Personal Brand Qua Vũ: Hâm hâm đáng trân trọng
Vị thế của chuỗi Trung Nguyên yếu hơn xưa rất nhiều với sự nổi lên của các brand mở ra sau nhưng đi rất nhanh như Highlands, The Coffee House v.v… Tuy nhiên, vị thế của G7 thì vẫn cực kỳ vững vàng. Chưa kể, sức hút từ anh Đặng Lê Nguyên Vũ luôn vô cùng lớn. Mỗi lần xuất hiện là mỗi lần truyền thông dậy sóng… Bài học là gì?
1. Kinh doanh có nhiều. Kinh doanh kèm tư tưởng thì hiếm…
Và anh Đặng Lê Nguyên Vũ là một trong số những doanh nhân hiếm hoi có tư tưởng triết học rất mạnh. Có người thì bảo là hâm hâm, kinh doanh thì cứ kiếm tiền, nói cao siêu làm gì? Có người thích, có người ghét tư tưởng của anh, kiểu sao thấy nó cứ rối rối, cứ tù mù tù mù… Kiểu như đó là một hệ tư tưởng nhưng có gì đó chưa hoàn thiện, nó rất vĩ cuồng nhưng trong đó cũng kèm cảm hứng, nó hâm hâm nhưng có phần đáng kính trọng…
Chính vì sự bất toàn đó mà mỗi lần anh phát biểu là dân tình lại xôn xao. Bởi bên nào chém cũng có vẻ có lý… Nhưng cũng phải thừa nhận, những chiến dịch như tặng sách cho thanh niên Việt Nam trong suốt bao năm nay đã thay đổi tư duy của rất nhiều người, trong đó có mình. Cái đó không thể đến từ những đầu óc nhỏ bé được
2. Khẩu vị người dùng không bất biến…
Trước anh Vũ từng châm biếm: “Starbucks không bán café. Họ bán loại nước pha đường có mùi café”… Đúng là trước giờ khẩu vị người Việt uống café phải đậm, đặc, sánh… Cơ mà “đậm đặc sánh” giờ có vẻ cho thế hệ 8x trở lên… Chưa kể, không ít trong số đó cũng đã thay đổi gu uống sang: café nhẹ hơn => Mình là một minh chứng
Bản thân các brand café sau này cũng thay đổi để chiều theo khẩu vị mới hơn chứ không bo bo vào khẩu vị cũ. Ai giờ không nuốt nổi mấy loại café “đậm, đặc, sánh” với cả uống trà đặc kiểu “cắm tăm” giơ tay lên phát
3. Thói quen người tiêu dùng thay đổi
“Đi café không phải là đi café. Đi café là gặp gỡ, là trò chuyện”. OK, nhưng café vẫn cứ phải ngon. Thói quen người tiêu dùng thay đổi chứ không trung thành như trước nữa…
CEO Howard Schultz của Starbucks đã nói: “Khi mở cửa hàng tại Trung Quốc, người ta cho rằng chúng tôi không thể bán café ở một quốc gia uống trà. Nhưng người Trung Quốc đã uống Starbucks.
Khi Starbucks mở cửa hàng tại Nhật Bản, các chuyên gia nói rằng chúng tôi sẽ thất bại vì: 1. Người Nhật thích hút thuốc trong quán (trái với chính sách “Không hút thuốc lá trong quán” của Starbucks); 2. Người Nhật coi việc ăn uống ngoài đường là mất thể diện. Khi mở Starbucks tại Nhật, tôi thấy một khách hàng Nhật bước vào, không biết tiếng Anh nhưng nói: “Double Latte”, tôi biết mình sẽ thành công ở đây!”.
20 năm trước hiếm người tin rằng ta sẽ ngồi trên điện thoại xem một cậu trai nhồm nhoàm ăn xong vô tình click 1 cái và sau vài tiếng đồ ăn ship đến tận cửa
4. Hôm qua điểm mạnh, hôm nay điểm yếu
Có những thứ hôm qua là điểm mạnh, hôm nay lại trở thành gánh nặng của đời ta…
Trước khi có Trung Nguyên, thị trường Việt Nam không thiếu những quán café nổi tiếng và không hẳn không chuyên nghiệp. Tuy nhiên cách thức Trung Nguyên tạo nên một không gian ấn tượng, phong cách phục vụ hiện đại, những loại café đánh theo số v.v… đã gây được sự tò mò lớn từ phía người tiêu dùng. Không ít người sau khi thử đã nghiện café Trung Nguyên và trở thành khách hàng trung thành.
Nhưng khách hàng không trung thành mãi mãi… Không gian Trung Nguyên giờ bị chê là cổ, là nặng nề… Tệp khách giờ dịch chuyển sang không gian như Higland, Katinat hay The Coffee House nhiều hơn…
5. Văn hóa thưởng café thay đổi
Văn hóa café có thay đổi ko? Có chứ. Người Việt mình tự hào với cafe phin. OK, ta trân trọng nó, nhưng cũng hiểu luôn nó chỉ là một lựa chọn, không phải là bắt buộc…
Sau này khi các brand café khác nổi lên, người tiêu dùng sẽ có thêm sự lựa chọn khác. Có thể nhiều người nghiện café, thích ngắm nghía từng giọt café thong thả nhỏ qua những chiếc phin, quen với café “đặc kiểu Việt Nam” sẽ thấy rằng Starbucks quả đúng chỉ là một loại “nước pha đường có mùi café”. Nhưng cũng sẽ không ít người, đặc biệt là giới trẻ sẽ đến với Starbucks bởi đó là biểu hiện của sự sành điệu và tận hưởng không gian của một trong những thương hiệu đồ uống nổi tiếng nhất toàn cầu.
Cá nhân mình hồi xưa nhìn café nhỏ phin cũng khoái cơ mà giờ nhìn dàn máy pha café nào hoành tráng mình vẫn nhỏ dãi như thường
Cơ bản là cái gì cũng có thể thay đổi, nhưng tư tưởng nhất quán dù là hơi “hâm hâm” như anh Vũ vẫn là của hiếm. Giấc mơ ngìn tỷ đô café khiến nhiều người té ghế, nhưng anh đã từng làm được những điều té ghế… Thôi thì có hại cho ai đâu, ước mơ tốt mà… Chúc Qua sớm chạm đến giấc mơ