Marketer Hoàng Nguyễn
Hoàng Nguyễn

Head of Product Design @ GEEK Up

Để phát triển, hãy biết như không biết

Chúng ta tin vào những thứ chúng ta biết. Chúng ta sợ những thứ chúng ta không biết.

Khi bắt đầu có nhận thức về thế giới, cũng là khi chúng ta bắt đầu thu thập các thông tin và dữ liệu để biến chúng thành sự hiểu biết của mình. Bạn càng có khả năng thu thập và có nhiều sự hiểu biết, bạn càng có nhiều cơ hội để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi được cho là người khôn ngoan nhất thời bấy giờ, nhà triết gia vĩ đại Socrates đã nói: “I know that I know nothing”.

Theo Plato, chính bởi vì Socrates tự biết được rằng kiến thức của mình chẳng là gì so với sự rộng lớn của thế giới nên ông mới được coi là người khôn ngoan nhất.

Nhìn chung, sự hiểu biết của chúng ta có thể chia thành 4 vùng.

1. Ta biết những thứ ta biết

Đây là vùng thường được nhắc với cái tên “Comfort Zone”, vì đây là vùng có sự hiểu biết chắc chắn nhất của mỗi người.

Ta biết mình ở đâu, ta biết Toán và biết tiếng Việt, ta biết nếu chạm vào nước sôi sẽ bị bỏng, ta biết rằng dù tối nay có khóc lóc cỡ nào thì sáng mai mặt trời vẫn mọc...

Sự hiểu biết này giúp ta có thể dự đoán được gần như chắc chắn những gì sắp xảy ra, giúp cho ta đưa ra được những quyết định an toàn.

Nhưng cũng bởi vì quá an toàn, nên ta thường chỉ muốn ở lại trong vùng này.

Và tới một lúc, sự an toàn lại trở thành nguy hiểm. Vì nếu vùng này của ai càng nhỏ, thì người đó càng thấp thỏm lo âu vì không biết điều gì đang chờ mình vào ngày mai. Để giảm bớt sự bấp bênh, cách duy nhất là tranh thủ thời gian để mở rộng hiểu biết.

Thông thường, tuổi trẻ là khi năng lực học tập của chúng ta cao nhất. Bằng cách siêng năng học tập từ nhiều nguồn tri thức, và đặc biệt là từ những người khác, ta có thể bồi đắp một vùng an toàn vững chắc.

2. Ta biết những thứ ta không biết

Là vùng Socrates nhắc tới, có thể gọi là “Humble Zone”.

Ta biết người ta có thể chế tạo được tên lửa bay lên mặt trăng, nhưng ta không biết phải làm thế nào.

Ta biết người ta có thể làm giàu nhờ đầu tư, nhưng đầu tư sao để hiệu quả thì ta không biết.

Ta biết người ta có thể làm ra những ly cocktail ngon, nhưng thế nào để ngon thì ta không biết.

Ta càng nhận thức được nhiều thứ ta không biết, ta càng rộng lòng để lắng nghe, để học hỏi và cũng tránh đi “bốc phét” với người khác để phải nhận quả đắng về sau.

3. Ta không biết những thứ ta biết

Vùng thường nói đùa là “được tổ tiên mách bảo”, “Spirit Zone”. Nghĩa là những việc ta có thể làm được nhưng lại không thể lý giải nó theo logic hoặc công thức rõ ràng.

Ta thấy bức tranh này thật đẹp, nhưng vì sao nó lại đẹp trong mắt ta thì thật khó nói.

Ta “shake” (kỹ thuật lắc rượu và đá) ra được một ly cocktail hợp vị, nhưng shake trong bao lâu, tốc độ nên thế nào thì lại không có quy tắc nhất định.

Ta yêu một người say đắm, nhưng khi được hỏi “Anh yêu em vì điều gì?” ta lại lúng túng rồi bắt đầu bịa ra một vài lý do gì đấy.

Ngày nay, các tập đoàn kinh tế đầu tư rất nhiều tiền của nghiên cứu để hiểu được vùng này nhằm tạo ra ham muốn mua sản phẩm từ chúng ta.

Từ từ cảm nhận vùng 3 là việc đi vào bên trong để hiểu rõ bản thân hơn. Tạo được sự kết nối liền mạch giữa: Những gì ta làm (Do)Những gì ta nghĩ (Thought)Những gì ta cảm nhận (Feel)Những gì ta đã trải nghiệm (Experience). Đây cũng là lúc bạn bắt đầu thấy được cả vũ trụ bên trong mình.

Để cụ thể hóa được những gì mình không biết mình biết, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Tôi muốn phát triển bản thân như tôi muốn.

4. Ta không biết những thứ ta không biết

Mình tạm gọi nó là “Adventure Zone”, vùng đất để thám hiểm.

Vì thế giới ngoài kia quá rộng lớn, chắc hẳn có rất nhiều điều thú vị để ta tìm tòi khám phá.

Giống như khi Harry Potter biết tới sự tồn tại của thế giới phù thủy, cũng là khi câu chuyện của một anh hùng bắt đầu.

Giống như Luffy biết tới trái ác quỷ và đại hải trình, cũng là khi cậu biết được mục tiêu của đời mình là trở thành vua hải tặc.

Bạn chẳng thể nào biết được một chút gì về vùng đất này, cho đến khi được biết đến nó. Giống như đột nhiên virus COVID-19 xuất hiện rồi thay đổi toàn bộ hiện trạng cuộc sống, mà chẳng thèm thông báo trước cho ta một tiếng nào để chuẩn bị.

Thi thoảng hãy dũng cảm khám phá thêm vùng 4, vì để đạt được những cái trước giờ mình chưa có, thì cần phải làm những việc trước giờ mình chưa làm.

Suy nghĩ cuối cùng

Chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp vào các mối quan hệ xung quanh như:

  • Vùng 1 là những gì ta biết rõ về đối phương, mở rộng vùng này bằng cách chia sẻ, tiết lộ nhiều hơn những điều mà người kia chưa biết. Vùng này càng nhiều, mối quan hệ càng an toàn.
  • Vùng 2 là mỗi câu chuyện ta được nghe về đối phương, nhưng với tấm lòng rộng mở, bắt đầu bằng việc nói ra suy nghĩ của mình, và chân thành lắng nghe.
  • Vùng 3 là cảm nhận riêng của ta về đối phương, chỉ với sự tôn trọng mới có thể duy trì được nó bền vững.
  • Và thỉnh thoảng, khi cảm thấy mối quan hệ có vẻ đang nhạt dần, hãy cùng nhau khám phá thêm vùng 4 để tạo sự mới mẻ, cũng như biến nó trở thành vùng 1.

Chúc bạn có thể biến sự hiểu biết thành sự khôn ngoan.

Để xem thêm những bài viết tương tự, mời bạn theo dõi:

* Nguồn: hoang.moe