Director Sourcing Operations tại adidas Sourcing: “Kỹ năng” giúp quản lý, “Khả năng” giúp xây dựng đội nhóm

“Cả ‘kỹ năng’ và ‘khả năng’ đều quan trọng nhưng ‘khả năng’ sẽ góp phần định hướng sự phát triển của cả đội” – Đó là chia sẻ của anh Đoàn Thanh Bình – Director Sourcing Operations, adidas Sourcing, học viên MBA tại Đại học Western Sydney khóa 2022 – trong sự kiện MBA Meetup “Lãnh đạo đội nhóm cần ‘Khả năng’ hay ‘Kỹ năng’” trong tháng 06/2023 vừa qua.

* Đầu tiên anh Bình có thể chia sẻ cụ thể hơn về vai trò của anh tại adidas Sourcing không?

Hiện tại tôi đang phụ trách quản lý nhóm làm việc với bộ phận liên quan bên trong tập đoàn adidas có trụ sở từ nhiều quốc gia ở Đức, Hongkong, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi khác, từ khâu lên ý tưởng sản phẩm cho đến khâu đưa sản phẩm sản xuất hàng loạt tại các nhà máy đối tác ở Việt Nam.

Đội ngũ Sourcing Operations phụ trách 4 mục tiêu chính: sự sẵn sàng sản phẩm, chất lượng cao, chi phí thấp và trách nhiệm xã hội. Nghĩa là chúng tôi đảm bảo việc đưa sản phẩm ra thị trường đúng thời gian, sản phẩm đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn của adidas mà vẫn tối ưu được hiệu suất của quá trình sản xuất và chi phí sản xuất. Cuối cùng, đội ngũ cũng phải đảm bảo cả quá trình sản xuất đáp ứng được việc bảo vệ môi trường và người lao động.

Hiện tại, anh Bình đang phụ trách quản lý nhóm làm việc với bộ phận liên quan bên trong tập đoàn adidas có trụ sở từ nhiều quốc gia ở Đức, Hongkong, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc từ khâu lên ý tưởng đến sản xuất hàng loạt tại Việt Nam.

* Anh Bình gặp những khó khăn nào trong cương vị một nhà quản lý? Anh làm thế nào để có thể giữ vững phong độ lãnh đạo của bản thân?

Công việc của tôi đóng vai trò như một mắt xích trong suốt chuỗi dây chuyền giá trị. Vì vậy, áp lực và xung đột là điều không thể tránh khỏi. Khi có xung đột, tôi luôn muốn xác định rõ nguyên nhân gốc rễ thông qua việc ngồi lại với các bên liên quan, từ đó, tìm ra hướng giải quyết chung cho tất cả mọi người. Dĩ nhiên, đôi khi cũng có những mâu thuẫn cần phải có sự tham gia của nhiều phòng ban và lãnh đạo cấp cao, đó là lúc mọi người phải thực sự nhìn một bức tranh rộng hơn và cùng nhau hướng về mục tiêu công việc để làm việc với nhau cho giải pháp lâu dài và bền vững.

Còn về việc rèn luyện để trở thành một lãnh đạo đáng tin cậy, tôi nghĩ trước hết, mỗi người sẽ cần bản thân vững vàng, cả về tinh thần và thể chất. Về tinh thần, tôi luôn muốn giữ một “cái đầu lạnh”, tỉnh táo, tích cực. Tinh thần phải “khỏe” thì mình mới nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng. Không chỉ vậy, về thể chất, tôi cũng giữ sức khỏe như cách kiên trì tập luyện một môn thể thao.

Thứ hai, tôi không ngại công việc mới, hay công việc khó. Tôi luôn muốn thử nghiệm để có cơ hội học hỏi, va chạm thêm, bởi bất kể kết quả là thành công hay thất bại thì tôi cũng có thể có những trải nghiệm, đúc kết cho riêng mình.

Thứ ba, tôi luôn mong muốn nâng cao kiến thức của mình, liên tục nâng cấp bản thân. Công thức tôi dùng cho bản thân mình và các thành viên trong đội nhóm là 3E – Education, Explore và Experience.

“Để trở thành một lãnh đạo đáng tin cậy, tôi nghĩ trước hết, mỗi người sẽ cần bản thân vững vàng, cả về tinh thần và thể chất”, anh Bình chia sẻ.

* Trong nhiều năm quản lý đội nhóm, anh Bình đánh giá điều gì đảm bảo hiệu suất làm việc, là “Khả năng” hay “Kỹ năng”?

Theo tôi, làm việc nhóm vô cùng quan trọng bởi không ai có thể làm hết tất cả mọi thứ một mình. Với câu hỏi này, tôi nghiêng về yếu tố “khả năng” hơn, vì với tôi “khả năng” bao hàm cả yếu tố “kỹ năng”.

“Kỹ năng” là những thứ người quản lý đã có, chẳng hạn như kỹ năng về kỹ thuật, kỹ năng quản lý. Tuy nhiên, để xây dựng một đội nhóm và đưa ra quyết định ảnh hưởng đến tương lai sẽ cần có “khả năng”.

Theo anh, “kỹ năng” là những thứ người quản lý đã có, chẳng hạn như kỹ năng về kỹ thuật, kỹ năng quản lý nhưng để xây dựng một đội nhóm và đưa ra quyết định ảnh hưởng đến tương lai sẽ cần có “khả năng”.

* Được biết, anh Bình hiện là học viên MBA tại Đại học Western Sydney. Anh có thể chia sẻ sự giống nhau và khác nhau giữa công việc và môi trường MBA không?

Điểm giống nhau có lẽ là cả môi trường đi làm chuyên nghiệp và môi trường MBA đều là nơi lý tưởng để nâng cấp bản thân. Lớp MBA giúp tôi mở rộng góc nhìn, đánh giá vấn đề đa chiều. Vốn xuất thân từ ngành Kỹ thuật, tôi chưa nắm rõ những lĩnh vực như Sales hay Marketing. Tôi có cơ hội gặp gỡ, kết nối cùng những người bạn tài năng – đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, để dễ dàng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện nay.

* Cuối cùng, anh có thể chia sẻ một vài lưu ý nếu bạn đọc muốn trở thành nhà quản lý trong tương lai hay không?

Trước khi làm bất kỳ việc gì, hãy đảm bảo sự vững vàng cả tinh thần lẫn sức khỏe. Tôi nghĩ mỗi người nên cân nhắc việc duy trì việc tập luyện thể thao đều đặn nhất có thể. Ngoài ra, hãy luôn giữ một tư duy rộng mở và nhìn nhận vấn đề một cách tích cực.

Thứ hai, hãy cố gắng xác định rõ mục tiêu của bản thân trong vòng 3-5 năm tiếp theo. Trong hành trình theo đuổi mục tiêu ấy, đừng vì sợ sai mà chùn bước. Tôi tin là nhà quản lý nào cũng từng làm sai rất nhiều ở quá khứ, điều quan trọng là bài học thu được sau vấp ngã ấy và làm sao để không lặp lại.

Cuối cùng, hãy cố gắng nâng cao kiến thức của bản thân. Nhìn chung, thế giới đang thay đổi rất nhanh, do đó, hãy cố gắng tìm những môi trường phù hợp để phát triển bản thân bên cạnh việc đi làm.

Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe và may mắn trong sự nghiệp của mình!

Anh Bình khuyến khích các bạn hãy cố gắng nâng cao kiến thức của bản thân vì thế giới đang thay đổi rất nhanh; do đó, hãy cố gắng tìm những môi trường phù hợp để phát triển bản thân bên cạnh việc đi làm.

* Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ anh Bình. Chúc anh thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các câu chuyện học MBA tại đây.