Ecommerce Website: Tổng hợp 12 mẹo và 11 trình tạo website thương mại điện tử phổ biến năm 2023

Trong những năm trở lại đây, thương mại điện tử nổi lên nhanh chóng và ngày càng khẳng định vai trò của mình trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Nhờ có thương mại điện tử mà nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa trở nên nhanh chóng hơn giữa người mua và người bán. Chính vì những lợi ích to lớn mà xu hướng này mang lại, mọi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều nên triển khai và xây dựng cho mình một website thương mại điện tử.

Tuy nhiên, thực trạng này đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến. Do đó, để tạo được lợi thế cạnh tranh cũng như tiếp cận khách hàng hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải cập nhật những chiến lược xây dựng website thương mại điện tử mới nhất.

Hiểu được nhu cầu trên, ở bài viết này Ori Agency sẽ tổng hợp cho bạn 12 mẹo xây dựng trang thương mại điện tử chuyên nghiệp và thân thiện với khách hàng. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ đề cập một số trình tạo website phổ biến giúp bạn tối ưu hóa quá trình xây dựng trang thương mại điện tử.

I. Website thương mại điện tử là gì?

Website thương mại điện tử là trang web được các doanh nghiệp tự thiết lập nhằm phục vụ hoạt động mua bán và cung ứng dịch vụ của mình cho khách hàng. Các website này giúp khách truy cập và dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm họ cần cũng như nhận được sự giúp đỡ, tư vấn và hoàn thành việc mua hàng mà không cần tốn quá nhiều thời gian.

Nhìn chung một website thương mại điện tử uy tín và chuyên nghiệp sẽ yêu cầu đảm bảo những yếu tố sau:

  • Các trang hiển thị sản phẩm và giá để khách hàng có thể tìm kiếm, nghiên cứu về sản phẩm hoặc dịch vụ bạn bán.
  • Có thể kịp thời hỗ trợ theo yêu cầu của khách truy cập khi họ đang băn khoăn về sản phẩm/ dịch vụ. Ngày nay, để giải quyết vấn đề trên, các trang web thương mại điện tử thường có nhiều lựa chọn như trò chuyện trực tiếp (live chat), trang FAQ, diễn đàn cộng đồng hoặc hỗ trợ qua email và điện thoại.
  • Giỏ hàng được thiết kế và sắp xếp hợp lý để khách truy cập có thể nhanh chóng thêm, xem và chỉnh sửa sản phẩm trong giỏ hàng của họ.
  • Đảm bảo an toàn, bảo mật thanh toán điện tử cho khách hàng trong quá trình hoàn thành giao dịch. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng mô hình bảo mật SSL và giao thức HTTPS để bảo mật thanh toán trong thương mại điện tử.

II. Mẹo xây dựng và thiết kế website thương mại điện tử chuyên nghiệp

Ở trên Ori Agency đã đề cập đến những yếu tố cơ bản và cần thiết cho một website thương mại điện tử. Nhưng để website của doanh nghiệp trở nên thu hút và gây ấn tượng mạnh với khách hàng, bạn cũng cần quan tâm đến các vấn đề thiết kế giao diện. Dưới dây, Ori Agency sẽ liệt kê cho bạn 12 mẹo xây dựng và thiết kế trang thương mại điện tử chuyên nghiệp, hiệu quả.

1. Thân thiện với người dùng

Khi nói đến các trang web thương mại điện tử, sự thân thiện với người dùng là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất. Bởi chỉ khi khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, xem và điều hướng qua lại trong website của bạn thì sẽ tăng khả năng chốt đơn của họ.

Để dễ hình dung, mời bạn tham khảo website của Harvest Daily. Cụ thể, trang chủ của doanh nghiệp này nêu rõ mục đích của sản phẩm kèm theo nút CTA “GET STARTED” giúp khách hàng nhanh chóng khám phá và tăng khả năng mua hàng của họ. Trang chủ của họ cũng có một drop-down menu (menu hiển thị danh sách các tùy chọn theo chiều dọc) để dễ dàng điều hướng theo những gì khách hàng đang tìm kiếm.

2. Đảm bảo an toàn bảo mật trong quá trình thanh toán

Như đã đề cập ở trên, việc đảm bảo an toàn thanh toán là rất quan trọng đối với các giao dịch trên website thương mại điện tử. Vì vậy, hãy chứng minh cho khách hàng thấy, mọi thông tin liên quan đến thẻ thanh toán của họ đều được bảo mật.

Có nhiều cách để thực hiện mục tiêu này. Ví dụ, bạn có thể tham khảo ví dụ của doanh nghiệp mỹ phẩm Billie.

3. Thêm bộ lọc sản phẩm

Phần lớn người tiêu dùng có thói quen sử dụng bộ lọc (filtering options) để có thể tiết kiệm thời gian và dễ dàng tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ họ mong muốn. Đó là lý do tại sao việc thêm các bộ lọc sản phẩm là điểm cộng hoặc thậm chí là điều bắt buộc đối với các website thương mại điện tử.

Để dễ hình dung, mời bạn tham khảo ví dụ từ website của Tiki. Trang này cung cấp hệ thống bộ lọc với nhiều danh mục mở rộng giúp người tiêu dùng tìm thấy những gì họ mong muốn một cách thuận tiện, dễ dàng. Lời khuyên cho bạn khi thiết kế hệ thống bộ lọc là hãy đảm bảo các danh mục đủ rộng để phù hợp với tất cả các sản phẩm của mình nhưng cũng đủ cụ thể để hữu ích với khách hàng.

4. Tích hợp dịch vụ chăm sóc khách hàng

Như đã đề cập ban ban đầu, việc hỗ trợ khách hàng trên các website thương mại điện tử là rất cần thiết. Bạn có thể thêm một chatbot tự động trả lời câu hỏi thường gặp về sản phẩm hoặc dịch vụ để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết kế một trang cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm/ dịch vụ ngay trên website của bạn để hỗ trợ người tiêu dùng.

Bạn có thể tham khảo mục này ở website của Fujifilm. Cụ thể ở phần này, Fujifilm cung cấp thông tin miễn phí về cách sử dụng máy ảnh kèm theo các hướng dẫn và phần mềm có thể tải xuống để chỉnh sửa ảnh.

5. Liên kết các trang mạng xã hội

Việc liên kết các tài khoản mạng xã hội trên website thương mại điện tử giúp cải thiện khả năng hiển thị thương hiệu của bạn. Chẳng hạn, nếu khách hàng muốn chia sẻ bản in bên dưới trên tài khoản Twitter của mình, các nút tùy chọn bên cạnh sẽ giúp họ thao tác dễ dàng hơn.

Các tùy chọn chia sẻ phương tiện truyền thông xã hội cung cấp cho người mua hàng cơ hội chia sẻ sản phẩm của thương hiệu với bạn bè và gia đình của họ, cho thương hiệu tiếp xúc với đối tượng người dùng rộng lớn hơn.

6. Chiến lược nội dung hấp dẫn, giá trị

Một chiến lược nội dung đem lại giá trị cao là khi bạn biết cách khéo léo kết hợp thông điệp thương hiệu trong khi làm nổi bật các tính năng của sản phẩm/ dịch vụ một cách thú vị. Nếu thương hiệu đạt được những điều kể trên thì khả năng cao là bạn đang nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh. Bởi nội dung của trang web thương mại điện tử của bạn đã phần nào hiện diện trong trí nhớ của khách hàng.

Để dễ hình dung, bạn có thể tham khảo phần mô tả sản phẩm của Tumbler.

“No glass, no problem” (tạm dịch: Không có kính, không vấn đề), mô tả đặc điểm nổi bật của sản phẩm một cách hấp dẫn. Sau đó, đoạn mô tả giải thích chi tiết hơn về các đặc điểm của sản phẩm. Cuối cùng, kết thúc bằng một câu nêu lợi ích, giá trị của sản phẩm có thể giúp nâng cao cuộc sống của khách hàng: “Forego clunky coolers and bring perfectly chilled wine wherever life leads you” (tạm dịch: Những chiếc bình giữ nhiệt này sẽ bảo quản rượu vang ướp lạnh của bạn ở bất cứ nơi nào).

Bạn cũng hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp tương tự khi mô tả các dịch vụ của công ty bạn.

7. Giao diện đẹp mắt, nhất quán, dễ dàng theo dõi

Tính nhất quán trong thiết kế giao diện website thương mại điện tử rất quan trọng. Bởi nó giúp website của bạn trông đẹp và chuyên nghiệp hơn từ đó giữ chân khách hàng ở lại trang web lâu hơn.

Cụ thể, website của bạn cần thể hiện sự nhất quán ở phông chữ, kích thước, tiêu đề, tiêu đề phụ và kiểu nút CTA hay các yếu tố phụ (elements)... phải giống nhau trên toàn bộ trang web. Do đó, bạn cần lên kế hoạch trước mọi thứ. Xác định phông chữ và màu sắc phù hợp cho văn bản, các nút... của website, và sử dụng chúng trong suốt quá trình phát triển web để tránh tình trạng lộn xộn.

Nhưng bạn cần nhớ rằng cho dù thiết kế của bạn có đẹp đến đâu thì văn bản vẫn chiếm phần lớn và đóng vai trò quan trọng. Bởi nó cung cấp cho khách hàng của bạn các thông tin họ mong muốn. Lời khuyên cho bạn là hãy sử dụng phông chữ dễ đọc như Arial, Helvetica…

Ngoài ra, một giao diện website có sự kết hợp màu sắc hoàn hảo sẽ thu hút người dùng và ngược lại sự kết hợp kém có thể dẫn đến mất tập trung. Điều này đòi hỏi bạn phải chọn một bảng màu bổ sung phù hợp cho trang web của mình để có thể tạo ra một cảm giác cân đối dễ chịu cho khách truy cập. Bên cạnh đó, bạn chỉ nên sử dụng 3 hoặc 4 tông màu cho website của mình. Tương tự, bạn cũng không sử dụng nhiều hình ảnh rực rỡ hoặc hình ảnh động. Bạn cũng cần phải chú ý tối ưu kích thước và dung lượng hình ảnh vì chúng có thể ảnh hưởng đến tốc độ tải trang.

8. Cấu trúc website đơn giản, rõ ràng

Việc đặt quá nhiều yếu tố (elements) trên website có thể khiến người dùng mất tập trung và quên đi mục đích chính của website. Trong nhiều trường hợp, nếu khách hàng không thể tìm thấy ngay những gì họ đang mong muốn thì khả năng cao họ sẽ rời bỏ trang web của bạn. Vì vậy, để tránh xảy ra tình huống trên, hãy nghiên cứu, thiết kế và xây dựng một giao diện website đơn giản, rõ ràng, hợp lý, rõ ràng để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng. Chiến lược này không chỉ làm cho website của bạn thân thiện với khách hàng mà còn giúp họ có những trải nghiệm điều hướng từ trang này sang trang khác một cách liền mạch.

9. Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

Hiện nay, việc tối ưu hóa website trên các công cụ tìm kiếm là điều cần thiết với bất kỳ loại website nào. Và hiển nhiên, các website thương mại điện tử cũng không nằm ngoài điều đó. Bởi chiến lược này sẽ giúp gia tăng lưu lượng truy cập cũng như tỷ lệ chuyển đổi cho website của bạn.

10. Thân thiện với các thiết bị di động

Hiện nay, theo nhiều báo cáo, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm nhiều hơn trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng... Do đó, website của bạn cần phải đảm bảo tương thích (responsive) và hiển thị đầy đủ trên các thiết bị khác nhau. Bởi điều này không chỉ giúp cho website của bạn trông đẹp hơn mà còn cải thiện và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng trong mọi quá trình họ tương tác với trang web của bạn. Chính điều này sẽ kích thích khách hàng hoàn thành các giao dịch mua bán nhanh chóng hơn.

Để hiểu rõ hơn mời bạn cùng tham khảo ví dụ trang web của Dollop Coffee Co.

Khi truy cập bằng những thiết bị khác nhau, khách hàng sẽ nhận lại được các phiên bản giao diện khác nhau phù hợp với thiết bị họ đang dùng. Chính những thay đổi nhỏ như vậy sẽ giúp người dùng tương tác và điều hướng trong website của bạn dễ dàng hơn.

11. Tốc độ tải website nhanh

Một website tốt yêu cầu thời gian tải trang phải nhanh chóng. Bởi rất ít khách hàng có đủ kiên nhẫn để chờ đợi trang của bạn hiện thị thành công trong khoảng thời gian dài. Để đáp ứng yêu cầu này, rất đơn giản, bạn có thể bắt đầu ngay với việc tối ưu hóa kích thước và dung lượng hình ảnh bằng cách nén file trước khi tải lên trang. Bởi hình ảnh có dung lượng, kích thước càng lớn sẽ càng làm chậm tốc độ tải trang web. Có một vài phần mềm chuyên dụng như Photoshop hoặc các phần mềm nén ảnh online như: Tinypng, image compressor, img2go… sẽ giúp bạn nhanh chóng nén nhỏ ảnh lại. Ngoài ra, bạn cũng cần tối ưu code ở các tệp CSS hoặc JavaScript…

12. Điều hướng dễ dàng

Nhiều nghiên cứu cho chỉ ra rằng khách hàng dành thời gian ở lại nhiều thời gian hơn trên các trang web có điều hướng dễ dàng. Do đó, lời khuyên cho bạn ở chiến lược này là hãy cân nhắc:

  • Liên kết logo với trang chủ giúp khách hàng nhanh chóng trở về trang về trang chủ
  • Thiết kế thanh menu nổi bật, dễ tìm
  • Phân cấp thông tin hợp lý
  • Thiết kế các nút CTA
  • Thêm footer cho website và liên kết chúng với các thông tin quan trọng như thông tin liên hệ, tài khoản mạng xã hội, địa chỉ...

Ngoài ra, một lưu ý nhỏ là bạn nên tuân theo “quy tắc ba lần nhấp”. Hiểu đơn giản, hãy thiết kế website làm sao để khách hàng truy cập có thể nhận được thông tin họ mong muốn trong vòng tối đa ba lần nhấp chuột.

III. 11 trình tạo website thương mại điện tử thông dụng

Sau khi đã khám phá cấu trúc và mẹo xây dựng một trang website thương mại điện tử chuyên nghiệp thì đây là lúc thích hợp để bạn bắt tay thiết kế trang web cho doanh nghiệp mình. Dưới đây, Ori Agency sẽ tổng hợp 11 trình tạo website thương mại điện tử phổ biến năm 2023 mà bạn có thể tham khảo:

1. CMS Hub

CMS Hub là hệ thống quản lý nội dung cho phép phòng IT, các nhà phát triển, marketer... cùng làm việc với nhau. Nhờ vậy mọi thành viên trong doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng website từ cập nhập những nội dung nhỏ cho đến nâng cấp trang web lớn. Tuy nhiên, đây là phần mềm có trả phí với mức giá giao động từ 23 USD đến 1.200 USD/tháng.

2. WooCommerce

WooCommerce là một plugin với mã nguồn mở trên WordPress hỗ trợ người dùng thiết kế website thương mại điện tử nhanh chóng, hiệu quả. WooCommerce có toàn bộ các chức năng mà một website thương mại điện tử cần có như: giỏ hàng, số lượng hàng hóa, thanh toán, khuyến mãi… Đặc biệt, đây là một website hoàn toàn miễn phí.

3. Shopify

Shopify là nền tảng cho phép người dùng tạo website thương mại điện tử dựa trên mô hình Cloud SaaS. Khi sử dụng Shopify, người dùng dễ dàng tạo cho mình một website bán hàng online đáp ứng đầy đủ các tính năng như giỏ hàng, thanh toán, quản lý hàng hóa… Để sử dụng nền tảng này, người dùng phải trả một khoản chi phí từ 29 USD đến 299 USD tùy thuộc vào từng gói dịch vụ.

4. Wix

Wix là nền tảng hỗ trợ người dùng thiết kế và xây dựng website trực tuyến một cách dễ dàng bằng cách kéo thả. Tất cả thao tác đều hoạt động trên trình duyệt web nên người dùng không cần quan tâm những những câu lệnh hay dòng code phức tạp. Việc duy nhất mà bạn cần làm là đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng. Với Wix, bạn hoàn toàn có thể sử dụng một cách miễn phí. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng các tính năng nâng cao, bạn cần phải chi trả 14 USD/tháng.

5. Squarespace

Tương tự như các nền tảng trên, SquareSpace cung cấp các mẫu template website chuyên nghiệp từ đó giúp quá trình thiết kế trang web thương mại điện tử trở nên dễ dàng. Nếu muốn sử dụng nền tảng này, bạn cần bỏ một khoản tiền từ 14 USD đến 49 USD mỗi tháng tùy theo nhu cầu và gói dịch vụ sử dụng.

6. Weebly

Với Weebly, người dùng có thể xây dựng số lượng trang web không giới hạn. Ngoài ra, điểm nổi bật của nền tảng này là cho phép người dùng cài đặt và tối ưu SEO cho mỗi trang để nâng cao thứ hạng website trên Google. Tuy Weebly cũng có bản dùng miễn phí nhưng để sử dụng tối đa tính năng và không bị làm phiền bởi quảng cáo, bạn sẽ phải trả khoảng 6 USD đến 26 USD cho mỗi tháng.

7. WordPress

WordPress chắc hẳn không còn quá xa lạ với nhiều người. Đây là một nền tảng mã nguồn mở dành cho xây dựng blog nhưng hiện đã dần phát triển thành website. WordPress hỗ trợ rất nhiều plugin và theme miễn phí. Do đó, đây là một lựa chọn phổ biến cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn bắt đầu xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu tốt. Dù nền tảng này cũng cung cấp gói miễn phí nhưng tương tự như các nền tảng kể trên, để có thể sử dụng những tiện ích nâng cao, bạn nên sử dụng gói trả phí.

8. GoDaddy

GoDaddy cũng hỗ trợ người dùng xây dựng website thương mại điện tử chuyên nghiệp, dễ dàng. Nền tảng này cho phép người dùng sử dụng thử miễn phí trong vòng một tháng. Sau đó, để sử dụng tiếp, người dùng sẽ phải trả từ 29 USD đến 299 USD mỗi tháng.

9. Volusion

Volusion cung cấp 11 theme website trong gói miễn phí cho phép người dùng nhanh chóng thay đổi và tạo cho mình một web thương mại điện tử. Nếu bạn muốn sử dụng các mẫu template khác trong thư viện để phù hợp với doanh nghiệp của mình thì phải trả thêm phí.

Nền tảng này phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ.

10. Mozello

Mozello là trình xây dựng website cho phép người dùng phát triển website đa ngôn ngữ. Do đó, nền tảng này sẽ là công cụ phù hợp cho doanh nghiệp có số lượng lớn khách hàng ở nhiều quốc gia khác nhau.

11. Duda

Duda là công cụ hỗ trợ tạo website tương thích với mọi thiết bị di động(website responsive). Nền tảng này cung cấp nhiều layout được chia thành các danh mục như nhà hàng, quảng bá sự kiện, website du lịch... Ngay cả những người dùng chưa có kinh nghiệm cũng có thể sử dụng được công cụ này bởi nó cung cấp trình chỉnh sửa trực quan kéo/ thả đơn giản.

Ori Agency đã chia sẻ với bạn 12 mẹo và 11 trình xây dựng website thương mại chuyên nghiệp. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn triển khai và xây dựng chiến lược thương mại điện tử hiệu quả. Ori Agency xin chúc bạn thành công!

* Nguồn: Ori Marketing Agency