9 điều quan trọng cần kiểm tra trước khi mua nhượng quyền

Nhiều mô hình nhượng quyền trên thị trường hiện tại đang bị sử dụng sai mục đích để “lùa gà”. Thôi thì trước khi “xuống tiền”, bạn đừng vội tính đến hàng tháng đếm tiền lãi. Tốt hơn, hãy hình dung những viễn cảnh trước mắt và đo lường những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Vậy mua nhượng quyền có thể có những rủi ro tiềm ẩn gì? Bài viết dưới đây đề cập đến 9 rủi ro mà mình cho là vô cùng quan trọng.

Mua nhượng quyền có thể tiềm ẩn rủi ro gì?
Nguồn: Getty Images

1. Rủi ro FOMO

Khi mua nhượng quyền, bạn được vẽ ra một bức tranh tài chính tươi sáng với những cam kết rất “ngon ăn”. Bạn sợ rằng đây là “cơ hội ngàn năm có một, không chớp lấy là người khác cướp mất”.

Đừng FOMO, cũng đừng vội tin nhân viên sale vì họ đang muốn bán hàng. Tốt nhất, hãy hỏi trực tiếp những người đã mua nhượng quyền, những người đang kinh doanh nhượng quyền của thương hiệu đó. Những thông tin từ nguồn này chuẩn chỉnh hơn nhiều.

2. Rủi ro phụ thuộc

Người mua nhượng quyền sẽ phải phụ thuộc nhiều thứ vào thương hiệu mẹ. Điểm này thực ra vừa lợi, vừa hại. Lợi vì sự phụ thuộc này giúp người mua nhượng quyền đỡ mất công suy nghĩ về nhiều khía cạnh, nhưng đồng thời cũng có mặt hại vì sự chủ động của bạn trong các hoạt động kinh doanh sẽ không nhiều.

3. Rủi ro hiệu ứng chuỗi

Bạn mua nhượng quyền, cửa hàng của bạn hoạt động chuẩn chỉnh. Nhưng nếu thương hiệu mẹ gặp “phốt”, hoặc một cửa hàng khác trong chuỗi gặp khủng hoảng, cả chuỗi sẽ bị hiệu ứng xấu kéo theo. Mà tầm này thì bước một bước ra đường đã bắt gặp đến hàng trăm reviewer có tâm lẫn không có tâm, cùng đông đảo các hội nhóm review khác sẵn sàng “bóc phốt” bạn.

Khi kinh doanh nhượng quyền, nếu thương hiệu mẹ gặp “phốt”, hoặc một cửa hàng khác trong chuỗi gặp khủng hoảng, cả chuỗi sẽ bị hiệu ứng xấu kéo theo.
Nguồn: Getty Images

4. Rủi ro sức khỏe công ty mẹ

Đôi khi bên bán nhượng quyền trông có vẻ hoành tráng thế thôi nhưng thực sự không phải là công ty mạnh. Nếu công ty mẹ chưa ổn định, thân mình lo còn chả xong thì lấy đâu ra sức mà bao bọc và hỗ trợ cho cửa hàng của bạn?

5. Rủi ro sáng tạo

Khi mua nhượng quyền, bạn hiểu khách hàng ở khu vực và muốn thực thi những ý tưởng riêng để phục vụ nhóm khách hàng này. Tuy nhiên, do những đặc thù về chuỗi, về menu, sản phẩm, campain truyền thông... mà bạn không thể tự sáng tạo ra các chiến dịch để chạy một mình được. Nếu bạn là tuýp người sáng tạo, giàu ý tưởng, thì có lẽ kinh doanh nhượng quyền sẽ không phù hợp.

6. Rủi ro biên lợi nhuận

Thương hiệu có mức biên lợi nhuận quá thấp thì không nên bán nhượng quyền, dù những mô hình này thường có traffic rất tốt do giá rẻ. Tuy nhiên, người mua phải nhượng quyền của thương hiệu này sẽ gặp rủi ro về biên lợi nhuận. Bởi khi mua nhượng quyền, bạn phải mua nguyên vật liệu, rồi thêm phần trăm royal fee cho bên bán nữa. Biên lợi nhuận vốn đã mỏng sẽ càng mỏng thêm.

7. Rủi ro pháp lý

Nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện đã bán nhượng quyền (câu chuyện của Phở Thìn là một ví dụ). Vấn đề pháp lý tranh cãi chưa biết bao giờ mới đến hồi kết, nhưng trước mắt, việc người mua nhượng quyền những thương hiệu này phải chịu thiệt hại là điều thấy rõ.

Kinh doanh nhượng quyền luôn tồn tại những rủi ro cạnh tranh cả bên ngoài lẫn nội bộ.
Nguồn: HubSpot

8. Rủi ro cạnh tranh

Bạn thấy một món gì đó đang bán đắt hàng, thế là tìm cách mua nhượng quyền. Nhưng bạn thấy thì người khác cũng thấy. Đơn giản như ban đầu mua nhượng quyền trà sữa ABC, “một mình một chợ” vừa bán vừa xua cũng đắt hàng. Thế rồi mật ngọt thì ruồi nhiều, hàng trăm thương hiệu nhượng quyền tương tự mọc ra như nấm. Rủi ro cạnh tranh cũng vì thế mà trở nên gay gắt hơn.

9. Rủi ro cạnh tranh nội bộ

Đánh nhau với “thù ngoài” chưa xong thì “giặc trong” đôi khi cũng tạo áp lực khiến bạn phải ra sức nghĩ cách đối phó. Không phải là tất cả nhưng nhưng nhiều thương hiệu bán nhượng quyền tràn lan khiến mật độ quán trở nên dày đặc. Khi mật độ quá dày, cứ 100-200m/quán, thì các quán sẽ cạnh tranh “nảy lửa”. Cạnh tranh với đối thủ đã mệt, giờ lại tự cạnh tranh với nhau nữa thì đúng là “thập diện mai phục”.

Đừng nhầm, mình không phản đối nhượng quyền. Mình luôn cho rằng, về mặt bản chất, nhượng quyền là một công cụ tốt. Nhưng công cụ dù có tốt đến mấy thì ít nhiều cũng phụ thuộc vào việc người ta sử dụng với mục đích gì. Và công cụ tốt đến mấy thì nó cũng có những mặt trái.

Vì vậy, đừng vội FOMO để rồi toàn nhìn vào màu hồng, hãy cân nhắc những điểm bất lợi trên trước khi mua nhượng quyền. Không phải để khiến mình nản lòng, đơn giản là để chuẩn bị mọi thứ kỹ càng hơn.

Hoàng Tùng – Mr Pizza