Chuyển đổi số mang đến “cú hích” cho ngành phân phối hàng hóa và bán lẻ dược phẩm
Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, đây là yếu tố cấp thiết để nắm bắt lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần triển khai toàn diện chuyển đổi số trong mọi khía cạnh hoạt động.
Ngành phân phối hàng hóa và bán lẻ dược phẩm không phải là ngoại lệ. Cùng PSO MBA khám phá cách các “ông lớn” hoạt động trong hai ngành nghề này “chuyển mình” với digital transformation tại bài viết dưới đây!
Thị trường phân phối Việt Nam và thế giới đang chuyển đổi số vô cùng năng động
Hoạt động phân phối truyền thống đang đối mặt với nhiều rào cản và hạn chế cản trở sự tăng trưởng. Để vượt qua những thách thức này và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, những doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hóa không thể từ chối việc chuyển đổi số.
Ngành phân phối truyền thống: Nhiều bất cập dai dẳng
Nhắc đến phân phối truyền thống, hình ảnh hiện lên trong tâm trí nhiều người chính là sự bận rộn của các chủ tiệm tạp hóa khi phải gặp gỡ và trao đổi với vô số nhân viên Sales từ muôn vàn nhãn hàng. Mô hình kinh doanh này bộc lộ nhiều hạn chế, khiến ngành phân phối truyền thống loay hoay tìm cách tiếp cận mới.
Do đó, một công ty phân phối từ Ấn Độ tên là Udaan, đã thử thay vì cử nhân viên Sales ghé thăm từng tiệm tạp hóa để chào bán, doanh nghiệp chọn cách xây dựng ứng dụng (app) để nhà bán lẻ chủ động xem xét danh mục sản phẩm, cân nhắc các chương trình khuyến mại và đặt hàng. Khi nhận được đơn hàng từ retailer, việc Udaan cần làm là tiến hành giao hàng nhanh chóng và chính xác.
Trong tình huống này, ông Lê Văn Thịnh – Business Director, Taisho Việt Nam nhận định digital transformation đã giúp Udaan giải quyết bài toán về chi phí vận hành, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Các “ông lớn” ngành phân phối tại Việt Nam làm chủ thị trường như thế nào?
Trong mô hình kinh doanh kiểu cũ, phân phối sản phẩm còn có một nhược điểm lớn chính là việc hàng hóa phải đi qua nhiều trung gian như wholesaler (nhà bán buôn), semi-wholesaler hay retailer (nhà bán lẻ). Như vậy, phân phối truyền thống với nhiều bất cập đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình vận hành: Từ việc tiêu hao chi phí con người, kho bãi đến tốn thời gian hay giảm năng suất, v.v..
Tại MBA Talk #86, ông Lê Văn Thịnh đã “điểm danh” các “ông lớn” đang dẫn đầu nhờ áp dụng công nghệ tại Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến là VinShop – sản phẩm số của Techcombank và Vingroup. Bằng cách tận dụng hệ sinh thái của “con rồng Châu Á”, VinShop đã lan tỏa tầm ảnh hưởng đến những tệp khách hàng đang sử dụng sản phẩm/dịch vụ của Vingroup. Ngoài ra, Techcombank cũng hỗ trợ VinShop phát triển mạnh mẽ tính năng mới về thanh toán – buy now pay later (mua trước trả sau).
Tương tự VinShop, Telio cũng là một công ty phân phối tích hợp công nghệ “đáng gờm”. Không chỉ phân phối các sản phẩm tiêu dùng, họ còn lấn sân vào lĩnh vực dược phẩm, thời trang, hàng gia dụng và nhận được sự đầu tư lớn từ “kỳ lân” PNJ.
Thay vì bán hàng qua nhiều layer như trước, giờ đây thông qua việc ứng dụng công nghệ như Udaan, những công ty phân phối tại Việt Nam chỉ “chạm” vào một layer duy nhất – retailer để bán trực tiếp cho người dùng cuối. Các retailer mang những đặc tính như: Tọa lạc tại những vùng nông thôn, có thể mua và có sức chứa nhiều hàng hóa cùng một thời điểm giúp mang lại lợi ích về chi phí cho người tiêu dùng, đơn vị phân phối và cả người bán lẻ.
Nhìn chung, mô hình kinh doanh mới giúp doanh nghiệp:
- Faster (Giao hàng nhanh hơn): Thay vì chờ đợi Nhân viên Sales như cách truyền thống, retailer có thể chủ động lên đơn trên app và được giao hàng ngay trong ngày.
- Bigger (Quy mô lớn hơn) và smarter (Vận hành thông minh hơn) qua việc tối ưu hóa vốn lưu động (working capital) cho retailer. Với sự hiện đại của app, các retailer giờ đây có thể chọn và đặt nhiều sản phẩm trong cùng một đơn hàng.
- Cheaper (Chi phí thấp hơn): Thể hiện qua việc tiết kiệm chi phí nhân lực, kho bãi, Marketing (vì có thể chọn phương án Marketing trên tài khoản Zalo/app của doanh nghiệp)...
Với những ưu điểm mà mô hình này mang lại, Business Director của Taisho Việt Nam đánh giá rằng đây chính là hình mẫu tương lai của ngành phân phối, đặc biệt là tại Việt Nam và các quốc gia với mô hình phân phối truyền thống vẫn còn phổ biến.
Doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm: Chỉ tập trung bán thuốc liệu đã đủ?
Tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, không khó để người tiêu dùng phát hiện sự cạnh tranh gay gắt giữa những chuỗi nhà thuốc hiện đại như Long Châu, An Khang hay Pharmacity.
Như vậy, chỉ tập trung vào bán thuốc rõ ràng không phải là một phương án tốt để giữ vững vị trí trên thị trường này. Ông Nguyễn Thanh Sơn – Data Science Director, Pharmacity – cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm thời số hóa cần có những bước chuyển đổi số phù hợp nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu chi phí.
Đơn cử, việc khảo sát thị trường để chọn mặt bằng mở cửa hàng trước đây phụ thuộc vào các Nhân viên Nghiên cứu thị trường. Họ sẽ “cắm sào” tại các vị trí tiềm năng, đánh giá về lưu lượng giao thông, môi trường xung quanh để xác định tính khả thi của vị trí.
Bước ngoặt xảy ra khi COVID-19 ập đến khiến việc ra khỏi nhà trở thành một bài toán khó. Với chiến lược mở rộng thị trường của các nhà thuốc, trách nhiệm xác định tính thuận lợi của một địa điểm giờ đây còn cần sự góp mặt của những trợ thủ công nghệ.
Cụ thể, những chuỗi nhà thuốc hiện đại có thể thông qua các công cụ kỹ thuật số để nhận diện chiến lược mở cửa hàng mới của đối thủ cạnh tranh, đây cũng là một trọng số để doanh nghiệp đánh giá tính phù hợp của một vị trí khi mở cửa hàng mới.
Bên cạnh đó, khi Nhân viên Nghiên cứu thị trường đánh giá một vị trí là tiềm năng và cập nhật lên hệ thống, hệ thống sẽ dựa vào các chỉ số để xác định tính phù hợp của vị trí. Không những thế, trợ thủ công nghệ còn có thể giúp doanh nghiệp ước lượng Profit & Loss, đồng thời tính toán thời gian mang về lợi nhuận của việc mở cửa hàng tại mặt bằng này.
Như vậy, sự góp mặt của chuyển đổi số đã thay đổi gần như toàn bộ quy trình lựa chọn mặt bằng của các chuỗi nhà thuốc hiện đại. Nhờ vào việc tích hợp công nghệ, Pharmacity đã ghi nhận sự tăng trưởng lên đến 12% trong tỷ lệ cửa hàng đạt chỉ tiêu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, Pharmacity cũng ứng dụng hệ thống AI camera – không chỉ phục vụ mục đích an ninh, mà còn góp phần phân tích traffic: Xác định tỉ lệ khách hàng mua thuốc kê đơn, thu thập dữ liệu về khách hàng passby (chỉ đi ngang, không dừng lại tìm hiểu thông tin) và khách hàng visit (dừng lại nghiên cứu thông tin trong khoảng hai giây). AI camera của cửa hàng cũng xác định hành vi của khách hàng dựa vào hướng nhìn, hướng đi... để tìm ra những vị trí đắc địa, trưng bày những mặt hàng sinh lời cao.
Những dữ liệu này góp phần xác định tính hấp dẫn của các chương trình khuyến mại trong mắt khách hàng, cũng như tỉ lệ chuyển đổi của những chương trình này. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh các chương trình khuyến mại một cách linh hoạt để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
“Mở khóa” chuyển đổi số thành công: Kinh nghiệm từ “tiền bối”
Trong phần chia sẻ tại chuyên mục Q&A, ông Nguyễn Thanh Sơn đã làm sáng tỏ rằng để quá trình chuyển đổi số thành công cần bắt đầu từ việc nhận diện các vấn đề gặp phải (pain point) trong doanh nghiệp, từ đó xác định rõ những điểm cần được cải thiện: Có thể là quy trình, nguồn nhân lực hoặc toàn bộ tổ chức.
Bí quyết quan trọng nhất để đạt được thành công trong chuyển đổi số, theo nhận định của các diễn giả tại hội thảo, là ý chí mạnh mẽ của người lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp. Trong quá trình này, sự hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời từ lãnh đạo không chỉ giúp tránh được tình trạng cảm thấy “lạc lõng” của nhân viên mà còn giảm thiểu các yếu tố có thể gây ra sự bất hợp tác của các bên liên quan.
Đôi khi, sự không hợp tác trong việc áp dụng chuyển đổi số từ phía nhân viên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như nỗi lo mất việc, sợ phiền phức... Do đó, việc cùng nhau xác định và giải quyết các mối lo của người lao động là điều cần thiết để đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số.
Kết
Trong bối cảnh cách mạng số hóa, chuyển đổi số không chỉ là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu đối với mọi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển. Từ những case study của Udaan, Vinshop, Telio và Pharmacity, học viên PSO MBA nhìn thấy rõ sức mạnh của công nghệ trong việc tối ưu hóa mô hình kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường sức cạnh tranh.
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).