính là chìa khóa mở ra sự chuyển đổi thành công cho doanh nghiệp với mục tiêu mang đến những trải nghiệm tốt hơn đến với khách hàng. Và mấu chốt làm nên Agility chính là first-party data. Cụ thể, first-party data sẽ mang lại những lợi ích sau đây:

  • Đây là nguồn dữ liệu mà doanh nghiệp toàn quyền sở hữu.
  • Trong bối cảnh vấn đề quyền riêng tư đang được xem trọng hơn bao giờ hết, first-party data sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp dành được sự tin tưởng của đối tượng mục tiêu.
  • Quá trình triển khai omni-channel được nhất quán và liền mạch hơn vì doanh nghiệp có thể tận dụng first-party data ở nhiều kênh khác nhau.
  • First-party data giúp doanh nghiệp trong việc phân tích hành vi, hỗ trợ và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Với first-party data, người dùng sẽ có niềm tin và sẵn sàng chia sẻ thông tin của mình đến doanh nghiệp vì chính sách bảo mật đã được làm rõ ngay từ đầu. Thế nên, marketer không thể chỉ dùng nguồn dữ liệu này cho việc phục vụ chiến lược marketing mà còn phải biết tận dụng nó vào mọi điểm chạm khác từ các chính sách hỗ trợ và phục vụ khách hàng.

Vậy làm thế nào marketer có thể ứng dụng Agility vào tổ chức của mình? Ông David M. Raab đã chia sẻ ra một loạt các yếu tố góp phần làm nên khả năng Agility:

  • Các dữ liệu thu thập được cần có khả năng liên kết với nhau.
  • Việc lưu trữ dữ liệu cần có sự linh hoạt để có thể mở rộng.
  • Phương thức sáng tạo và quản lý nội dung hiệu quả.
  • Chuẩn bị nhiều phương án thay thế để theo dõi và đo lường hiệu quả quảng cáo ngoài third-party cookies.
  • Ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
  • Trao quyền cho người dùng.

Về vấn đề tổ chức Agitlity, ông David đưa ra 5 đầu mục quan trọng mà marketer có thể lưu ý:

  • Decide on data, not intuition: Marketer cần học cách tận dụng tối đa nguồn dữ liệu mà công ty đang sở hữu, và đưa ra quyết định dựa trên những con số chứ không phải là trực giác.
  • Experiment, don’t optimize: Trong một môi trường không ngừng thay đổi, marketer không nên ngại việc liên tục thử nghiệm để tìm ra những hướng đi phù hợp.
  • Measure outcomes, not inputs: Nhiều marketer có xu hướng tập trung “cân đo đong đếm” những nỗ lực mà họ đã bỏ ra như số lượng email được gửi, số lượng chiến dịch triển khai… Nhưng thực tế, họ cần tập trung đo lường kết quả và hiệu quả mà những nỗ lực trên đem đến.
  • Manage customers, not department: Thương hiệu nên tập trung vào việc quản lý khách hàng thay vì quá chú tâm vào bộ máy tổ chức.
  • Support users, not systems: Thương hiệu hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của người dùng, thay vì quá tập trung vào hệ thống.

Theo Tường Vi / Brands Vietnam
Nguồn: Brands Vietnam