Marketer Như Hạnh
Như Hạnh

Reporter @ MOT Magazine

Lễ hội Áo dài TPHCM: Tôn vinh nét đẹp tinh hoa

Không chỉ là sự kiện góp phần kích cầu du lịch vô cùng hiệu quả, Lễ hội Áo dài TP. Hồ Chí Minh còn tôn vinh áo dài như bản sắc văn hóa, là quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam.

Lan tỏa tình yêu văn hóa

Cứ định kỳ vào tháng 3 hàng năm, một sự kiện tiêu biểu của TPHCM lại diễn ra, Lễ hội Áo dài đã trở thành một hoạt động văn hóa - du lịch quan trọng, tôn vinh bản sắc Việt. Chương trình đã từng bước khẳng định thương hiệu với du khách bốn phương, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh “TP. Hồ Chí Minh - Điểm đến An toàn - Hành trình Sống động”.

Lễ hội Áo dài lần thứ 9 với chủ đề “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” được tổ chức từ 3 - 31/3/3023 với nhiều hoạt động hấp dẫn: Lễ khai mạc Lễ hội Áo dài, Chương trình nghệ thuật về Áo dài, Chương trình diễu hành Áo dài,…tại các di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch, công trình kiến trúc của TPHCM. Điểm mới của lễ hội năm nay là tọa đàm "Nét đẹp áo dài Việt - Bảo tồn và phát triển" kết hợp workshop trang trí áo dài dành cho nữ tổng lãnh sự, phu nhân tổng lãnh sự và cán bộ đang công tác tại cơ quan ngoại giao, Hội hữu nghị và tổ chức phi chính phủ toàn thành phố. Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm bộ Áo dài Metaverse sắp ra mắt - "Mèo xinh trẩy hội” với hình ảnh các nhân vật mặc áo dài đi qua các điểm du lịch đặc sắc.

Đặc biệt, đây cũng là lễ hội đầu tiên được truyền thông tại nước ngoài. Dự kiến vào tháng 10, ngành du lịch thành phố sẽ lên kế hoạch tổ chức quảng bá Lễ hội Áo dài tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Asia 2023 - Singapore với mục tiêu quảng bá sự kiện du lịch văn hóa đất nước đến với các thị trường quốc tế.

Viết tiếp hành trình “di sản” trong lòng người Việt

Bắt đầu từ năm 2014, Lễ hội áo dài lần đầu tiên ra mắt trong 2 ngày 8 - 9/3 tại Công viên văn hóa Đầm Sen đã thu hút hơn 50.000 người tham dự trong trang phục áo dài. Trải qua 8 mùa, quy mô ngày càng mở rộng, Lễ hội Áo dài đã thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo NTK áo dài, người nổi tiếng và người hâm mộ áo dài cả nước. Đặc biệt có rất nhiều NTK đồng hành từ những ngày đầu tiên: NTK Sỹ Hoàng, Thuận Việt hay Tuấn Hải. Nói đến những đôi bàn tay tài hoa chuyên áo dài, nếu như Thuận Việt là cái tên uy tín được các hoa hậu “chọn mặt gửi vàng” thiết kế quốc phục dự thi tại đấu trường nhan sắc quốc tế, thì Sỹ Hoàng nổi tiếng với cách “thương” tà áo dài Việt, anh đã dành hơn 12 năm để xây dựng bảo tàng áo dài.

Theo thông tin từ ban tổ chức, mùa 9 sẽ có 24 NTK đồng hành, giới thiệu những BST: Sĩ Hoàng, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Liên Hương, Việt Hùng, Nguyễn Đức Huy, Hồ Trần Dạ Thảo…Ý tưởng các BST áo dài sẽ gắn với hình ảnh du lịch, góp phần hướng đến việc tái hiện hình ảnh đặc trưng của du lịch trên sông Sài Gòn bằng những câu chuyện theo phong cách thời trang riêng của các NTK.

Có lẽ khắp cả nước không thiếu những sự kiện về chủ đề áo dài, nhưng Lễ hội Áo dài TPHCM vẫn mang một độc đáo rất riêng. Những năm qua, lễ hội đã để lại kỷ niệm khó quên trong lòng khán giả bằng nhiều dấu ấn đáng tự hào như: Năm 2014, sự kiện xác lập kỷ lục nhiều người tham gia lễ hội với trang phục áo dài nhất; Năm 2017 có 3000 bạn trẻ tham gia diễu hành trong trang phục áo dài xếp thành hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng năm đó, chương trình ghi điểm trong mắt khán giả bởi BTC nói “không” với áo dài - váy đụp, không chấp nhận thí sinh tham gia dự thi với loại trang phục này…Điều này phần nào cho thấy lễ hội đang bảo vệ áo dài như bảo vệ văn hóa của tổ quốc.

Chưa kể đến, lễ hội Áo dài còn là cầu nối du lịch gắn kết Việt Nam với du khách quốc tế. Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ bộ sưu tập Áo dài “99 Quốc kỳ” mở màn tại Lễ hội lần thứ 6 lấy cảm hứng từ quốc kỳ 99 quốc gia. Du khách đến TPHCM tham quan du lịch vào mùa lễ hội sẽ được thưởng thức nét văn hóa thanh lịch truyền thống đan xen trong hơi thở hiện đại cùng vẻ đẹp năng động của thành phố trẻ.

Bà James Sterson, một sứ giả người Mỹ đã nói rằng: “Không một đất nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp, vừa truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa như tà áo dài Việt Nam”. Quả thực là như vậy. Chiếc áo dài từ lâu đã gắn bó với đời sống của người Việt và trở thành biểu tượng văn hóa trang phục trong bất kỳ dịp nào; từ những chiếc áo dài trắng quốc dân của nữ sinh cấp 3 đến những chiếc áo màu sắc ngày lễ, Tết, hay tại chương trình văn hóa, tín ngưỡng, các nghệ nhân đều mặc áo dài để biểu diễn. Đặc biệt, vào những ngày đại lễ của quốc gia, sự kiện quan trọng trên diễn đàn quốc tế, áo dài đã trở thành quốc phục mang niềm tự hào, phẩm giá tôn quý của người Việt.

Với ý nghĩa tôn vinh nét đẹp tinh hoa của áo dài Việt, Lễ hội Áo dài TPHCM sẽ là nơi kể về câu chuyện của chiếc áo dài qua những BST độc đáo. Đồng thời hứa hẹn đem đến cho người dân Việt Nam cùng du khách quốc tế những trải nghiệm độc đáo cùng cung bậc cảm xúc đáng nhớ.