Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

“Braun: Designed to Keep” – Quyển sách đáng lưu giữ dành cho dân thiết kế

“Braun: Designed to Keep” được xem là quyển sách ghi lại lịch sử hình thành toàn diện nhất của Braun kể từ khi thành lập cho đến nay. Quyển sách có hơn 400 trang và 500 hình ảnh, bao gồm những tài liệu lưu trữ chưa bao giờ được phát hành trước đây.

* Bài viết lược dịch từ “Braun: Designed to Keep is a book worth holding onto” của tác giả Thomas Ricker – Deputy Editor & Co-Founder của The Verge.

Quyển sách này cũng đi kèm với những trang ảnh hoàn toàn mới về những sản phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông Dieter Rams – Nhà thiết kế người Đức huyền thoại đã từng đảm nhận vai trò Head of Product Design tại Braun từ năm 1961 đến 1995. Những hình ảnh trong quyển sách mang đậm phong cách “less, but better” đặc trưng của ông Rams, vốn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế đình đám, tiêu biểu là ông Naoto Fukasawa và ông Jony Ive – Former Chief Design Officer tại Apple.

Hình ảnh chiếc máy nghe nhạc cầm tay TP1 của Braun.
Nguồn: The Verge

Lịch sử hình thành và vai trò của ông Dieter Rams tại Braun

“Braun: Designed to Keep” được xuất bản bởi Phaidon và chắp bút bởi ông Klaus Klemp – Giáo sư, đồng thời là nhà sử học và giám tuyển thiết kế người Đức. Ông Klemp đã dành hơn hai thập kỷ vừa qua để ghi lại những tác phẩm của ông Rams thông qua những buổi triển lãm quy mô lớn và những quyển sách ảnh như “Dieter Rams: The Complete Works”.

Nội dung quyển sách “Braun: Designed to Keep” bắt đầu từ sau Thế chiến thứ Nhất, khi ông Max Braun thành lập công ty tại Frankfurt, Đức vào năm 1921. Khi đó, phong cách thiết kế Bauhaus, tức là chỉ chú trọng vào công năng, đang phát triển mạnh mẽ. Do vậy, máy phát thanh và máy nghe nhạc của Braun cũng mang phong cách thiết kế Bauhaus.

Vào năm 1945, tức là sau Thế chiến thứ Hai, con trai của Braun là Artur Braun cũng gia nhập công ty. Artur Braun là một kỹ sư tài năng và chính là người góp phần tạo nên chiếc máy cạo râu khô S50 được ra mắt vào năm 1950. Không lâu sau đó, S50 là sản phẩm mang lại lợi nhuận cao nhất cho Braun, đồng thời đưa công ty trở thành biểu tượng sau nhiều lần nỗ lực tái thiết lập và mở rộng vào giai đoạn sau chiến tranh.

Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc làm việc và thảo luận của đội ngũ thiết kế tại Braun.
Nguồn: The Verge

Dẫu vậy, theo lời của ông Klemp, ông Erwin Braun, anh trai của Artur mới thật sự là người đã tập hợp một đội ngũ để thiết kế những sản phẩm “mang phong cách của thời đại”. Dù không có kỹ năng thiết kế, ông Erwin lại xây dựng được mối quan hệ đối tác thương mại khá chặt chẽ với Hochschule für Gestaltung (HfG) Ulm – một trường Cao đẳng đào tạo ngành thiết kế có trụ sở tại Ulm, Đức trong giai đoạn từ năm 1956 đến năm 1963. Ông Klemp bổ sung, những đối tác như ông Otl Aicher – người sáng lập trường Ulm và ông Hans Gugelot – kỹ sư và nhà thiết kế người Đức gốc Indonesia, đã có ảnh hưởng lớn đến tư duy thiết kế tại công ty Braun vào những năm 1950.

Cho đến ngày 14/07/1955, ông Rams bắt đầu gia nhập Braun với vai trò nhà thiết kế nội thất. Đến năm 1961, ông trở thành người đầu tiên lãnh đạo đội ngũ thiết kế nội bộ của Braun, cùng với sự hỗ trợ của ông Reinhold Weiss. Dẫu thế, theo nhận định của Artur, Erwin mới là “người cha thật sự” của Braun Design.

Đến năm 1985, “Ten Principles of Good Design” của ông Rams lần đầu tiên được giới thiệu. Từ đó, những nguyên tắc này chịu ảnh hưởng bởi phong cách thiết kế Bauhaus và được tái định nghĩa lại sau đó bởi sự hiểu biết của trường Ulm về công nghệ và sản xuất công nghiệp. Nguyên tắc số 10 cũng chính là nguyên tắc nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất của ông Rams:

“Good design is as little design as possible. Less, but better — because it concentrates on the essential aspects, and the products are not burdened with non-essentials. Back to purity, back to simplicity.”

Năm 1995, theo ông Klemp, ông Rams bị buộc rời khỏi vị trí lãnh đạo thiết kế tại Braun bởi Gillette – cũng là công ty đã mua lại Braun vào năm 1967 – yêu cầu rằng danh mục sản phẩm cần có “tính cảm xúc” nhiều hơn. Khi ấy, chỉ còn hai năm nữa là ông Rams sẽ về hưu. Sau đó, ông được giao một chức danh “không có quyền hành” là Executive Director of Corporate Identity. Năm 1997, ông Rams chính thức rời khỏi Braun. Kể từ đó, châm ngôn thiết kế “less, but better” của Braun dần chuyển thành “more, and worse”.

Những sản phẩm của Braun được chụp từ năm 1960 đến năm 1974 có cùng một ngôn ngữ thiết kế chung theo nguyên tắc của ông Rams.
Nguồn: The Verge

Mặc dù Braun là nơi đã khai sinh ra 10 nguyên tắc thiết kế của Rams, người thực sự áp dụng chúng là ông Steve Jobs và ông Jony Ive của Apple. Cụ thể hơn, từ những năm cuối của thập niên 1990 trở đi, các sản phẩm của Apple là iMac (1998), iPod (2001) và iPhone (2007) đều có thiết kế đơn giản và tính ứng dụng cao. Vào năm 2009, ông Rams đã nói rằng chỉ có một số công ty coi trọng yếu tố thiết kế, và một trong số đó công ty Apple đến từ Mỹ. Đáng chú ý, ông không hề đề cập đến Braun.

Hình ảnh chiếc máy nghe nhạc cầm tay TP1 (trái) và đài phát thanh di động T3 (phải) do ông Dieter Rams thiết kế.
Nguồn: The Verge

Có gì đáng chú ý trong “Braun: Designed to Keep”?

Quyển sách được trình bày theo trình tự tuyến tính, trong đó phần lịch sử của Braun được phân chia rõ ràng giữa giai đoạn có ông Rams hoạt động và khi ông rời đi. Dù thế, những trang ảnh của các sản phẩm và hồ sơ của nhà thiết kế lại được sắp xếp ngẫu nhiên. Độc giả cũng sẽ được tìm hiểu về tầm ảnh hưởng của những thiết kế và tác giả trong suốt chiều dài lịch sử 102 năm của công ty. Mỗi trang sách đều có ảnh minh họa, cùng với bảng giải thích thuật ngữ giúp người đọc hiểu được ý nghĩa đằng sau những cái tên có phần khó hiểu của các sản phẩm Braun.

Điều khiến tác giả bài viết bất ngờ nhất khi cầm quyển sách này trên tay là còn rất nhiều thứ do Braun tạo ra vẫn còn tồn tại đến ngày nay, ngay cả khi có vài sản phẩm đã được ra mắt vào khoảng 70 năm trước.

Một điều nữa khiến tác giả cảm thấy thích thú khi lướt qua từng trang sách là kích thước và vị trí logo của Braun, vốn được giới thiệu lần đầu vào năm 1935 với chữ “A” có kích thước lớn hơn những chữ cái còn lại.

Logo của Braun được thiết kế bởi ông Will Munch vào năm 1933. Đến năm 1952, logo Braun đã được ông Wolfgang Schmittel cập nhật lại như ảnh. Kể từ đó, logo của Braun không có sự thay đổi quá lớn.
Nguồn: The Verge

Trong bộ phim tài liệu “Rams” vào năm 2018 do đạo diễn Gary Hustwit thực hiện với sự tham gia của ông Klemp, vào dịp sinh nhật năm 86 tuổi, ông Rams đã nói rằng ông luôn muốn logo của Braun có kích thước nhỏ và không phô trương. Được biết, ông Rams đã tranh luận về chủ đề này với ít nhất 10 vị CEO trong những năm qua. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi vì ông đã có sự cống hiến rất lớn trong việc tạo ra ngôn ngữ thiết kế chung cho cả công ty trong suốt bốn thập kỷ ông làm việc tại đây.

Bên cạnh những hình ảnh sản phẩm độc đáo, quyển sách còn ghi lại những quy tắc thiết kế của Braun đã được điều chỉnh với sự trợ giúp từ chính ông Rams. Tuy nhiên, những điều này được viết ra không nhằm mục đích gây tranh cãi. Trên thực tế, dù tên tuổi của ông Rams gắn liền với Braun nhiều đến mức bị nhiều người gọi nhầm (hoặc nói đùa) là ông Braun, ông vẫn luôn là người đầu tiên nhắc nhở rằng việc thực hiện chiến lược thiết kế là nỗ lực chung của các thành viên trong công ty. Do vậy, phần lớn nội dung cuốn sách đều đề cập đến Braun theo một khía cạnh tích cực, với rất nhiều tư liệu hữu ích mà người làm thiết kế có thể tham khảo từ cách tư duy đã giúp công ty phát triển và đổi mới.

Chỉ có 41 trang trong quyển sách “Braun: Designed to Keep” là hình ảnh các sản phẩm của Braun thực hiện trong thời gian gần đây. Bởi vì trước khi bước qua năm 2010, Braun đã không còn như ngày trước kể từ khi ông Rams rời đi. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự thành công bùng nổ của Apple trên thị trường toàn cầu, cũng như Procter & Gamble (công ty đã mua lại Gillette vào năm 2005) đã quyết định quay về với phong cách thiết kế của Braun trước đây. Ông Klemp cho biết, máy cạo râu Braun Series 5 là một trong những sản phẩm tái hiện được phong cách thiết kế đặc trưng vốn có của Braun.

Máy cạo râu điện Pocket mang phong cách thiết kế của Rams do đội ngũ thiết kế của Braun thực hiện, được ra mắt năm 2020.
Nguồn: The Verge

Kết

“Braun: Designed to Keep” được xem là sự nỗ lực ghi lại những thành công, thất bại và những lần tái phát minh gần đây của Braun, đồng thời cho thấy công ty vẫn còn có thể tạo nên sự ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp thiết kế bằng những đổi mới của họ.

Dẫu vậy, yếu tố khiến quyển sách này có tính thu hút nằm ở việc nhìn lại quá khứ và điều đó mang lại lợi ích cho chính Braun, cũng như toàn bộ ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng.

Theo nhận định của ông Klemp, những thiết kế mới luôn đứng trên vai của những người tiền nhiệm. Trong trường hợp tốt nhất, những nhà thiết kế không chỉ nên học hỏi từ các insight hữu ích đã thu thập được trong quá khứ, mà còn nên rút kinh nghiệm từ những sai lầm. Ông cho rằng, chỉ có Chúa mới có thể “sáng tạo từ hư không” hoặc “tạo ra một thứ gì đó từ hư vô”.

Những biểu tượng đáng yêu và tối giản xuất hiện xuyên suốt trong quyển sách “Braun: Designed to Keep”.
Nguồn: The Verge

Như vậy, quyển sách “Braun: Designed to Keep” đã cho thấy ý nghĩa về sự ra đời và tồn tại của Braun cho đến ngày nay. Bởi vì qua đó, độc giả có thể thấy được cách mà các thế hệ sau đã lấy cảm hứng từ các sự kiện trong quá khứ lẫn hiện tại, và từ đó tạo ra những sản phẩm có sức hấp dẫn dài lâu. Điều đó có phần khó khăn vào ngày nay, khi mà những xu hướng thiết kế thời trang kết hợp với công nghệ và các thiết bị điện tử đã khiến các sản phẩm nhanh chóng bị lỗi thời.

Tiêu đề quyển sách là “Designed to Keep” cũng có thể xem như là một lời hướng dẫn. Đây sẽ là cuốn sách mà những người làm thiết kế hoặc có đam mê với lĩnh vực này có thể giữ lại làm tài liệu tham khảo. Vào lần ra mắt tiếp theo của một sản phẩm nào đó, độc giả của quyển sách này có thể tự hỏi phải chăng họ đã nhìn thấy thiết kế này ở đâu đó trước đây?

“Braun: Designed to Keep” hiện đang được bán trên Amazon với mức giá 79,95 USD.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: The Verge