2023 Net Positive Employee Barometer

Tài liệu thuộc bản quyền của Paul Polman. Bạn sẽ được chuyển đến trang gốc của Paul Polman để tải về.

library

Lần đầu tiên, Paul Polman xuất bản báo cáo “Net Positive Employee Barometer”, dựa trên cuộc khảo sát 4.000 nhân viên văn phòng ở Mỹ và Anh. Báo cáo nêu ra nhiều thông tin thú vị mà các nhà quản trị cần lưu ý.

Dưới đây là một số thông tin nổi bật:

  • Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết đáp viên đều muốn làm việc tại những công ty có tác động tích cực đến thế giới.
  • Nhiều nhân viên biết rằng công ty đã có những hành động hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng, nhưng cứ 3 người thì có 2 người cho rằng những điều đó là chưa đủ. Nhiều đáp viên còn cho rằng các CEO thậm chí còn không quan tâm đến vấn đề này.
  • Nhưng đây lại là điều mà lực lượng lao động quan tâm, thậm chí quan tâm một cách sâu sắc. Ngay cả trong thời kỳ kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, gần một nửa đáp viên cho biết họ sẽ cân nhắc nghỉ việc nếu giá trị của công ty không phù hợp với giá trị của họ. 1/3 nói rằng họ sẽ thực sự nghỉ việc vì lí do này.
  • Những con số này càng cao hơn đối với nhân viên thuộc thế hệ Millennials và Gen Z.

Có thể thấy, đã qua rồi thời kỳ “quiet quitting” (nghỉ việc trong tư tưởng), người lao động đang bước sang kỷ nguyên “conscious quitting” (nghỉ việc có ý thức). Có vẻ như khi nói đến việc thu hút và giữ chân nhân tài, đa số các lời khuyên dành cho các nhà quản trị thường bỏ qua những gì nhân viên thực sự muốn và cần. Dĩ nhiên, những điều mà các nghiên cứu chỉ ra như nhân viên muốn được trả lương cao hơn, môi trường làm việc linh hoạt hơn và hạnh phúc hơn... là hoàn toàn đúng. Và đây cũng là điều mà các nhà lãnh đạo cấp cao biết rõ. Thực tế, bên cạnh lương thưởng và sự linh hoạt, nhân viên cũng khao khát làm việc tại những công ty cố gắng giải quyết các vấn đề của thế giới, thay vì tạo ra chúng.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chưa từng có trong lịch sử nhân loại, thời kỳ “khủng hoảng vĩnh cửu” (perma-crisis), với đại dịch, chiến tranh, sự nóng lên toàn cầu, bất ổn kinh tế... Những yếu tố này, ở góc độ nào đó, đang đe dọa sự ổn định và tương lai của con người. Lực lượng lao động trẻ đặc biệt lo sợ cho thế giới mà họ sẽ kế thừa. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người muốn dành thời gian và tài năng của mình cho những công ty nỗ lực trở thành một phần của giải pháp. Ngược lại, số lượng lớn người lao động cho biết họ sẽ sẵn sàng rời đi khi công ty làm họ thất vọng.

Nếu các nhà quản trị thờ ơ với điều này, họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro: không đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu của nhân viên, không thu hút và giữ chân được nhân tài, hiệu suất kinh doanh giảm... Mặt khác, các doanh nghiệp quan tâm và có những hành động thiết thực để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường sẽ tạo dựng được niềm tin và giữ chân nhân viên. Họ sẽ nỗ lực để xây dựng một doanh nghiệp bền vững hơn, trách nhiệm hơn và giúp công ty đạt được nhiều lợi ích về mặt kinh doanh hơn. Đó được gọi là “net positive”.

Báo cáo cũng chỉ ra 3 phương pháp mà các doanh nghiệp có thể thực hiện:

  • Thể hiện tham vọng lớn hơn về giá trị và tác động của doanh nghiệp đối với những vấn đề xã hội và môi trường
  • Cởi mở hơn khi nói về các vấn đề xã hội và môi trường.
  • Trao quyền cho nhân viên.

Điều cuối cùng cũng là điều mà đơn vị phát hành báo cáo tâm đắc. Nhân viên muốn góp phần vào sứ mệnh của công ty trong những vấn đề có tác động đến xã hội và môi trường. Sự hợp tác của nhân viên là điều kiện cần và đủ để các CEO bắt tay vào hành động.

Một nhân sự sẵn sàng nghỉ việc vì không phù hợp với giá trị của họ và tin rằng doanh nghiệp có thể thu được nhiều lợi ích từ việc phục vụ con người và hành tinh, thì đó là người mà doanh nghiệp không muốn mất.

Sự thật là, sở hữu nhiều nhân sự quan tâm về vấn đề xã hội và môi trường là lợi thế đối với một công ty có trách nhiệm. Bây giờ là lúc để các nhà lãnh đạo chứng tỏ rằng họ có cùng mối quan tâm với nhân viên của mình.