Cửa hàng Starbucks đóng cửa thì sao?

Cửa hàng Starbucks đóng cửa thì sao?

Câu chuyện cửa hàng Starbucks Hàn Thuyên đóng cửa đã dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều của dư luận vài ngày qua.

Bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2013, thương hiệu “bán nước đường có mùi cà phê” theo phát ngôn của một tỷ phú thu lợi từ cà phê hạt, làm giàu nhờ cà phê hoà tan – đã chính thức cán mốc 100 cửa hàng vào ngày 16/9 năm ngoái.

Vị tỷ phú nọ thì Vũ muốn chia sẻ đến các bạn trong một bài viết khác chỉn chu hơn, hoàn thiện hơn. Còn thương hiệu cà phê Vũ muốn phân tích, chia sẻ đến các bạn chi tiết hơn qua bài viết lần này đó là Starbucks – thương hiệu được thành lập vào đầu những năm 70 tại thành phố cảng Seattle, Hoa Kỳ.

“Càng cao danh vọng càng dày gian nan”, câu nói nổi tiếng từ đời xưa vẫn đúng với nhiều thương hiệu lớn của thế giới ở thì hiện tại, dĩ nhiên Starbucks hay Starbucks Coffee cũng không phải là ngoại lệ. Cũng như Apple, Coca-Cola hay Mercedes Benz, càng có nhiều người yêu thích Starbucks thì lượng người chê bai, phê bình Starbucks bằng những quan điểm tiêu cực càng không có dấu hiệu thuyên giảm.

Câu chuyện về những cửa hàng Starbucks.

Câu chuyện về những cửa hàng Starbucks.
Nguồn: SHRM

Điển hình như trong câu chuyện cửa hàng Starbucks Hàn Thuyên tại Sài Gòn – cửa hàng Starbucks Reserve (cà phê cao cấp) duy nhất tại thị trường Việt Nam đóng cửa, làm dấy lên nhiều phản ứng trái chiều từ phía dư luận và các chuyên gia trong lĩnh vực branding, marketing hay kinh doanh F&B. Phần lớn trong số đó là những ý kiến có phần nghi ngại và tiêu cực.

Đây cũng là động lực để Vũ gửi đến các bạn bài chia sẻ hôm nay, cùng đi tìm đáp án cho câu hỏi đặt ra ở phần đầu bài viết: Cửa hàng Starbucks đóng cửa thì sao? Bài viết với những nội dung chính như sau:

  • Có nên nghiêm trọng hoá chuyện cửa hàng Starbucks đóng cửa?
  • Không nên mặc định đóng cửa, thay đổi quy mô nghĩa là đang làm ăn thua lỗ.
  • Starbucks sẽ làm gì sau khi đóng cửa hàng?

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.

Cửa hàng Starbucks đóng cửa có phải tín hiệu xấu?

Trước lúc quyết định thực hiện bài viết này, Vũ nhìn thấy một chi tiết thú vị là vài ngày qua.

Trong khi nhiều nhà tri thức đang hoạt động mạnh mẽ ở lĩnh vực kinh tế, chẳng hạn như anh Trần Quốc Khánh (Sáng lập YouTube The Quoc Khanh Show) nhắc lại kỷ niệm đi phượt bằng xe đạp và chia sẻ bài hát của game đang hot “Black Myth: Wukong”, cô Nguyễn Thị Sơn (Nhà sáng lập Son Kim Group) đăng bài thơ do mình sáng tác nhân dịp Vu Lan lên Facebook, anh Vũ Thế Dũng (Nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa TPHCM) đăng ảnh đi chia sẻ tư duy phản biện cho nhân sự công ty Panasonic… thì ở một diễn biến khác, nhiều “chuyên gia” trong lĩnh vực marketing, bán hàng và kinh doanh F&B chỉ toàn nhắc đi nhắc lại câu chuyện cửa hàng Starbucks Hàn Thuyên đóng cửa. Điểm chung của các bài viết này là xoáy sâu vào vấn đề Starbucks trả mặt bằng, không chịu nổi giá thuê cao, nghi ngại tình hình làm ăn của Starbucks và hầu hết bài viết đều… chặn bình luận của người lạ. Vì sao vậy?

Bên cạnh thói quen nghĩ nhiều, luôn phức tạp hoá những câu chuyện đơn giản như cách chúng ta thường gọi là “overthinking”, nhiều người vẫn còn mắc kẹt trong tâm lý kiểu “nếu không nói gì thì sợ người khác nghĩ rằng mình không biết gì”.

Trạng thái tâm lý này dẫn đến thực tế là thay vì tìm hiểu, tích luỹ kiến thức qua sách vở, tin tức chính thống hay tư liệu có dẫn nguồn – nhiều người lại ưu tiên “sưu tầm” kiến thức trên TikTok, Facebook Reels hay các nền tảng nội dung ngắn. Với ưu điểm là kịp thời, nhanh chóng và “mì ăn liền” – để khi cần là mang ra nói, thể hiện bản thân được ngay.

Cửa hàng Starbucks Hàn Thuyên đóng cửa tạo ra phản ứng trái chiều.

Cửa hàng Starbucks Hàn Thuyên đóng cửa tạo ra phản ứng trái chiều.
Nguồn: Thanh Niên

Trong câu chuyện cửa hàng Starbucks đóng cửa nói riêng và tình hình kinh doanh của Starbucks nói chung, không phải ai cũng sẵn sàng tìm hiểu về tầm nhìn hay chiến lược kinh doanh toàn cầu của thương hiệu này – thông qua những tư liệu nguồn dài vài ngàn từ. Cũng không muốn nhìn nhận bất cứ động thái kinh doanh nào dưới góc nhìn chiến lược, ngược lại chỉ thích đánh giá và nhận xét bằng góc độ lãng mạn, ưa “drama”.

Sống trong thế giới mà người ta sẵn sàng lướt qua nội dung video nào dài hơn 1 phút, những câu nói giật gân, chấn động kiểu “Starbucks chỉ bán nước đường có mùi cà phê” tất nhiên là thu hút và dễ gây sốc hơn nhiều – so với dạng nội dung chia sẻ, phân tích chuyên sâu về bản sắc hay chiến lược kinh doanh của một thương hiệu.

Quay trở lại câu chuyện cửa hàng Starbucks Reserve ở Sài Gòn đóng cửa, đây có phải là tín hiệu xấu cho đội ngũ thương hiệu Starbucks hay không? Câu trả lời là không. Sẽ có hai lý do để Vũ tự tin khẳng định quan điểm này: Thứ nhất là Starbucks Reserve được ra đời không phải vì mục tiêu gia tăng doanh thu hay số lượng cửa hàng, thứ hai là vì tầm nhìn và định hướng của ban lãnh đạo công ty trong vài năm qua đang có nhiều thay đổi.

Ở lý do thứ nhất, trong khi nhiều chuyên gia online “lo sốt vó” và tỏ ra căng thẳng với quyết định đóng cửa của Starbucks Việt Nam, thì nên nhớ rằng ban lãnh đạo Starbucks không quan trọng chuyện “cửa hàng Starbucks Reserve” sẽ trông như thế nào, đón nhiều khách hàng tìm đến hay không, tình hình kinh doanh phất lên nhanh như diều gặp gió hay kém bền vững sau một thời gian dài…

Sở dĩ cụm từ “cửa hàng Starbucks Reserve” được đặt trong ngoặc kép là để nhắc lại một thực tế rằng, cửa hàng Starbucks Reserve chỉ là một trong nhiều định hướng kinh doanh của phạm trù rộng lớn hơn – thương hiệu Starbucks Reserve.

Starbucks Reserve là một thương hiệu độc lập.

Starbucks Reserve là một thương hiệu độc lập.
Nguồn: Oat Foundry

Starbucks Reserve không phải là một sản phẩm nhất định, cũng không phải là cách đặt tên cho một chuỗi cửa hàng riêng biệt, mà là một thương hiệu độc lập của Starbucks Coffee Company – cũng giống như thương hiệu Starbucks hay Starbucks Coffee mà chúng ta đã rất quen thuộc.

Nhìn đúng vào bản chất, Starbucks Reserve là cách để Starbucks Company làm giàu hơn nữa chuỗi giá trị sản phẩm và hệ thống thương hiệu của mình, bổ sung thêm các giá trị thụ hưởng mà khách hàng có thể nhận được nhằm cải thiện nhận thức, niềm tin cùng với sức mua của họ.

Điều này làm Vũ nhớ đến câu chuyện “bán cá” nổi tiếng của người Do Thái. Trên một chuyến tàu hoả, người hành khách nọ quay sang trò chuyện với một người Do Thái ngồi bên cạnh. Ông thắc mắc vì sao trí tuệ người Do Thái lại vượt trội và được cả thế giới công nhận như vậy. Vị khách người Do Thái trả lời rằng do “chúng tôi chỉ ăn đầu cá”, nói xong ông này liền lôi ra một chiếc hộp – bên trong chứa một con cá lớn vừa được nấu chín.

Người khách kia nói mình muốn ăn phần đầu cá, vị khách Do Thái liền đồng ý bán phần đầu cá với giá 20 xu. Sau khi ăn, người khách đó tìm hiểu và biết được cả con cá lớn chỉ có giá 5 xu. Ông hỏi vị khách người Do Thái: “Tại sao tôi phải mua đầu cá với giá 20 xu, trong khi cả con cá chỉ đáng giá 5 xu?”. Vị khách người Do Thái liền đáp: “Cuối cùng ông cũng hiểu giá trị của chiếc đầu cá rồi đó”.

Câu chuyện này chỉ ra thực tế là, giá trị của thương hiệu hoặc một sản phẩm phụ thuộc vào những lợi ích, tính năng mà người bán cố tình đưa vào để nâng tầm nó lên. Những gì đã xảy ra với Starbucks Reserve cũng là một câu chuyện tương tự.

Cửa hàng Starbucks Reserve chỉ là một trong nhiều giá trị bổ sung.

Cửa hàng Starbucks Reserve chỉ là một trong nhiều giá trị bổ sung.
Nguồn: Eater DC

Cuối thế kỷ 20 là thời điểm “làn sóng cà phê thứ hai” phát triển mạnh mẽ nhất, với thương hiệu Starbucks là đội ngũ tiên phong cho xu hướng cà phê pha máy, sử dụng hạt Arabica để cho ra đời những ly Espresso nóng hổi, sánh mịn và có chất lượng đồng đều. Làn sóng cà phê thứ ba thì bắt đầu từ những năm 2000, khi người tiêu dùng trở nên khó tính hơn, sành cà phê hơn và chấp nhận chi nhiều tiền hơn để thưởng thức cà phê cao cấp.

Sớm nắm bắt được xu thế đó, công ty Starbucks quyết định phát triển thương hiệu Starbucks Reserve và biến nó thành đại diện cao cấp trong hệ thống thương hiệu của mình. Những năm đầu tiên sản phẩm chủ lực của Starbucks Reserve là cà phê hạt cao cấp, thuộc nhóm 3% nguồn nguyên liệu đẳng cấp nhất mà công ty có thể thu mua. Starbucks chọn lựa vùng trồng và nhà cung cấp khắt khe hơn, đồng thời cũng bán sản phẩm này tại những điểm bán họ cho rằng phù hợp, có tiềm năng thu hút sức mua.

Bán cà phê cao cấp từ năm 2010, nhưng đến năm 2014 thì cửa hàng đầu tiên của Starbucks Reserve mới đi vào hoạt động. Đó là cửa hàng Starbucks Reserve Roastery – toạ lạc ngay thành phố Seattle nơi công ty Starbucks cũng đặt trụ sở chính. Sở hữu không gian rộng lớn hơn 1.300 mét vuông, có lò rang xay cà phê hạt tại chỗ và sử dụng đồng thời nhiều kỹ thuật pha chế khác nhau. Nơi đây được mệnh danh là “sân khấu nghệ thuật mới của nền công nghiệp cà phê”.

Đã 10 năm trôi qua, giờ đây Starbucks Reserve đang có hơn 50 cửa hàng trên phạm vi toàn cầu – trong đó có 6 cửa hàng Roastery với những yêu cầu và tiêu chuẩn tương đương với cửa hàng đầu tiên tại Seattle. Dẫu vậy khi đặt trong bối cảnh vì mục tiêu định hình, phát triển làn sóng cà phê thứ ba thì số lượng hay chất lượng cửa hàng Reserve, vẫn không phải ưu tiên hàng đầu của thương hiệu Starbucks Reserve.

Các sản phẩm chủ lực là cà phê cao cấp vẫn được bán ở những cửa hàng Starbucks Coffee truyền thống, trong khi đó, số lượng cửa hàng Starbucks Reserve cũng chỉ chiếm một lượng rất nhỏ – trên tổng số 38.038 cửa hàng Starbucks khắp thế giới, nghĩa là chưa đến 0,5% và thậm chí còn cách xa con số đó.

Cửa hàng Starbucks Reserve chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số cửa hàng.

Cửa hàng Starbucks Reserve chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số cửa hàng.
Nguồn: Starbucks Stories

Cửa hàng Starbucks Reserve nói riêng và thương hiệu Starbucks Reserve nói chung có đóng góp lớn vào thành tích kinh doanh của công ty là trên phương diện lợi nhuận gộp và giá sản phẩm trung bình. Khi khách hàng của Starbucks chấp nhận chi nhiều tiền hơn để mua sản phẩm, trải nghiệm không gian cửa hàng cao cấp thì giá sản phẩm trung bình cũng tăng lên, đẩy mạnh doanh thu và lợi nhuận của cả công ty mẹ.

Việc Starbucks đóng cửa một cửa hàng – trong một số cửa hàng cao cấp vốn chỉ chiếm tỉ lệ siêu nhỏ trong cơ cấu thương hiệu, chắc chắn không phải vấn đề lớn liên quan đến tình hình làm ăn hay thành tích kinh doanh của công ty. Ngược lại, lãnh đạo của Starbucks còn rất nhiều mục tiêu để theo đuổi chẳng hạn như: khai thác cà phê chất lượng cao với giá thành tối ưu hơn, thúc đẩy mối quan hệ với vùng trồng và những người nông dân, tập trung vào các giá trị bền vững để củng cố hình ảnh cộng đồng cho Starbucks Reserve…

Bình thường hoá chuyện Starbucks đóng cửa

Chuyện một cửa hàng, một chi nhánh của thương hiệu lớn nào đó đóng cửa thì không còn quá xa lạ nữa. Nhưng nếu làm phức tạp mọi chuyện hay mặc định rằng thương hiệu nào đó đóng cửa cửa hàng, thay đổi quy mô đồng nghĩa với làm ăn thua lỗ thì sẽ rất phiến diện – mang tính một chiều theo quan điểm mà người nói, người viết muốn những người tiếp cận nội dung của họ đi theo.

Nếu nói cửa hàng Starbucks Hàn Thuyên bị đóng cửa cũng chứng tỏ hiệu quả kinh doanh của Starbucks Việt Nam đang đi xuống, thì chẳng khác nào nhìn vào thống kê hàng chục ngàn doanh nghiệp xin giải thể, tuyên bố phá sản hằng năm rồi khẳng định là nền kinh tế Việt Nam đang suy yếu, tiềm năng khởi nghiệp không còn đủ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ. Vậy còn những doanh nghiệp được thành lập mới ở đâu, hàng chục ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu hằng năm liệu có trở nên vô nghĩa?

Như đã nói ở phần đầu bài viết, một trong hai lý do khiến Vũ tin rằng – chuyện cửa hàng Starbucks Reserve đóng cửa tại Sài Gòn, hay bất cứ một cửa hàng Starbucks nào khác trên thế giới bị đóng cửa cũng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh (hoặc chứng tỏ khả năng điều hành của đội ngũ Starbucks đang đi xuống) – đó là vì định hướng, tầm nhìn của ban lãnh đạo trong vài năm gần đây đang có nhiều thay đổi.

Chuyện Starbucks đóng cửa một cửa hàng nào đó có quá nghiêm trọng?

Chuyện Starbucks đóng cửa một cửa hàng nào đó có quá nghiêm trọng?
Nguồn: Plaza Senayan

Sau thời của cựu CEO Howard Schultz – người được xem như cha đẻ của bản sắc và văn hoá thương hiệu Starbucks ngày nay, những nhà lãnh đạo kế cận luôn cố gắng thay đổi Starbucks nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Thay đổi rõ rệt nhất có lẽ là từ một thương hiệu F&B đề cao không gian, trải nghiệm khách hàng tại chỗ và muốn tạo ra không khí thoải mái nhất để làm việc/ trò chuyện, Starbucks hiện nay trông giống một thương hiệu cà phê mang đi nhiều hơn.

Những con số chắc chắn không biết nói dối. Hơn 80% đơn hàng của Starbucks trong năm 2022 là để mang đi, giai đoạn cuối năm 2023, thương hiệu này cũng ghi nhận mức tăng vọt về số lượng người truy cập trang web/xử lý đơn hàng điện tử vào khoảng 36 triệu lượt/tháng. Ngay cả xu hướng chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt ở cửa hàng truyền thống, cũng là một động thái nhằm “khuyến khích” thói quen mua hàng mang đi của khách hàng trung thành.

Nếu như 31,7% khách hàng sử dụng ứng dụng Starbucks để thanh toán tại cửa hàng, thì cũng có đến 26,1% khách hàng sử dụng để đặt hàng điện tử và giao hàng tận nơi. Điểm thú vị là ở những địa phương có sự xuất hiện dày đặc của cửa hàng Starbucks (như ở Mỹ chẳng hạn), thì khách hàng Starbucks không mặn mà chuyện mua hàng mang đi hay giao hàng tận nhà.

Ở thời điểm nhiều năm về trước, không khó để bạn chứng kiến một khách hàng dành ra hàng giờ, thậm chí ngồi cả ngày ở Starbucks với chiếc smartphone trên tay hay máy tính ở trên bàn. Hiện nay, số lượng khách hàng và các anh chị shipper đứng ở quầy tính tiền rất đông, nhưng chẳng mấy ai chọn ngồi lại để nhâm nhi món uống của mình đến tận giọt cuối cùng.

Khách hàng sử dụng app Starbucks ngày càng tăng.

Khách hàng sử dụng app Starbucks ngày càng tăng.
Nguồn: Top Class Actions

Năm xưa khi Howard Schultz ngồi vào “ghế nóng” của Starbucks Coffee Company, ông đã từng bước xây dựng chuỗi cửa hàng Starbucks thành chỗ gọi là “không gian thứ ba” – nơi mọi người có thể thoải mái trò chuyện, làm việc mà không phải là nhà hay văn phòng công ty. Với định hướng đó, cửa hàng nào của Starbucks cũng tạo ra không gian thoải mái, ấm cúng nhất cho khách hàng.

Một số tiểu tiết mà chúng ta có thể nhìn thấy như: những bộ bàn ghế sofa êm ái, tiếng nhạc jazz du dương dễ chịu, mùi thơm cà phê luôn thoang thoảng trong không khí, hay việc nhân viên order luôn viết tên khách lên ly – đôi khi còn kèm theo một lời chúc.

Michelle Elsen – một nhân viên lâu năm của cửa hàng Starbucks ở New York kể rằng: “Ngày xưa tôi luôn thấy khách hàng tìm đến rất đông, nhất là vào những dịp nghỉ lễ. Tôi từng chứng kiến nhiều cặp đôi hẹn hò tại đây, thậm chí còn giúp một trong số họ cầu hôn với nửa kia – bằng cách viết lên ly dòng chữ: Em sẽ lấy anh chứ?”. Dù là nhân viên hay khách hàng, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được không khí ấm áp ở Starbucks. Đó là lý do Michelle cùng nhiều cộng sự của cô ở lại đây lâu đến thế.

Dưới thời của Howard Schultz, không chỉ khách hàng mà cả nhân viên của Starbucks cũng được đối xử như những Thượng đế. Họ được quan tâm đến môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ, các hoạt động ngoài giờ làm và cả những câu chuyện bên lề công việc. Nhân viên của Starbucks được mua bảo hiểm đầy đủ, được quyền mua cổ phiếu của công ty với giá ưu đãi – như một cách cải thiện thu nhập và đồng thời thúc đẩy tinh thần gắn bó với chính công ty.

Sau khi Howard rời Starbucks, văn hoá và bản sắc thương hiệu mà ông dày công tạo dựng dần thay đổi. Vũ xin phép không đánh giá hướng thay đổi của những nhà lãnh đạo mới là tích cực hay tiêu cực, mà chỉ nhìn dưới góc độ của kết quả kinh doanh cùng phản hồi từ thị trường. Một bài viết trên trang Tasting Table đã đề cập đến khảo sát khách hàng Starbucks trực tuyến, nơi họ phàn nàn về việc cửa hàng Starbucks bắt đầu thay những bộ sofa quen thuộc – bằng loại ghế gỗ cứng và không thoải mái chút nào.

Cựu CEO Howard Schultz ưu tiên trải nghiệm tại cửa hàng Starbucks.

Cựu CEO Howard Schultz ưu tiên trải nghiệm tại cửa hàng Starbucks.
Nguồn: Forbes

Những bình luận tiêu cực thì nói rằng Starbucks đang muốn đuổi khéo khách, giảm thời gian khách hàng ngồi lại cửa hàng. Nhưng nhìn dưới góc độ kinh doanh, tỷ lệ xoay vòng khách hàng càng cao thì khả năng bán được nhiều sản phẩm càng lớn. Có lẽ những nhà lãnh đạo mới của Starbucks muốn thay đổi khái niệm “The Third Place – Không gian thứ ba”, hay nói chính xác hơn là mở rộng nó thêm nữa – không còn là một địa điểm vật lý cụ thể.

Bản thân Starbucks cũng từng công khai ý tưởng “Làm mới cách nghĩ về không gian thứ ba”. Giám đốc khu vực Bắc Mỹ là John Culver từng chia sẻ, rằng không gian thứ ba nên nhìn nhận như cách “cải thiện trải nghiệm khách hàng” lên một tầm cao mới. Ý tưởng này phù hợp với xu hướng sử dụng các thiết bị di động ngày càng nhiều, cùng với sự phát triển dày đặc của các ứng dụng gọi món và giao hàng tận nơi.

Không gian thứ ba giờ đây có thể là ở bất cứ đâu, không phải cửa hàng Starbucks thì cũng có thể là nhà riêng, văn phòng công ty, nhà của người quen hay thậm chí một địa điểm công cộng nào đó. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta “bình thường hoá” chuyện một cửa hàng vật lý của Starbucks đóng cửa.

Tương lai của Starbucks Việt Nam

Starbucks lần đầu sử dụng mô hình Drive-thru (ngồi trên xe mua đồ) vào năm 1994 ở thị trường Bắc Mỹ. Chỉ một năm sau đó, Giám đốc Tài chính của họ là Michael Casey phải lên tiếng trấn an: “Chúng tôi hy vọng mô hình Drive-thru chỉ giúp thời gian nhận món của khách hàng ngắn lại một chút, chứ không làm thay đổi những trải nghiệm vốn có ở cửa hàng”.

Starbucks hiện tại có lẽ đi quá xa so với những điều ban lãnh đạo cũ kỳ vọng. Họ tham vọng làm đẹp các con số báo cáo, ưu tiên cho kết quả kinh doanh của công ty và trên chặng đường đó, họ buộc phải đánh đổi nhiều giá trị mang tính trải nghiệm và cảm xúc mà thương hiệu từng sở hữu.

Mô hình Drive-thru đang phát triển ở nhiều cửa hàng Starbucks.

Mô hình Drive-thru đang phát triển ở nhiều cửa hàng Starbucks.
Nguồn: Starbucks Stories

Câu chuyện Starbucks Việt Nam từng bị một tỷ phú chê bai mà Vũ nói ở phần đầu bài viết, cũng làm liên tưởng đến câu chuyện của một thương hiệu cà phê Việt khác – chia làm hai thời kỳ lãnh đạo mà nửa đầu thì hưng thịnh, thành công còn nửa sau thì như đang khoác trên mình một chiếc áo quá rộng. Đó là The Coffee House.

Thời gian đầu giữ quyền điều hành The Coffee House, cựu CEO Nguyễn Hải Ninh từng chia sẻ rằng: “Nhiều người Việt đến quán cà phê không phải để uống cà phê”. Quan điểm này cũng từng bị chê bai, công kích bởi nhiều chuyên gia online – thậm chí đến thời điểm hiện tại khi không còn là CEO của The Coffee House nữa, câu nói và hình ảnh của anh Nguyễn Hải Ninh vẫn thường bị mang ra đàm tiếu, suy diễn thêm bội phần.

Thực tế thì quan điểm của anh Ninh năm xưa là hoàn toàn có lý, nó đúng cả trong thì hiện tại khi giờ đây, đâu phải ai đến quán cà phê cũng gọi một ly cà phê, để uống cà phê và thật sự thưởng thức ly cà phê của mình theo đúng nghĩa đen. Quan điểm của nhà lãnh đạo cùng với chuỗi sản phẩm của The Coffee House trong thời kỳ đầu là tương quan với nhau.

Vũ vẫn thường nói đùa “The Coffee House là thương hiệu có chữ cà phê trong tên gọi, nhưng lại bán cà phê không ngon”. Ngược lại, menu món uống của họ có các món trà trái cây, đặc biệt trà đào cam sả là món huyền thoại đối với nhiều khách hàng trung thành. Mọi phép so sánh đều rất khập khiễng, nhưng Starbucks từ chỗ là một thương hiệu cà phê nóng nổi tiếng, giờ cũng chuyển đổi thành doanh nghiệp mà cà phê pha, trà và nước trái cây chiếm tỉ lệ vượt trội về doanh số.

Tương lai mới đang chờ đợi Starbucks Việt Nam.

Tương lai mới vẫn đang chờ đợi Starbucks Việt Nam.
Nguồn: Forbes

Đó là còn chưa kể đến đại dịch COVID-19, đã làm nhiều thương hiệu F&B nói chung và cà phê nói riêng thay đổi mô hình, quan điểm hay định hướng của họ về văn hoá “cà phê tại chỗ”. Giờ chúng ta đang phải làm mới cách nhìn về trải nghiệm cà phê, rằng không phải cứ uống cà phê là phải đi đến tận quán, gọi món và dành phần lớn thời gian của mình ở đó chỉ để thưởng thức món uống.

Trước đại dịch, đơn đặt hàng qua thiết bị di động của Starbucks Bắc Mỹ chỉ chiếm 17%, nhưng sau đại dịch với con số ghi nhận vào cuối năm 2021, tỉ lệ này tăng vọt lên thành 26%. Ngày nay, hơn 70% cửa hàng của Starbucks trên toàn cầu cũng đã tích hợp Drive-thru. Trong tương lai, Starbucks Việt Nam dĩ nhiên cũng đi theo định hướng và xu thế chuyển đổi đó. Làm thay đổi nhận thức của khách hàng về “không gian thứ ba” – như những gì đang diễn ra ở các thị trường trọng điểm của thương hiệu này.

* Bài viết gốc: Vũ Digital