Đặt tên công ty: Hay thôi chưa đủ!

Quá trình đặt tên công ty cần đáp ứng nhiều yếu tố chứ không dừng lại ở việc tạo ra một cái tên hay.

Christian Humberg là một tác giả sách và truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng người Đức. Ở đoạn chấp bút trong cuốn sách 50 Years of the Lego Brick, ông Christian đã chia sẻ như sau: “Khi Ole Kirk Kristiansen thành lập công ty vào năm 1934, ông đã thử nghiệm nhiều phép chơi chữ khác nhau để đặt tên công ty. Doanh nhân này được truyền cảm hứng từ cụm từ ‘leg godt’ trong tiếng Đan Mạch – có nghĩa là ‘chơi tốt’. Ông chọn ghép những chữ cái đầu tiên lại và đặt tên công ty là LEGO”.

LEGO không chỉ đáp ứng tốt các tiêu chí đặt tên công ty hay tên thương hiệu như ngắn gọn, dễ nhớ, tạo cảm giác gần gũi và có thể phát âm đúng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh đó trong cách viết của chữ Latinh, động từ “lắp ráp – legere” khi viết dưới dạng số ít cũng là “lego”.

Tất nhiên ai cũng biết rằng xuất phát điểm của LEGO là những khối đồ chơi bằng gỗ, bị giới hạn nhiều về mẫu mã, kích thước hay màu sắc. Nhưng khi con trai của Ole là Godtfred Kristiansen tiếp quản công ty năm 1954, nhận ra tiềm năng của hệ thống đồ chơi sáng tạo và việc có thể lắp ráp các mảnh của những bộ đồ chơi khác nhau, ông đã chuyển hướng kinh doanh LEGO sang đồ chơi lắp ráp – với nhân vật chính là những khối nhựa màu có thể ghép lại dù không đồng bộ hay cùng kích thước.

Thực tế này trùng khớp với việc đặt tên công ty LEGO năm xưa, khi có thể hiểu tên gọi này là “tôi lắp ráp” theo ngôn ngữ Latinh. Từ đó thấy rằng quá trình đặt tên công ty cần đáp ứng nhiều yếu tố khác nhau, chứ không dừng lại ở việc tạo ra một cái tên “nghe hay ho” là xong.

Quá trình đặt tên công ty cần đáp ứng nhiều yếu tố khác nhau, chứ không dừng lại ở việc tạo ra một cái tên “nghe hay ho” là xong.
Nguồn: The CEO Magazine

Trong bài chia sẻ lần này với chủ đề “Đặt tên công ty: Hay thôi chưa đủ!” Vũ muốn gửi đến các bạn những bước quan trọng và yếu tố cần phải lưu tâm trong quá trình đặt tên công ty sao cho vừa hay, vừa hiệu quả mà vẫn tuân thủ đúng các quy định của Pháp luật.

So sánh đặt tên công ty và tên thương hiệu

Với nhiều người khái niệm tên công ty và tên thương hiệu vẫn còn chưa thật sự rõ ràng, không biết rằng việc đặt tên công ty và tên thương hiệu có gì khác nhau hay không. Tại sao không thể sử dụng tên công ty trong thế giới thương hiệu và ngược lại, cũng không thể sử dụng tên thương hiệu trong môi trường doanh nghiệp?

Trên thực tế, tên công ty và tên thương hiệu vừa giống nhau, nhưng cũng vừa khác nhau khi chúng bị chi phối bởi môi trường, mục đích ứng dụng và cả những quy định của Pháp luật nước ta.

Tên thương hiệu là đại diện của một thương hiệu trên phương diện chữ viết. Nó có thể không trực tiếp chỉ rõ ngành nghề, lịch sử và mục tiêu kinh doanh của đội ngũ thương hiệu, nhưng đổi lại phải ít nhiều phản ánh được văn hoá, tính cách và cả hệ giá trị mà đội ngũ thương hiệu đó theo đuổi.

Tên thương hiệu còn thay mặt nhà sáng lập, ban lãnh đạo và đội ngũ nhân sự giữ lấy một vị thế vững chắc trong trí nhớ, nhận thức tích cực của hàng triệu người tiêu dùng.

Một điều chắc chắn là chúng ta không thể “đi guốc trong bụng” khách hàng hằng ngày, cũng không thể suốt ngày “truyền đạt, ghé vào tai mỗi khách hàng mục tiêu và kể với họ về những giá trị tốt đẹp mà thương hiệu mình mang lại”.

Tên thương hiệu và tên công ty có quan hệ mật thiết với nhau.
Nguồn: Apple Insider

Tên thương hiệu là dạng thông tin cụ thể, chính xác và ngắn gọn nhất mà mỗi người tiêu dùng, mỗi khách hàng mục tiêu của đội ngũ thương hiệu có thể ghi nhớ liên tục.

Có phải bạn luôn nhớ rất rõ và cảm thấy thoải mái về Apple, Samsung, Tesla… so với việc phải ghi nhớ Apple đã bán được bao nhiêu chiếc iPhone trên toàn cầu, tham vọng của Samsung với điện thoại màn hình gập ra sao, rồi Tesla nhìn nhận sản phẩm của mình như những chiếc máy tính như thế nào hay không?

Đó là lúc vai trò và giá trị của tên thương hiệu được chứng tỏ. Giống như một mồi lửa chuẩn bị phát sáng sau hành động quẹt diêm, tên thương hiệu tuy ngắn gọn nhưng chính là bước khởi đầu trong trí nhớ khách hàng về nhận thức thương hiệu tích cực.

Việc đặt tên công ty dĩ nhiên mang theo mục đích, định hướng và tình huống sử dụng khác biệt so với tên thương hiệu. Chúng ta ai cũng nhiều lần nghe nói đến các công ty TNHH ABC, công ty cổ phần dịch vụ XYZ… nhưng chưa chắc đã hiểu đúng về vai trò, lý do tại sao phải sử dụng hay đặt tên công ty trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, tên công ty là một trong những yếu tố bắt buộc để tiến hành quá trình đăng ký doanh nghiệp. Có hai phạm trù cần được lưu tâm, chú ý tuân thủ đúng khi đặt tên công ty là cấu trúc tên công ty và quy tắc đặt tên công ty.

Các khoản 1, 2 và 3 Điều 37 Luật Doanh Nghiệp 2020 nêu rõ, đặt tên công ty phải bao gồm loại hình công ty (đứng trước) và tên riêng công ty (đứng sau). Trong đó loại hình công ty gồm có Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân. Khi đặt tên công ty có thể viết tắt thành Công ty TNHH, Công ty CP, Công ty HD và Doanh nghiệp TN.

Tên thương hiệu có thể là một phần của tên công ty.
Nguồn: Forbes

Về tên riêng, tên riêng công ty chỉ được đặt trong giới hạn bảng chữ cái tiếng Việt, kèm theo các chữ nước ngoài như F, J, Z, W và các con số. Người chủ công ty hoặc người đại diện pháp lý có thể đặt tên công ty bằng tiếng nước ngoài, nhưng phải có sự đồng bộ với tiếng Việt về mặt ý nghĩa, đồng thời tên riêng nằm trong giới hạn của bộ chữ Latinh.

Quy định này cũng đồng nghĩa rằng, tên riêng công ty đặt theo chữ tượng hình chẳng hạn bộ chữ Kana của người Nhật Bản, bộ chữ Arabic của người Ả Rập… sẽ không được phép đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, tên riêng công ty có thể là tiếng nước ngoài nhưng loại hình công ty phải được ghi bằng tiếng Việt. Có thể lấy một số ví dụ như Công ty CP MISA, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Wall Street English…

Tuy khác nhau về định hướng, mục đích và hoàn cảnh ứng dụng nhưng giữa tên công ty với tên thương hiệu cũng có những “giao điểm” nhất định. Khi nhìn lại quy tắc đặt tên công ty và tên thương hiệu, chúng ta nhận ra rằng tên thương hiệu hoàn toàn có thể trở thành một phần của tên công ty.

Vẫn có những công ty được đặt tên mà tên gọi không hề liên quan đến thương hiệu, nhãn hiệu hay sản phẩm họ đang cung cấp. Tuy nhiên chỉ là một phần rất nhỏ trong môi trường doanh nghiệp, còn lại đều chạy theo “luật bất thành văn” rằng tên thương hiệu, nhãn hiệu cũng trở thành một mảnh ghép trong quá trình đặt tên công ty.

Một số thương hiệu và công ty nổi tiếng đi theo quy tắc này có thể kể tên như sau:

  • Apple: Apple Inc.
  • Toyota: Toyota Motor Corporation
  • Tesla: Tesla Motors, Inc.
  • Google: Google LLC
  • Amazon: Amazon.com, Inc.

Samsung Electronics Vietnam là một ví dụ về đặt tên công ty.
Nguồn: VnExpress

Quy tắc khi đặt tên công ty

Ai cũng biết chúng ta không nên và cũng không thể đặt tên công ty trùng với tên công ty, doanh nghiệp khác đã đăng ký trước. Nhưng trùng lặp hay giống nhau ở mức độ nào, quy định ra sao thì sẽ bị từ chối đăng ký bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương?

Theo khoản 1, 2 điều 41 Luật Doanh Nghiệp 2020, các trường hợp đặt tên công ty có sự trùng lặp, giống nhau hoặc dễ gây hiểu nhầm như sau sẽ bị từ chối đăng ký doanh nghiệp:

  • Tên tiếng Việt và tên viết tắt trùng lặp, hoặc đọc giống như tên tiếng Việt của công ty đã đăng ký.
  • Tên tiếng nước ngoài của công ty đăng ký bị trùng với tên tiếng nước ngoài của công ty đã đăng ký.
  • Tên riêng của công ty đăng ký chỉ khác nhau một số tự nhiên, một chữ viết nằm trong bảng chữ cái hoặc các chữ F, J, Z, W nằm liền kề trước hoặc sau so với tên riêng của công ty đã đăng ký.
  • Tên riêng của công ty đăng ký chỉ khác tên riêng của công ty đã đăng ký từ “và” hoặc các ký tự “, ; + . – =”.
  • Tên riêng của công ty đăng ký chỉ khác tên riêng của công ty đã đăng ký từ “tân”, hoặc từ “mới” nằm liền kề trước hoặc sau tên riêng.
  • Tên riêng của công ty đăng ký chỉ khác tên riêng của công ty đã đăng ký các cụm từ: miền Nam, miền Trung, miền Bắc, miền Đông, miền Tây,…

Ví dụ minh hoạ: Chỉ có Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh được đặt tên, đăng ký thành lập các công ty như Đất Xanh Miền Nam, Đất Xanh Miền Bắc… Không một bên thứ ba nào được phép đặt tên, đăng ký thành lập các công ty có tên tương tự như Đất Xanh Miền Đông, Đất Xanh Miền Tây hay Đất Xanh Mới, The New Đất Xanh…

Bên cạnh đó, phải tránh đặt tên công ty trùng lặp hoặc có liên quan đến tên tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; không được dùng toàn bộ hay một phần tên riêng của các tổ chức, đơn vị này để đặt tên công ty – trừ trường hợp có sự cho phép, đồng thuận của các tổ chức và đơn vị đó.

Đặt tên công ty cũng cần tránh các từ ngữ bị cấm, các từ ngữ dễ gây hiểu nhầm, tạo ra xung đột và mâu thuẫn trong suy nghĩ, hành động cùng các từ ngữ trái với quy tắc và chuẩn mực đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam hoặc người Á Đông.

Tên công ty và tên thương hiệu đều là yếu tố quan trọng của mỗi mô hình kinh doanh.
Nguồn: Realtime Report

Tên công ty sau khi đăng ký phải ghi trong giấy Đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp, giấy Chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, được viết hoặc in trong các ấn phẩm, tài liệu và hồ sơ giao dịch do công ty phát hành.

Tên công ty cũng phải được gắn ở trụ sở công ty, văn phòng đại diện, chi nhánh và các địa điểm kinh doanh.

Trong đó tên chi nhánh và tên địa điểm kinh doanh cũng cần tuân theo các quy định đặt tên cơ bản, phải được viết bằng các con số và chữ cái trong giới hạn bảng chữ cái tiếng Việt, kèm theo các chữ F, J, Z hay W.

Tên chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện phải đi kèm với tên công ty đã đăng ký. Chẳng hạn như tên công ty kèm cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, kèm cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, tương tự như vậy với địa điểm kinh doanh hoặc các địa chỉ có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Lưu ý để đặt tên công ty, tên thương hiệu có hiệu quả

Dù là tên công ty, tên thương hiệu hay bất cứ một dạng thông tin nào được sử dụng cho mục đích truyền thông, quảng cáo thì cũng cần đảm bảo được tính dễ đọc, dễ nhớ và dễ tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông.

Bạn không nhất thiết phải đặt tên công ty, tên thương hiệu quá ngắn gọn hay thậm chí lạm dụng phương án chữ viết tắt. Chỉ cần đó là một cái tên dễ nhớ, dễ đọc và dễ tìm kiếm đối với hầu hết người tiêu dùng là đủ. Hoặc ít nhất là với phần lớn khách hàng mục tiêu của mình.

Không bắt buộc phải là một từ hay cụm từ tiếng Việt, nhưng nếu sử dụng tiếng nước ngoài thì đó nên là một từ hay cụm từ dễ nhớ, dễ tìm kiếm và không quá chuyên sâu về mặt ngôn ngữ. Một số công ty và thương hiệu trong nước đang làm tốt việc đặt tên có thể kể đến như: ABC Bakery, BreadTalk, Katinat, SIXDO, Cocoxim…

Có thể đặt tên bằng tiếng nước ngoài nhưng phải dễ đọc, dễ nhớ.
Nguồn: Kconcept

Một chi tiết không kém phần quan trọng nữa đó là bên cạnh đặt tên công ty, đăng ký bảo hộ tên công ty thì việc tra cứu và sở hữu tên miền cũng phải được thực hiện song song. Thậm chí là đưa lên ưu tiên số một nếu nhà sáng lập cùng đội ngũ muốn sở hữu tên miền hay, độc quyền và khẳng định mạnh mẽ vị thế của doanh nghiệp.

Trong hầu hết các trường hợp, tên riêng công ty cũng chính là tên miền mà đội ngũ doanh nghiệp muốn sở hữu. Vậy nhưng, nếu đang tham gia, đầu tư vào một thị trường có đầy tính cạnh tranh thì việc sở hữu tên miền theo ý muốn là không hề đơn giản.

Một số tên miền đề cập chi tiết đến lĩnh vực hoạt động, mô hình kinh doanh hay có đuôi theo sau .com và .vn thường được nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ săn đón. Để mua được thành công thì cũng phải chi ra số tiền không hề thấp.

Thế nên, theo xu hướng hiện nay, nhiều nhà sáng lập, ban lãnh đạo doanh nghiệp chọn mua trước tên miền – trước cả khi bắt tay vào thành lập doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu một cách chính thức. Thậm chí là “thâu tóm” nhiều tên miền có liên quan rồi thống nhất trỏ tất cả chúng về một host (nơi lưu trữ dữ liệu).

* Bài viết gốc: Vũ Digital