Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Báo cáo Ngôn ngữ Duolingo 2022: Người Việt dành 15 phút mỗi ngày để học ngoại ngữ

Theo Báo cáo Ngôn ngữ của Duolingo vào năm 2022, những người học ngoại ngữ đã quay trở lại với lịch trình và thói quen trước đại dịch và cách họ tiếp cận việc học ngoại ngữ đã có nhiều thay đổi. Nhờ vào ngôn ngữ, người học có thể tìm hiểu về các chủ đề mới như lịch sử, văn hóa đại chúng, hay các sự kiện quốc tế. Và với người học ngôn ngữ ở Việt Nam, điều này cũng không ngoại lệ.

Duolingo là nền tảng học ngoại ngữ phổ biến, giúp việc học ngôn ngữ trở nên thú vị với các bài học ngắn gọn như đang chơi một trò chơi. Duolingo cung cấp tổng cộng hơn 100 khóa học với 41 ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nhật đến tiếng Navajo và tiếng Yiddish.

Tiếng Anh và tiếng Trung tiếp tục là hai ngôn ngữ phổ biến nhất

Hai ngôn ngữ phổ biến được người dùng Duolingo tại Việt Nam chọn học là tiếng Anh và tiếng Trung. Có thể nói, xu hướng học ngôn ngữ của người học tại Việt Nam có tính nhất quán cao. Trong cả hai năm 2021 và 2022, tiếng Anh đứng vị trí đầu bảng, theo sau là tiếng Trung xếp ở vị trí thứ hai.

Về số lượng người học, tiếng Việt đứng ở vị trí thứ ba. Điều này cho thấy có nhiều người nước ngoài tới Việt Nam để du lịch hoặc làm việc đã nhận thấy giá trị của việc học tiếng địa phương.

Tiếng Hàn là ngôn ngữ phổ biến thứ ba đối với nhóm người học trong độ tuổi 13-29 tại Việt Nam.

Trong khi tiếng Anh và tiếng Trung là hai ngôn ngữ phổ biến nhất ở tất cả các nhóm tuổi tại Việt Nam, thì vị trí thứ 3 lại có sự khác biệt. Trong nhóm người học ở độ tuổi 13-29, tiếng Hàn là ngôn ngữ phổ biến thứ ba, phản ánh sự nổi tiếng của văn hóa Hàn Quốc trong giới trẻ Việt Nam.

Riêng với những người dùng từ 30 tuổi trở lên, điều đáng ngạc nhiên là tiếng Việt lại là ngôn ngữ đứng thứ 3 và thường được học bằng tiếng Anh. Điều này cho thấy nhu cầu học tiếng Việt của du khách, lao động người nước ngoài, và doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới đang sinh sống tại Việt Nam khá lớn.

Người dùng Việt Nam coi trọng giá trị lâu dài của việc học

Với những người mới bắt đầu học ngôn ngữ ở Việt Nam, rèn luyện trí não (29%) được cho là động lực hàng đầu. Con số này cao hơn nhiều so với những ghi nhận ở bất kỳ thị trường lớn nào khác của Duolingo, và Ấn Độ đứng ở vị trí thứ hai với 17%. Từ dữ liệu này, có thể kết luận người học Việt Nam rất quan tâm đến việc cải thiện bản thân và giữ cho trí não luôn nhạy bén.

“Rèn luyện trí não” và “Phục vụ việc học tập ở trường” là hai động lực hàng đầu của nhóm người học ngôn ngữ tại Việt Nam.

Phục vụ việc học tập ở trường (24%) là lý do phổ biến thứ hai khiến người Việt Nam học ngôn ngữ. Những người trẻ tuổi thường chọn sử dụng các công cụ miễn phí, dễ tiếp cận như Duolingo để bổ sung thêm những gì họ đã và đang học tại trường. Điều này có thể do nhu cầu học tập trong môi trường quốc tế là khá lớn đối với học sinh, sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng người Việt tham gia thi Duolingo English Test – DET (tạm dịch: Bài kiểm tra tiếng Anh trực tuyến của Duolingo), tăng hơn 100% hàng năm.

Không chỉ giới hạn ở các thành phố lớn, học sinh Việt Nam ở hơn 125 thành phố trên khắp thế giới đã thi chứng chỉ DET vào năm 2022, và sử dụng kết quả này để đăng ký vào các chương trình học tại gần 30 quốc gia. Các trường đại học được sinh viên Việt Nam nộp hồ sơ nhiều nhất là: Đại học Công nghệ Swinburne (Úc), Đại học Bang Arizona (Mỹ) và Đại học DePauw (Mỹ). Như vậy, Mỹ là quốc gia được sinh viên Việt Nam quan tâm đi du học nhất.

Động lực phổ biến thứ ba để học một ngôn ngữ mới là gia đình và giá trị di sản (11%). Qua đây, người Việt cho thấy họ đánh giá cao sức mạnh của ngôn ngữ trong việc kết nối với những người thân yêu.

“Trường học nơi tôi làm việc dần mở thêm những lớp công nghệ máy tính bằng tiếng Anh. Ngoài ra, con rể tôi là người Singapore chỉ nói được tiếng Anh nên tôi sử dụng Duolingo để nâng cao khả năng giảng dạy và giao tiếp với gia đình”, Bùi Duy Hoàng, Giáo viên tin học tại TP.HCM, chia sẻ.

Trong khi “Du lịch” được coi là động lực chính của những người học mới trên khắp thế giới, thì người học Duolingo ở Việt Nam lại ít coi “Du lịch” là động lực chính trong năm 2022.

Không còn ở trong top đầu về động lực học ngoại ngữ, “Du lịch” chỉ chiếm 9% lý do trong số những người mới học ngôn ngữ ở Việt Nam. Bất chấp việc nới lỏng các hạn chế di chuyển quốc tế sau hai năm đại dịch, người học Việt Nam vẫn do dự trong việc học ngôn ngữ mới chỉ để đi du lịch. Thay vào đó, họ thích tìm kiếm những lợi ích lâu dài hơn từ việc học ngôn ngữ, ví dụ như cải thiện khả năng nhận thức (cognitive health) và kết nối ở tầng sâu sắc hơn với bạn bè và gia đình trên khắp thế giới.

“Mục tiêu của mình là hiểu nội dung bằng ngôn ngữ gốc khi xem phim. Mình đã từng dựa vào phụ đề tiếng Việt khi xem phim bằng tiếng Anh, nhưng giờ thì không cần nữa. Và bây giờ mình đang học tiếng Tây Ban Nha. Mình hy vọng có thể xem những gì mình muốn mà không cần phải đợi bản dịch hoặc có thể đọc các bài báo bằng tiếng Tây Ban Nha để có thêm kiến thức và mở rộng tầm nhìn. Hơn nữa, tiếng Tây Ban Nha khá thông dụng nên sau này nếu ra nước ngoài, có lẽ mình sẽ hòa nhập tốt hơn ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha”, Nguyên, học sinh cuối cấp ở Cần Thơ, cho biết.

Những khám phá thú vị về việc học ngôn ngữ ở Việt Nam

1. Tiếng Ukraina là ngôn ngữ được học có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam

Xu hướng ngôn ngữ đáng chú ý nhất toàn cầu trong năm 2022 là số người học tiếng Ukraina tăng đột biến. Ngôn ngữ này đã tăng từ vị trí ngôn ngữ phổ biến thứ 38 vào năm 2021 lên thứ 30 vào năm 2022.

Xu hướng này cũng được nhận thấy ở Việt Nam. Số lượng người dùng tại Việt Nam học tiếng Ukraina tăng 653% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam vào năm 2022.

Tiếng Ukraina trở thành ngôn ngữ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam vào năm 2022.

2. Người Việt Nam đang học đa dạng các ngôn ngữ

Người dùng tại Việt Nam thể hiện sự yêu thích đa dạng về ngôn ngữ – đây là quốc gia duy nhất trong số 10 thị trường lớn nhất của Duolingo mà mỗi ngôn ngữ trong 5 ngôn ngữ hàng đầu đến từ một ngữ hệ khác nhau.

3. Rất nhiều người học tiếng Việt ở Việt Nam

Khóa học phổ biến nhất ở Việt Nam là tiếng Anh sang tiếng Việt, một điều hiếm thấy trên thế giới. Điều này phản ánh đã có một lượng lớn khách du lịch và người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, đặc biệt kể từ khi các hạn chế đi lại được nới lỏng vào đầu năm 2022.

Trên thực tế, cho đến nay, Việt Nam có số người học tiếng Việt nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đứng sau là Hoa Kỳ và Úc.

4. 15 phút mỗi ngày và mùa hè là thời gian người dùng ở Việt Nam dành ra để học ngôn ngữ

Người Việt Nam học nhiều nhất sau bữa tối (9-10 giờ tối) và vào giờ ăn trưa (11 giờ sáng-12 giờ trưa). Ngoài ra, thời gian học trung bình của họ trên Duolingo là khoảng 15 phút mỗi ngày.

Vào năm 2022, giai đoạn hè (từ giữa tháng 6 đến tháng 8) ghi nhận số lượng người dùng hoạt động hàng ngày cao nhất ở Việt Nam. Duolingo cũng có một số hoạt động tại Việt Nam trong thời gian này, bao gồm những chương trình hợp tác với HBO Max cho ra mắt phim “House of the Dragon” (Gia Tộc Rồng) và chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của linh vật “Cú xanh" Duo trong dịp Tết Trung Thu.