Young Marketer 8: Đề thi Vòng Bán kết và Cơ hội lần 2 vào thẳng Bán kết

Young Marketer 8: Đề thi Vòng Bán kết và Cơ hội lần 2 vào thẳng Bán kết

Young Marketers 8 chính thức công bố đề thi Vòng Bán kết liên quan đến thế hệ Millennials. Được xem là “một thế hệ lo âu”, Millennials trong đề thi mang đến một tình hình thực tế đáng lo ngại cần được quan tâm và giải quyết triệt để.

* Lưu ý:

Đề thi mang tính giả định và phục vụ cho mục đích tìm ra các tiềm năng marketing để phát triển của cuộc thi Young Marketers mùa 8. Tất cả thông tin về các đối tượng (third-parties) được đề cập trong đề thi này chỉ sẽ được xem là thông tin đầu vào cho các thí sinh của cuộc thi Young Marketers mùa 8 để đưa ra phương án giải quyết.

  • Millennials: An anxious generation | Millennials: Một thế hệ lo âu
  • Deadline: 21:00, ngày 29/11/2019

Tất cả quy định ở đề thi đi kèm sẽ là quy định cuối cùng và cập nhật đến thời điểm đề thi được công bố.

A. Thực trạng đáng quan ngại của thế hệ lo âu

Mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm – nhiều hơn gấp 2.5 lần người chết vì tai nạn giao thông.

Rối loạn lo âu là căn bệnh phổ biến và có xu hướng tăng cao ở những xã hội phát triển. Theo định nghĩa của Viện Sức khoẻ Tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), rối loạn lo âu là một trạng thái căng thẳng cảm xúc, là sự đáp ứng không phù hợp với các kích thích của cơ thể và môi trường (cả về cường độ và thời gian). Dù không có yếu tố gây lo hoặc yếu tố gây lo đã mất đi, người bệnh vẫn còn lo lắng, căng thẳng.

Thế hệ millennials bùng nổ trong lo âu: 50% vấn đề sức khoẻ tâm lý xảy ra ở tuổi teen (13-19 tuổi) và 75% diễn ra ở tuổi 24. 1/6 người trẻ hiện tại đang bị rối loạn lo âu. Millennials là thế hệ được đặt nhiều kì vọng nhất, nhưng cũng là thế hệ mong manh nhất. Sự lo lắng triền miên dẫn tới nhiều hệ luỵ như hoảng loạn, suy sụp tinh thần, mất ngủ, đau tức ngực & khó thở, và thậm chí là tự tử. Nghiêm trọng hơn, tự tử mang tính lây lan, hiện tượng này càng dễ xảy ra khi cái chết ban đầu xuất phát từ người nổi tiếng trong làng giải trí.

Sự âu lo nay không chỉ đơn thuần là vấn đề y tế, mà đã trở thành một căn bệnh xã hội cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Một số nguyên nhân:

1. Áp lực thành công từ cha mẹ

Với thế hệ 8x và 9x, áp lực thành công còn lớn hơn do được sinh ra trong điều kiện kinh tế tốt hơn, nhận được sự đầu tư và chăm sóc hết mực từ bố mẹ nên lại càng “không có lý do gì để thất bại”. Đặc biệt, các cặp cha mẹ châu Á thường đặt nhiều áp lực, muốn con cái học giỏi, thành công, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực nên từ nhỏ đã đặt áp lực lên chính con cái mình – tạo nền móng lo âu cho một thế hệ.

2. Áp lực tâm lý từ mạng xã hội

Có nhiều nghiên cứu cho rằng mạng xã hội cũng là nguyên nhân làm tăng mức độ lo âu ở thế hệ trẻ.

Sinh ra trong thời đại bùng nổ về công nghệ và thông tin, Millennials không những luôn bị bội thực bởi hàng núi thông tin mà còn bị áp lực của bạn bè xung quanh. “Hội chứng sợ bị bỏ lỡ” (fear of missing out, hay FOMO) là một hiện tượng thường thấy trong giới trẻ hiện nay. Việc cập nhật liên tục thông tin và hình ảnh về cuộc sống của người khác làm cho thế hệ này có thường xuyên có cảm giác thất vọng về bản thân.

Ngoài ra cyber bully (bắt nạt trên mạng) cũng là một nguyên do dẫn tới sự âu lo. Càng đáng lo hơn khi “khẩu nghiệp” – một hình thức cyber bully – được xem là một niềm vui mang tính thời thượng và lan toả ngày càng rộng khắp trong người trẻ. Mạng xã hội tràn ngập tính công kích và lời sát thương khiến người trẻ sợ hãi trong việc thể hiện hình ảnh & ý kiến cá nhân.

3. Áp lực từ những điều chưa chắc chắn

Một đặc điểm của lứa tuổi Millennials là mọi thứ đều chưa ổn định, cả về sự nghiệp, tài chính hay các mối quan hệ. Đây là giai đoạn mà sự thay đổi diễn ra thường xuyên và nhanh chóng như thay đổi công việc, chuyển đến một nơi khác sống, tình cảm… “Khủng khoảng tuổi 25” (Quarter life crisis) được xem là một dạng lo âu điển hình khi người trẻ suy nghĩ và đối mặt với tương lai vô định nhiều chọn lựa, không biết chắc rằng lựa chọn nào sẽ là tốt nhất.

B. Thương hiệu & bài toán giải quyết

Đại Học Fulbright Vietnam – trường đại học độc lập mới thành lập, hoạt động không vì lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, chương trình đào tạo đại học và cao học của Fulbright University Việt Nam đặt mục tiêu định nghĩa lại giáo dục đại học ở Việt Nam, góp phần đào tạo những thế hệ lãnh đạo được trang bị các kỹ năng quan trọng nhằm đương đầu với các thách thức trong thời đại mới.

“Chúng ta phải dám nghĩ những điều thường bị coi là không tưởng. Chúng ta phải dám học cách khám phá mọi khả năng và giới hạn mà chúng ta đang đối mặt trong một thế giới đầy phức tạp và biến động không ngừng” – Thượng Nghị Sỹ J. William Fulbright.

Bài toán thương hiệu muốn giải quyết

ĐH Fulbright Việt Nam muốn thực hiện một chiến dịch truyền thông tiếp thị:

Tạo nhận thức đúng và sự quan tâm đúng đắn của giới trẻ về các vấn đề trầm cảm của thế hệ mình & chính bản thân, một phần giúp giảm thiểu tình trạng này (1). Qua đó nổi bật được sứ mệnh, tầm nhìn & giá trị khác biệt của trường, từ đó xây dựng trường trở thành sự lựa chọn số 1 của các thế hệ sinh viên/ người trẻ (16-28 tuổi, chủ yếu ở các thành phố lớn) muốn nhận được giáo dục khai phóng, và mong muốn được đào tạo để giải quyết các thách thức phức tạp của thế giới hôm nay, khi tìm kiếm sự lựa chọn giáo dục đào tạo bậc đại học và sau đại học tại Việt Nam (2).

Giả sử bạn là Marketing Manager của ĐH Fulbright Vietnam, hãy đề xuất một kế hoạch với ngân sách 5,000,000,000VNĐ, bắt đầu từ tháng 2/2020 và kéo dài trong tối đa 2 tháng, tập trung tại 2 thị trường Hồ Chí Minh & Hà Nội, qua đó đạt được các mục tiêu nêu trên.

C. Tiêu chí đánh giá

1. Tính hiệu quả

Chiến dịch có đạt được các mục tiêu đề ra hay không? (40%)

2. Ý tưởng

Ý tưởng lớn của chiến dịch là gì, dựa trên nền tảng insight nào? (30%)
Ý tưởng này có được triển khai hiệu quả qua các kênh truyền thông phù hợp với đối tượng mục tiêu hay không? (10%)

3. Tính khả thi và ứng dụng

Kinh phí thực hiện chiến dịch có phù hợp? Các hoạt động có khả thi để thực hiện hay không? (10%)

4. Trình bày

Tính thẩm mỹ & Mức độ đầu tư (10%)

Cách thức nộp bài & hình thức thi Vòng Bán kết

Top 10 vòng loại Young Marketers sẽ gửi bài PDF bằng tiếng Anh, dưới 15 slide (không bao gồm 3 slide mở đầu, nội dung slide/agenda, thank you), không quá 10MB về [email protected] trước 21:00 ngày 29/11/2019.
Subject mail: Young Marketers Semifinal Proposal – top 10 – họ tên

Các bạn sẽ vẫn dự thi theo hình thức cá nhân, tham gia Private Pitching (không có khán giả) vào 9:00 – 12:30 ngày 1/12/2019 tại Tp. HCM (các bạn ngoài HCM sẽ phỏng vấn qua Skype). Mỗi bạn sẽ có 10 phút để trình bày proposal và 15 phút trao đổi với Ban Giám Khảo.

3 bạn xuất sắc (trong top 10 vòng loại & top 3 + Cơ hội lần 2) ở vòng Private Pitching sẽ tham gia vào Vòng Chung kết năm vào sáng thứ 7, ngày 21/12/2019. Kết quả Private Pitching sẽ được công bố ngay trong ngày thi.

* Cơ hội lần 2

Các bạn đủ điều kiện tham dự Cơ hội lần 2 để giành 03 suất vào thằng Vòng Bán kết – Private Pitching chủ nhật 1/12/2019 là:

  • Các marketer có độ tuổi từ 18-23 (sinh năm 1996 đến 2001), thật sự đam mê & nghiêm túc với Marketing.
  • Công dân Việt Nam hợp pháp & đã tốt nghiệp THPT.
  • Không phải là các thí sinh đã lọt vào các vòng Chung kết của Young Marketers 7 mùa trước hoặc học viên của Young Marketers Elite Development 6 mùa trước.
  • Cam kết tham gia đầy đủ chương trình học các sáng thứ 7 hàng tuần từ tháng 1-10/2020 tại Tp. HCM.

Các bạn gửi bài PDF bằng tiếng Anh dưới 15 slide (không bao gồm 3 slide mở đầu, nội dung slide/agenda, thank you), không quá 10MB về [email protected] trước 21:00 ngày 29/11/2019.
Subject mail: Young Marketers Semifinal Proposal – Cơ Hội Lần 2 – họ tên – trường/ công ty

Các bạn dự thi Cơ hội 2 nộp kèm theo hình chân dung (dưới 3MB) đính kèm trong mail dự thi.

* Lưu ý:

  • Các bạn trong top 30 mà không tiến vào top 10 sẽ được ưu tiên tối thiểu 1 suất dành cho bạn có bài làm xuất sắc nhất tham gia vào Private Pitching.
  • Ban Giám Khảo sẽ chọn trong các bài dự thi Cơ hội lần 2 tối thiểu 03 bài xuất sắc nhất để tham gia Vòng Bán kết/ Private Pitching, và kết quả sẽ được công bố ngay trong tối ngày 30/11 để các bạn có thể kịp tham gia dự thi vào 14:00 – 16:00 ngày 1/12.

Young Marketers – Empower the next marketing generation

Cuộc thi Young Marketers mùa thứ 8 là một phần của hành trình Empower The Next Marketing Generation của Young Marketers – bên cạnh Young Marketers Elite Development Program, với Brands Vietnam là đối tác chiến lược từ 2013, Advertising Vietnam là đối tác truyền thông từ 2018, cùng với sự đồng hành của nhiều đối tác lớn.

Xem thêm:

Young Marketers 8 công bố Giải thưởng, Thể lệ và Đề thi Vòng loại
Young Marketers 8 mời 3 Creative Agency nổi tiếng tham gia vào vòng chung kết năm
Danh sách những tên tuổi nổi bật trong ngành tham gia training cho Young Marketers 8

Nguồn Young Marketers