The Future of Retail: “Thành công trong Bán lẻ là sự kết hợp giữa tối ưu vận hành hệ thống và tối ưu hóa trải nghiệm thương hiệu”

The Future of Retail: “Thành công trong Bán lẻ là sự kết hợp giữa tối ưu vận hành hệ thống và tối ưu hóa trải nghiệm thương hiệu”

Tuy là Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành The Purpose Group, một tập đoàn quảng cáo địa phương, được đánh giá cao về tính sáng tạo và khả năng hoạch định chiến lược, nhưng lý do đưa chị Nguyễn Thanh Giang đến với chuỗi video phỏng vấn “The Future of Retail” nằm ở việc đầu tư và cố vấn chiến lược cho chuỗi bán lẻ rất thành công hiện nay – The Coffee House, với sự tập trung vào 3 yếu tố: tối ưu hóa vận hành hệ thống, trải nghiệm thương hiệu và vận dụng tốt các nguyên tắc của ngành bán lẻ.

The Future of Retail, đồng sản xuất bởi Brands Vietnam và Rice & Partners, là loạt bài phỏng vấn những chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như Bán lẻ Thời trang, Điện máy, Mỹ phẩm, Thương mại điện tử, Nghiên cứu thị trường, Công nghệ và Quảng cáo. Họ sẽ cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, đánh giá thực trạng và dự báo tương lai của ngành Bán lẻ rất sôi động và cạnh tranh tại Việt Nam.

Xem lại toàn bộ video phỏng vấn tại đây.

* Chào chị Giang! Được biết chị là một trong những người tham gia vào những ngày đầu xây dựng chuỗi The Coffee House, và cho đến nay, The Coffee House đã trở thành một thương hiệu bán lẻ F&B thành công và nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam. Chị có thể chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu của The Coffee House không?

Tôi cảm thấy may mắn lẫn tự hào khi là một trong những người đã tham gia vào những ngày đầu xây dựng The Coffee House và hiện tại vẫn đang đồng hành cùng chuỗi cà phê này. Trong 3 năm đầu phát triển, The Coffee House đạt được tốc độ phát triển rất tốt và tăng trưởng vững chắc cả về doanh số lẫn hình ảnh. Hiện nay, số cửa hàng mà The Coffee House đang sở hữu đã lên đến con số 80.

Khi bắt tay vào xây dựng The Coffee House, Giang và mọi người không nghĩ nhiều về việc xây dựng một chuỗi bán lẻ với nhiều cửa hàng mà bắt đầu với niềm đam mê cà phê, đam mê về việc xây dựng một thương hiệu cà phê mà giới trẻ Việt Nam có thể yêu thích và tự hào về nó. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu bằng đam mê thôi chưa đủ. The Coffee House đi theo mô hình chuỗi bán lẻ nên sẽ có những đặc điểm, đặc trưng riêng của ngành cần tuân theo thì mới có thể thành công được.

Thời điểm The Coffee House bước chân vào ngành F&B, thị trường cà phê rất sôi động với rất nhiều mô hình khác nhau. Nhiều nhất có lẽ là các cửa hàng cà phê tự phát dọc đường, với giá một ly khoảng 10.000 đến 15.000 đồng. Bên cạnh đó, cũng có các chuỗi cà phê chỉ tập trung vào cung cấp nguyên liệu như Napoli, các chuỗi nội địa như Trung Nguyên, Highland Coffee hoặc chuỗi quốc tế như Starbucks, The Coffee Bean and Tea Leaf.

Nền tảng cốt lõi, tạo nên sự khác biệt lớn của một nhà bán lẻ thành công, so với những nhà bán lẻ quy mô nhỏ, nằm ở sự chuẩn hóa trong hệ thống vận hành.

Trong bối cảnh như vậy, The Coffee House phải tìm cho mình một điểm khác biệt với những đối thủ khác mới có thể cạnh tranh. Khi đó, giới trẻ là nhóm đối tượng mà The Coffee House hướng tới. Giới trẻ là đối tượng có thể dành nhiều thời gian ngồi trong cửa hàng, tương tác xã hội và trải nghiệm về cà phê. The Coffee House nhận thấy đây là một cơ hội nếu tạo ra được những trải nghiệm uống cà phê tốt nhất cho người tiêu dùng, bởi đây là khía cạnh chưa có thương hiệu nào khai thác được. Những thương hiệu ở phân khúc cao hơn như Starbucks cũng được nhiều người trải nghiệm nhưng giá thành khá cao so với giới trẻ. Trung Nguyên thì phổ biến hơn nhưng có vẻ vẫn hướng đến đối tượng người đi làm hơn, thiết kế quán, nhận diện thương hiệu phần nào thể hiện điều đó. Do đó, chúng tôi đặt câu hỏi: Làm sao có thể tạo được trải nghiệm như Starbucks nhưng phù hợp hơn với đối tượng người tiêu dùng trẻ ở Việt Nam? Phải làm sao thiết kế được trải nghiệm độc đáo về thương hiệu, về cửa hàng, về sản phẩm? Làm sao có thể mang lại cảm giác thoải mái nhất và thể hiện đam mê của người làm cà phê?

Đấy chính là tinh thần, là điểm cốt lõi khởi đầu của The Coffee House. Ngoài ra, trong quá trình vận hành, cũng có rất nhiều yếu tố góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng của chuỗi cà phê này, đặc biệt là các yếu tố thành công quan trọng của ngành bán lẻ đều được áp dụng vào sự phát triển của The Coffee House.

* Bất cứ người sáng lập nào cũng có đam mê, mong muốn hoàn hảo nhất cho thương hiệu của mình. Nhưng vấn đề phát triển bán lẻ lại là một bài toán về vận hành (operation). Chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm về việc phát triển The Coffee House từ những cửa hàng đầu tiên lên đến 80 cửa hàng như hiện tại mà vẫn đảm bảo được sự đồng nhất về trải nghiệm?

Việc duy trì trải nghiệm đồng nhất trong toàn hệ thống là điều rất quan trọng. Để giữ được trải nghiệm đồng nhất tại một hay hai cửa hàng là điều khá dễ, nhưng để duy trì trải nghiệm đó trên 80 cửa hàng và hơn thế nữa, nhất là khi mỗi cửa hàng lại mang một nét riêng, thì lại cần nhiều yếu tố khác ngoài đam mê.

Trước hết, yếu tố trải nghiệm của người dùng (front-end): tất cả những yếu tố về sản phẩm, công thức, quản lý nhân sự, quản lý dịch vụ trong cửa hàng, quản lý đơn hàng online và giao nhận, cũng như toàn bộ hệ thống omni-channel trong việc thực thi tại cửa hàng đều phải được chuẩn hóa và đồng nhất trong toàn hệ thống. Chúng tôi nhận thức được một điều quan trọng, chính là, từ người bảo vệ cho đến nhân viên trong cửa hàng đều góp phần tạo nên “trải nghiệm người dùng” này. Điều này tạo nên một tiêu chí mà toàn bộ công ty, từ Ban Giám đốc cho đến nhân viên phục vụ đều tập trung vào, đó là: Deliver Happiness. Đây là tiêu chí được áp dụng trong tất cả các tiêu chuẩn, văn hóa và cách thức vận hành của The Coffee House, và đã tạo nên tinh thần, giá trị của công ty.

Bên cạnh đó, để tạo ra được những trải nghiệm cho khách hàng mà mọi người có thể nhìn thấy từ bên ngoài, cần một sự đầu tư lớn về “hệ thống vận hành hậu kỳ” (back-end) của The Coffee House.

“Deliver Happiness” là tiêu chí được áp dụng trong tất cả các tiêu chuẩn, văn hóa và cách thức vận hành của The Coffee House.

Tôi nghĩ nền tảng cốt lõi, tạo nên sự khác biệt lớn của một nhà bán lẻ thành công, so với những nhà bán lẻ quy mô nhỏ, nằm ở sự chuẩn hóa trong hệ thống vận hành. Khi quy mô được nhân lên gấp nhiều lần, hệ thống vận hành đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho sự tăng trưởng của toàn bộ chuỗi cửa hàng.

Nếu chỉ dừng lại ở việc tạo ra trải nghiệm mà mình đam mê, thì chỉ có thể duy trì được ở một vài cửa hàng chứ không thể mở rộng thêm được. Bàn về hệ thống vận hành, Ban Giám đốc của The Coffee House rất chú trọng trong việc đầu tư cho các thành tố trải dài suốt chuỗi giá trị của doanh nghiệp (Value Chain). Từ việc thu mua cà phê tươi để có nguyên liệu chất lượng tốt, đến quá trình rang xay và gia công thành sản phẩm, cho đến các hoạt động R&D, nghiên cứu thị trường, và đổi mới để có những sản phẩm mà người tiêu dùng yêu thích nhất. Cuối cùng là hệ thống back-end giải quyết các hoạt động dịch vụ khách hàng, quản lý đơn hàng online và giao nhận góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của chuỗi.

Mặc dù tính đồng nhất và tiêu chuẩn hóa được áp dụng trên toàn hệ thống, tuy nhiên việc đảm bảo mỗi cửa hàng đều có một cá tính riêng để tạo được sự trải nghiệm mới lạ ở từng cửa hàng một, là điều tất yếu. Để làm được điều này, The Coffee House đầu tư vào thiết kế và nghiên cứu địa điểm. Trước khi xây dựng một cửa hàng, The Coffee House luôn tìm hiểu kỹ địa điểm, khu vực xung quanh đó để tìm những đặc điểm riêng đưa vào thiết kế cửa hàng. Vì vậy, mỗi cửa hàng của The Coffee House đều có cái chung theo tiêu chuẩn và mang nét riêng mà khách hàng không cảm thấy bị lặp đi lặp lại hay nhàm chán. Chúng tôi cẩn thận chạy thử nghiệm (pilot) từng cửa hàng, tối ưu hoạt động marketing trong khu vực đó, và liên tục đánh giá hiệu quả hoạt động của cửa hàng để có những điều chỉnh cần thiết.

Các hãng bán lẻ không thể nào tăng trưởng nhanh và bền vững nếu không thật sự đầu tư vào hệ thống vận hành vì bản thân ngành bán lẻ đã là ngành thiên về yếu tố vận hành.

Ngoài ra, những nguyên tắc (success drivers) của ngành bán lẻ cần được đảm bảo như: yếu tố về khoảng cách và địa điểm (proximity), sự sẵn sàng của sản phẩm tại cửa hàng (availability), yếu tố nhận diện thương hiệu (visibility) và giá cả (price). Địa điểm được lựa chọn xây dựng cửa hàng cần nằm trong khu vực có dân cư phù hợp với đối tượng của doanh nghiệp, số lượng cửa hàng phù hợp để tạo ra sức mạnh của thương hiệu cũng như mức độ nhận biết cao nhất (top-of-mind) đối với người tiêu dùng, đồng thời giá cả phải phù hợp với đối tượng mục tiêu. Điều đó giúp đảm bảo, trong trường hợp này, là bất cứ khi nào các bạn trẻ có nhu cầu, họ cũng đều có thể nghĩ đến một quán The Coffee House không quá xa họ. Tất cả những yếu tố này được The Coffee House đưa ra chiến lược rõ ràng để đảm bảo không yếu tố nào bị bỏ sót .

Thành công vững chắc của The Coffee House là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa: những nguyên tắc của ngành bán lẻ, của hệ thống vận hành, cũng như sức mạnh thương hiệu và cá tính riêng của thương hiệu.

* Mở rộng ra khỏi ngành bán lẻ chuyên về F&B, theo chị những yếu tố trên có áp dụng được với những ngành bán lẻ khác như FMCG, di động, thời trang,… hay không và mức độ đầu tư như thế nào?

Tôi nghĩ điều tất cả các thương hiệu có tham gia bán lẻ phải làm là tuân theo các nguyên tắc quan trọng của ngành. Những yếu tố về địa điểm (location), giá cả (price), các hoạt động khuyến mãi hay lợi ích thương hiệu đưa ra (brand offer) là những điều sống còn đối với thương hiệu trong ngành bán lẻ. Nếu những yếu tố này bị sai thì khó có thể thành công được.

Tuy nhiên, các hãng bán lẻ không thể nào tăng trưởng nhanh và bền vững nếu không thật sự đầu tư vào hệ thống vận hành vì bản thân ngành bán lẻ đã là ngành thiên về yếu tố vận hành rồi. Nếu không đảm bảo được sự thống nhất một cách ổn định trong quá trình vận hành thì khó có thể phát triển lớn mạnh. Hoặc nếu có tiềm lực tài chính tốt, thì thương hiệu cũng có thể sẽ phát triển được, nhưng sẽ không lành mạnh và không vững bền, ví dụ như về đảm bảo chất lượng sản phẩm hoặc chất lượng dịch vụ. Thế Giới Di Động là một ví dụ điển hình của việc đầu tư vào hệ thống vận hành và đấy chính là điều tạo nên nền tảng cũng như sức bật cho họ trong việc tăng trưởng và mở rộng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, việc đầu tư vào hệ thống vận hành trong ngành bán lẻ vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cơ hội thể hiện ở chỗ, hiện nay có rất nhiều ứng dụng công nghệ có thể hỗ trợ các nhà bán lẻ quản lý hệ thống. Chúng ta có vừa có các kênh online vừa có offline, có các công cụ, phần mềm, có omni-channel,… Nhưng đồng thời, đó lại là thách thức đối với các nhà bán lẻ truyền thống vì họ không biết bắt đầu từ đâu, không biết đầu tư vào cái gì.

Những yếu tố về địa điểm (location), giá cả (price), các hoạt động khuyến mãi hay lợi ích thương hiệu đưa ra (brand offer) là những điều sống còn đối với thương hiệu trong ngành bán lẻ. Nếu những yếu tố này bị sai thì khó có thể thành công được.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cũng là một điều rất quan trọng. Bán lẻ là ngành có tính chất cạnh tranh rất lớn. Các lợi ích thương hiệu không còn là điều đặc biệt vì dần dần các lợi ích đó cũng sẽ đều rất giống nhau (point of parity), như ngày nay lợi ích “giao hàng nhanh”, “cho phép đổi trả” hay “miễn phí vận chuyển” không còn là các lợi ích độc tôn hay khác biệt quá lớn nữa. Và nếu các thương hiệu đều đầu tư vào hệ thống vận hành rồi thì ai cũng tinh vi như ai, ai cũng hiệu quả như ai. Rốt cuộc, điều chủ chốt lại quay về việc thương hiệu của bạn có gì khác biệt. Làm sao để thương hiệu của bạn trở thành lựa chọn đầu tiên của khách hàng? Bạn định vị, bạn đưa thông điệp của thương hiệu vào trải nghiệm của khách hàng và làm sao để bạn duy trì trải nghiệm đó trong suốt hành trình mua sắm của họ? Lúc này, vai trò của việc xây dựng thương hiệu trở nên vô cùng quan trọng. The Coffee House là chuỗi cà phê với tuổi đời chỉ mới 3 năm thôi, tuy nhiên nhờ Ban Giám đốc am hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, do đó ngay thời điểm ban đầu đã có những đầu tư thích đáng và có niềm tin vào sức mạnh của thương hiệu trong chuỗi bán lẻ của mình.

Đối với những nhà bán lẻ truyền thống, cũng không hề muộn nếu bây giờ bắt đầu tập trung xây dựng thương hiệu. Vì tôi tin rằng, tất cả những người khởi nghiệp, sáng lập hay điều hành một thương hiệu đều có một niềm tin nhất định, một định vị nào đấy cho thương hiệu. Và niềm tin đó, định vị đó theo họ trong suốt quá trình mở rộng, phát triển doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đến một sự lớn mạnh nhất định, và hiện diện trong văn hóa của công ty.

Quan trọng là khi xây dựng thương hiệu, bạn nhìn lại chuỗi hành trình đó, xem lại giá trị cốt lõi của thương hiệu là gì, điều gì là điểm mạnh của thương hiệu, đưa những điều đó vào hình ảnh thương hiệu của mình một cách rõ nét hơn, kể một câu chuyện rõ ràng hơn, mang lại sự nhận thức về thương hiệu rõ nét hơn cho người tiêu dùng. Không kém phần quan trọng là việc sắp xếp, thống nhất những điều trên để đảm bảo tạo cho thương hiệu sức mạnh và tính cạnh tranh trên thị trường. Thực tế là ngay tại thời điểm này, The Purpose Group cũng có những khách hàng thật sự có nhu cầu như vậy. Họ là những thương hiệu đã thành công trong việc vận hành hệ thống bán lẻ, và đã đến lúc họ xây dựng thương hiệu mạnh hơn, xây dựng hình ảnh phù hợp hơn, tạo ra sự nhận thức về thương hiệu một cách rõ ràng.

Tôi cũng mong chờ trong tương lai gần chúng ta sẽ có những câu chuyện thành công mới trong ngành bán lẻ. Không phải lúc nào cũng chỉ có mở cửa hàng rồi khuyến mãi, nhiều những cái tương tự na ná quá sẽ nhàm chán. Hy vọng có những câu chuyện khác, những câu chuyện mình có thể làm hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn cho ngành.

* Từ đầu đến giờ chị chia sẻ khá nhiều về các kênh bán lẻ hiện đại. Vậy các thương hiệu bán lẻ truyền thống như bột giặt, mỹ phẩm, thực phẩm,… thì sao? Chị dự đoán như thế nào về tương lai của những kênh bán lẻ truyền thống trong tương quan với sự phát triển của những kênh bán lẻ hiện đại?

Theo tôi, bán lẻ truyền thống sẽ không chết ngay được. Việt Nam vẫn còn nền văn hóa xe máy rất lớn, bởi đây là hình thức di chuyển chủ yếu mỗi ngày và rất tiện lợi. Mọi người vẫn có thói quen ghé ngang các cửa hàng bán lẻ nhỏ, các tiệm tạp hóa dọc đường (mom & pop store) hoặc các cửa hàng tiện lợi để mua hàng. Từ “tiện lợi” ở Việt Nam phải nói là “cực kỳ” tiện lợi (extraordinary convenient), bởi hơn cả cửa hàng tiện lợi là những cửa hàng tạp hóa gần nhà cực kỳ phổ biến. Thực tế là trong những năm vừa rồi, số lượng các cửa hàng truyền thống còn tăng lên. Mặc dù chúng ta thấy các chuỗi cửa hàng tiện lợi từ địa phương cho đến quốc tế đều mở rộng đáng kể, kênh bán lẻ hiện đại thì rất cạnh tranh, khuyến mãi liên tục, nhưng các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ vẫn còn sức sống.

Tuy nhiên, có một số ngành hàng vốn dĩ bản chất đã khá hiện đại, ví dụ các ngành như điện thoại, hàng hóa cao cấp. Người tiêu dùng cần mức độ tin cậy cao đối với nhà bán lẻ trong ngành hàng này hơn là sự thuận tiện. Điều đó bắt buộc các nhà bán lẻ trong các ngành hàng hiện đại không thể kinh doanh nhỏ lẻ mà phải chuyển đổi sang một hệ thống, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải xây dựng niềm tin tốt hơn, uy tín hơn, hình ảnh và trải nghiệm tốt hơn. Các kênh bán lẻ hiện đại sẽ phát triển mạnh ở các ngành này.

Nói đi thì cũng phải nói lại, tất cả hệ thống bán lẻ ở Việt Nam dù ngành hàng hiện đại hay truyền thống cũng đều đang hướng tới những hình thức tiện lợi. Cho dù chuyển đổi như thế nào, ngành Bán lẻ của Việt Nam cũng phải xây dựng tính tiện lợi là ưu tiên hàng đầu, vì nền văn hóa đi xe máy còn quá phổ biến, khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Cho dù chuyển đổi như thế nào, ngành Bán lẻ của Việt Nam cũng phải xây dựng tính tiện lợi là ưu tiên hàng đầu.

Chính vì lý do đó, ngay cả những nhà bán lẻ điện thoại như Thế Giới Di Động, FPT hay The Coffee House cũng phải mở rất nhiều cửa hàng. Hay nói cách khác, người tiêu dùng chỉ là chuyển từ trạng thái tiện lợi này sang trạng thái tiện lợi khác thôi. Chẳng qua là hệ thống bán lẻ hiện đại phải đáp ứng được mức độ tin tưởng, trải nghiệm của khách hàng, có những lợi ích tinh vi và hiện đại hơn, hiểu nhu cầu của người tiêu dùng hơn. Không chỉ có lợi ích về mặt sản phẩm mà còn lợi ích về tài chính, giải pháp thanh toán, trải nghiệm mua sắm, giao nhận hàng,… những điều mà các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ sẽ không làm được.

Trong vài năm tới, khi metro hoàn thành và được đưa vào hoạt động, mọi người sẽ chuyển từ xe máy sang đi metro nhiều hơn, xuất hiện thêm các tuyến giao thông công cộng, thì khi đó, hành vi của người tiêu dùng trong ngành bán lẻ sẽ thay đổi. Sẽ có các điểm mua bán tập trung, sẽ có văn hóa mua sắm tại trung tâm thương mại (mall culture) và những biến động khác trong ngành bán lẻ. Một số ngành hàng sẽ có những thay đổi lớn. Nhưng ở một mức độ nào đó, tôi vẫn nghĩ là bán lẻ truyền thống ở Việt Nam chưa chuyển đổi ngay lập tức được, sẽ còn rất vững mạnh và các nhà sản xuất vẫn còn phải để mắt đến kênh này như một kênh bán hàng chiến lược của họ.

* Hiện nay, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của smartphone và các hình thức thanh toán trực tuyến, theo chị xu hướng bán lẻ cả truyền thống và hiện đại trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt là thương mại điện tử?

Hiện nay đã có một số giải pháp thanh toán trực tuyến như Samsung Pay, ApplePay, ví điện tử như Momo, Timo,… hay với một số nhà bán lẻ có quy mô lớn, họ tự tạo các ví điện tử hoặc các hình thức thanh toán trực tuyến riêng cho họ. Trong tương lai chắc chắn các giải pháp thanh toán sẽ phát triển hơn nữa và sẽ tạo ra sự chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử. Thương mại điện tử giúp người tiêu dùng mua hàng tiện lợi hơn. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy sự phát triển của quá mạnh mẽ của Facebook kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt kênh bán hàng không chính thức. Quy mô của họ nhỏ lẻ nhưng có thể quy tụ lại thành một cộng đồng bán hàng trực tuyến lớn trên mạng xã hội, nên có thể xem bản chất của họ là một kênh bán lẻ. Và kênh này đang phát triển rất tốt.

Có nhiều khách hàng và đối tác của tôi là các nhà bán lẻ cũng đang chuẩn bị cho một tương lai tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, ví dụ như FPT. Kể cả The Coffee House cũng đang chuẩn bị cho một tương lai của việc giao hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong những năm tới.

Tuy nhiên, thương mại điện tử dù phát triển thế nào đi nữa cũng không thể làm mất đi nhu cầu của người tiêu dùng đến cửa hàng để trải nghiệm trực tiếp sản phẩm. Đến cửa hàng cũng có thể được xem là một hình thức người tiêu dùng trải nghiệm, tận hưởng sự thích thú và hài lòng về sản phẩm. Cho nên tôi nghĩ hệ thống cửa hàng vật lý vẫn sẽ tồn tại song song với thương mại điện tử.

Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ cũng góp phần không nhỏ. Smartphone, dịch vụ tích hợp trong các ứng dụng điện thoại, hay nỗ lực của các nhà bán lẻ trong việc đưa ra các gói tài chính để hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm thông minh hơn, hiện đại hơn,… tất cả những điều này sẽ giúp những thay đổi mà chúng ta nói đến không chỉ dừng lại ở những thành phố lớn, mà dần dần sẽ phát triển ra ngoại thành, về các vùng nông thôn, tạo nên những bước chuyển mình lớn cho ngành bán lẻ trong tương lai.

* Cảm ơn chị với những chia sẻ rất thú vị. Chúc chị nhiều thành công!

Cảm ơn Brands Vietnam. Chúc cho ngành bán lẻ ngày càng thú vị!

Lam An
Brands Vietnam