Đào tạo Fashion Business mở rộng hơn cơ hội việc làm Thời trang

Kinh doanh Thời trang là lĩnh vực giúp người học có thể tìm hiểu chuyên sâu hơn về Ngành công nghiệp Thời trang, bên cạnh lĩnh vực Thiết kế Thời trang. Kinh doanh Thời trang cung cấp kiến thức và kỹ năng cho người học ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Quản trị thương hiệu, Kinh doanh bán lẻ Thời trang, Tiếp thị – Truyền thông, Quản lý chuỗi cung ứng sản xuất, Xây dựng kế hoạch khởi nghiệp và tài chính.

Ngày nay, các trường Đại học trên địa bàn TP.HCM và cả nước nói chung đang đưa chương trình này vào trọng tâm đào tạo vì đây hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai cho sinh viên, và có thể đáp ứng cho thị trường Thời trang Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng.

Kể từ năm học 2020-2021, trường Đại học Hoa Sen đã có kế hoạch tuyển sinh chuyên ngành Kinh doanh Thời trang (thuộc ngành Thiết kế Thời trang) và đã tổ chức buổi hội thảo online về chuyên đề này để tạo điều kiện cho các giảng viên và cộng đồng có thể tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực Kinh doanh Thời trang hiện nay tại Việt Nam cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp trên thị trường. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu góc nhìn của các “Insiders” để hiểu thêm được về thị trường liên quan lĩnh vực này.

Nhu cầu lao động của ngành công nghiệp thời trang

  • Ms. Nguyễn Bình Minh – Co-Founder, CEO Công ty TNHH giáo dục Genius, Giảng viên Fashion Business Đại học Hoa Sen, Cựu Tổng giám đốc Công ty ACFC.

Ms. Nguyễn Bình Minh đã đưa ra những bất cập cũng như nhu cầu tuyển dụng của ngành Fashion Retail.

Chị Nguyễn Bình Minh, đồng sáng lập công ty TNHH Giáo dục Genius, chia sẻ: “Sự ưa chuộng các mô hình trung tâm thương mại (Vincom, Takashimaya, Aeon Mall) tại nước ta đang thu hút rất nhiều nhân sự lao động ở mảng bán lẻ (retail), từ nhiều ngành nghề khác nhau: F&B, Thời trang, Nội thất, Công nghệ…

Ngành bán lẻ hiện nay đang rất cần nhân sự, cả về số lượng lẫn chất lượng cho cả khối văn phòng và cửa hàng. Riêng với Thời trang, việc thiếu nhân lực có kiến thức chuyên môn là điều không thể tránh khỏi. Đa số các thương hiệu bán lẻ phải tuyển dụng nhân sự từ ngành hàng Mỹ phẩm và các nhân sự cũng làm việc dựa trên kinh nghiệm ‘nghề dạy nghề’, chưa có một nền tảng bài bản về thời trang”.

Ngoài ra, vị trí Visual merchandiser (người lên ý tưởng và trưng bày sản phẩm) vốn là một công việc khá mới và hứa hẹn sẽ được các thương hiệu thời trang cao cấp săn đuổi. Hiện nay chị Nguyễn Bình Minh cũng là giảng viên chuyên ngành Kinh doanh Thời trang thuộc ngành Thiết kế Thời trang tại Đại học Hoa Sen

  • Nhà Thiết kế Tom Trandt – Founder thương hiệu Môi Điên

Nhà thiết kế Tom Trandt.

Thời trang cần thương hiệu và câu chuyện

Theo Nhà Thiết kế Tom Trandt, với định hướng đi theo thị trường ngách, phân khúc “Designer line”, Môi Điên (thương hiệu Streetwear phát triển theo định hướng thời trang bền vững) đã và đang rất khó khăn khi tìm kiếm nhân sự ở mảng Marketing – Business. Các ứng viên ứng tuyển vào Môi Điên đa số xuất thân từ ngành FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh), họ chỉ có thể hỗ trợ bán những mặt hàng cơ bản của thương hiệu bằng kinh nghiệm trong mảng bán lẻ đã tích luỹ được trước đó.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp muốn mở rộng tệp khách hàng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, họ lại trở nên lúng túng khi phải lên kế hoạch cho các chiến dịch, tiếp cận khách hàng hoặc viết content marketing sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của khách hàng nước bạn. Anh cho rằng đây cũng là một trong những yếu tố làm hạn chế tầm nhìn và sự phát triển của một doanh nghiệp thời trang.

Đối với ngành công nghiệp đầy tính cạnh tranh này, bạn cho rằng khách hàng mong chờ gì từ một thương hiệu? Câu trả lời là ngành thời trang không chỉ bán sản phẩm mà còn phải bán câu chuyện – yếu tố quan trọng để thuyết phục khách hàng một cách tuyệt đối. Để thổi được “cái hồn” vào sản phẩm đã khó, kể một câu chuyện có sức hút để thuyết phục khách hàng còn khó hơn vì nó đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn, đó là lý do tại sao một cửa hàng thời trang luôn luôn cần những người thật sự có chuyên môn về lĩnh vực này.

Dữ liệu số (Data) là không thể thiếu khi vận hành kinh doanh

Ngoài ra đối với anh, dữ liệu số (data) để phân tích kinh doanh cũng rất quan trọng. Đối với thương hiệu đi vào thị trường ngách như Môi Điên, một bộ sưu tập chỉ có thể ra tối đa 15 looks, mỗi sản phẩm đi ra phải đảm bảo tối ưu kinh doanh nhất có thể. Với một quy trình thiết kế thì thông thường sẽ bao gồm các giai đoạn: lên ý tưởng, sketch (bản vẽ), may và sản xuất thành phẩm và cuối cùng là bán ra thị trường.

Anh đúc kết lại: “Tôi nhận thấy việc đưa ngay một nhân sự BA (Business Analyst) hoặc Marketing ngay từ đầu vào quy trình thiết kế sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian”. Dữ liệu số giúp cho doanh nghiệp cân bằng lại Bộ sưu tập mới với tỉ trọng stock hàng, phân bố các sản phẩm hợp lý đúng với nhu cầu của khách hàng để tối ưu việc bán hàng. Và với một local brand thời trang, khi vốn và nguồn lực ít thì việc có một đối tác kinh doanh đồng hành ngay từ những ngày đầu sáng lập rất quan trọng. Điều đó sẽ giúp hạn chế các rủi ro liên quan đến kinh doanh và tài chính của thương hiệu.

  • Valentine Vũ – Giám đốc Học thuật Raffles International College (Thái Lan)

Valentine Vũ, Giám đốc Học thuật Raffles International College (Thái Lan).

Theo Valentine Vũ, Giám đốc Học thuật Raffles International College (Thái Lan): “Sau thời gian tư vấn cho các thương hiệu như Hnoss và John Henry, tôi nhận thấy trong các công ty thời trang họ chia thành 2 nhóm: nhóm thứ nhất là Marketing nhưng thực sự không chuyên về thời trang và nhóm thứ hai là Fashion designer. Với mỗi Bộ sưu tập, doanh nghiệp đưa ra một mức ngân sách(budget) cho cả hai team và bắt buộc phải lên kế hoạch kinh doanh. Nhìn chung, sự kết hợp của 2 team không được ‘mượt mà’ khi Team Designer khá lúng túng vì bị gò bó và áp đặt trong một khuôn khổ doanh số thì vai trò của người Fashion Business (vốn phải có kiến thức trên 2 nền tảng Thời trang và kinh doanh) lại rất quan trọng trong việc kết hợp hai team này lại với nhau”.

Ngoài ra, Việt Nam là nước có chuỗi cung ứng may mặc rất lớn, chỉ đứng sau Trung Quốc thì vị trí Fashion merchandiser là vị trí rất được quan tâm. Fashion merchandiser trong sản xuất giống như người quản lý đơn hàng nhưng họ không đơn thuần là quản lý theo stock hàng mà còn phải có những hiểu biết về sản phẩm thời trang, xu hướng, phong cách, xem xét lại các mẫu mã có phù hợp với thị hiếu của khách hàng hay không và khi cần thiết có thể đề xuất các phương thức phát triển sản phẩm mẫu mã cho phù hợp với khách hàng.

Nhận định về tiếp thị thời trang

Theo anh Valentine Vũ, lĩnh vực Digital Marketing đang phát triển thần tốc tại Việt Nam do có tỉ lệ người sử dụng các thiết bị di động rất cao. Dù sao đây vẫn là một hình thức giúp tiết kiệm chi phí so với quảng cáo truyền thống nên khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, khi làm marketing các bạn cũng sẽ cần quay lại bài toán làm sao xác định được khách hàng mục tiêu, hiểu được lối sống, văn hoá, nhu cầu của họ.

Đối với Tom Trandt, anh quan niệm rằng Marketing thương hiệu phải thực sự xuất phát từ bên trong giá trị cốt lõi của thương hiệu bạn: Bạn là ai, bạn muốn thể hiện mình như thế nào với thị trường bên ngoài?

Theo chị Bình Minh, chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà công nghệ chi phối rất là nhiều lĩnh vực hoạt động cho nên mọi thứ dễ dàng hình thành, phát triển và sau đó ra đi rất nhanh. Điều đó đặt ra thách thức rất lớn cho các thương hiệu thời trang. Nếu bạn xây dựng thương hiệu mà vốn dĩ không có nền tảng, không có giá trị cốt lõi thì sẽ khó tìm được chỗ đứng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này.

Sự cần thiết của việc tổ chức môn học dưới dạng đề án thực tế

Theo Valentine Vũ, các môn học thuộc ngành thời trang nên được tổ chức theo tỉ lệ 50% thời lượng học trên lớp, 50% thời gian đi làm đề án thực tế tại doanh nghiệp. Theo đó, các giảng viên sẽ kết nối với doanh nghiệp để triển khai đề án môn học cho sinh viên và trở thành người quản lý dự án, sinh viên sẽ được chia theo nhóm làm việc, các thành viên trong nhóm đều được đánh giá từ giảng viên, doanh nghiệp và từ cả các người bạn cộng sự.

Ngoài ra sinh viên Fashion Business sẽ được làm quen cách thức tổ chức các event, đó có thể là Trunk Show, Fashion Show, Pop up store… Anh chia sẻ thêm tại Thái Lan, các thương hiệu rất hay mở các cửa hàng pop up (cửa hàng thời vụ). Các giảng viên có trách nhiệm phải đi khảo sát thị trường trước khi khởi động dự án cửa hàng cho sinh viên. Nếu ngành bán lẻ tiếp tục phát triển mạnh, tương lai Việt Nam sẽ rất cần nhân sự ở vị trí Visual merchandiser hay các nhân viên tổ chức các sự kiện Pop up store hay Trunk Show.

Tom Trandt cũng chia sẻ rằng anh rất quan tâm một ứng viên có khi không cần quá giỏi về tài chính nhưng có khả năng đọc và phân tích dữ liệu để có thể phân tích tình hình kinh doanh, đưa ra các quyết định đúng đắn.

Sinh viên Hoa Sen ngành Thiết kế thời trang tham quan thực tế tại doanh nghiệp thời trang.

Kỹ năng mềm – Yếu tố thiết yếu của sinh viên Fashion Business

Theo các chuyên gia, teamwork (làm việc nhóm) sẽ là một thách thức với cá tính của các sinh viên ngành Thiết kế Thời trang, khi mà mỗi bạn đều muốn thể hiện mạnh mẽ màu sắc cá nhân trong công việc. Tuy nhiên thành công sẽ gõ cửa với những cá nhân luôn không ngừng mở rộng network, tạo cho mình những vệ tinh hay có một người đồng hành Fashion business.

Theo Valentine Vũ, bên cạnh các kỹ năng “cứng” là chuyên môn, để làm việc trong ngành công nghiệp thời trang thì những kỹ năng mềm cũng rất quan trọng. Cụ thể là khả năng viết bài, sản xuất content,thuyết trình và diễn đạt ý tưởng, nói chuyện trước công chúng. Và đôi khi, để cho mình trở nên tự tin và dễ dàng định hướng cho bản thân mình thì các em cần đi ra ngoài, trải nghiệm nhiều, rời xa dần sự bảo bọc của cha mẹ. Việc định hướng bản thân cũng cần thiết để các em hình thành triết lý sáng tạo rõ ràng.

Sự đánh giá của chuyên gia cho chúng ta thấy rằng lĩnh vực Fashion Business đang và sẽ là một bước đi mới cần thiết và đầy tiềm năng, đặc biệt là đối với một hệ sinh thái thời trang đang trong thời gian hoàn thiện như ở nước ta. Ở thị trường nước bạn, các mảng thời trang được chia ra rõ ràng, tất cả đều bổ trợ nhau, tạo ra một chuỗi dây chuyền sản xuất nhịp nhàng. Trong khi đó, tại Việt Nam, một nhà thiết kế thời trang đang phải “bao thầu” quá nhiều việc như từ thiết kế, Marketing, thậm chí là quản lý sổ sách (đối với cửa hàng nhỏ lẻ). Đối với những doanh nghiệp lớn, họ cũng phải đang loay hoay tìm kiếm những người có kinh nghiệm trong Fashion Business hoặc “đào tạo nhanh” để có thể đáp ứng những công việc cơ bản mà một doanh nghiệp đang cần.

Việc mau chóng đưa một lĩnh vực mới như Fashion Business vào thị trường Việt Nam sẽ là một bước đi mới đầy đột phá, không chỉ nhằm giảm bớt gánh nặng công việc cho nhà thiết kế, bên cạnh đó còn tạo ra “sân chơi” mới cho những người yêu thích thời trang nhưng chưa có định hướng rõ ràng, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.

Nhìn thấy nhu cầu lao động của thị trường trong tương lai, Đại học Hoa Sen đưa ra Chương trình đào tạo Fashion Business từ khoá 2020-2021. Chương trình hợp tác với College de Paris (Pháp). Sinh viên sẽ được học năm 1, năm 2 chương trình thiết kế thời trang và từ năm 3 các bạn có thể chọn chuyên ngành Kinh doanh thời trang. Khi Tốt nghiệp sẽ được nhận bằng Cử nhân Thiết kế thời trang của Đại học Hoa Sen cùng với chứng nhận hoàn thành chương trình Fashion Business do College de Paris cấp.

Cảm ơn những lời chia sẻ đã mở ra cho chúng ta góc nhìn về nhu cầu lao động của ngành Công nghiệp Thời trang.

Bùi Ngọc Thuỳ Trang – GV Fashion Business-Marketing, Đại học Hoa Sen
* Nguồn: Đại học Hoa Sen