Báo cáo tốt nghiệp Young Marketers Elite Development Program (Khóa 2): “Can đảm để nảy mầm”

Báo cáo tốt nghiệp Young Marketers Elite Development Program (Khóa 2): “Can đảm để nảy mầm”

Sáng thứ 7 vừa qua 03/10/2015, buổi lễ Báo cáo Tốt nghiệp của các học viên trong chương trình Young Marketers Elite Development Program (khóa 2014 - 2015) đã diễn ra tại khách sạn Liberty Central Riverside đầy sôi nổi với sự tham dự của nhiều đại diện nhãn hàng và các bạn sinh viên yêu thích marketing.

Sau hơn 9 tháng với 30 buổi học Marketing chuyên nghiệp từ những anh chị Empower đầy tâm huyết, các bạn phải đối mặt với một đề bài hóc búa nhưng gần gũi và không kém phần thú vị: phân tích và xây dựng ý tưởng định vị thương hiệu B-Phone.

Đánh giá bài tốt nghiệp của Elite Development Program khóa 2 là những gương mặt BGK chuyên môn uy tín

  1. Anh Nguyễn Đình ToànHead of Marketing, Masan Beverage/Masan Consumer
  2. Chị Nguyễn Phương AnhCountry Head of Marketing, Google Viet Nam
  3. Anh Faisal KhanExecutive Creative Director & Founder, Ad Store (ex-Creative Director, LOWE Vietnam)
  4. Anh Nguyễn Hoàng Đăng Khoa Managing Director, SMART Marketing (ex-Head of Marketing, Nokia Vietnam)
  5. Anh Hùng VõCEO, Redder Advertising

16 phút trình bày và 24 phút hỏi đáp là tất cả thời gian mà mỗi nhóm báo cáo tốt nghiệp có trong tay để thuyết phục Hội đồng Đánh giá tốt nghiệp với chiến lược marketing đưa B-Phone trở thành thương hiệu điện thoại di động thông minh (Smart Phone) TOP 3 Việt Nam về thị phần sau 3 năm tái tung (2016 - 2018). Một ngành hàng quen mà khó, một thương hiệu không xa lạ nhưng đối mặt đầy thách thức. Cũng vì thế, buổi báo cáo tốt nghiệp đã diễn ra thật sôi nổi và không kém phần lôi cuốn.

Nhóm 1: Minh Vũ – Kim Hà – Tú Oanh – Nhật Duy - Võ Thi

Ước mơ lớn cho nông dân Việt Nam

Mở đầu phần trình bày bằng con số ấn tượng: chỉ 49% người Việt Nam đang sử dụng Smart Phone, nhóm đã xác định sân chơi chính là miếng bánh với hơn ½ dân số còn lại đang sử dụng Feature Phone. Với tất cả sự can đảm của mình, 5 bạn trẻ của nhóm 1 đã khiến cả khán phòng bất ngờ khi chọn đối tượng khách hàng là những người nông dân đang sử dụng Feature Phone ở độ tuổi 35 – 45. Nhóm đã chọn nhắm đến nhóm đối tượng chính là The Progressive (luôn hướng đến những trải nghiệm mới trong cuộc sống), là nhóm có động lực nhất để chuyển từ feature phone lên smart phone.

Với insight phát triển từ key driver “better mobile experience for better life exploration” và key barrier “smartphone’s too complicated”, nhóm khẳng định giá trị cốt lõi của thương hiệu phải là “Improving life” với brand communication idea “Upgrade your life” để xây dựng thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Theo đó, nhóm xác định rất rõ 3 nhu cầu chính của người tiêu dùng nhóm đã lựa chọn với 1 chiếc smart phone để từ đó xây dựng portfolio tương ứng trong 3 năm:

  • Connection: nhu cầu kết nối với gia đình à Dòng sản phẩm với chức năng video call vượt trội, camera góc rộng và chất lượng mic tốt hơn.
  • Entertainment: nhu cầu giải trí như xem TV và Radio à Dòng sản phẩm được thiết kế phù hợp để giải trí với màn hình lớn và âm thanh HD
  • Information: nhu cầu thông tin bên cạnh lối truyền miệng truyền thống à Dòng sản phẩm đặc biệt E-Newspaper và gói 3G hỗ trợ.

Và hơn thế nữa, KSF (Key Selling Feature) của các dòng B-phone so với tất cả thương hiệu nước ngoài khác chính là trợ lý ảo BO dành riêng cho người Việt Nam: nhận dạng lệnh bằng giọng nói, ngôn ngữ tiếng Việt, giúp người nông dân không còn “sợ hãi” với sự phức tạp của chiếc smart phone. Giờ đây, chỉ với 5 triệu cùng các câu lệnh “BO ơi gọi giúp tôi đến số…”, “Bo ơi mở TV lên xem”…, ước mơ về một cuộc sống hiện đại hơn sẽ đến thật gần hơn với tay người nông dân.

Một ước mơ rất đẹp, rất Việt Nam, dành riêng cho người Việt Nam, và đó cũng chính là điểm rất đẹp mà các anh chị trong Hội đồng đánh giá tốt nghiệp đánh giá cao ở nhóm 1. “Thoạt nghe qua thì thấy cũng bình thường thôi, nhưng dần về cuối đọng lại là một sự khác biệt đẹp đẽ - Nâng tầm cuộc sống Việt Nam” – anh Khoa Nguyễn chia sẽ.

Anh Faisal Khan đồng thời nhận xét: “Slide cuối cùng mới thật sự là slide các bạn nên bắt đầu: Giấc mơ! Ước mơ của các bạn thật đẹp, nó còn đẹp vì chính các bạn – những người trẻ, đã dám mơ đến và can đảm chọn lựa để hiện thực hóa. Những đột phá về công nghệ trong trường hợp này chưa chắc đã làm nên chuyện và có ý nghĩa được bằng giấc mơ của các bạn. Nhiều khi chúng ta không cần sáng tạo thêm cái mới để làm gì, mà chỉ cần thay đổi cách tiếp cận cho phù hợp và tình cảm hơn thôi!”

Nhóm 2: Việt Chinh – Mai Bằng – Khải Phạm – Ngân Trần – Ngọc Dung

Thiết bị không giới hạn

Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng về cánh cửa thần kì của Doremon. Ngày nay, chiếc smart phone cũng như cánh cửa thần kì ấy vậy, mở ra bao điều, bên cạnh cánh cửa mở ra thế giới thật. Và đến một lúc nào đó khi hai cánh cửa này thật nhạt nhòa, một thế giới khác sẽ mở ra… - Nhóm 2 mở đầu phần trình bày của mình với một thế giới mới, khi mọi thứ đều được digital hóa, trong một tương lai không còn xa nữa.

Nhóm gây ấn tượng mạnh cho tất cả mọi người với con số 24 lần chuyển đổi thiết bị trong vòng 24 tiếng của mỗi người. Tức là mỗi giờ, trung bình mỗi chúng ta sẽ lại chuyển đổi thiết bị một lần, vì mỗi thiết bị hiện nay đều đang được thiết kế để phục vụ tốt nhất cho một nhu cầu nào đó. Vậy, tại sao không nhanh chóng nắm bắt xu hướng đó, nhu cầu đó, hướng đến một thiết bị…là mọi thiết bị, đáp ứng mọi nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi?

Và đó cũng chính là giải pháp đột phá của nhóm 2 với B-device cùng công nghệ kéo dãn màn hình (stretchable screen), mang đến những trải nghiệm kỹ thuật số liên tục và không giới hạn cho người tiêu dùng (limitless experience of digital world)! Dựa trên value proposition này, nhóm 2 đã đi cụ thể hơn khi phát triển proposition cho từng nhóm consumer riêng biệt dựa theo giá trị mà sản phẩm này có thể đem lại cho họ như Optimum Seeker là yếu tố tiện lợi (convenience), nhóm Wanna Be là phong cách (style/trendy) và quan trọng nhất là bắt đầu với nhóm Ambition Chaser để họ có thể “Never stop pursuing your aspiration”.

Chị Phương Anh không ngăn được sự thích thú trước phần trình bày của nhóm 2: “Rất vui, rất ấn tượng và thu hút được tất cả mọi người, đặc biệt với một phát hiện quan trọng là chúng ta đang không ngừng thay đổi thiết bị.” Thế nhưng, chị cũng rất tiếc khi phải nhận xét rằng những phần còn lại của bài khá hời hợt. “Chúng ta không thể là mọi thứ cho mọi người! Các bạn cần phải xác định rõ hơn và tìm hiểu kĩ hơn về nhóm đối tượng mình nhắm đến. Và chị cũng không thấy cái chất, cái hồn của BKAV ở đây!”

Anh Khoa Nguyễn & anh Hùng Võ cùng đồng tình khi đặt cho nhóm 2 câu hỏi “Đâu là câu chuyện của BKAV, của B-Phone trong ý tưởng này? Nếu các bạn chỉ đánh vào công nghệ mà thiếu ý nghĩa mà ý tưởng các bạn đại diện thì đây sẽ là một cuộc chiến rất ngắn hạn”.

Anh Nguyễn Đình Toàn cũng nhận xét: “Chúc mừng các bạn vì đã tìm ra được điểm khác biệt giữa Marketing Technology & Marketing FMCG. Công nghệ luôn có một hấp lực mà ai cũng muốn biết chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra. Và điều tuyệt vời nhất ở đây là marketer hoàn toàn có thể tạo ra một nền tảng mới mà không dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng để thay đổi toàn bộ thói quen của người tiêu dùng về công nghệ, như những gì Steve Jobs đã từng làm cho Apple. Nhưng trong bối cảnh này, ai sẽ tin các bạn? Khi Việt Nam không phải là cường quốc dẫn đầu về công nghệ, và khi BKAV đã có một cú ngã như thế? Chính các bạn lại vừa rơi vào cú ngã cũ của BKAV!”

Nhóm 3: Trung Hiếu – Đinh Hương – Hương Giang – Ngọc Trần - Dương Lương

Đám mây kết nối

Nhóm 3 mở đầu khúc chiết vào việc xác định cụ thể nhu cầu kết nối của con người qua chiếc điện thoại phát triển theo từng giai đoạn phát triển của công nghệ, đồng thời đón đầu xu thế mà chiếc smart phone mang lại: kết nối người với người à kết nối người với nội dung kĩ thuật số à kết nối với những vật thể gần gũi xung quanh cuộc sống.

Từ đó, ý tưởng sản phẩm được phát triển trên việc xây dựng một hệ sinh thái Bcloud, giúp smart phone kết nối với những vật thể thật thông qua B-sensor và wifi. Nhóm xác định: an ninh – bảo mật chính là điểm mạnh nhất của thương hiệu BKAV từ trước đến nay, và chính thế mạnh này sẽ được tận dụng tối đa trong chiến lược tái tung nhằm mang đến sự an tâm “Always-on Security on your fingertips” cho đối tượng The Wealthy mà nhóm hướng đến, vì “The more I have, the more I fear”. Không chỉ là chiếc điện thoại, mà còn là trung tâm theo dõi mọi vật giá trị xung quanh bạn. Không chỉ dừng lại ở quy mô bảo mật cho một gia đình, mà còn hướng đến quy mô bảo mật cho cả cộng đồng. Đó cũng là hình ảnh thương hiệu mà nhóm muốn xây dựng: A guardian for the worthest.

Nhóm gây được ấn tượng cho anh Hùng Võ khi thể hiện được sự hiểu biết và kết nối với thương hiệu và thế mạnh của BKAV, nhưng anh cũng hướng các bạn đến nhiều câu hỏi lớn hơn cho tương lai xa hơn: “Rõ ràng là các em đang không bán smart phone, các em đang bán một security ecosystem. Nhu cầu này lớn thế nào, các bạn sẽ bán sản phẩm thế nào cho những năm tiếp theo? Và thực tế hiện nay cũng đã có những ứng dụng về security, vậy đâu sẽ là điểm khác biệt giữa các ứng dụng này và chiếc điện thoại của các bạn?”

Nhóm 3 nhận được điểm cộng lớn từ các anh chị BGK khác về sự logic trong hướng nghĩ và phần trình bày, nhưng đó cũng lại là điểm hạn chế của nhóm khi không chạm được đến trái tim mọi người.

Anh Nguyễn Đình Toàn khẳng định: “Có nhiều cách quản lí tài sản của người giàu, và ý tưởng này không phải là ý tưởng mạnh nếu nhắm vào nhóm này. Quá đáng tiếc là ý tưởng này chỉ dừng lại ở đây, quá ngắn hạn. Các bạn đã tìm được một điểm kết nối tất cả: sự kết nối! Nhưng tiếc là các bạn chỉ dừng lại ở việc kết nối với bức tường, với ngôi nhà, mà không đẩy nó lên cao hơn nữa là sự kết nối với mái ấm, với gia đình. Chúng ta lo lắng và không an tâm cho bức tường, cho ngôi nhà, hay cho những điều, những người thân yêu quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi chúng ta? Giá mà các bạn không bán những vật khô khốc lạnh lùng này. Giá mà các bạn bán điều gì đó ấm áp và ý nghĩa hơn thì các bạn hoàn toàn có thể bán cho hàng triệu gia đình Việt Nam, thay vì nhóm đối tượng các bạn đã chọn.”

Công bố điểm cao Nhất, Nhì, Ba lần lượt cho 3 nhóm 1, 2, 3 trong buổi báo cáo, chị Phương Anh nhắn nhủ: “Marketing cho công nghệ rất khó, như những ngày đầu làm ở Google chị cũng tự hỏi làm thế nào để có cảm hứng và truyền cảm hứng trong lĩnh vực này. Và marketer không phải chỉ chọn và bán những sản phẩm tốt nhất. Marketer tiếp thị cho mọi thứ. Điểm mấu chốt ở đây là dù bạn có đang làm, sẽ làm marketing trong bất kỳ lĩnh vực nào, cho bất kì sản phẩm nào, bạn phải hiểu điều cốt lõi nhất của nó để làm tốt nhất có thể. Và chị rất vui khi được biết đến và đồng hành cùng Young Marketers – một chương trình không phải chỉ đến một lần, thi, đoạt giải, bắt tay ra về rồi thôi. Mà còn là Elite Development Programe với 30 sáng thứ 7 học với nhau. Đó thật sự là một hành trình, một cam kết. Và hôm nay các bạn nên tự hào vì đã cam kết được với hành trình này.”

Đại diện các bạn Elite Development Program khóa 2 phát biểu ở buổi tốt nghiệp, bạn Nguyễn Nhật Duy tâm sự: “Hôm qua sau khi làm xong bài và nộp bài, em không thể tin được mới đó đã qua 9 tháng rồi, tưởng dài mà lại rất nhanh. Em nhớ đến những ngày đầu biết đến Young Marketers, còn rất non nớt và bị thu hút bởi những thứ hào nhoáng về thế giới marketing. Để rồi trải qua hành trình dài này với cuộc thi Warm-up, Young Marketers 3 và Elite Development Program, em luôn được nhắc nhở rằng mọi điều tốt đẹp trên sân khấu ngày hôm nay đều là thành quả của những nỗ lực và cố gắng. Em nghĩ rằng mọi người đều đã học được rất nhiều từ bài tốt nghiệp này, với những bạn bè có cùng đam mê để hiện thực hóa những điều tưởng như không thể. Em cám ơn anh Hùng, anh Toàn và chị An đã cho tụi em hành trình thú vị này & đã luôn đồng hành rất sát với cả lớp.”

Brands Vietnam