Marketer Như Hạnh
Như Hạnh

Reporter @ MOT Magazine

Bước chuyển “xanh” trong ngành thời trang

Với những thiệt hại của thời trang nhanh đối với môi trường, những năm gần đây, nhiều nhà mốt đề cao xu hướng thời trang bền vững và không ngừng ra mắt những đứa con tinh thần theo xu hướng “eco-fashion’’ trên sàn catwalk. Vậy làm thế nào để thời trang bền vững phổ biến hơn và người tiêu dùng phải làm sao để thể hiện trách nhiệm với môi trường?

Gánh nặng gây ô nhiễm môi trường

Theo công bố từ Nghị viện Châu Âu vào tháng 4/2022, ngành công nghiệp thời trang nhanh đã góp phần làm tăng số lượng rác thải một cách đáng báo động đối với môi trường, gây ô nhiễm nước, phát thải khí nhà kính và rác thải chôn lấp.

Cụ thể, vào năm 2015 ngành dệt may toàn cầu đã sử dụng 79 tỷ m³ nước, trong khi nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế EU là 266 tỷ m³ nước vào năm 2017. Theo ước tính, để sản xuất một chiếc áo thun cotton, cần 2.700 lít nước ngọt, lượng nước đủ để đáp ứng nhu cầu uống nước cho một người trong 2,5 năm.

Rác thải thời trang cũng đã làm ​​ô nhiễm khoảng 20% nước sạch toàn cầu từ quá trình nhuộm và hoàn thiện sản phẩm. Trong đó, ước tính mỗi năm, chất tổng hợp giặt thải vào đại dương khoảng 0,5 triệu tấn sợi nhỏ. Việc giặt quần áo tổng hợp chiếm 35% lượng vi nhựa nguyên sinh thải ra môi trường. Một lần giặt quần áo polyester có thể thải ra 700.000 sợi vi nhựa.

Bên cạnh đó, người ta cho rằng ngành công nghiệp thời trang phải chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều hơn các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng hải cộng lại. Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu, việc mua hàng dệt may ở EU trong năm 2017 đã tạo ra khoảng 654 kg khí thải CO2/người.

Đặc biệt, rác thải của ngành thời trang rất khó tiêu hủy. Người Châu Âu sử dụng gần 26kg hàng dệt và loại bỏ khoảng 11kg mỗi năm. Quần áo đã qua sử dụng có thể được xuất khẩu ra ngoài EU, nhưng hầu hết (87%) được đốt hoặc chôn lấp. Trên toàn cầu, ít hơn 1% quần áo được tái chế, một phần là do công nghệ không phù hợp.

Thời trang bền vững và trách nhiệm của các thương hiệu

Có lẽ tín đồ thời trang vẫn chưa quên ngày 29/9/2019, ngày thương hiệu thời trang nhanh Forever 21 tuyên bố phá sản và đóng cửa hoạt động. Sự kiện cho thấy giới hạn của ngành thời trang nhanh và sự lên ngôi của thời trang chậm, bền vững hơn. Vậy thời trang bền vững là gì?

Thiết kế từ vải tái chế của nhà thiết kế Hải Long – Thế Huy.

Thời trang bền vững, theo khái niệm được sử dụng nhiều nhất, là một thuật ngữ bao hàm tất cả các sản phẩm, quy trình, hoạt động và các tác nhân (các nhà hoạch định chính sách, thương hiệu, người tiêu dùng) nhằm đạt được một ngành công nghiệp thời trang không có carbon, được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, công bằng xã hội, phúc lợi động vật và toàn vẹn sinh thái.

Để khắc phục tác hại của ngành thời trang, nhiều tổ chức trên thế giới đã đề ra hàng loạt chiến lược giải quyết vấn đề môi trường và kích thích sự đổi mới ngành hàng dệt may bền vững. Nổi bật là những phát minh đề cao tính eco của thời trang hữu cơ: Sản xuất vải từ vật liệu thiên nhiên, thuốc nhuộm từ trái cây, tái chế quần áo từ rác thải bã cà phê… Hay EU có nhãn “Ecolabel” áp dụng cho những mặt hàng của các nhà sản xuất đảm bảo tiêu chí sinh thái, đảm bảo hạn chế sử dụng chất độc hại và giảm ô nhiễm nước và không khí.

Với nhận thức này, các thương hiệu cũng không đứng ngoài cuộc đua bảo vệ Trái Đất xanh khi hướng tới sản xuất quần áo thân thiện với môi trường. Mỗi thương hiệu đều có câu chuyện và cách thức riêng để thể hiện việc phát triển thương hiệu song song với đạo đức, trách nhiệm cộng đồng.

Chiếc váy được làm từ giấm ăn của nhà thiết kế Trần Hùng.

Nếu như Stella McCartney và Chopova Lowena là hai trong số thương hiệu đang đi tiên phong với một loạt các vật liệu hữu cơ, các chính sách lưu thông và các cam kết chống phá rừng, thì Gucci, Vivienne Westwood và Marine Serre lại dành sự quan tâm thực tế đến khí hậu. Gucci hoạt động hiệu quả trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sự “xanh hóa” trong quá trình sản xuất hàng dệt may. Marine Serre nâng cao năng lực thúc đẩy sự tuần hoàn cần thiết trong việc sử dụng hàng dệt may. Vivienne Westwood sử dụng các vật liệu không chứa nhựa và có khả năng tái chế.

Công ty công nghệ sinh học MycoWorks (Anh) đã phát hiện ra một phương pháp mang tính cách mạng để thu hoạch thể sợi (mycelium) từ nấm làm vải. Evolved by Nature cũng phát minh tơ hoạt tính sử dụng protein trong tơ tằm tự nhiên để mô phỏng cấu trúc, đặc tính liên kết của các loại vải khác nhau. Với tính ứng dụng và khả năng tái chế cũng như phân hủy cao, phát minh này đã tạo ra mọi chất liệu may mặc chỉ bằng tơ tằm và hóa chất.

Thời trang “xanh” bắt đầu từ mỗi cá thể

Thúc đẩy việc phát triển thời trang bền vững không phải trách nhiệm của riêng các nhãn hàng, các nhà thiết kế mà cần thay đổi từ chính những người tiêu dùng. Bởi thời trang hữu cơ thực chất không chỉ là hương vị của tầng lớp giàu có, mà dành cho tất cả những ai hiểu được tầm quan trọng của sự bền vững.

Ngày nay, khách hàng đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ bản thân khỏi tác động của hóa chất. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, khi biến đổi khí hậu ngày càng cao và mức thu nhập ngày càng tăng, người tiêu dùng đã có ý thức sẵn sàng trả giá phù hợp cho quần áo hữu cơ. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng qua thời trang bền vững cần một hành trình lâu dài, nhưng tất cả mọi người đều có thể tham gia vào “cuộc cách mạng xanh” bằng những thói quen nhỏ hằng ngày.

Tất nhiên, trang phục hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên sẽ đắt hơn thời trang nhanh, nhưng tuổi thọ của chúng cũng cao hơn, do đó người tiêu dùng có thể cân nhắc mua những sản phẩm eco-fashion thay vì mua quá nhiều fast fashion có tuổi thọ không cao.

Chương trình đổi quần áo cũ nhận ưu đãi mua hàng của H&M.
Nguồn: Fanpage H&M

Tín hiệu đáng mừng là trong khi các hãng thời trang đang nỗ lực thúc đẩy các vòng tuần hoàn của thời trang tái chế, nhiều khách hàng đã tích cực tham gia vào hoạt động thu lại quần áo cũ để đổi điểm. Thay vì thải quần áo ra bãi rác công nghiệp, khách hàng có thể thu gom lại để nhận điểm tích lũy mua hàng hoặc quà tặng của các nhà mốt. Ngoài ra, bằng cách giảm số lượng mua đồ mới và mix-match các đồ cũ với nhau, bạn đã dễ dàng tân trang tủ quần áo của bản thân, cũng như giảm lượng rác thải vào môi trường.

Một cách khác để hưởng ứng thời trang bền vững hiện nay đó là việc giới trẻ, đặc biệt là Gen Z ưa chuộng sử dụng đồ second-hand thay vì thời trang nhanh. Gen Z với tư duy tiến bộ, không cho rằng việc dùng đồ cũ là xấu hổ mà là niềm tự hào, là trách nhiệm góp phần không nhỏ để giảm thiểu rác thải ra môi trường. Theo khảo sát mới nhất của eBay, 80% thế hệ Z mua đồ cũ, và gần 1 trong 3 người bắt đầu bán chúng vào năm ngoái. Thế hệ Z cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người bán hàng với 32%, tiếp theo là 16% thuộc thế hệ Millennials cũng bắt đầu bán hàng second-hand trong năm qua.

Có thể thấy rằng, việc hiểu đúng về thời trang bền vững và sự chung tay của nhiều quốc gia, tổ chức, cá nhân… có thể hỗ trợ cho việc duy trì xu hướng thời trang này một cách lâu dài hơn.

Nguồn: Như Hạnh