Marketer Stage! VietNam
Stage! VietNam

Content Director @ Stage!Vietnam

5 chìa khóa giúp bạn duy trì động lực khi bị mắc kẹt vào một lối mòn trong nghề Event

Bạn đã bao giờ vừa cảm thấy tràn đầy động lực để làm điều gì đó, rồi đột nhiên động lực đó biến mất chưa?

Hoặc cảm thấy mình bị tụt lại phía sau vì chưa đạt được những gì đã đặt ra trong khi đã nói với mọi người rằng bạn sẽ hoàn thành vào cuối năm (hoặc cuối tháng, cuối quý)?

Hay bạn bắt đầu cảm thấy bản thân thật tệ và có suy nghĩ rằng mình không thể theo đuổi những mục tiêu đó? Bạn quyết định bỏ mặc nó bởi vì quá xấu hổ khi đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào – đặc biệt là sau khi nói về dự định đó quá nhiều với bạn bè và gia đình?

Nếu bạn đã từng đấu tranh trong mớ suy nghĩ rằng liệu có nên tiếp tục hay phải dừng lại khi bị mắc kẹt, nếu bạn cảm thấy như mình đang dần bị tụt lại phía sau, và nếu động lực của bạn đang dần dần “lạc trôi” thì hãy thử qua 5 phương pháp trong bài viết này để giúp tinh thần trở lại đúng đường!

1. Can đảm đối diện với chính mình

Chúng ta có xu hướng che giấu cảm xúc của mình và giả vờ rằng mọi thứ đều ổn, nhưng không phải vậy. Không thành thật với bản thân và không thừa nhận bạn đang ở đâu chỉ khiến bạn vướng vào guồng quay đó. Hãy can đảm đối diện với chính mình và bạn sẽ nhận ra đâu là ưu điểm để phát huy và đâu là khuyết điểm cần phải khắc phục.

2. Đừng làm “Ngôi sao cô đơn”

Sự khuyến khích của mọi người xung quanh sẽ tạo động lực cho bạn và sức mạnh của số đông sẽ giúp việc thực hiện mục tiêu trở nên dễ dàng hơn. Hãy tìm một người chịu lắng nghe và trò chuyện về tình trạng tinh thần cũng như những khó khăn đang cản trở, khiến động lực của bạn dần tụt dốc. Bạn sẽ thấy rằng việc giãi bày giúp giải phóng sự lo lắng, giúp bạn thoải mái hơn và thoát khỏi tình trạng suy sụp tinh thần.

Người chia sẻ không nhất thiết phải là người có cùng mục tiêu mà có thể là bất cứ ai mà bạn cảm thấy tin tưởng. Họ có thể là vợ/chồng, anh, chị, em, đồng nghiệp… hoặc thậm chí là một chuyên gia.

3. Đặt mục tiêu rõ ràng

Đặt mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung và đo lường được kết quả cuối cùng mà bạn đang hướng tới. Đồng thời, mục tiêu sẽ giúp xác định rõ đâu là “lối đi” mà bạn cần tập trung. Nhưng hãy nhớ rằng mục tiêu đặt ra phải thật sự khiến bạn hứng thú, đủ sức ảnh hưởng để bạn quyết tâm đạt được chúng bằng mọi cách.

Hãy viết ra các mục tiêu để nhìn thấy chúng mỗi ngày. Việc nhìn thấy mục tiêu mỗi ngày sẽ giúp bạn củng cố thêm niềm tin và khát khao đạt được.

4. Ghi nhớ lý do mình bắt đầu

Thông thường, chúng ta dễ mất động lực bởi guồng quay cuộc sống khiến bản thân có quá nhiều điều phải tập trung hàng ngày, thay vì chỉ tập trung vào đúng mục tiêu đã đặt ra ban đầu. Hãy tự đặt ra câu hỏi: Mục tiêu mà chúng ta muốn có sẽ trông như thế nào? Mục đích của chúng ta khi muốn nó là gì? Chúng ta đã từng khao khát đạt được mục tiêu ấy thì có phải nó cũng quan trọng với cuộc đời của chúng ta?

Khi bạn biết và hiểu rõ lý do tại sao bạn muốn một thứ gì đó, bạn sẽ dễ dàng vượt qua bất kỳ rào cản nào dù nó thật sự “khá cứng đầu”.

5. Hãy hành động

Rất nhiều người chờ đợi cảm hứng để “cảm thấy có động lực” trước khi hành động, nhưng để duy trì động lực thì bạn phải vượt qua bế tắc – ngay cả khi bạn không cảm thấy hứng thú. Hãy bắt tay hành động từ những bước nhỏ hàng ngày, rồi bạn sẽ thấy rằng các cơ hội bắt đầu mở ra và dẫn lối để bạn nhìn nhận mọi điều rõ ràng hơn. Động lực thường xuất hiện SAU KHI bạn hành động.

Duy trì động lực trong suốt chặng đường không phải lúc nào cũng dễ dàng vì sẽ có rất nhiều rào cản làm chúng ta chùn bước và muốn bỏ cuộc.

Đôi khi chúng ta bị mắc kẹt tại một điểm nào đó, hoặc sẽ mãi lẩn quẩn trong một con đường mòn. Nếu bạn không thật sự đam mê, không thật sự khao khát những gì bạn muốn đạt được thì chắc chắn sẽ rất khó để giữ vững tinh thần và ý chí để luôn cảm thấy có động lực thực hiện ước mơ.

Vậy, điều gì đang kìm hãm bạn và bạn sẽ làm gì khi bị mắc kẹt?

Biên dịch: Loan Lê
Nguồn: Eventplanningblueprint