Grab và GoTo cắt giảm các mảng kinh doanh không cốt lõi với kỳ vọng thoát lỗ

Siêu ứng dụng Grab và GoTo đang tìm cách cắt giảm các mảng kinh doanh không cốt lõi với kỳ vọng thu hẹp các khoản lỗ để sớm hoà vốn tại thị trường Đông Nam Á.

Grab Holdings của Singapore và GoTo của Indonesia luôn chú trọng việc tích hợp đa dạng các dịch vụ tiêu dùng, từ gọi xe, thanh toán đến giao hàng, giao đồ ăn trong một ứng dụng duy nhất. Sự thành công của siêu ứng dụng WeChat với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu và nhu cầu sử dụng dịch vụ kỹ thuật số tăng cao sau đại dịch đã khiến nhiều nhà đầu tư đặt cược lớn vào hai startup này.

Theo Kinh tế Sài Gòn, những kỳ vọng về siêu ứng dụng hoạt động trên khắp thị trường Đông Nam Á đạt đến đỉnh điểm khi Grab IPO thành công tại Mỹ, thông qua thoả thuận sáp nhập trị giá 40 tỷ USD với một công ty SPAC hồi năm 2021. Cũng trong năm này, Gojek và tập đoàn thương mại điện tử Tokopedia (Indonesia) cũng sáp nhập để về chung một mái nhà dưới tên gọi GoTo. Đến năm 2022, GoTo niêm yết ở Jakarta với mức định giá 32 tỉ USD.

Tuy nhiên, trong 1 năm qua, Grab và GoTo liên tiếp đối mặt với bài toán chi phí. Cả hai buộc phải rút lui khỏi sàn chứng khoán, sa thải hàng nghìn nhân sự và thu hẹp các đơn vị kinh doanh không cốt lõi. Theo Financial Times, giá cổ phiếu của Grab và GoTo hiện đang thấp hơn 60% so với giá niêm yết.

Trong 1 năm qua, Grab và GoTo liên tiếp đối mặt với bài toán chi phí.
Nguồn: VietNamNet

Theo các nhà phân tích, lãi suất liên tục tăng trên toàn cầu đã chấm dứt kỷ nguyên huy động vốn giá rẻ và buộc các công ty công nghệ phải dừng lại để đánh giá lại tính khả thi của mô hình kinh doanh.

Ông Angus Mackintosh, nhà sáng lập CrossASEAN Research, nhận định: “COVID-19 đã mang lại cho GoTo và Grab sự tăng trưởng phi thường, Họ vẫn sở hữu mô hình siêu ứng dụng, song đã phải cắt giảm quy mô đi rất nhiều. Các công ty buộc phải kiếm được lợi nhuận”.

Grab loại bỏ nhiều hoạt động kinh doanh không cốt lõi như dịch vụ “bếp ăn đám mây” – GrabKitchen.
Nguồn: About Semarang

Năm 2022, trước áp lực yêu cầu hãng cải thiện vấn đề tài chính, Grab đã mạnh dạn tuyên bố với các nhà đầu tư rằng công ty dự đoán sẽ hòa vốn vào nửa cuối năm 2024. Kể từ đó, Grab thúc đẩy những nỗ lực để mang lại lợi nhuận thay vì chi tiêu cho tăng trưởng.

Tháng 6 vừa qua, Grab sa thải hơn 1.000 nhân sự, tương đương 11% lực lượng lao động của công ty. Bên cạnh đó, Grab cũng loại bỏ dịch vụ “bếp ăn đám mây” – GrabKitchen – ở Indonesia sau 4 năm hoạt động thiếu ổn định, và thực hiện nhiều chính sách khác như cắt giảm chương trình khuyến mãi, giảm trợ cấp cho lĩnh vực giao đồ ăn và tạm ngưng kế hoạch mở rộng dịch vụ sang lĩnh vực khác. Đại diện của Grab chia sẻ rằng các quyết định khó khăn này là nỗ lực đảm bảo tính liên tục cho những hoạt động kinh doanh cốt lõi của Grab – những hoạt động có tính bền vững, đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế của cộng đồng.

Theo Báo Đầu tư, nhờ thu hẹp hoạt động kinh doanh không cốt lõi, các khoản lỗ của Grab đã giảm 43%, chỉ còn khoảng 250 triệu USD trong quý I/2023. Trong khi đó, khối lượng bán hàng đạt mức tăng trưởng 3% so với mức 24% của cả năm 2022 và 11% cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu của tập đoàn đạt 525 triệu USD trong ba tháng đầu năm, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ kết quả khả quan này, Grab đã kỳ vọng hoà vốn vào quý IV năm nay, sớm hơn dự báo nửa cuối năm 2024 trước đó. Giám đốc Điều hành Grab, ông Anthony Tan, cho biết: “Trong quý I, chúng tôi đã báo cáo một loạt kết quả vững chắc khác, phản ánh sự tập trung có kỷ luật của chúng tôi để thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận bền vững”.

Grab nỗ lực cắt giảm nhằm đảm bảo tính liên tục cho những hoạt động kinh doanh có tính bền vững.
Nguồn: Bloomberg

Tương tự, GoTo cũng thực hiện chính sách thu hẹp bộ máy nhân sự, giảm ưu đãi cho người dùng và nhà bán hàng, hạn chế chi tiêu quảng cáo, đồng thời loại bỏ một số ngành kinh doanh theo yêu cầu tại nhà như GoClean (dọn dẹp) và GoMassage (mát-xa).

Trong quý đầu tiên năm nay, công ty mẹ của Gojek báo cáo lỗ ròng 260 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng của công ty đã chậm lại, với tổng giá trị giao dịch chỉ tăng 6% so với mức tăng trưởng 33% của cả năm trước và 18% trong cùng kỳ.

Các mảng kinh doanh chính của GoTo – bao gồm dịch vụ theo yêu cầu, thương mại điện tử, công nghệ tài chính và logistics – đều cho thấy sự cải thiện so với một năm trước. Dẫn đầu là các dịch vụ theo yêu cầu đã giảm lỗ gần 90%. Nền tảng thương mại điện tử Tokopedia trực thuộc công ty và bộ phận fintech đều báo cáo tăng trưởng tổng doanh thu trên 20%.

“Đà tăng trưởng chậm hơn được thúc đẩy bởi quyết định có ý thức mà chúng tôi đã đưa ra nhằm loại bỏ các giao dịch chất lượng thấp được trợ giá. Chúng tôi điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của mình vì một tương lai mà mọi người dùng đều được hưởng lợi”, đại diện cho biết trong một tuyên bố.

GoTo điều chỉnh hoạt động kinh doanh bằng cách loại bỏ các giao dịch chất lượng thấp được trợ giá.
Nguồn: dibacaonline.com

Theo chia sẻ từ ông Shane Chesson – đối tác sáng lập của Openspace, nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư sớm vào Gojek – mô hình “siêu ứng dụng” mang ý nghĩa đặc biệt trong việc nắm bắt hoạt động hàng ngày của người dùng kỹ thuật số. “Các công ty đã tái tập trung vào những thứ thiết yếu và loại bỏ những dịch vụ phù phiếm hơn. Sức ép xung quanh việc giảm giá liên tục cũng đã được kiểm soát”, Chesson nhận định.

* Nguồn: Tổng hợp