Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Vào ngành Marketing #3: Đừng chỉ tập trung vào “chữ P cuối cùng”

“Nhiều sinh viên cứ nghĩ Marketing là làm quảng cáo, làm truyền thông, làm việc với người nổi tiếng, xây dựng hệ sinh thái mạng xã hội, tất cả những điều đó đều nằm trong Promotion, cũng tức là chữ P cuối cùng trong 4P mà bỏ qua Product, Price hay Place…”.

Đó là những chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, Giảng viên ngành Marketing – Khoa Thương Mại Trường Đại học Văn Lang, Giảng viên thỉnh giảng Khoa Kinh doanh Quốc tế – Marketing Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trong số thứ ba của series “Vào ngành Marketing”.

Những năm gần đây, Marketing là ngành luôn thu hút sự quan tâm của các thí sinh trên cả nước. Năm nay, Marketing tiếp tục trở thành một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất tại nhiều trường đại học. Vậy sức hút của ngành Marketing đến từ đâu? Từ học Marketing đến làm Marketer: Sinh viên cần chuẩn bị gì? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua chia sẻ của các giảng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bằng series “Vào ngành Marketing”.

Thu nhập hấp dẫn, thị trường rộng mở

* Theo thầy, đâu là những yếu tố giúp ngành Marketing giữ được “độ hot” trong nhiều năm qua?

Thứ nhất, Marketing là một trong những bộ phận rất quan trọng của doanh nghiệp và hầu như doanh nghiệp ở quy mô nào cũng cần làm Marketing. Với những doanh nghiệp lớn, phòng Marketing sẽ chuyên môn hóa hơn với Brand Team, Digital Team, Trade Team... Với những doanh nghiệp nhỏ, dù ít hay nhiều thì họ vẫn sẽ triển khai các hoạt động Marketing.

Thứ hai, trong khoảng 7-8 năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là Social Media đã tạo điều kiện cho hoạt động Marketing ở Việt Nam và trên toàn thế giới trở nên “màu mỡ” hơn rất nhiều. Có thể nói, công nghệ đã trở thành trợ thủ đắc lực cho Marketing và góp phần làm thay đổi cục diện của ngành. Vì vậy, những năm gần đây, chúng ta thường nghe nhắc đến các thuật ngữ về chuyển đổi số hay Digital Marketing.

Thứ ba, lộ trình thăng tiến trong công việc của ngành Marketing rất rõ ràng và có phần rộng mở hơn so với những lĩnh vực khác. Marketing là lĩnh vực rất rộng. Việc này dẫn đến “đất diễn” của Marketing, cũng tức là tiềm năng phát triển khi làm việc trong ngành Marketing cũng rất cao. Không chỉ làm cho client, các bạn cũng có thể làm cho agency với nhiều vị trí khác nhau.

Trong khoảng 7-8 năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là Social Media đã tạo điều kiện cho hoạt động Marketing trở nên “màu mỡ”.
Nguồn: Unsplash

Bên cạnh đó, Marketing là một trong những ngành có thu nhập hấp dẫn trên thị trường. Từng trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp với vị trí manager, tôi phải thừa nhận rằng thật sự có sự chênh lệch về mức lương giữa các ngành với nhau. Ngoài ra, tôi nghĩ sức hút của ngành Marketing còn ở sự hào nhoáng của nghề Marketing, cách mà dân trong nghề đang “flex” về ngành cũng làm cho các bạn trẻ thấy thích thú, chẳng hạn như được làm việc với người nổi tiếng hay môi trường làm việc năng động…

Cuối cùng là một vấn đề liên quan đến nhu cầu của thị trường. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin của thị trường lao động TP.HCM, trong vòng 5-10 năm tới ngành Marketing dự kiến tuyển trung bình khoảng 24.000 lao động/năm. Đây là con số cho thấy thị trường đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng. Và các bạn sinh viên có thể tin rằng sau tốt nghiệp, mình sẽ có một công việc đúng chuyên ngành.

* Thị trường đang cần nguồn nhân lực lớn là vậy, thế nhưng so với thời điểm trước dịch COVID-19, nhu cầu nhân sự trong ngành liệu có biến chuyển nào hay không?

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực bị trì trệ, dù có thể “work from home” nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với Marketing, các hoạt động trên online vẫn diễn ra bình thường. Công nghệ lên ngôi cũng hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động marketing.

Thói quen mua sắm online khiến các hoạt động của Marketing phải thích nghi và thay đổi rất nhiều.
Nguồn: Hires

Sau dịch, thị trường lại tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kinh tế và làn sóng cắt giảm nhân sự. Ba nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là công nghệ, công nghiệp và tài chính. Marketing cũng chịu ảnh hưởng nhưng không nhiều, từ đó ta có thể thấy được tầm quan trọng và vai trò của ngành Marketing.

Đặc biệt, hành vi tiêu dùng ở ba thời điểm trước dịch, trong dịch và sau dịch rất khác nhau. Trong đó, điển hình đến là thói quen mua sắm online của người tiêu dùng, được duy trì từ thời điểm diễn ra đại dịch đến nay. Việc này dẫn đến các hoạt động của Marketing cũng cần phải thích nghi và thay đổi rất nhiều. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự có chuyên môn về Marketing sau dịch vì vậy cũng tăng cao.

Chẳng hạn như trước dịch, yếu tố “online” có thể ít được quan tâm, nhưng sau dịch, chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng của các sàn thương mại điện tử, những người làm KOL, KOC cũng đã có thể trực tiếp bán hàng để tạo ra doanh thu.

* Thầy đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo ngành Marketing tại Việt Nam trong những năm gần đây?

Có thể nói, các trường đại học trong khối ngành kinh tế hiện nay đang “thi nhau” mở ngành Marketing để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngành Marketing hiện đang được các trường đại học chú trọng và xây dựng chương trình đào tạo tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, cũng như tuyển dụng đội ngũ giảng viên chất lượng cao.

Để có được một chương trình tốt, các trường không tự nghĩ ra chương trình đào tạo, mà họ xây dựng dựa trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các chương trình chuẩn của các trường trong nước và thế giới. Điều này giúp các trường xây dựng được chương trình với đầu ra thật sự chất lượng, phù hợp với xu thế và dẫn đến việc đòi hỏi người dạy Marketing cũng phải có chuyên môn và thực lực để đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Các trường đã và đang xây dựng chuẩn đánh giá bài bản và có sự kiểm định nghiêm ngặt của Bộ để đảm bảo có thể đào tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất cho thị trường.

Chẳng hạn như, trường Đại học Văn Lang sẽ tham khảo và so sánh với chương trình đào tạo ngành Marketing ở các trường nổi tiếng trong nước như Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Tài chính Marketing, và ngoài nước như Monash University của Úc và Hong Kong Polytechnic University.

Ngành Marketing hiện đang được các trường đại học thuộc khối ngành kinh tế như Đại học Văn Lang chú trọng.
Nguồn: Đại học Văn Lang

* Theo thầy, những “đặc điểm của thế hệ” liệu có sự liên quan nào đến việc các bạn trẻ thế hệ Z bị thu hút bởi ngành Marketing?

Trong quá trình giảng dạy các bạn Gen Z, tôi nhận thấy các bạn đều là những người rất năng động, có cá tính mạnh và được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. Vì vậy, định hình về nghề nghiệp của các bạn cũng có từ rất sớm.

Trước đó, “mảnh đất” Marketing không được phù sa màu mỡ như hiện tại, các thương hiệu cũng chưa có nhiều cơ hội “show off”. Vì hoạt động Marketing chủ yếu được triển khai offline và online chưa phát triển. Ngày nay, khi Social Media phát triển, các thương hiệu đã nhanh chóng nắm bắt và tận dụng yếu tố này, từ đó việc tiếp cận với người tiêu dùng cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người tự xây dựng thương hiệu cá nhân để trở thành KOL, KOC trên các nền tảng mạng xã hội.

Từ những hoạt động này, Gen Z thấy được và sẽ tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao các thương hiệu làm được như vậy?”, “Tại sao lại có những cá nhân có thể trở thành người có sự ảnh hưởng trong cộng đồng?”. Có cơ hội tiếp cận với công nghệ từ sớm và “bắt gặp” Marketing dưới nhiều hình thái, Gen Z biết được mình phải trang bị những điều gì, ngành nghề nào sẽ giúp mình thể hiện được cá tính mạnh mẽ nhất. Và Marketing là một trong những lĩnh vực làm được điều đó.

Có cơ hội tiếp cận với công nghệ từ sớm và “bắt gặp” Marketing dưới nhiều hình thái, Gen Z biết được mình phải trang bị những gì, ngành nghề nào sẽ giúp mình thể hiện cá tính mạnh mẽ nhất.
Nguồn: Cuộc thi Marketing Generator 2023 / MarGen Club

Làm Marketing phải giỏi hai loại toán

* Để trở thành một Marketer trong thời đại số, đâu là những kiến thức và kỹ năng mà các bạn trẻ cần chú ý trang bị, trau dồi ngay từ năm nhất?

Thứ nhất là về kiến thức, ngoài những kiến thức chuyên môn ở trường, các bạn cũng cần phải học thông qua trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, bằng cách đi làm thêm hay thực tập tại các agency hoặc client về chuyên môn các bạn đang theo học. Hay thậm chí các bạn có thể làm freelancer như viết content, tham gia tổ chức sự kiện, booking KOL, KOC cho nhãn hàng...

Với Marketing, kiến thức xã hội ở nhiều lĩnh vực là rất cần thiết. Khi có một thế giới quan rộng, chúng ta có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho công việc của mình. Ngoài ra, tôi nghĩ các bạn cũng nên học các khóa về tâm lý, thấu hiểu con người để có thể làm Marketing tốt.

Bởi vì làm Marketing mà không thấu hiểu đối tượng, không thấu hiểu khách hàng, không thấu hiểu insight của họ thì khó có thể thành công. Đó là một trong những điều cơ bản mà chúng ta phải bắt đầu nghiên cứu khi thực hiện các chiến lược của Marketing.

Về kỹ năng, tôi nhận thấy rằng mỗi sinh viên sẽ có những thế mạnh khác nhau. Tuy nhiên các bạn đều cần phải có kỹ năng nghiên cứu và phân tích, kỹ năng giao tiếp, đặt vấn đề, đặt câu hỏi, làm việc nhóm và đặc biệt là nắm bắt tâm lý của đối phương. Ngoài ra, các bạn phải rèn luyện tư duy logic, tư duy sáng tạo và tư duy phản biện vì đây là những điều rất cần trong công việc của một người làm Marketing.

Marketing không chỉ là các hoạt động truyền thông “bề nổi”; mà còn là câu chuyện “bề chìm”, là định giá, chiến lược giá, sản phẩm…

* Những kiến thức trong mảng Digital Marketing bây giờ có phải là kiến thức mà bạn nào cũng nên biết và nên trang bị hay không, hay những bạn có định hướng theo đuổi Digital Marketing thì mới cần quan tâm?

Dù không làm Digital Marketing, các bạn vẫn phải quan tâm đến Digital Marketing, bởi vì nó chính là cánh tay nối dài của Marketing. Ngày trước khi còn làm Brand Manager, nếu hỏi tôi có cần quan tâm đến Digital hay không thì là có. Vì mình không quan tâm thì mình không thể phối hợp công việc với họ, cũng như không thể tracking, đánh giá được hiệu quả của Digital.

Marketing là một chuỗi mắt xích mà tất cả các team phải làm việc với nhau. Ví dụ, khi bạn thuộc Trade team, bạn phải triển khai một campaign promotion. Bạn có thể làm tốt tại điểm bán, nhưng nếu không hiểu về hành vi từ online qua offline thì bạn không thể tối ưu hóa. Hoặc khi bạn chọn event thì cũng đừng nghĩ làm sự kiện tức là chỉ có hoạt động offline. Vì online là công cụ giúp bạn truyền thông cho sự kiện của mình có thể tiếp cận đến đối tượng mục tiêu.

Tóm lại, dù làm ở mảng nào trong Marketing, bạn đều cần biết về Digital. Và tốt nhất là hãy trau dồi nhiều kiến thức, biến mình thành một “bách khoa toàn thư” về Marketing. Vì mọi thứ đều có thể liên quan đến nhau, nếu bạn không biết hay không hiểu thì sẽ rất khó để làm việc trơn tru, cũng như cộng tác với nhân sự ở các team khác trong bộ phận Marketing.

Dù không làm Digital Marketing, marketers nói chung vẫn phải quan tâm đến Digital Marketing.
Nguồn: Envato

* Có hiểu lầm hay ngộ nhận nào đó về ngành thường gặp phải ở các bạn tân sinh viên mà thầy muốn “đính chính”?

Một trong những môn đầu tiên mà tôi dạy cho sinh viên của mình là Principles of Marketing. Đây là môn làm rõ về tư duy, tránh gặp phải những ngộ nhận về Marketing. Tôi nhận thấy nhiều sinh viên cứ nghĩ Marketing là làm quảng cáo, làm truyền thông, làm việc với người nổi tiếng, xây dựng hệ sinh thái mạng xã hội… Tất cả những điều đó đều nằm trong Promotion, cũng tức là chữ P cuối cùng trong 4P mà bỏ qua Product, Price hay Place.

Những bạn học chuyên ngành Marketing, được tiếp xúc với các môn chuyên ngành và đào sâu kiến thức thì các bạn sẽ nhớ. Còn những bạn học những ngành khác trong khối kinh tế chỉ được tiếp xúc vài môn căn bản thì sẽ nhanh quên và hay bị nhầm lẫn giữa các thuật ngữ này.

Nhiều bạn cũng nghĩ rằng, chỉ người hướng ngoại mới có thể làm Marketing. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể hiểu được vì khi công nghệ phát triển, các bạn có cơ hội tiếp cận với hầu hết các hoạt động truyền thông “bề nổi” của doanh nghiệp nên các bạn dễ lầm tưởng Marketing chỉ là làm những công việc hào nhoáng đó. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Marketing còn là câu chuyện “bề chìm” mà người hướng nội cũng có thể làm như các công việc liên quan đến phân tích, nghiên cứu...

Đừng chỉ chú trong Promotion mà bỏ qua Product, Price hay Place.
Nguồn: Business.org

* Với các bạn không đủ điểm đỗ ngành Marketing, thầy có lời khuyên nào để các bạn có thể tiếp cận với ngành nếu không được đào tạo tại trường đại học?

Không phải học ngành Marketing mới có thể làm Marketing. Bản thân tôi lấy bằng cử nhân và thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh nhưng vẫn có thể làm Marketing và hiện tại giảng dạy bộ môn Marketing. Nếu các bạn không đậu chuyên ngành Marketing, các bạn cũng đừng lo. Các bạn theo học những ngành khác như Kinh doanh Quốc tế, Kinh doanh Thương mại… trong khối ngành kinh tế vẫn có thể làm Marketing.

Muốn làm Marketing thì phải giỏi hai loại toán – toán số và toán chữ.

Nếu quá đam mê Marketing nhưng không đủ điểm đậu, các bạn có thể chọn một ngành khác như Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh Quốc tế, trong những ngành này sẽ đào tạo những môn căn bản về Marketing. Trong quá trình 4 năm đại học, các bạn có thể tiếp tục tự học thông qua bạn bè, tài liệu trên Internet. Hoặc nếu có định hướng ngay từ đầu, các bạn có thể chọn đi thực tập ở mảng Marketing, dần dần mình cũng sẽ hình thành được kiến thức nền.

Những kiến thức nền ở đây là câu chuyện về mục tiêu, định vị thương hiệu, phân khúc khách hàng, 4P… còn định vị ra sao, phân khúc thị trường thế nào thì lại là câu chuyện của thực chiến. Nhưng trước khi muốn làm, mình phải hiểu trước đã.

Và khi đã có nền, hãy tiếp tục tích lũy, tìm hiểu sâu hơn về ngành. Ngoài ra, các bạn có thể tham gia các cuộc thi học thuật về Marketing do các trường Đại học tổ chức, chẳng hạn như cuộc thi Marketing Generators của Khoa Thương Mại, trường Đại học Văn Lang tổ chức.

Marketing quan trọng ở chỗ tư duy. Tôi vẫn hay nói với sinh viên rằng muốn làm Marketing thì các em phải giỏi hai loại toán. Toán đầu tiên là toán số, tức là phải biết tính toán doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng của thị trường, của ngành hàng, phải có khả năng phân tích và đọc dữ liệu…

Thứ hai là phải giỏi toán chữ. Mình phải biết cách sắp xếp câu chữ như thế nào, thông điệp truyền tải ra sao để khách hàng cảm nhận được. Không phải ngay lập tức có thể nghĩ ra một thông điệp hay và khiến khách hàng phải “quào” chỉ trong một số từ nhất định.

* Cảm ơn thầy vì những chia sẻ bổ ích!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam