Bàn chuyện công sở: Đi làm hơn nhau ở thái độ hay trình độ?

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe đâu đó câu nói “Thái độ hơn Trình độ”, điều này liệu có thể áp dụng ngay cả với môi trường công sở? Giữa một nhân viên có thái độ tốt, xông pha, sẵn sàng học việc nhưng năng lực còn yếu và một nhân viên có trình độ, kinh nghiệm nhưng thái độ làm việc không chuyên nghiệp, ai mới là người lọt được vào mắt xanh của các doanh nghiệp?

Đây cũng là một trong những chủ đề tranh luận nhận về nhiều sự quan tâm, thích thú tại Talkshow: Từ lính “cực chiến” đến Manager “cực phẩm” vào ngày 23/12 vừa qua. Sự kiện có sự tham gia của Host Hảo Nguyễn – COO GIGAN Training Center, Speaker Trần Hùng Thiện – CEO & Founder GCOMM Agency cùng 5 khách mới đại diện cho các thế hệ lính, sếp đủ các cấp bậc kinh nghiệm chia đều theo 2 team.

Tại phần “Đại chiến Debate” các team sẽ cùng nhận một chủ đề, mỗi đội đại diện cho một trong hai phe – đồng ý hoặc phản đối. Cùng GIGAN Training Center khám phá những góc nhìn đa chiều về chủ đề “Thái độ hay Trình độ” thông qua cuộc tranh biện giữa Team Lính Cool và Team Sếp Ngầu.

Phần tranh biện sôi động giữa 2 team thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn tham gia.

Phe đồng ý: Tiên học lễ hậu học văn, thái độ quan trọng hơn trình độ…

Trình độ là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn bạn vào con đường làm nghề nhưng chiều dài của con đường ấy, việc bạn đi xa được đến đâu thì còn phải phụ thuộc vào thái độ. Trong môi trường công sở, một nhân sự có thái độ tốt là người ham học hỏi, có tính kỉ luật. Hiểu theo một cách khác, thái độ chính là cách bạn sử dụng trình độ của mình.

“Chị luôn đánh giá cao các bạn luôn mong muốn mình tốt hơn và không bao giờ thỏa mãn với những thứ mình đang có. Đó là thái độ chứ không phải trình độ”, chị Ni Nguyễn – CEO Agency BrandBAE, đồng sáng lập Salt Creative và EYETECH – chia sẻ về chủ đề, “Đối với chị, tính kỉ luật, thái độ tốt mới là yếu tố giúp bạn mỗi ngày tiến lên một chút để rồi lên tới đỉnh lúc nào không hay”.

Đồng quan điểm với chị Ni, chị Dương Thị Thanh Ngân – Senior Marketing Manager ở tuổi 24, Moderator, admin của nhiều cộng đồng đình đám – bày tỏ: “Nếu bạn chỉ có trình độ, bạn sẽ mãi mãi chỉ là một nhân viên, khi có cả hai mới lên được chức quản lý. Bởi trình độ có thể mang đến thành tựu nhưng thái độ mới là yếu tố cho bạn cơ hội để đạt tới những thành tựu đó. Với nhân viên trẻ, đặc biệt là Gen Z chúng mình, cái cơ hội đó rất quan trọng”.

Không chỉ ảnh hưởng đến chính nhân sự đó, một thái độ làm việc sai lầm còn có thể khiến cả văn phòng xào xáo. Sếp thì muộn phiền vì nhân viên “mỏ quá hỗn”, nhân viên lại mệt mỏi vì sếp thiếu thấu cảm, đồng nghiệp thì bất bình vì chẳng thể chịu nổi thái độ của nhau, cuối cùng hiệu suất giảm, công việc chẳng đi đâu đến đâu.

Team Sếp Ngầu bảo vệ ý kiến thái độ quan trọng hơn trình độ.

Phe phản đối: Công ty bỏ tiền ra để “mua” trình độ của nhân viên, trình độ quan trọng hơn…

Mỗi đồng tiền mà một doanh nghiệp bỏ ra đều phải là một khoản đầu tư xứng đáng, ngay cả kể đối với vấn đề nhân sự. “Doanh nghiệp bỏ tiền ra chỉ để mua thái độ của nhân viên, hay họ chịu chi để đổi lại những giá trị được phát triển từ trình độ, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp?”, bạn Đinh Văn Tiến – Growth Executive tại Timo Digital Bank, đại diện cho thế hệ Gen Z mới đi làm chia sẻ.

Mục đích khi tuyển nhân sự mới là tìm kiếm người có thể giải quyết các vấn đề của công ty chứ không phải một người chỉ biết “gọi dạ bảo vâng”, muốn cân trọn mọi công việc được giao, nhất định phải có trình độ.

Dưới góc nhìn hài hước, chú Trần Hùng Thiện cũng đưa ra ví dụ so sánh về 2 hình tượng ứng cử viên trong quá trình tuyển dụng:

  • Ứng viên: Anh Thiện ơi, tuyển em vào nhé!
  • Chú Thiện: Thế em có cái gì?
    • Ứng viên 1: Dạ em rất ngoan nhưng khả năng của em không được ok lắm.
    • Ứng viên 2: Dạ em rất giỏi nhưng đôi khi hơi hỗn một xíu.

Kết quả là nhân viên với trình độ cao hơn đã được lựa chọn. Trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng”, Malcolm Gladwell cho biết, một người cần ít nhất 10.000 giờ để trở nên thành công trong một lĩnh vực nào đó. Muốn chạm tay đến một level, nhân sự phải thông qua một khoảng thời gian nhất định trau dồi học hỏi.

Team Lính Cool đưa ra quan điểm trình độ quan trọng hơn thái độ.

“Trình độ rất quan trọng, khó đào tạo còn thái độ hỗn thì vẫn có thể đào tạo lại được”, chú Thiện cho hay.

Để tối ưu chi phí cơ hội, đương nhiên doanh nghiệp sẽ lựa chọn con đường bằng phẳng, ngắn hơn để đi. Đặc biệt trong cái thời khốn khó chung của nền kinh tế, khi làn sóng layoff trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, chỉ có nhân sự chất lượng, có tài, tư duy, tay nghề bén mới có thể trụ vững dù ở bất kì đâu..

Đó là chưa kể đến một số công việc bắt buộc phải có năng khiếu mới có thể làm được. “Như trong nghề biên kịch, một số bạn khi ứng tuyển thường nói em không có kinh nghiệm gì nhưng em muốn học hỏi, tuy nhiên đến cả việc tưởng tượng ra một câu chuyện các bạn còn không làm được thì sao có thể biên tập ra cả một kịch bản lớn”, chị Khương Sao Mai, cựu Creator Manager tại ứng dụng Lemon8 (Bytedance), lấy ví dụ. Năng khiếu và tố chất giống như một món quà độc quyền mà ông trời ban tặng cho từng người, không phải ai cũng có thể có được.

★★★

Tuy nhiên, những ý kiến trên chỉ là quan điểm của mỗi Team Lính – Sếp dưới góc nhìn của hai phía đồng ý và phản đối tại Talkshow. Trên thực tế, muốn gặt hái được thành công, thái độ hay trình độ đều không thể thiếu.

Trình độ mỗi người cũng tương tự như động cơ xe giúp bạn di chuyển mạnh mẽ và ổn định trên đường đua công sở. Còn thái độ, như xăng, cung cấp nhiên liệu giúp động cơ hoạt động, băng băng vượt mọi chướng ngại. Cả hai đều quan trọng, đều không thể thiếu.

Tưởng tượng, bạn có một chiếc xe với động cơ tốt nhưng bình xăng lại đang cạn. Mặc dù bản chất xe có chất lượng cao nhưng sẽ không thể di chuyển nhanh và dần dừng lại khi cạn kiệt nhiên liệu. Ngược lại, một chiếc xe với bình xăng được nạp đầy nhưng phụ tùng kém chất lượng sẽ đối mặt với nhiều vấn đề kỹ thuật, không thể duy trì hiệu suất ổn định trong thời gian dài.

Hơn nữa, một nhân viên có thái độ tốt không chỉ đơn giản là ngoan, nói gì nghe đấy mà phải có khả năng tự tạo động lực cho chính mình, tự tin, hợp tác, nhiệt tình, cam kết trong công việc... Nếu đọc kỹ những phần phân tích phía trước, bạn cũng sẽ thấy không ai sở hữu đủ các phẩm chất của một nhân sự thái độ tốt mà có trình độ tồi cả. Thái độ quyết định trình độ, người có giá trị cao thì thái độ của họ càng tuyệt vời.

Chính vì vậy nếu muốn lên tới level sếp “cực phẩm”, trước hết hãy biến bản thân trở thành một người lính chiến có tài có đức:

  • Hết lòng với công ty, hết lòng với sếp, với đồng nghiệp, khách hàng.
  • Luôn chỉn chu trong việc, kể từ những điều nhỏ nhất như dấu chấm câu trong văn bản.
  • Chủ động “Sếp yên tâm, để em làm cho”, vui vẻ nhận những trọng trách được giao.
  • Không ngừng tìm kiếm các giải pháp tốt hơn để giải quyết một vấn đề, thử hết các cách trước khi “gửi tín hiệu SOS” đến sếp.
  • Không bao giờ hài lòng với năng lực của bản thân, liên tục trau dồi, làm mới mình.
  • Nói không với “drama”, nói xấu, ganh đua giữa đồng nghiệp.
  • Sẵn lòng hỗ trợ mọi người khi cần nhưng biết “say no” hợp tình hợp lý nếu bản thân đang cảm thấy quá tải.

Người xứng đáng thì luôn luôn có quà, có công rèn tài luyện đức ắt sẽ thành công.

Ngoài chủ đề so sánh giữa thái độ, trình độ, các khách mời sự kiện còn “khai quật” thêm nhiều vấn đề nóng hổi chốn công sở như: “Ngoài công việc fulltime, nhân sự có nên làm thêm 2-3 job ngoài?”, “Công ty nào thì xứng đáng để mình hết lòng?”, “Làm thế nào để duy trì động lực và tinh thần cống hiến”... Sau Talkshow Từ lính “cực chiến” đến Manager “cực phẩm”, GIGAN Training Center hy vọng đã gỡ rối được phần nào những khúc mắc và cho các bạn thêm nhiều góc nhìn để nghiêm túc hơn với công việc của mình, thấu hiểu sếp và có những tư duy đúng đắn về giá trị của sự nỗ lực và phát triển.

Talkshow Từ lính “cực chiến” đến Manager “cực phẩm” diễn ra thành công vào ngày 23/12.

Hiện tại, các bạn chưa có cơ hội tham gia trực tiếp sự kiện và mong muốn đón xem những phần tranh biện sôi động cũng như bí kíp trở thành “lính giỏi – sếp chiến” từ các anh chị Manager, COO, Director... giàu kinh nghiệm đã có thể đăng ký xem full Talkshow phiên bản online tại đây.

  • Sự kiện được tổ chức bởi: GIGAN Training Center
  • Đối tác chiến lược: Đại học Quốc tế Hồng Bàng
  • Bảo trợ truyền thông: Brands Vietnam
  • Đối tác truyền thông: Tâm Sự Con Sen, Bạn Đã Có Việc Làm Chưa?, Nghề Content, Mar cũ chào Mar mới, Hỏi đáp Marketing, Canva - Thiết kế dễ như chơi, Sơ hở là Xây kênh
  • Nhà tài trợ Vàng: Bác sĩ cây xanh
  • Nhà tài trợ Bạc: GUMAC, G-morning, IELTS Mentor
  • Nhà tài trợ Đồng: Đậu Má Mix, Logitech, NXB Trẻ, ViHAT, Edumall, Sebamed, DKLAB

GIGAN Training Center là Trung tâm đào tạo Marketing với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm đã mang đến nhiều khóa học chất lượng cao cho sinh viên – người đi làm – doanh nghiệp với sứ mệnh góp phần nâng cao chất lượng nhân sự ngành Marketing. Bên cạnh hoạt động Đào tạo, GIGAN Training Center đã, đang và sẽ đóng góp thêm nhiều giá trị cho cộng đồng thông qua các bài viết chuyên môn, các webinar/ talkshow/ event chất lượng về kiến thức, kỹ năng, tư duy và thái độ làm nghề. Từ đó, giúp nhân sự chuẩn bị hành trang vững vàng hơn trên con đường phát triển sự nghiệp.