Biến rác thải thành phong cách – Dòng Dòng ra mắt túi đeo chéo tái chế từ bạt nuôi tôm

Ngày 15/6 vừa qua, thương hiệu thời trang bền vững Dòng Dòng đã cho ra mắt bộ túi đeo chéo làm từ bạt nông nghiệp và bạt mái hiên tái chế tại Nam Thi House, TP.HCM.

Khởi xướng từ đề xuất của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ trong khuôn khổ dự án 3RproMar (Reduce, Reuse, Recycle to Protect the Marine Environment and Coral Reefs), Dòng Dòng đã kết nối cùng các chủ trại tôm ở khu vực miền Tây để biến bạt lót ao tôm cũ thành những chiếc túi đẹp mắt và bền vững.

Bộ sưu tập túi đeo chéo mới.
Nguồn: Dòng Dòng

Bạt lót ao tôm sau khi sử dụng một vài năm đều cần được thay mới. Một lượng lớn bạt cũ sẽ bị đốt bỏ, đôi khi có số ít lượng bạt được tái sử dụng để lót ao cá, che chuồng gà, phơi lúa… với dòng đời ngắn, ít giá trị. Sau một khoảng thời gian nghiên cứu, thương hiệu Dòng Dòng đã tìm cách thu gom, xử lý, vệ sinh và may thành những chiếc túi đeo chéo chống mưa, chống sốc và thân thiện với môi trường.

Cấu tạo sản phẩm túi đeo chéo mới ra mắt.

“Chúng tôi không ngây thơ, chúng tôi biết rằng việc tái chế bạt nuôi tôm sẽ không xoay chuyển hoàn toàn tình hình biến đổi khí hậu. Có lẽ Trái Đất vẫn sẽ tăng thêm 1.5 độ vào năm 2030 và đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong biển nước vào năm 2050. Thế nhưng tôi muốn làm tất cả những gì có thể với mong muốn con gái tôi sau này cũng được thấy đồng bằng sông Cửu Long xinh đẹp như tôi thấy ngày hôm nay”, bà Trần Kiều Anh – Founder & CEO Dòng Dòng –chia sẻ trong buổi ra mắt sản phẩm mới.

Buổi ra mắt có các hoạt động tương tác bao gồm thử nghiệm độ bền, độ dẻo dai của bạt nuôi tôm và khả năng chống sốc của sản phẩm túi đeo chéo. Ngoài ra, khách mời và người tham gia còn được đắm mình trong những bản hoà tấu nhạc cụ dân tộc, được thưởng thức các món bánh đặc trưng đến từ Sóc Trăng – nơi bạt tôm cũ đang được thu gom chủ yếu.

Hoạt động tương tác kiểm tra khả năng chống sốc của túi.

Tổ chức GIZ cũng góp mặt tại sự kiện với quầy thông tin giới thiệu các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực đồng bằng sông Mê Kông.

Theo bà Franziska Sophie Kohler, Team Leader GIZ Vietnam: “Chăn nuôi tôm hiện là ngành kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Mê Kông. Đây là lĩnh vực tăng trưởng liên tục, ngày càng áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác, dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa nhiều hơn trong các khâu nuôi tôm. Do chưa có hệ thống thu gom và xử lý rác thải thích hợp, các sản phẩm nhựa dùng một lần dùng trong vận chuyển, thức ăn gia súc, thùng chứa hoá chất nông nghiệp và bạt lót ao hồ đang trở thành tác nhân gây ô nhiễm và xả thải ra đại dương khi đã hết vòng đời”.

Founder & CEO Dòng Dòng cho biết: “Việt Nam là nước có ngành thuỷ sản phát triển, nhưng rác thải từ việc nuôi trồng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Ở những vùng trọng điểm như Sóc Trăng và Bạc Liêu, trung bình mỗi chu kỳ các trại tôm sẽ thải ra hàng tấn bạt cũ. Phần lớn các trại tôm có quy mô vừa và nhỏ không có cơ hội tiếp cận được các giải pháp xử lý rác thải trên diện rộng. Chỉ một lượng nhỏ được sử dụng lại, hầu hết lượng bạt ra này sẽ bị đốt hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Dòng Dòng rất vui mừng khi GIZ giúp chúng tôi kết nối với các trại tôm và tạo cơ hội tận dụng nguồn bạt cũ để làm nên những sản phẩm đẹp và có ý nghĩa”.

Bà Kiều Anh phát biểu trong buổi ra mắt.
Nguồn: Dòng Dòng

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất túi, bà Kiều Anh chia sẻ rằng điều khó khăn không nằm ở khâu làm việc với người dân mà ở khâu thu mua và xử lý bạt nuôi tôm. Hiện tại do chưa có bên trung gian làm việc này nên đội ngũ của Dòng Dòng phải tự đi thị trường tìm mua bạt, xử lý bạt. Khâu tái chế gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào chất lượng bạt, số lượng bạt thu mua về đôi khi bị bỏ đi nhiều vì không xử lý được những phần nát.

Về mặt thuận lợi, “điều khiến tôi bất ngờ chính là sự nhiệt tình của người dân. Trước khi làm việc với người dân, tôi nghĩ rằng hành trình này sẽ rất khó khăn, có thể tôi phải nói chuyện và tác động vào nhận thức của họ. Thế nhưng họ rất cởi mở, hiểu biết và luôn sẵn sàng bán bạt cho chúng tôi”, bà Kiều Anh chia sẻ.

Một góc không gian triển lãm tại Thi House.

Kết lại sự kiện, bà Kiều Anh hy vọng rằng sẽ có nhiều công nghệ tái chế mới được ra đời trong tương lai, giúp nâng cao tỉ lệ bạt tái sử dụng.

Bằng sự kết hợp của thiết kế, sáng tạo và thời trang, Dòng Dòng đã tái chế bạt lót ao hồ, biến rác thải thành sản phẩm có giá trị. Sau sự kiện ra mắt, Dòng Dòng sẽ tiếp tục triển lãm sản phẩm tại Nam Thi House trong một tuần từ ngày 15 đến 23/6.

Xem thêm bài viết Brands Vietnam phỏng vấn bà Trần Kiều Anh về hoạt động CSR của Dòng Dòng tại đây.