Du học Marketing #6: Rosie Nguyễn @ University of Wisconsin-Madison – Hành trình vượt qua cái bóng của chính mình

Kiên trì dành 3-4 năm để chuẩn bị cho hành trình du học đến xứ cờ hoa, chị Rosie Nguyễn – tác giả cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” – đã trải qua những gì và thay đổi thế nào sau hành trình “cơi nới” kho kiến thức và kĩ năng của bản thân?

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

* Đâu là thời khắc, lý do mang tính bước ngoặt cho quyết định du học của chị?

Chị Rosie Nguyễn – tác giả cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”.

Bản thân tôi cũng khó có thể chỉ rõ ra một khoảnh khắc cụ thể. Dù vậy, vẫn có một đoạn thời điểm tạm gọi là cú hích, giúp làm rõ quyết tâm đi du học hơn. Vào năm 2018, tôi nhận được giải thưởng “Giải thưởng FAHASA – Sách được bạn đọc yêu thích bình chọn lần IV-2018” cho tác phẩm “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”. Đằng sau những lời chúc mừng từ bạn bè, niềm vui, niềm tự hào của gia đình, Rosie phiên bản 2018 cảm thấy mình đang “đụng trần” trong công việc và trong hành trình sáng tạo của bản thân.

Để diễn tả thì đó là một điểm “trũng” sau chuỗi ngày thăng hoa với những cố gắng, nỗ lực hết sức để chuyển từ công việc văn phòng sang một tác giả viết sách, nhà làm hoạt động cộng đồng và tư vấn truyền thông. Tại thời điểm đó, tôi cảm nhận rằng những kiến thức, kĩ năng tự mày mò, tự học ở giai đoạn trước đã “chạm nóc”.

Tôi nhận ra điều mình cần là sự đào tạo một cách có chuyên môn, bài bản và mang tính học thuật hơn để tạo được nền tảng đủ vững cho bước phá vỡ cái “trần” kiến thức, kĩ năng và phát triển xa hơn trong tương lai.

Có thể nói chính “cú hích” đó đã tô đậm thêm quyết tâm đi du học đã được “nuôi” từ nhiều năm trước. Trước đó, tôi cũng mày mò 3-4 năm trong việc chọn ngành, tìm trường, đăng ký học bổng để có thể chính thức bắt đầu hành trình đi du học của mình vào năm 2020.

* 3-4 năm là một khoảng thời gian không ngắn, chị Rosie có thể kể lại quá trình chọn ngành của mình?

Thứ tự tìm hiểu của tôi tại thời điểm đó là (1) xác định ngành bản thân muốn học, (2) nơi muốn học và (3) những học bổng hiện có tại những địa điểm đã chọn. Nói rõ hơn về quá trình chọn ngành – vốn là một khâu khá “nhiêu khê” – nhưng may mắn là tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các anh chị mentor.

Về ngành học, thời điểm đầu tôi dự định chọn ngành nghiên cứu về nước Mỹ (American Studies) tại Mỹ. Tuy nhiên, một anh bạn là Giáo sư ngành Truyền thông khuyên tôi nên cân nhắc lại lựa chọn này. Bởi động lực không rõ ràng sẽ khiến tôi gặp khó khăn trong việc giải thích lý do chọn một ngành học không hề liên quan đến kinh nghiệm làm việc.

Trong khi đó, tại Mỹ vẫn có ngành Nghiên cứu Truyền thông khá phát triển. Anh nghĩ đó sẽ là lựa chọn phù hợp hơn với tôi bởi sự liên kết với kinh nghiệm làm việc trước đây và nội dung học cũng sẽ phần nào giải đáp những thắc mắc, trăn trở mà tôi đã đề cập trong cuốn sách của mình. Quả thật, thời gian đó tôi cũng có nhiều trăn trở trong đầu, lời khuyên của anh ấy cũng hợp lý nên tôi quyết định chọn ngành học Nghiên cứu Truyền thông.

* Chị hiện là một tác giả sách với những tựa sách được đông đảo bạn đọc yêu thích. Vì sao chị không chọn những ngành học liên quan đến ngành xuất bản hoặc viết lách?

Sau thành công của “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, Rosie phiên bản 2018 cảm thấy mình đang “đụng trần” trong công việc và hành trình sáng tạo của bản thân.

Lý do đằng sau của lựa chọn này xuất phát từ sự tò mò, mong muốn tìm được lời giải cho những hiện tượng xã hội, truyền thông mà tôi quan sát trong quá trình tìm tư liệu viết sách hoặc làm việc với cương vị là một người tư vấn truyền thông.

Tôi luôn mong muốn tìm được sự lý giải từ “gốc rễ” của vấn đề nhưng sự giới hạn về kĩ năng nghiên cứu và những kiến thức về lý thuyết nên tôi khó có thể “đào sâu” xuống “nền” của sự vật, hiện tượng và lý giải được những nguyên nhân, cơ chế của chúng.

Do đó, tôi cũng chưa tìm được cách để giải thích, truyền tải trọn vẹn thông tin đến độc giả và cho chính bản thân. Còn về kĩ năng viết hoặc kiến thức liên quan đến xuất bản, tôi tự tin là bản thân có thể tiếp tục tự trau dồi với sự giúp đỡ của các mentor xung quanh mình.

Một lý do khác cho quyết định này đến từ mục tiêu dài hạn của bản thân Rosie: trở thành cầu nối giữa giới học thuật, tinh hoa với độc giả phổ thông. Bởi trước đây, trong quá trình tự học, tự mày mò tìm hiểu, tôi đã đọc được khá nhiều lý thuyết hành vi, tâm lý khá bổ ích, giúp ích rất nhiều trong việc lý giải những hành động, phản ứng tâm lý trong đời sống hàng ngày.

Ví dụ như lý thuyết về sự gắn bó (Attachment Theory) đã diễn giải rằng cách một người gắn bó, kết nối với những mối quan hệ xung quanh bắt nguồn từ mối quan hệ của họ với cha mẹ, hoặc người nuôi dưỡng trong quá khứ. Sau khi tìm hiểu và đối chiếu thì tôi khá bất ngờ, xen lẫn một chút hào hứng khi thấy lý thuyết ấy “khớp” với trường hợp của mình. Cứ như vậy, khi càng biết nhiều lý thuyết, tôi thấy khá tiếc khi những kiến thức hay ho này vẫn bị “kẹt” trong giới học thuật. Trong khi đó, độc giả phổ thông lại khó có thể tiếp cận.

Do đó, tôi hy vọng có thể học thêm về những lý thuyết, kiến thức học thuật bổ ích và truyền tải những điều đó trong các tác phẩm sau này của mình để giúp bản thân và độc giả có góc nhìn sâu sắc hơn, những phương án toàn diện hơn để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Khi quyết định du học, chị Rosie hy vọng có thể tích luỹ những lý thuyết, kiến thức học thuật bổ ích để truyền tải những điều đó trong các tác phẩm của mình.

* Quả là một quá trình khá trăn trở để có thể chọn được ngành học giúp bản thân thực hiện được mục tiêu sự nghiệp dài hạn của mình. Vậy việc chọn trường của chị Rosie đã diễn ra như thế nào?

Sau khi qua được một “cửa ải” chọn ngành thì việc chọn trường cũng trở nên dễ hơn một chút vì phạm vi cũng đã được thu hẹp lại trong danh sách những trường đào tạo ngành Nghiên cứu truyền thông tại Mỹ. Điểm khác biệt lớn giữa Mỹ và những quốc gia mà tôi đã cân nhắc lựa chọn trước đó (Ireland và Canada) là số lượng trường. Ở Mỹ có đến hơn 5.000 trường đại học và cao đẳng khác nhau. Do đó, những tưởng việc chọn trường sẽ dễ dàng hơn nhưng thực ra lại là một hành trình căng não khi phải thu hẹp phạm vi các trường đào tạo đúng ngành mình muốn học và những yếu tố khác.

Để dễ hình dung thì nhóm trường đào tạo truyền thông ở Mỹ như một cánh rừng bạt ngàn và mình phải tìm được “cái cây” phù hợp trong khu rừng rộng đó. Nhưng vậy vẫn chưa đủ, tôi phải ngắm “nó”, “leo” lên cái cây đó qua những bước research, hỏi thăm để chọn được “cái cây” cuối cùng. Tôi còn nhớ là mình đã lập hẳn một bảng excel liệt kê 50 trường đại học có đào tạo ngành Nghiên cứu truyền thông, liệt kê rõ mảng nghiên cứu chủ lực của họ, thứ tự xếp hạng của trường, những giảng viên ưu tú tại trường và hướng nghiên cứu của họ cùng các thông tin về học bổng, gói hỗ trợ sinh viên…

Nếu làm việc một cách rõ ràng, khoa học như vậy thì dù hơi tốn thời gian nhưng quá trình chọn trường cũng sẽ đỡ rối hơn (trường hợp của tôi mất khoảng 3 tháng). Do đó, việc chọn trường, chọn ngành nên được thực hiện càng sớm càng tốt.

University of Wisconsin-Madison.
Nguồn: NBC15

* Mình đã đi qua hành trình chọn ngành, chọn trường, vậy còn hành trình đăng ký học bổng của chị Rosie có những cột mốc nổi bật nào?

Có thể chia hành trình đăng ký học bổng của tôi thành 2 giai đoạn: trước và sau khi tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ IATSS tại Nhật.

Thời điểm trước khi tham gia chương trình, tôi còn mông lung và chưa định hướng rõ mình muốn học gì nên liên tục đăng ký các chương trình học bổng ngắn hạn. Nhưng có lẽ do mục tiêu không cụ thể nên tôi khó có thể chuẩn bị tốt và rớt 2-3 lần. Thất bại liên tục như thế cũng khiến tôi nản lòng không ít thì nhiều, nhưng mong muốn đi học, phá vỡ “cái trần” kiến thức trong tôi vẫn mạnh hơn sự nản lòng đó.

Sau khi tham gia IATSS, con người, tính cách cũng như hướng phát triển của bản thân tôi có sự thay đổi rất nhiều. Tôi nhận ra rằng khi mình lãnh đạo bản thân tốt, mình sẽ biết cách quản trị cảm xúc, mục tiêu tốt hơn. Chương trình cũng giúp tôi mài giũa những “điểm sáng” khác như sự thấu cảm, cảm thông với người khác, học được cách nhìn và hiểu thêm những điều ở bên dưới “bề mặt” sự vật, sự việc cũng như cách xây dựng một cộng đồng bền vững dựa trên sự hòa hợp.

Bước ra từ “lò luyện” IATSS, tôi có thêm “chất liệu” để phát triển hồ sơ đăng ký học bổng, mạnh dạn nộp những học bổng dài hạn và quy mô lớn hơn. Một lần nữa, tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ từ một mentor rất giỏi trong việc xây dựng hồ sơ đăng ký học bổng. Nhờ vậy, tôi may mắn “đậu” 3 học bổng gồm IDEAS của Ireland, Chevening của Chính phủ Anh và Fulbright của Chính phủ Mỹ.

Hai học bổng IDEAS và Chevening có kết quả trước. Tôi đã tạm hoãn nhận học bổng Chevening để đợi kết quả từ Fulbright vì mục tiêu đi học ngành Nghiên cứu Truyền thông tại Mỹ. Cơ hội trải nghiệm chỉ đến một lần, sao mình không mạnh dạn đặt niềm tin vào nó? – tôi đã nghĩ như vậy và “nín thở” chờ đợi kết quả. “Liều ăn nhiều” là đây khi tôi cũng nhận được 1 suất học bổng Fulbright và không hối hận với những trải nghiệm học ngành Nghiên cứu Truyền thông tại Mỹ của mình.

* Chị Rosie đi học vào ngay thời điểm “nóng” của đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Những trải nghiệm đi học thời “cách ly” tại xứ người của chị Rosie có những cảm xúc, trải nghiệm đáng nhớ nào?

Khoảng thời gian học online vì dịch COVID-19, dù khó khăn, nhưng chị Rosie lại có cơ hội trò chuyện và chăm sóc bản thân mình.

Khi sang Mỹ, tôi học tập và sinh sống tại thành phố Madison thuộc bang Wisconsin và đúng ngay thời điểm đỉnh dịch. Học online khiến tôi khó mà làm quen bạn mới và môi trường học tập. Lớp học kết thúc là mọi người thoát khỏi Zoom nên cơ hội giao tiếp, tương tác cũng bằng không. Oái ăm hơn là các bạn cùng trọ cũng lần lượt dương tính. Chúng tôi đành phải hạn chế tiếp xúc để bảo vệ sức khỏe bản thân vì thời điểm đó chưa có vắc xin cũng như các biện pháp giảm thiểu triệu chứng cụ thể.

Dù là người hướng nội nhưng tôi cũng cảm thấy bí bách khi có những thời điểm tôi không hề thấy một gương mặt người nào trong nhiều tuần. Tôi cũng không chia sẻ nhiều được với người thân, bạn bè ở Việt Nam phần vì sợ họ lo lắng, phần vì trái múi giờ khiến việc liên lạc cũng không được thuận tiện.

Nhưng người xưa cũng thường nói “trong nguy có cơ”, trong khó khăn vẫn tồn tại những cơ hội. Sau khoảng thời gian cô đơn ban đầu, tôi có thêm thời gian để quay lại bên trong mình, trò chuyện với chính mình để hiểu bản thân hơn, biết cách chăm sóc bản thân và trở thành một người bạn tốt hơn đối với chính mình.

* Chị Rosie có thể chia sẻ thêm về chương trình học của chị tại Mỹ?

Ngành Nghiên cứu Truyền thông sẽ tập trung đào tạo về khả năng nghiên cứu với đối tượng nghiên cứu chính là các marketer, nhà báo, nghiên cứu về tác động của truyền thông hoặc của những sản phẩm truyền thông, sáng tạo đối với thị trường. Những kiến thức về marketing và truyền thông sẽ là phần bổ trợ cho các dự án nghiên cứu xuyên suốt khóa học.

Ngoài ra, một điểm tôi rất thích là sự linh hoạt, khi người học có thể học thêm những môn khác mà họ có hứng thú như Nhân học, Giáo dục học hoặc Tâm lý học để bổ sung vào mảng nghiên cứu chính của học viên. Nhờ sự linh hoạt này, tôi phát hiện những hứng thú khác mà bản thân trước giờ chưa phát hiện ra như chủ đề nghiên cứu về giới, tìm hiểu sự bất bình đẳng giới…

Cuối khóa, tôi thực hiện luận văn tốt nghiệp với đề tài “Online shaming & Cancel culture” (Tạm dịch: Nghiên cứu về các hành vi “ném đá” trên mạng xã hội). Một trong những lý do khiến tôi quyết định chọn đề tài này là khi một số người bạn làm truyền thông, sáng tạo của mình trở thành nạn nhân của hành vi “ném đá” và bạo lực mạng xã hội. Tôi muốn tìm hiểu về nguyên nhân đằng sau những hành vi đó. Điều gì, những điểm chạm tâm lý nào đã khiến họ có những hành vi, phát ngôn như vậy? Những ảnh hưởng nào có thể gặp nếu hiện trạng này tiếp tục kéo dài? Đó là ảnh hưởng tốt hay xấu?

Bạo lực mạng là một trong số những hiện tượng xã hội đang được giới nghiên cứu tìm hiểu khá nhiều, bản thân tôi cũng hy vọng là trong tương lai mình sẽ được tham gia vào những dự án nghiên cứu về các hiện tượng xã hội tương tự.

Nhờ sự linh hoạt trong việc chọn thêm môn học, chị Rosie biết thêm những hứng thú khác mà bản thân trước giờ chưa phát hiện ra.

* Trong 2 năm, chị Rosie vừa học, vừa thực hiện dự án nghiên cứu vừa học thêm những môn học bổ trợ. Chị đã tối đa hóa thời gian biểu của mình như thế nào để có thể hoàn thành nhiều đầu việc như vậy?

Theo trải nghiệm cá nhân, đại cương môn học (syllabus) tại các trường ở Mỹ cũng đã nêu rõ yêu cầu về tài liệu cần đọc, thời gian học tối thiểu để có thể hoàn thành tốt môn học đó. Do đó, nhiệm vụ của tôi chỉ là sắp xếp thời gian học của mình sao cho đủ và đúng với yêu cầu được nêu trong đại cương. Ví dụ, một môn học 4 tín chỉ cần ít nhất 10 tiếng học/ tuần (bậc cử nhân) để qua môn. Nghĩa là mỗi ngày mình sẽ phải dành ít nhất 1 tiếng rưỡi cho môn đó hoặc 2 tiếng nếu muốn đi chơi cuối tuần.

Một “bí kíp” mà tôi thường áp dụng để học tốt hơn là tương tác thường xuyên với các giáo sư. Cụ thể, để không bị mất thời gian cho những môn học mình không thích, tôi thường xin giáo sư phụ trách đại cương môn học để xem qua nội dung của môn đó trước khi quyết định đăng ký tín chỉ. Bởi có những môn tên nghe rất “kêu” nhưng nội dung lại không phải là phần mình hứng thú nên việc tìm hiểu kĩ sẽ giúp thời gian học của bạn trở nên thú vị và ý nghĩa hơn.

Việc tương tác nhiều với các giáo sư cũng giúp tôi xác định những điểm cần cải thiện, những điểm bản thân đã làm tốt nhanh hơn, tiết kiệm thời gian “vò đầu bứt tóc” không đáng có.

“Khoảng thời gian học tập tại Mỹ là giai đoạn tôi tạm ‘cởi bỏ’ vai trò tác giả sách và tìm hiểu những khía cạnh khác của bản thân”.

* Nếu có thể dùng 1 từ để miêu tả hành trình du học của mình, chị Rosie sẽ chọn từ nào?

Một từ mà tôi có thể dùng để miêu tả đó là từ “ý nghĩa”. 2 năm tại trường tuy không quá dài nhưng bản thân tôi đã học và thay đổi rất nhiều. Điều học được đầu tiên là vốn kiến thức học thuật, kĩ năng phân tích, nghiên cứu của mình được nâng cao đáng kể. Nếu trước đây tôi vẫn còn lúng túng trong việc phân tích, đào sâu một vấn đề, hiện tượng xã hội, giờ đây, với khối lượng kiến thức, lý thuyết và kĩ năng đã được học, tôi có thể tự tin rằng mình đủ khả năng để “bóc tách” một vấn đề nào đó bài bản hơn.

Điều học được thứ hai là tôi biết được rằng các nhà khoa học, chuyên gia, học giả trong ngành đã và đang nghiên cứu đến mức độ nào với từng hiện tượng xã hội. Điều này giúp tôi có thêm tự tin và công cụ để tiếp cận và viết về những đề tài xã hội, cung cấp cho độc giả những góc nhìn sâu sắc, nhiều chiều hơn qua những trang viết của mình.

Ngoài ra, khả năng tư duy phản biện, suy nghĩ đa chiều của tôi cũng được rèn giũa trong suốt 2 năm học. Điều này đã phần nào mở rộng góc nhìn của bản thân với những vấn đề nhạy cảm trước đây tôi chưa đủ tự tin để tìm hiểu, lên tiếng bàn luận.

Một thay đổi khá “riêng tư” khác là tôi học được cách yêu thương bản thân mình nhiều hơn, trân trọng những ưu điểm trong tính cách của mình sau khi trải qua khoảng thời gian “cách ly xã hội”. Bên cạnh đó, khoảng thời gian học tập tại Mỹ là giai đoạn tôi tạm “cởi bỏ” vai trò tác giả sách và tìm hiểu những khía cạnh khác của bản thân. Đó có thể là một chút vụng về, một chút tùy hứng mà không cần lo lắng quá nhiều đến những đánh giá từ người khác. Sự thoải mái đó có thể là do văn hóa tôn trọng sự đa dạng của nước Mỹ.

Một cách tôi “phòng vệ” cho bản thân trước những cú sốc văn hóa là chăm đọc sách, đặc biệt là những tác phẩm nói về văn hóa, lịch sử.

* Chị Rosie có lời khuyên nào cho các bạn đang chuẩn bị “xuất cảnh” trong tương lai?

Không hẳn là lời khuyên, tôi nghĩ 2 gợi ý sau có thể giúp hành trình “nạp” kiến thức của các bạn trở nên ý nghĩa và “thuận buồm xuôi gió” hơn: (1) luôn trau dồi khả năng tiếng Anh và (2) chuẩn bị những hiểu biết và kiến thức về văn hóa, môi trường sống của nơi bạn sẽ sinh sống và học tập.

Trước khi đến Mỹ, tôi khá tự tin với vốn tiếng Anh IELTS 8.0 của mình nhưng thực tế thì hay phũ phàng. Tôi nhận ra rằng có thể người Châu Á nói tiếng Anh với nhau sẽ hiểu đối phương nói gì. Tuy nhiên, có một số khu vực ở Mỹ, nơi người dân ít tiếp xúc với người nước ngoài thì việc giao tiếp là một chặng đường dài để hai bên có thể nghe và hiểu điều đối phương muốn nói.

Vì vậy, tôi nghĩ trước khi “xách ba lô lên và đi” và khi đặt chân đến môi trường mới, các bạn hãy tìm thật nhiều cơ hội để rèn luyện khả năng nghe và giao tiếp với người bản xứ để trau dồi khả năng của mình.

Một cách tôi “phòng vệ” cho bản thân trước những cú sốc văn hóa là chăm đọc sách, tìm hiểu văn hóa của họ qua những tác phẩm nói về văn hóa, lịch sử. Ví dụ như với các nước Châu Âu tôi đã đọc cuốn “Súng”, “Vi trùng” và “Thép” hoặc với Mỹ sẽ là những tiểu thuyết đậm chất “Mỹ” như “Bắt trẻ đồng xanh”, “Giết chết con chim nhại”… Vì với đặc thù ngành học nghiên cứu của tôi, việc tranh luận, thảo luận về các chủ đề nền văn minh, văn hóa là điều không thể tránh nên việc trang bị những kiến thức này cũng không thừa.

Lẽ dĩ nhiên, dù bạn có chuẩn bị nhiều thì khi đến nơi vẫn sẽ có những khác biệt thực tế cần thời gian để làm quen. Tuy nhiên, tỉ lệ “sốc” sẽ giảm vì bạn cũng đã tự tiêm “vắc xin” cho mình khi ở nhà.

* Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị và truyền cảm hứng!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam