Marketer Kurokawa Kengo
Kurokawa Kengo

Founder / CEO @ Asia Plus Inc.

Kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn như thế nào? Phân tích dựa trên báo cáo hợp nhất của tập đoàn Thế Giới Di Động

Thông qua một số dữ liệu vĩ mô gần đây, chúng ta thấy rằng nền kinh tế Việt Nam đang bị chững lại. Không chỉ GDP quý I tăng trưởng ít hơn so với kỳ vọng ban đầu, nhiều tin tức, báo cáo ngành cũng phản ánh tình trạng trì trệ của các ngành kinh doanh như bất động sản, xuất khẩu hay mảng sản xuất.

Phân tích các báo cáo tài chính của công ty hàng đầu trên thị trường là một trong những cách hiệu quả để nắm bắt được xu hướng thị trường hiện nay. Trong bài viết này, Q&Me sẽ phân tích tình hình thị trường bán lẻ tiêu dùng bằng cách phân tích dữ liệu tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG).

Tập đoàn Thế Giới Di Động (MWG) là ông lớn trong ngành bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, điện tử tiêu dùng, thực phẩm tươi sống và các ngành khác. Họ quản lý các chuỗi bán hiện đại và nổi tiếng như Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Hiện tại, MGW có hơn 5.500 cửa hàng trên toàn quốc, việc nắm bắt được tình hình kinh doanh của họ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình hình bán lẻ tiêu dùng tại Việt Nam.

MWG là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam khi nói đến việc chia sẻ thông tin tài chính kịp thời và chi tiết. Khi đọc kết quả hoạt động của tập đoàn theo quý, có thể thấy rằng việc kinh doanh của tập đoàn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn từ nửa cuối năm 2022. Họ cũng đề cập trong báo cáo tài chính hợp nhất của mình rằng “công ty ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận do nhu cầu của khách hàng thấp hơn dự kiến”. MWG cũng đang tái cấu trúc các cửa hàng Bách Hóa Xanh do sự mở rộng quá mức vào năm 2021.

Phân tích xu hướng kinh doanh theo tập đoàn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình thị trường hiện tại. Biểu đồ dưới đây là phân tích ước tính của Q&Me về doanh số trung bình hàng tháng của tập đoàn (ĐVT: USD). Doanh số của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh – chuỗi bán lẻ các thiết bị điện tử và CNTT – lần lượt giảm 34% và 31%.

Ở chiều ngược lại, Bách Hóa Xanh – mảng kinh doanh thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm – lại có doanh số bán hàng khả quan hơn so với năm trước. Có thể các đối thủ cạnh tranh đã có những hoạt động mạnh mẽ để giành thị phần. Tuy nhiên, xu hướng này đã chỉ ra rằng người tiêu dùng đang tập trung vào các nhu cầu thiết yếu hơn, và trì hoãn việc mua các sản phẩm điện tử, ngoại trừ sản phẩm như máy lạnh mà nhiều người cảm thấy là “cần thiết” do nhiệt độ cực kỳ nóng trong thời gian gần đây.

Xu hướng trì trệ tương tự cũng được phản ánh trong doanh số bán ô tô hoặc các mặt hàng xa xỉ khác. Doanh số bán ô tô từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay giảm 34%, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA). Đối với phân khúc cao cấp khác, PNJ – một trong những nhà cung cấp trang sức hàng đầu tại Việt Nam – báo cáo rằng doanh số bán hàng của họ từ đầu năm 2023 đến nay đã giảm 6,6% và doanh số tháng 4 ước tính giảm 17% do “thị trường không thuận lợi”.

Nhìn vào tình hình này, có thể thấy rằng bối cảnh thị trường Việt Nam khá khắc nghiệt đối với các ngành hàng không thiết yếu. Ngay cả đối với các mặt hàng thiết yếu, việc tăng giá chung đã khiến người tiêu dùng trở thành những người chi tiêu thông thái hơn.

Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế khả quan ở mức trung hạn, nhưng có thể sẽ đối mặt với tình hình khó khăn trong vài tháng tới.

Mọi thắc mắc về yêu cầu nghiên cứu thị trường, vui lòng liên hệ: [email protected].