RMIT Việt Nam giới thiệu loạt phim “THINK DIFFERENTLY”, cung cấp góc nhìn mới từ các đề tài nghiên cứu chuyên sâu
RMIT Việt Nam giới thiệu loạt phim mới về nghiên cứu với tên gọi “THINK DIFFERENTLY”, đem đến cho người xem góc nhìn mới mẻ về những chủ đề họ có thể đã biết hoặc chưa từng nghe qua.
Loạt phim bao gồm các chủ đề liên quan đến (1) trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và mối tương quan với tình yêu thương hiệu, (2) hiện diện của lãnh đạo nữ trong giáo dục đại học ở Việt Nam, và (3) công nghệ tiên tiến trong ngành y tế Việt Nam (chẳng hạn như tự động nhận dạng chữ viết tay của bác sĩ).
Với hơn 15 kinh nghiệm trong ngành dịch vụ, tập trung vào quản lý khách sạn và marketing bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long – Giảng viên Cấp cao đến từ Khoa Truyền thông và Thiết kế – đã tìm hiểu sự chuyển hướng của các hoạt động CSR trong suốt đại dịch COVID-19 và cách mà chuyển đổi này ảnh hưởng đến thái độ của người tiêu dùng với tình yêu thương hiệu. Ông nhấn mạnh: “Hoạt động CSR không còn là một lựa chọn mà là điều bắt buộc”.
Khán giả có thể tìm hiểu sâu hơn về nghiên cứu của Tiến sĩ Long trong tập đầu tiên “THINK DIFFERENTLY – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và mối tương quan giữa hoạt động CSR với tình yêu thương hiệu”.
Với hơn 70% phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, Việt Nam xếp thứ hạng cao trên toàn cầu và qua mặt một số các quốc gia Đông Nam Á trong hạng mục này. Còn mảng giáo dục đại học thì sao?
Tiến sĩ Greeni Maheshwari, nhà giáo được vinh danh qua nhiều giải thưởng và Giảng viên Cấp cao từ Khoa Kinh doanh, đã trình bày kết quả nghiên cứu về hiện diện hạn chế của lãnh đạo nữ trong lĩnh vực này, và động lực cũng như những rào cản mà họ gặp phải.
Bạn đọc có thể tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng này trong tập hai “THINK DIFFERENTLY – Sự hiện diện của lãnh đạo nữ trong giáo dục đại học ở Việt Nam” và tìm hiểu xem chúng ta có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà còn đối với toàn bộ lực lượng lao động.
Tập cuối cùng, “THINK DIFFERENTLY – Công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam” lên sóng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sẽ đưa khán giả đến với một lĩnh vực khác.
Ở những quốc gia thu nhập trung bình – thấp như Việt Nam, nơi nguồn lực còn thiếu thốn, việc đối mặt với những thách thức trong ngành y tế liên quan đến mặt bằng nguồn lực (chẳng hạn như tiếp cận với hệ thống y tế, hệ thống chẩn đoán và điều trị phù hợp...) không hề dễ dàng.
Giải thích của Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh – Chủ nhiệm bộ môn và Giảng viên Cấp cao từ Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ – có thể sẽ giúp khán giả suy ngẫm xem loại công nghệ nào sẽ có ích với mảng y tế công ở Việt Nam. Điểm nổi bật của những gì Tiến sĩ Minh đang nghiên cứu là hệ thống nhận dạng tự động bệnh án viết tay của bác sĩ. Dự án này nhận được sự đóng góp to lớn từ sinh viên Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ và có thể là trợ thủ đắc lực cho bác sĩ trong công việc hành chính hằng ngày.
Chuỗi phim về nghiên cứu của Đại học RMIT hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem cơ hội khám phá những đề tài mới mẻ và khác việt, đồng thời tham khảo các góc nhìn thực tế của chuyên gia.