Marketer Phương Quyên
Phương Quyên

Content Executive @ Brands Vietnam

Spotify thử nghiệm sản xuất khóa học, “lấn sân” giáo dục trực tuyến

Sau khi xây dựng “đế chế” riêng trong thị trường phát nhạc trực tuyến, podcast và sách nói, Spotify đang triển khai các khóa học trực tuyến nhằm giữ chân hơn 600 triệu người dùng.

Hiện tại, Spotify đang thử nghiệm dịch vụ giáo dục trực tuyến này ở thị trường UK dưới hình thức video freemium. Trong đó, sẽ có ít nhất hai bài học đầu tiên miễn phí và tổng chi phí một khóa học dao động trung bình từ 20-80 bảng Anh (khoảng 600.000-2.500.000 VNĐ). Hiện tại, mức giá của một khóa học là như nhau cho cả người dùng sử dụng gói cơ bản và premium.

Ông Mohit Jitani, Product Director mảng giáo dục của Spotify, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty đang cân nhắc nhiều mức giá trước khi triển khai rộng rãi: “Với lần ra mắt này, chúng tôi đang cố gắng hiểu rõ nhu cầu trước. Sau đó, chúng tôi sẽ tối ưu hóa bằng cách khiến những khóa học thú vị và hấp dẫn hơn.”

Nội dung khóa học sẽ phát ở cả trang chủ và trong tab “Khóa học” của Spotify. Người dùng có thể xem video khóa học trên website và ứng dụng của nền tảng này. Các khóa học hiện tại là sự kết hợp giữa video trên YouTube, Master Class và LinkedIn Learning do nội dung đang trải dài ở nhiều chủ đề, từ sản xuất âm nhạc đến cách sử dụng Excel, hoặc “hướng dẫn trở thành ‘người sáng tạo nội dung giáo dục’ dành cho nhạc sĩ và những người khác”.

Spotify đang thử nghiệm dịch vụ giáo dục trực tuyến này ở thị trường UK dưới hình thức video freemium.
Nguồn: Phone Arena

Được ước tính trị giá hơn 315 tỷ USD vào năm 2023, giáo dục trực tuyến thu hút sự tham gia của nhiều trang web với nội dung không ngừng được cải tiến. Hiện nay, Spotify tập trung sản xuất các khóa học trực tuyến dưới dạng video một chiều và theo yêu cầu (on-demand video). Một số khóa học sẽ có tài liệu đi kèm và chủ yếu là các tài liệu bổ sung chứ không phải các bài kiểm tra. Jitani từ chối bình luận về việc liệu Spotify có triển khai bất kỳ hình thức tương tác nào khác trong tương lai hay không hoặc liệu nền tảng này có đang phát triển trò chơi nào không.

Các đối tác đầu tiên cùng sản xuất khóa học là Skillshare (các khóa học về sáng tạo), PLAYvirtuoso (các khóa về ngành âm nhạc), BBC Maestro (Master Class-esque) và Thinkific (dành cho những người muốn xây dựng các lớp học trực tuyến của riêng họ).

Ông Jitani cho biết Spotify sẽ tìm cách quản lý các khóa học dựa trên những gì người dùng đang nghe và tìm kiếm trên nền tảng. Tuy nhiên, kể cả vậy thì vẫn không có một giới hạn cụ thể vì các chủ đề đang tiếp cận một phạm vi khá rộng nhưng lại khá cơ bản. Ông cũng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu những gì người dùng thực sự quan tâm và phân khúc dựa trên các mối quan tâm đó. Sau đó, chúng tôi sẽ đi tìm nội dung hay nhất.”

Các nhà xuất bản bên thứ ba sở hữu video và cấp phép cho Spotify nhưng chúng sẽ được lưu trữ và bán trên chính Spotify. Về mặt chia sẻ doanh thu, người sáng tạo, nhà xuất bản và Spotify đều sẽ nhận được một phần doanh thu, và các đối tác nội dung sẽ giám sát những khoản thanh toán cho người sáng tạo.

Spotify không đề cập rõ tỷ lệ chia doanh thu cho các bên liên quan cũng như các hình thức giảm giá hoặc lợi ích cho những người dùng đã đăng ký trả phí trên nền tảng.

Vì sao Spotify “lấn sân” mảng giáo dục?

Có thể nói, đây là động thái nằm trong chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của Spotify, nhằm hướng tới xây dựng quá trình tạo ra lợi nhuận ổn định hơn với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Jitani cho biết họ đã chọn thử nghiệm ở UK đầu tiên vì đây là một thị trường khổng lồ đối với công ty và đã là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trên thế giới.

Về mặt tài chính, Spotify tiếp tục chứng kiến ​​nhiều biến động của thị trường hiện tại. Nền tảng này đã tiến hành ba đợt sa thải vào năm ngoái; và ngày càng thua lỗ trong những năm qua, với khoản lỗ ròng gần nhất đến 81 triệu USD trong doanh thu hàng quý vào tháng 2/2024.

“Lấn sân” mảng giáo dục là động thái nằm trong chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của Spotify.
Nguồn: Media Post

Lĩnh vực học tập trực tuyến và phát triển chuyên môn nghe có vẻ không nằm trong tầm ngắm của một công ty nổi tiếng với lĩnh vực phát nhạc trực tuyến, nhưng có ba cơ sở lý giải cho quyết định này của Spotify.

Đầu tiên, khi mảng podcast tiếp tục phát triển, Spotify sở hữu rất nhiều dữ liệu về hành vi của người nghe trên nền tảng và tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa một số podcast phổ biến với nội dung giáo dục. Spotify cho biết khoảng 50% người đăng ký Spotify Premium đã nghe các podcast chủ đề giáo dục hoặc self-help (tự lực). Vì vậy, nền tảng này có thể áp dụng đúng công thức đề xuất âm nhạc cho việc đề xuất podcast để quảng cáo chéo. Chẳng hạn, podcast của một “bậc thầy kinh doanh” hiện đang giới thiệu cho người nghe khóa học trả phí của người đó. Trên cơ sở đó, Spotify đang kỳ vọng rằng nội dung này sẽ thúc đẩy việc bán được nội dung kia.

Bên cạnh đó, Spotify từ lâu đã nghiên cứu các công cụ dành cho người sáng tạo để giúp họ quản lý và tăng thu nhập. Và việc cung cấp nội dung giáo dục nhằm mục đích điều hành một doanh nghiệp hoặc cải thiện kỹ năng sản xuất âm nhạc phù hợp với mục tiêu trên.

Cuối cùng là về yếu tố video. Spotify đã cố gắng nghiên cứu sâu hơn về video trong hơn một thập kỷ qua dù vẫn chưa trở thành đối thủ của YouTube hay Netflix. Nhưng chủ đề này đã từng được đề cập trong một báo cáo thu nhập của công ty. Cụ thể Giám đốc điều hành, ông Daniel Ek đã mô tả một cách mơ hồ rằng việc làm podcast dạng video là chiến lược phát triển lành mạnh. “Chúng tôi cũng đã phát hành các video âm nhạc ở một số thị trường vào đầu tháng này và hiện đang nỗ lực thử nghiệm lĩnh vực video cho giáo dục.”

Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: TechCrunch