Khám phá 12 case-study Gamification thú vị trong lĩnh vực kinh doanh

Cảm giác chiến thắng mà Candy Crush hay FIFA đem lại cho người chơi là một trải nghiệm quan trọng và thú vị. Để đạt được cảm giác đó, nhiều người không ngại chơi đi chơi lại nhiều lần. Khi giành chiến thắng, người chơi sẽ cảm thấy hạnh phúc và mong muốn được tiếp tục chơi. Nói cách khác, nỗi sợ thua cuộc là động lực để họ về đích.

Triết lý trò chơi này được vận dụng trong Gamification và trở thành chiến lược tâm điểm đổi mới, đem lại sự sáng tạo trực quan cho các thương hiệu. Nhiều thương hiệu đã tạo ra linh vật mang tính cá nhân hóa, hoạt hình stop-motion hoặc hình vẽ thông qua phần mềm Gamification để phát lên tín hiệu về sự đồng cảm và đem đến sự đa dạng trong trải nghiệm người dùng.

Các ví dụ phổ biến về Gamification

Một số ví dụ phổ biến về Gamification bao gồm các câu đố thăm dò ý kiến, trò chơi đố vui, trò chơi fitness, mô phỏng laser 3D và AR marketing... cùng nhiều trò chơi khác. Các thương hiệu thường tích hợp Gamification vào chiến dịch marketing hoặc hệ thống phản hồi để cải thiện trải nghiệm sản phẩm, nâng cao khả năng hiển thị thương hiệu và truyền cảm hứng mua hàng cho người dùng. Nhiều lĩnh vực không liên quan đến trò chơi như giáo dục, thương mại điện tử, ngân hàng, bán lẻ, thực phẩm, đồ uống... đang tạo ra các chiến lược Gamification để cá nhân hóa trang web và trở nên nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Hãy cùng xem qua một số ví dụ về Gamification tại các công ty nổi tiếng:

1. Fitbit

Fitbit là một thương hiệu điện tử tiêu dùng thường marketing thiết bị đeo không dây và các thiết bị khác thông qua Gamification. Bạn có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe tổng thể của mình bằng cách tải ứng dụng Fitbit Fitness và đồng bộ với thiết bị Fitbit, chẳng hạn như đồng hồ thông minh thông qua Bluetooth. Thiết bị này có màn hình trực quan theo dõi số bước, mức spO2, lượng calo đốt cháy và nhiều chức năng cơ thể khác.

Mobile app của Fitbit cũng được thiết kế theo bố cục của trò chơi, giúp người dùng dễ dàng điều hướng xung quanh và thực hiện một hành động cụ thể. Fitbit duy trì hoạt động tập luyện theo lịch và theo dõi tiến trình hàng ngày thông qua phân tích thời gian thực. Ứng dụng này cũng chứa phần thưởng dành cho những người dùng duy trì tốt thói quen tập thể dục của họ.

Tóm lại, Fitbit cung cấp động lực để mọi người đi bộ thường xuyên, giảm cân và giữ gìn sức khỏe.

2. Nike Run Club

Nike Run Club sử dụng các yếu tố trò chơi để hiển thị quãng đường bạn đã chạy hoặc đi bộ, cá nhân hóa các đề xuất tập luyện và đề xuất các bài báo hay. Với Nike Run Club, người dùng sẽ không bao giờ cảm thấy họ đang chạy một mình. Trong thời gian “lockdown” vì đại dịch, số lượt tải Nike Run Club đạt mốc 15,4 triệu và mức độ tương tác của người dùng đạt đến đỉnh điểm.

Nike Run Club ứng dụng các nghiên cứu về tâm lý học để khiến một người nhận thức được mong muốn của họ. Ứng dụng thu thập dữ liệu của người dùng như mức độ hoạt động, cân nặng và sở thích cá nhân để tạo lời nhắc tập luyện sáng tạo. Bên cạnh việc thực hiện các mục tiêu tập thể dục, người dùng cũng có thể chia sẻ thành tích của họ thông qua social media. Ngoài ra, Nike cũng sử dụng nền tảng này để quảng bá sản phẩm, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng doanh số bán hàng của hãng.

3. Duolingo

Thấu hiểu những rào cản giao tiếp mà nhiều người gặp phải, Duolingo đã phát triển một ứng dụng học ngôn ngữ độc đáo hoạt động dựa trên Gamification. Các nhà phát triển của Duolingo đã tung ra 98 khóa học giáo dục dạy 39 ngôn ngữ mới với giao diện chính bao gồm các nhân vật hoạt hình và màu sắc nổi bật để thu hút tối đa sự chú ý của bạn.

Dựa trên khung Gamification Octalysis, ứng dụng phân tích tình cảm và mô hình học tập ở người dùng để tạo ra các gói phần thưởng hấp dẫn. Mỗi khóa học đều có một phần thưởng ẩn dưới dạng huy hiệu hoặc tiền xu. Đặc biệt nhất phải kể đến cách kích hoạt các thông báo vui nhộn, nhắc nhở người dùng hoàn thành khóa học.

Cách tiếp cận Gamification của Duolingo khiến người dùng cảm thấy thú vị và mong muốn sử dụng app lâu dài hơn. Chiến lược của Duolingo nhằm giữ khách hàng tiềm năng làm trọng tâm đã mang lại cho họ một khoản doanh thu khổng lồ.

4. KFC

Một cửa hàng gà rán KFC của Nhật Bản đã quảng bá dòng sản phẩm thực phẩm tôm mới nhất của họ thông qua Gamification. Phối hợp với Nintendo, các nhà thiết kế trò chơi, KFC đã tạo ra “Shrimp Attack”. Để giành chiến thắng trong trò chơi này, người dùng phải bảo vệ lâu đài KFC bằng cách cắt càng nhiều tôm càng tốt, tương tự trò chơi Ninja Fruit.

Bất kỳ ai truy cập trang web của KFC đều có thể chơi miễn phí và kiếm xu thưởng cho các suất ăn giảm giá tại cửa hàng KFC gần nhất. Dù khởi đầu không mấy suôn sẻ nhưng trò chơi dần thu hút khách hàng với số lượt đăng ký trò chơi tăng 22%. Cuối cùng, KFC đã chứng kiến mức tăng đột biến 106% trong tổng doanh số bán hàng của mình.

5. M&M

Trò chơi M&M cũng là một ví dụ hay để marketer học hỏi. Khi M&M phát hành socola có hương vị bánh quy xoắn mới, họ đã quyết định quảng cáo chúng bằng cách sử dụng Gamification. Thương hiệu đã tung ra một trò chơi phong cách gián điệp dành cho người tiêu dùng. Giống như Candy Crush, họ phải tìm một chiếc bánh quy ẩn trong số hàng nghìn chiếc M&M được đặt bên trong một chiếc hộp hình chữ nhật.

Trò chơi đơn giản nhưng đầy tò mò này đã mang lại những lợi ích hữu hình cho chiến dịch, cùng với việc tăng doanh thu và tăng trưởng ARR cho M&M. Trang Facebook của thương hiệu có 25.000 lượt thích mới, 6.000 lượt chia sẻ và 10.000 bình luận. Sáng kiến này của M&M, nhằm thu hút người dùng social media và truyền bá tin tức về buổi ra mắt sản phẩm mới, đã nhận được sự khen ngợi của nhiều marketer.

6. Donut Papi

Donut Papi là một thương hiệu bánh donut của Úc có trụ sở tại New South Wales. Thương hiệu đã cải thiện trải nghiệm người dùng thông qua màn hợp tác với Gamify để ra mắt một trò chơi di động, được gọi là “Trò chơi đấu trí” mà người dùng có thể tải thông qua trang web.

Tổng giải thưởng dành cho người chiến thắng trò chơi bao gồm quà tặng hàng tuần: Một hộp bánh donut (6 cái). Người giữ điểm cao liên tục sẽ giành được phần thưởng. Kết quả là lượng traffic website của Donut Papi đã tăng vượt bậc. Chỉ trong khoảng hai tuần, thương hiệu đã tăng gấp đôi số lượng khách hàng có được trước đó.

7. Coca-Cola

Coca-Cola đã tận dụng Gamification để nâng cao trải nghiệm sản phẩm tại cửa hàng. Hợp tác với Ksubaka (một công cụ cá nhân hóa), thương hiệu đã tạo ra “Khoảnh khắc vui vẻ” đắm chìm cho người tiêu dùng của mình. Nếu người tiêu dùng cách kệ sản phẩm vài bước chân, điện thoại thông minh của họ sẽ bắt được tín hiệu MoJo.

Khi người dùng nhấp vào thông báo, thương hiệu sẽ nhắc họ hoàn thành lời kêu gọi hành động trước khi nhận phần thưởng. Bước này có thể là bất cứ điều gì, chẳng hạn như điền vào mẫu khảo sát hoặc thích một bài đăng trên mạng xã hội. Bằng cách này, Coca-Cola kiếm được nhiều lượt thích và chia sẻ, qua đó tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Đặc biệt, Coca-Cola cũng đưa ra ý tưởng về máy bán hàng tự động được ứng dụng trong trò chơi. Theo đó, nếu người dùng ôm máy, cào thẻ hoặc nói một cụm từ khác với máy, máy sẽ thưởng cho họ một lon nước ngọt miễn phí.

8. Pepsi Max

Pepsi Max đã mở ra thế hệ Gamification tiếp theo thông qua các chiến dịch BTL marketing. Họ đã tạo ra mô phỏng 3D về một con rồng ảo bắn tia laze hoặc một con hổ lao vào những hành khách đang chờ tại trạm xe buýt ở London bằng công nghệ AR. Trải nghiệm thú vị này giúp Pepsi Max tạo ra một xu hướng mới trong Martech.

Nguồn: BBC News

9. Starbucks

Starbucks là một thương hiệu nhạy bén với xu hướng công nghệ. Với chương trình My Rewards trên ứng dụng di động, khách hàng của Starbucks có thể kiếm được một vài ngôi sao hoặc điểm mỗi khi đặt hàng. Khi hoàn thành một số sao cụ thể, người tiêu dùng sẽ nhận được các phiếu giảm giá tại cửa hàng cà phê gần nhất, và hầu hết các lần ghé thăm sau đó đều được nâng cấp thêm với cà phê miễn phí hoặc bánh sandwich.

Ứng dụng của Starbucks cũng có giao diện kỹ thuật số liền mạch với các tính năng tích hợp như đặt hàng trực tuyến, thanh toán sau và danh sách phát nhạc tùy chỉnh qua Spotify. Bằng cách cung cấp sản phẩm chất lượng và không ngừng đa dạng hóa trải nghiệm người dùng, Starbucks dần khẳng định vị thế là một “bậc thầy” của cuộc chơi.

10. Headspace

Headspace là một ứng dụng chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, giúp người dùng lấy lại sức hấp dẫn đã mất của một tư duy tích cực. Ứng dụng có hướng dẫn thiền, trò chơi và các hoạt động giải trí khác để người dùng thư giãn sau một ngày bận rộn.

Các minh họa và thiết kế theo phong cách trò chơi đều có tác dụng nhắc nhở người dùng về những điều cần thiết để có một cuộc sống hạnh phúc. Người dùng ở mọi lứa tuổi có thể khám phá Headspace theo những cách khác nhau để xoa dịu bản thân, giảm bớt lo lắng và tương tác với những người dùng khác có cùng đam mê.

Headspace sẽ thưởng cho người dùng vì đã thường xuyên tham gia các buổi thiền định và khuyến khích họ tiếp tục duy trì thói quen này. Phần thưởng sau đó sẽ được quy đổi thành tiền mặt, mở rộng tư cách thành viên, playlist ý nghĩa và nhiều đặc quyền khác.

11. Uber

Ứng dụng Uber sử dụng Gamification từ góc độ kinh doanh. Một hệ thống phần thưởng hoặc vòng lặp được kích hoạt ở vị trí lái nhằm theo dõi hiệu quả và tiến độ của người lái xe trong suốt cả ngày.

Chương trình phần thưởng của Uber, ra mắt vào năm 2018, cũng bao gồm một hệ thống cấp bậc mở ra các phần thưởng và ưu đãi khác nhau cho tài xế. Ví dụ như tài xế có thể huỷ chuyến mà không phải chịu bất kỳ khoản phí nào...

Chương trình chiến lược này của Uber nhằm mục đích thúc đẩy năng suất làm việc của tài xế và ổn định lực lượng lao động.

12. LinkedIn

LinkedIn tận dụng các kỹ thuật Gamification trong tài khoản của người dùng để tính toán tiến trình của họ. Nền tảng cung cấp huy hiệu giải thưởng, thanh tiến trình, nội dung đa phương tiện, bài viết... để tăng sự chú ý. Người dùng mua tư cách thành viên cao cấp của LinkedIn có quyền truy cập vào nhiều tính năng, bao gồm:

  • Các video được cá nhân hóa để học tập tương tác
  • 30 lần gửi Inmail Message kết nối cá nhân với một nhà tuyển dụng tiềm năng
  • Gamification nội dung để quản lý các bài báo, bản tin và quảng cáo được cá nhân hóa
  • Truy cập vào trình quản lý chiến dịch LinkedIn (LinkedIn Campaign Manager) để theo dõi tỷ lệ tương tác

Các ứng dụng Gamification được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp

Sự ra đời của Gamification có thể mang lại lợi ích lâu dài cho thương hiệu trong việc thấu hiểu người tiêu dùng. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là Gamification đã vượt qua các rào cản marketing truyền thống như thế nào để thu hút sự chú ý trên toàn thế giới?

1. Quản lý lòng trung thành thương hiệu

Các nhà bán lẻ, công ty du lịch và nhà hàng sử dụng Gamification trong quản lý khách hàng thân thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Các chương trình khách hàng thân thiết có thể có nhiều hình thức khác nhau, từ hệ thống tích điểm, chương trình giới thiệu đến đổi phiếu mua hàng.

Một số ví dụ về trò chơi quản lý khách hàng thân thiết bao gồm:

  • Thẻ tích điểm: Mỗi khi khách hàng mua hàng, họ sẽ nhận được một dấu tích điểm. Sau nhiều lần mua hàng, họ nhận được dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá.
  • Quà tặng: Thực hiện thông qua các tài khoản social media chính thức để lôi kéo khách hàng tham gia. Những người chiến thắng được chọn một cách ngẫu nhiên.
  • Marketing: Cung cấp cho khách hàng mục tiêu sử dụng thẻ tín dụng từ danh sách các ngân hàng hoặc nền tảng tài chính tư nhân đã chọn.
  • Phiếu mua hàng: Phát hành một số coupons dựa trên hồ sơ khách hàng, số lượng mua và các thuộc tính khác để gợi lên các ưu đãi giảm giá.
  • Huy hiệu: Huy hiệu giúp phân biệt khách truy cập thường xuyên và khách truy cập theo ngẫu hứng.
  • Bảng xếp hạng: Là một cách thú vị để tăng sự cạnh tranh giữa những người đăng ký của thương hiệu.
  • Điểm trung thành hoặc tiền xu: Một số nền tảng tài chính thưởng gấp đôi quyền truy cập thành viên và tiền xu để khuyến khích người dùng thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng đúng hạn.
  • Vòng quay may mắn: Có thể được tích hợp kỹ thuật số để người tiêu dùng thử vận ​​may với các giải thưởng, phiếu giảm giá hoặc tiền hoàn lại.

Hành vi “tìm kiếm phần thưởng” được sinh ra thông qua các chương trình khách hàng thân thiết có thể khuếch đại sự tham gia của công chúng và thúc đẩy khách hàng tiềm năng hướng tiếp tục mua hàng. Nó khiến khách hàng tò mò muốn kiểm tra xem họ được nhận phần thưởng mới, đặc quyền thành viên, phiếu thưởng hoặc giao dịch miễn phí nào hay không.

2. Tăng sự gắn kết của nhân viên

Việc biến quy trình bất kỳ thành trò chơi có thể thúc đẩy sự năng nổ của nhân viên. Các phần mềm gắn kết nhân viên hoạt động dưới dạng Gamification giúp truyền niềm vui vào các quy trình giới thiệu, thử việc, cuộc thi, khảo sát... Doanh nghiệp có thể cung cấp huy hiệu hoặc cột mốc quan trọng cho một nhân viên nổi bật trong bảng xếp hạng. Bên cạnh đó là thiết kế các hoạt động sáng tạo để thúc đẩy tương tác của nhân viên.

3. Sale Gamification

Các công cụ Sale Gamification tận dụng tính cạnh tranh của các đội ngũ bán hàng. Bằng cách tạo bảng xếp hạng, thông báo công khai được cá nhân hóa hoặc trao huy hiệu cho các hành động cụ thể, doanh nghiệp có thể thúc đẩy đội ngũ bán hàng nâng cao hiệu quả và đạt được mục tiêu kinh doanh.

Phần mềm Sale Gamification được sử dụng để tạo các chương trình đào tạo tương tác cho nhân viên. Khi nhân viên thăng tiến và đạt được các mục tiêu bán hàng đã đề ra, doanh nghiệp có thể đính kèm các khoản khuyến khích hoặc số tiền thay đổi vào tiền lương của họ. Bằng cách này, doanh nghiệp không chỉ trao thưởng nhân viên xứng đáng mà còn tạo khuyến khích các nhân sự khác cùng cố gắng.

4. Advocacy Marketing

Advocacy Marketing, hay tiếp thị vận động, được sử dụng để giới thiệu khách hàng, marketing dựa trên thảo luận của khách hàng và tạo tiếng vang tự nhiên cho các dòng sản phẩm mới trước khi thương hiệu quảng cáo chúng.

5. Gamification microlearning

Nhân sự của công ty có thể sử dụng rộng rãi microlearning để tạo sự kiện, trò chơi và thuyết trình tương tác. Bên cạnh đó là tăng cường hoạt động đào tạo bằng cách tích hợp các module giáo dục nhỏ vào quy trình làm việc hàng ngày. Các nền tảng này bao gồm nội dung đa phương tiện, flashcards và hệ thống quản lý truy vấn...

Tại sao Gamification lại đem đến hiệu quả trong nhiều lĩnh vực?

Gamification đã được chứng minh là một kỹ thuật thành công để thu hút khách truy cập, xây dựng mối quan hệ với khách hàng và gia tăng hiệu quả bán hàng. Gamification marketing tốt tạo ra sự quan tâm của người dùng theo ba cách chính: xác thực, hoàn thành và phần thưởng. Phần thưởng có thể đến dưới dạng ưu đãi, phiếu giảm giá, hoặc điểm trung thành. Những hoạt động Gamification dù đơn giản nhưng vẫn có thể khiến khách hàng hứng thú với trải nghiệm sản phẩm.

Nhiều người xem sự cạnh tranh là động lực để phát triển lên một tầm cao mới. Do đó, việc thúc đẩy tinh thần cạnh tranh của khách hàng thông qua trò chơi có thể giúp thương hiệu trở thành một cái tên đáng tin cậy trên thị trường. Những khách hàng hài lòng sẽ lan truyền những lời tốt đẹp về thương hiệu và tiếp thị truyền miệng mạnh mẽ sẽ giúp thương hiệu phát triển hoạt động kinh doanh.

* Nguồn: LearnG2

Về AppROI.co

AppROI Marketing là Growth Marketing Agency, có thế mạnh về Digital Performance Marketing với năng lực triển khai và tối ưu hiệu quả marketing trên nền tảng công nghệ mang lại khách hàng thực sự, giúp khách hàng đo lường giá trị lâu dài sau khi mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Hiện tại, AppROI đang đồng hành cùng các đối tác lớn như Google, TikTok, Facebook, Cốc Cốc, AppsFlyer, Adjust, CleverTap, Insider... cùng nhiều đối tác khác.