Sandpiper: Gần 2/3 người tiêu dùng Việt tham gia khảo sát cho rằng các công ty nên ưu tiên bảo vệ môi trường thay vì lợi nhuận

Một báo cáo mới do Sandpiper thực hiện cho thấy 64% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát tin rằng các công ty nên ưu tiên bảo vệ môi trường thay vì lợi nhuận. Trong đó 46% người tiêu dùng tin rằng Chính phủ cũng nên ưu tiên tăng trưởng bền vững hơn là chỉ chú trọng vào việc sinh lời.

Báo cáo 2022 Consumer Expectations Index for Asia Pacific do Sandpiper thực hiện cho thấy sự kì vọng của người tiêu dùng đối với các tổ chức công và tư nhân xung quanh các vấn đề bền vững. Báo cáo dựa trên kết quả của cuộc khảo sát 6.000 người tiêu dùng tại 11 thị trường trong khu vực APAC.

Người tiêu dùng nhận thấy họ vừa là một phần của vấn đề, vừa là giải pháp cho các vấn đề bền vững

Kết quả cho thấy người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng các cơ quan thuộc Chính phủ là đơn vị có trách nhiệm cao nhất trong việc giải quyết các vấn đề bền vững (97%). Theo sau là các công ty đại chúng (public company) với 91% người tiêu dùng cho rằng đây là nhóm cơ quan có trách nhiệm trong việc triển khai các giải pháp bền vững. Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là các đơn vị truyền thông (89%) và bản thân nhóm người tiêu dùng (84%).

Khi được hỏi những tổ chức, cá nhân nào có quyền hạn cao nhất khi bàn đến các vấn đề bền vững, kết quả khảo sát cũng tương tự khi chính phủ được cho là đơn vị có quyền hạn cao nhất (73%). Theo sau là các Bộ, ban ngành trực thuộc trung ương (16%), các CEO (3%) và bản thân người tiêu dùng (2%).

Trong khi người tiêu dùng Việt Nam thuộc phạm vi nghiên cứu tin rằng các cơ quan chính phủ đang có những đóng góp tích cực cho sự bền vững của môi trường, họ nhận thấy các công ty tư nhân lại là nhóm có vẻ “hời hợt” với các hoạt động bền vững.

Biến đổi khí hậu là chuyện có thật và đang diễn ra

Báo cáo cũng cho thấy nhóm người tiêu dùng Việt có nhận thức rất rõ về thực trạng biến đổi khí hậu khi 99% người tham gia khảo sát tin rằng môi trường đang có những thay đổi rõ rệt. 1% ít ỏi còn lại không nghĩ đây là một vấn đề mang tính cấp bách. Dù nhận thức được tính nghiêm trọng nhưng chỉ có 54% người tiêu dùng Việt thuộc diện khảo sát cho biết họ thật sự hiểu rõ về biến đổi khí hậu và các tác hại đi kèm.

Khi được hỏi về cảm xúc xung quanh những thay đổi của môi trường, cảm xúc phổ biến nhất là lo lắng, quan ngại (46%), bứt rứt và bất lực (23%), hài lòng (15%) và cảm thấy tội lỗi vì bản thân chưa làm đủ để góp phần giải quyết các thực trạng đáng báo động của môi trường (13%).

Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan ngại về các vấn đề về đói nghèo, biến đổi khí hậu, ô nhiễm vùng biển cũng như thất nghiệp.

Những vấn đề, lĩnh vực nổi cộm

Ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam trong phạm vi nghiên cứu quan ngại về các vấn đề như đói nghèo, biến đổi khí hậu, ô nhiễm vùng biển cũng như thất nghiệp. Tỉ lệ người tiêu dùng Việt Nam lo lắng về các vấn đề trên cao hơn mức trung bình của khu vực APAC.

“Zoom” kĩ vào từng vấn đề, nhóm đáp viên Việt cho rằng những ngành nghề sau đây là những cái tên đứng đầu bảng khi nhắc đến các tính từ như “vô trách nhiệm” hoặc “không hợp tác về mặt pháp lý” bao gồm: mỏ (15%), bán lẻ (10%) và năng lượng (9%).

Thông điệp truyền tải thực sự quan trọng

Trong khi 85% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đã có những hiểu biết cơ bản về khái niệm bền vững, chỉ có 40% thực sự hiểu rõ về khái niệm này. Nhìn chung, việc 85% đáp viên chỉ dừng lại ở những hiểu biết cơ bản về các khái nhiệm như CSR (Corporate Social Responsibility – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và 76% biết đến khái niệm ESG (Environmental, Social & Governance) cho thấy việc truyền thông đến người tiêu dùng về các vấn đề bằng những thông điệp dễ hiểu với tần suất nhiều hơn là khá quan trọng.

Dù những vấn đề về bền vững được đề cập trong nhóm các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) đều là những vấn đề đáng quan ngại, chỉ 66% người tiêu dùng trong khu vực APAC tham gia khảo sát đã được nghe đến danh sách này.

Tải bản đầy đủ của báo cáo tại đây.

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Sandpiper