Những mô hình sự kiện thời trang phổ biến

Mỗi năm luôn có vô số những sự kiện thời trang được diễn ra. Những sự kiện được tổ chức theo nhiều hình thức, đối tượng khách mời khác nhau và những mục tiêu quảng bá cũng khác biệt. Nhà Thiết kế cũng như nhà tổ chức sự kiện cần hiểu rõ hơn về các mô hình này để lựa chọn hình thức quảng bá phù hợp cho thương hiệu và sản phẩm.

1. Fashion Show

Là chương trình trình diễn được tổ chức từ chính thương hiệu hay nhà thiết kế nhằm giới thiệu bộ sưu tập thời trang đến công chúng. Đây là một sự kiện thu hút đông đảo khán giả và các đối tác truyền thông. Từ sàn diễn thời trang, các bộ sưu tập được giới thiệu theo mùa và sau đó tạo ra những xu hướng thời trang trong năm.

Trong sự kiện trình diễn thời trang, các bộ sưu tập được đi theo trình tự do Giám đốc Sáng tạo hoặc Nhà Thiết kế quy định, trên nền nhạc và bối cảnh trình diễn phù hợp với tinh thần của bộ sưu tập. Thông thường mỗi Nhà Thiết kế sẽ giới thiệu khoảng 30 looks. Đây là một nơi sáng tạo của Nhà Thiết kế và show diễn thời trang, dù trong đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội vẫn không bị mất đi sự quan tâm. Và kể cả xã hội bị giãn cách, các nhà mốt vẫn có thể thực hiện những show diễn hoàn toàn bằng thực tế ảo (Virtual), tạo sự thích thú cho người xem vì khó nhận ra đây hoàn toàn là bối cảnh giả.

Show diễn Balenciaga Spring – Summer 2022 với toàn bộ người mẫu, sàn diễn và khán giả đều là “Virtual”.
Nguồn: Balenciaga

Cận Thị – Show diễn mùa Fall 2023 của Duc Studio – để lại nhiều cảm xúc ấn tượng và thông điệp: “Hãy có góc nhìn khác với mọi việc trong xã hội, nhìn đời bằng đôi mắt cận để đỡ mệt mỏi, tránh xa những định kiến”.
Nguồn: Duc Studio

2. Fashion Week

Fashion Week là một tổ hợp lớn hơn của Fashion Show. Được gọi là “Tuần lễ Thời trang”, Fashion Week cho phép các thương hiệu thời trang nổi tiếng trình làng, ra mắt bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, Fashion Week có quy mô vĩ mô ở tầm quốc tế hơn Fashion Show đơn lẻ vì sự kiện này thu hút ở một thời điểm nhất đinh 5-7 ngày rất nhiều nhà thiết kế, rất nhiều báo chí và truyền thông từ khắp nơi trên thế giới, các nhà mua hàng từ các shop thời trang.

4 Tuần lễ Thời trang lớn nhất trên thế giới bao gồm Paris, Milan, New York và London.

Paris Fashion Week – Show diễn Dior.
Nguồn: Vogue

Fashion Week – Tuần lễ mà cả thế giới nhìn về thời trang.
Nguồn: glamobserver.com

3. Trunk Show

Trunk Show có thể hiểu là buổi ra mắt bộ sưu tập/ sản phẩm của nhà thiết kế trực tiếp tại cửa hàng bán lẻ, cho một đối tượng nhỏ nhất định. Nơi diễn ra Trunk Show có thể là một gian boutique của thương hiệu, một khách sạn. Đối với một số nhà thiết kế đi theo thị trường ngách, việc trình diễn ở Trunk Show sẽ là cơ hội sáng tạo, và tạo sự khác biệt khi mà mọi người đã cảm thấy bão hoà với cơn bão Fashion Show.

Với hình thức tổ chức đặc biệt, Trunk Show có thể được tận dụng như một sự kiện mà Nhà Thiết kế giới thiệu những bộ sưu tập đặc biệt hơn, với phiên bản giới hạn hơn. Ở đó, sự tiếp cận của người thưởng lãm có thể gần hơn, và có cơ hội tìm hiểu sâu xa hơn về bộ sưu tập.

Các Nhà Thiết kế áo cưới thường hay sử dụng hình thức ra mắt Trunk Show cho sản phẩm của mình. Hermes cũng là thương hiệu hay tổ chức Trunk Show và chỉ dành lời mời cho một số ít khách hàng rất danh giá.

Trunk Show của Hermes.
Nguồn: k2-world

4. Press Day

Press Day là ngày mà những biên tập viên tạp chí thời trang, stylist và những bạn thiết kế hình ảnh, digital có thể cùng có mặt để ghi nhận thông tin về những bộ sưu tập mới nhất, có khi chưa được xuất hiện.

Press Day có thể diễn ra tại PR agency nhằm giới thiệu một sản phẩm đặc biệt, một bộ sưu tập mới, thường được tổ chức dưới dạng tiệc cocktail tiệc nhẹ. Mục tiêu là để các nhà báo có thể xem xét chi tiết về bộ sưu tập và chuẩn bị sẵn sàng cho những nội dung mà họ sắp truyền thông.

Fashion Press Day – ngày dành riêng cho báo chí tại Showroom trưng bày của thương hiệu.
Nguồn: Event Concept

Showroom này có thể đặt tại các công ty PR agency của chính thương hiệu.
Nguồn: Event Concept

5. Fashion Trade Show

Fashion Trade Show là triển lãm thương mại của một lĩnh vực ngành nghề nhất định. Đối với thời trang, Fashion Trade Show là nơi nhà thiết kế có thể mang các collection của mình đến để trình bày, giới thiệu với các nhà mua hàng (Buyers) hay các công ty bán lẻ thời trang, cửa hàng multi-brand. Các sản phẩm giao dịch qua kênh này sẽ là bán sỉ. Các nhà bán lẻ, mua hàng sau khi xem trình diễn thời trang của các nhà thiết kế có thể đến xem triển lãm thương mại và đặt vấn đề giao dịch mua bán toàn bộ collection với số lượng sỉ.

Một số ví dụ về Trade Show như “Who’s next” chuyên về thời trang ứng dụng Ready-to-wear, dẫn đầu tại Paris về Fashion Trade Show; hay “Interfiliere Paris” chuyên về trang phục lót và đồ bơi.

Các Trade Show ở Châu Á thường tập trung tại Thượng Hải, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ.

Tranoi Men – Trade Show chuyên về đồ nam tại Shanghai.
Nguồn: Fashion Network

Trên đây chỉ là một số sự kiện thông thường trong thời trang. Không chỉ với mục đích truyền thông thương hiệu, các sự kiện đôi khi mang dụng ý cụ thể về kinh doanh, thị trường, bán hàng. Các Nhà Thiết kế cần hiểu được mô hình vận hành, đối tượng cũng như mục tiêu của từng sự kiện cụ thể để chọn lựa cho mình hình thức quảng bá phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng.

Bùi Ngọc Thuỳ Trang – Giảng viên Fashion Marketing tại Đại học Hoa Sen