Thương hiệu "phong cách"

Nguồn: https://marketoonist.com/2013/07/lifestyle-brand.html

Rất nhiều thương hiệu mong muốn đạt đến cảnh giới “phong cách”. Đây là tầng cuối cùng sau khi luyện thành nội công marketing. Công lực của những thương hiệu này vượt xa những thuộc tính “nhỏ nhoi” của sản phẩm, mang lại những lợi ích vượt trội.

Người tiêu dùng muốn “xưng hùng, xưng bá” trên chốn “giang hồ” thì chỉ cần mua và sử dụng thương hiệu “phong… cách”.

Chỉ vì muốn đạt đến cảnh giới tăng trưởng và khác biệt trên thị trường mà không ít marketer đã bất chấp nguy hiểm, tu luyện môn “nội công phong… cách” này.

Một trong những lý do thành công của phương pháp này đến từ ngành hàng chăm sóc gia đình, các thương hiệu nước rửa tay hay sữa dưỡng thể sẽ thoát khỏi cái bóng của những sản phẩm đáp ứng nhu cầu chức năng thông thường.

Người đời có câu: “Cố quá có khi thành… quá cố”, ra sức tập luyện “nội công phong… cách” mà không màng đến kết quả thì chuyện thương hiệu “tẩu hoả nhập ma” là tất yếu. Kết quả phong cách tìm hoài không thấy mà “lãng nhách” ở đâu xuất hiện. Nguyên nhân các thương hiệu lâm vào tình trạng này bởi vì ngay từ đầu họ chưa tìm hiểu kỹ càng người tiêu dùng, dẫn đến người tiêu dùng hiểu lầm công dụng sản phẩm và thương hiệu bị lu mờ.

Một trong những thương hiệu ưa thích của tôi là Hiut Denim. Họ có thể được xem là thương hiệu có phong cách, nhưng chưa hề bị “tẩu hoả”. Cá nhân tôi rất thích triết lý “Do one thing well” - (Tạm dịch: Làm xuất sắc một việc thay vì ôm đồm nhiều thứ):

“We make jeans. That’s it. Nothing else. No distractions. Nothing to steal our focus. No kidding ourselves that we can be good at everything. No trying to conquer the whole world. We just do our best to conquer our bit of it.”

Tạm dịch: Chúng tôi sản xuất quần jeans. Chỉ vậy thôi. Không gì khác. Không xao nhãng. Không điều gì có thể lay động chúng tôi. Chẳng hề ảo tưởng làm tốt mọi thứ. Chẳng hề tỏ ra là kẻ chinh phục thế giới. Chúng tôi chỉ làm những gì tốt nhất để có một chân trời riêng.

Không phải thương hiệu nào cũng có thể trở thành một Ralph Lauren. Khi chuyển mình đến những lợi ích cao hơn, điều quan trọng là thương hiệu không được đánh mất cái cốt lõi sản phẩm.

Lợi ích cảm tính sẽ chẳng ra gì nếu không được lợi ích lý tính hậu thuẫn.

Dịch & bình loạn: Brands Vietnam.
Nguồn: marketoonist.com