6 bí quyết để người quản lý có được sự tôn trọng từ nhân viên
Thể hiện sự tôn trọng là một kỹ năng cơ bản, nhưng ta vẫn bắt gặp nhiều lời phàn nàn về việc thiếu tôn trọng lẫn nhau trong doanh nghiệp. Cho dù bạn là quản lý hay nhân viên, đạt được sự tôn trọng từ những người xung quanh sẽ có tác động tích cực đến cảm xúc và công việc của bạn. Những người có quyền lực thường cho rằng họ đáng được tôn trọng vì địa vị hay kinh nghiệm của mình, nhưng thực ra, sự tôn trọng đến từ chính những hành vi của ta trong những tương tác hàng ngày. Nếu đã thực hiện 6 lời khuyên sau, chắc chắn bạn đang được mọi người tôn trọng:
1. NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
Sự nhất quán trong lời nói và hành động là yếu tố quan trọng bậc nhất để đạt được sự tôn trọng. Nếu bạn khuyên nhân viên của mình một kiểu nhưng lại liên tục làm ngược lại, hãy đặt mình vào vị trí của nhân viên, liệu bạn có thể tin tưởng một người quản lý như vậy không? Không nhất thiết lúc nào cũng phải thông báo trước hành động của bạn, nhưng đừng nói một đằng làm một nẻo.
2. ĐÚNG GIỜ
Thời gian là tài sản quý giá nhất. Nếu bạn đến muộn hay lỡ hẹn, người ta sẽ cho rằng bạn thiếu tôn trọng thời gian của họ và chính bản thân họ. Hãy kiểm soát lịch làm việc của mình và hạn chế những trường hợp chồng chéo vì bạn sẽ dễ mất kiểm soát thời gian.
3. SẴN SÀNG HỒI ĐÁP
Một thử thách mà các nhà quản lý trong thời đại ngày nay phải đối mặt là có quá nhiều phương tiện giao tiếp. Nhân viên gặp khó khăn vì không biết nên chọn một kênh giao tiếp nào để chắc chắn sẽ nhận được phản hồi từ bạn. Do đó, hãy giới hạn những kênh giao tiếp chính với nhân viên và đảm bảo rằng bạn hồi âm cho họ trong vòng 24 giờ. Nhưng trên hết, hãy luôn cởi mở và sẵn sàng dành thời gian đối thoại trực tiếp với nhân viên ngay tại bàn làm việc!
4. CỐ GẮNG LÀM ĐÚNG NHIỀU NHẤT CÓ THỂ NHƯNG VẪN CHẤP NHẬN SAI LẦM
Cho dù bạn có xem xét và cân nhắc các dữ kiện thực tế cẩn thận và hợp lý đến đâu, vẫn sẽ có những trường hợp bạn phải dựa vào trực giác của mình để đưa ra quyết định. Hãy xem đó là rủi ro bạn phải chấp nhận và nếu phạm sai lầm, bạn sẽ rút ra được một bài học quý giá. Quan trọng hơn, hãy thể hiện thái độ này với các nhân viên để họ không phải “nơm nớp” lo sợ bị chỉ trích khi mắc lỗi. Đồng thời, nên khuyến khích tinh thần thử nghiệm và tạo ra môi trường chấp nhận sai lầm cho chính bạn và các nhân viên.
5. TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC DÙ HỌ ĐÚNG HAY SAI
Xem thường những người phạm lỗi hay ghen tỵ với những người thành công không phải là một thái độ tích cực. Hạ thấp người khác không làm bạn đáng được tôn trọng hơn, do đó, hãy kiểm soát những biểu hiện và thái độ của bạn với những người xung quanh. Một lời khuyên cũ nhưng luôn đúng là hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn người khác đối xử với mình.
6. GIÚP ĐỠ CÓ CHỪNG MỰC
Những lãnh đạo và quản lý tốt giúp đỡ mọi người xung quanh thành công bằng cách vượt qua những yếu điểm của mình. Nhưng sự tôn trọng dành cho người lãnh đạo bị sẽ mất đi nhanh chóng nếu họ quá nhân nhượng với những người thường xuyên gây ra vấn đề trong nhóm. Hãy sẵn sàng hỗ trợ nhưng biết chừng mực vì hành động của bạn sẽ ảnh hưởng lên tinh thần và kết quả của tập thể.
Trong bất kỳ đội nhóm hay tổ chức hiệu quả nào, các thành viên đều tôn trọng lẫn nhau. Với người lãnh đạo và quản lý, việc đạt được sự tôn trọng còn quan trọng hơn. Nếu không được nhân viên tin tưởng và tôn trọng, người lãnh đạo và quản lý sẽ không thể là đầu tàu dẫn đội ngũ và doanh nghiệp đi đến thành công.
Bài viết liên quan