[Brand Worth-To-Watch] Sau 2 tuần ra mắt, Spotify có thực sự chinh phục giới trẻ Việt?

Sau 2 tuần kể từ ngày chính thức trình làng thị trường Việt Nam, Spotify đã thu hút hơn 37 nghìn lượt thảo luận trên Social Media. Liệu ứng dụng stream nhạc quốc tế này có thành công trong việc thay đổi thói quen nghe nhạc tại Việt Nam. Người dùng đánh giá Spotify như thế nào so với hai “ông lớn” của nền tảng âm nhạc trong nước?

Ngày 13 tháng 3 năm 2018, Spotify - dịch vụ stream nhạc hàng đầu thế giới đến từ Đan Mạch chính thức trình làng thị trường Việt Nam. Với lượng người dùng lên đến 159 triệu người, hơn 71 triệu người đăng ký gói premium trên toàn thế giới (tính đến 31/12/2017, theo press.spotify.com), Spotify mang đến cho người dùng tại thị trường thứ 65 của mình kho nhạc hơn 35 triệu bài hát quốc tế và nhạc Việt đầy đủ bản quyền. Cùng với đó là hy vọng thay đổi xu hướng nghe nhạc bản quyền của người Việt Nam. Dưới đây là những phân tích từ YouNet Media, agency hàng đầu về Social Insight & Solution tại Việt Nam.

* Brand Worth-To-Watch: Loạt bài viết phân tích những thương hiệu mới nổi trên Social Media, do các chuyên gia phân tích của YouNet Media, agency hàng đầu về Social Insight & Solution thực hiện. Những thương hiệu xuất hiện trong serie này cần thỏa mãn 3 tiêu chí: [1] Mới xuất hiện trên thị trường trong thời gian ngắn [2] Tạo được làn sóng quan tâm của dư luận và khách hàng mục tiêu [3] Nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.

Nhận được lượng thảo luận cao ngay từ ngày đầu ra mắt

Số liệu thu thập được trên Social Media từ ngày 10/03 đến 20/03 với 37,433 lượt thảo luận (mention) cùng 276,131 lượt tương tác (interaction) đến từ gần 15,523 người tham gia chia sẻ và thảo luận về Spotify.

Chỉ vừa mới công bố chính thức trên fanpage của Spotify vào ngày 10/03/2018 nhưng lượt thảo luận về Spotify đã lên đến hơn 2.3 nghìn. Những tin tức về ứng dụng nghe nhạc trực tuyến này đến thị trường Việt Nam đã được rò rỉ trước đó và tạo ra một làn sóng thảo luận trên mạng xã hội. Hai trang tin tức về công nghệ genk.vn, tinhte.vn là những nơi đầu tiên đưa tin về sự kiện Spotify về Việt Nam.

Chính thức ra mắt vào ngày 13/03/2018 bằng buổi họp báo được tổ chức tại khách sạn Park Hyatt Saigon với sự góp mặt của các khách mời nghệ sĩ và báo giới trong nước. Spotify đã thu hút hơn 8.7 nghìn bài viết và thảo luận vào ngày đầu tiên được người dùng trong nước tải về. Tin tức về Spotify trong ngày 13/03/2018 trở thành chủ đề chính trên các kênh Social Media về công nghệ. Một bộ phận người dùng hồ hởi vì không cần fake ip, một phần thì thắc mắc “Spotify là gì mà “hot” đến vậy”. Cùng ngày, cộng đồng mạng còn chia sẻ nhau video Lời chào gửi tới Spotify đến từ các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Lượt thảo luận về chủ đề sau ngày ra mắt giảm so với ngày đầu, cụ thể giảm một nửa còn gần 4 nghìn vào ngày 15/03. Với những chủ đề xoay quanh cảm nhận sau khi cài đặt Spotify, việc chia sẻ playlist nhạc đến từ người dùng. Tuy lượng thảo luận giảm nhưng Spotify vẫn là chủ đề hot về công nghệ trên Social Media.

Người dùng Spotify trẻ và có sở thích thời thượng

Với lượng người dùng thảo luận về Spotify phần lớn là nam, chiếm 71.4% trên tổng số gần 15,523 người tham gia thảo luận. Qua phân tích, YouNet Media nhận thấy họ có yêu cầu chất lượng âm thanh khá cao (54.2% lượt đề cập tới “flac”, “lossless”, “320kbps”, “EDM” trên tổng số thảo luận về chất lượng âm nhạc) và có kinh nghiệm sử dụng qua nhiều ứng dụng stream nhạc (hơn 5,000 thảo luận so sánh Spotify với các app nghe nhạc khác).

Theo thống kê nhân khẩu học từ SocialHeat tool, người tham gia thảo luận có độ tuổi từ 18 - 34 chiếm 94.4%, trong đó:

  • Từ 18 - 24 tuổi chiếm 50.3%: với nhiều thảo luận liên quan đến V-pop và K-pop, người dùng ở độ tuổi này bắt nhịp xu hướng rất nhanh và là đối tượng khách hàng tiềm năng với Spotify.
  • Từ 25 - 34 tuổi chiếm 44.1%: với sở thích nghe nhạc Âu Mỹ bàn luận chủ đề trên các diễn đàn, group về công nghệ.

Facebook vẫn là kênh thảo luận sôi nổi nhất về chủ đề liên quan, chiếm 59% tổng thảo luận trên Social Media. Cùng với đó là những thảo luận đến chủ yếu từ các diễn đàn, group công nghệ với thành viên chủ yếu là nam. Các diễn đàn về công nghệ như tinhte.vn, vozforums.com, hdvietnam.com,... cùng các group facebook như Group Tinh tế, Hỏi đi đáp luôn - nơi tập hợp những "early adopters" (người đón đầu xu hướng về công nghệ, giải trí) đang ngóng chờ sự ra mắt của Spotify từng ngày từng giờ.

Điều người dùng đánh giá cao ở Spotify là gì?

Mới ra mắt thị trường Việt Nam được hơn một tuần và Spotify đã thu về hơn 32.7% lượt nhận xét tích cực trên tổng thảo luận. Chất lượng nhạc với tỉ lệ thảo luận tích cực chiếm 83% trên tổng số cho thấy Spotify đã rất thành công khi mang đến cho người dùng Việt kho nhạc 35 triệu bài hát bản quyền. Cùng với đó là Trải nghiệm người dùng tốt với tỉ lệ thảo luận tích cực chiếm 81% trên tổng số. Mức giá 59.000/ 30 ngày cho dịch vụ premium được phần lớn người dùng đồng ý với 69.5% lượt thảo luận tích cực.

Bên cạnh những nhận xét tích cực, người dùng còn tạo ra lượng thảo luận trái chiều chiếm 6.5%. Phương thức thanh toán nhận được 98% lượt phản hồi tiêu cực đến từ người dùng thảo luận liên quan đến chủ đề.

Cụ thể, người dùng nhận xét gì về Spotify?

Chất lượng nhạc: Những thảo luận tích cực ban đầu đến từ Kho nhạc US-UK phong phú (30.5%), Chất lượng nhạc tốt (25%), Nhạc bản quyền (16.6%). Thời gian này, Spotify mới ra mắt thị trường Việt Nam nên có thể chất lượng nhạc Việt vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng. Cụ thể, người dùng có những thảo luận tiêu cực đến từ Ít nhạc Việt (5.2%)Không có nhạc indie Việt (4.8%).

Trải nghiệm người dùng: Không thể phủ nhận, Trải nghiệm người dùng là điểm mạnh hàng đầu giúp Spotify trở thành ứng dụng stream nhạc lớn nhất thế giới. Với những thảo luận tích cực chiếm phần lớn như Giao diện đẹp, trực quan (27.1%), Khả năng gợi ý nhạc (21.8%), Đồng bộ được nhiều thiết bị (15.6%). Cùng với đó là một lượng không ít những phản hồi tiêu cực về Quảng cáo (7.7%), Khó sử dụng (5.6%), Hạn chế skip bài hát (4%). Những phản hồi trên có thể giảm đáng kể nếu người dùng nâng cấp Spotify của mình lên premium.

Giá: Với mức giá 59.000/ tháng cho gói dịch vụ premium và được người dùng cho là Mức giá hợp lý nhận được 69.5% lượt thảo luận tích cực bên cạnh một lượng thảo luận nêu rằng Mức giá cao (30.5%). Cùng với đó, người dùng cũng chờ đợi Spotify ra “gói family” để được giảm mức phí hằng tháng.

Thanh toán phức tạp trở thành điều lo ngại đối với người sử dụng Spotify chiếm 98% lượt thảo luận. Đó cũng chính là rào cản lớn giữa người dùng và dịch vụ premium trên Spotify.

Quan điểm của người dùng về việc trả phí cho dịch vụ nghe nhạc

Trên Social Media, lượt thảo luận đến từ người dùng ủng hộ việc trả phí cho gói premium của Spotify chiếm 76.6% trên tổng số 2,077 lượt thảo luận về chủ đề “trả phí hay không?”. Với mức giá hợp lý, người dùng có xu hướng chấp nhận cho việc trả phí khi nghe nhạc và dành nhiều thiện cảm cho ứng dụng stream nhạc lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, cũng có những thảo luận ngược lại đến từ cộng đồng không chấp nhận trả phí khi nghe nhạc chiếm 23.4% trên tổng số thảo luận. Người dùng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình khi thu nhập và thói quen nghe nhạc của họ không phù hợp với Spotify.

Dù chấp nhận trả phí cho ứng dụng hay không thì việc so sánh giữa Spotify và các ứng dụng liên quan rất được người dùng thảo luận để cân nhắc. Zing mp3, nhaccuatui là hai ứng dụng nội địa được người dùng so sánh, thảo luận hơn cả (lần lượt chiếm 35.4% và 25% trên tổng số lược thảo luận liên quan). Nhiều ý kiến cho rằng cả hai ứng dụng này vẫn còn dùng rất ổn, đáp ứng đủ các nhu cầu về âm nhạc và họ không cần thiết phải chuyển sang dùng Spotify.

Apple music chiếm 26.5% trên tổng số thảo luận. Ứng dụng nghe nhạc được tích hợp sẵn trên các thiết bị Iphone chính là đối thủ cạnh tranh hàng đầu với Spotify tại thị trường Việt Nam. Có nhiều điểm chung giữa người dùng đã từng sử dụng Apple Music và khách hàng mục tiêu mà Spotify hướng tới.

Với lợi thế và thị phần có sẵn, ba cái tên kể trên đang có những chiến lược cho riêng mình để chuẩn bị cho cuộc chiến giành lấy người dùng tại thị trường Việt Nam.

Vấn đề mà người dùng băn khoăn về Spotify

Dịch vụ thanh toán: Người dùng chỉ có thể thanh toán cho dịch vụ premium trên Spotify bằng thẻ thanh toán quốc tế (Visa/MasterCard/AMEX). Tuy nhiên, với lượng lớn người dùng trẻ, chưa có thói quen, nhu cầu sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, họ đang gặp khó khăn trong việc thanh toán (có 30.43% mentions về “cách làm thẻ”, 4.28% mentions “chưa có thẻ” đến từ người dùng). Vấn đề thanh toán trên Spotify mở ra cơ hội cho các ngân hàng trong nước trong việc linh hoạt dịch vụ mở thẻ thanh toán quốc tế dành cho người dùng.

Quản lý nhạc bản quyền của các ca sĩ: Liệu nhạc được trả phí để nghe trên Spotify có đúng là nhạc bản quyền khi bài hát Chàng Baby Milo có chèn thông điệp “Các bạn đã đến với website sonhai.info…” Spotify cũng như nhiều doanh nghiệp khác nên đảm bảo việc theo dõi và có chiến lược quản lý khủng hoảng cho riêng mình (tham khảo thông tin Crisis monitoring đến từ YouNet Media)

Dung lượng 3G/4G để stream nhạc: với đặc thù stream nhạc, Spotify đòi hỏi kết nối Internet liên tục nếu muốn nghe bài hát, trừ khi người dùng đã tải về trước đó. Với 42,06% mentions “tốn dung lượng”, 14,85% mentions “không có wifi”, dịch vụ 3G/4G trong nước có thể gây trở ngại đối với người dùng Spotify. Đây là cơ hội cho các nhà mạng viễn thông tạo ra những dịch vụ hỗ trợ phù hợp cho người dùng.

Tạm kết: Cơ hội và rủi ro không chỉ dành riêng cho Spotify…

Sau sự kiện Spotify ra mắt tại Việt Nam, thông qua việc lắng nghe thảo luận từ Social Media, YouNet Media đã nhận ra được nhiều cơ hội cũng như thách thức dành cho thương hiệu.

Đối với Spotify: gia nhập thị trường tiềm năng nhưng cũng có nhiều rủi ro: khi Zing mp3, nhaccuatui với nền tảng miễn phí, lợi thế thanh toán và đã có được thị phần tương đối trong cộng đồng người nghe nhạc; Một bộ phận lớn người dùng vẫn chưa quen với việc trả phí để sử dụng một dịch vụ nghe nhạc thì việc thay đổi hành vi người dùng đang là một thách thức lớn với Spotify; Cùng với đó là việc quản lý bản quyền âm nhạc đến từ các ca sĩ trong nước khi người dùng phải trả phí để nghe nhạc thì họ sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn.

Đối với các app nghe nhạc nội địa: Zing, NCT với lợi thế sân nhà như hiểu rõ thị hiếu người dùng Việt, sự linh hoạt về dòng nhạc, cách thanh toán,... Spotify là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới với lợi thế về công nghệ mang lại sự cá nhân hóa thị hiếu âm nhạc cho người dùng thì nhiều khả năng sẽ sớm trở thành quán quân nhạc số tại Việt Nam nếu như hai “ông lớn” trong nước không có những động thái cạnh tranh đủ mạnh mẽ.

Đối với các dịch vụ liên quan: Trong khi người dùng đang loay hoay với hình thức thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế Visa và MasterCard thì đây chính là cơ hội cho các ngân hàng trong nước thu hút người dùng mở thẻ. Cùng với đó, với đặc thù stream nhạc, Spotify đòi hỏi kết nối Internet liên tục nếu muốn nghe bài hát, trừ khi người dùng đã tải về trước. Đó là cơ hội cho các nhà mạng đa dạng cước phí dữ liệu di động để phù hợp với đối tượng sử dụng.

Trần Thùy Vân

Bài viết được phân tích bởi đội ngũ chuyên gia phân tích của YouNet Media và sử dụng số liệu từ SocialHeat - Hệ thống Social Listening & Market Intelligence duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, một cách tự động và có phạm vi thu thập bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội.

Hãy liên hệ với YouNet Media, Agency hàng đầu tại Việt Nam về Social Insight và Solution để hiểu hơn về thị trường và thương hiệu của bạn, sẵn sàng cho cuộc bứt phá ngoạn mục về Marketing và Branding trên mạng xã hội.