Nắm bắt cơ hội từ AI để đạt hiệu quả trong Quan hệ công chúng

Trong bối cảnh kỹ thuật số phát triển nhanh chóng ngày nay, các chuyên gia quan hệ công chúng (PR) phải đối mặt liên tục với thách thức trong việc chứng minh giá trị mà PR đem lại đồng thời tránh hậu quả của sự làm việc quá sức. Để giải quyết những vấn đề này, ngành Quan hệ công chúng đang dần tích hợp công nghệ, sử dụng các công cụ tự động và dữ liệu chuyên sâu để hợp lý hóa quy trình công việc và cải thiện kết quả. Hãy cùng điểm qua điểm nổi bật của việc kết hợp công nghệ vào PR trong năm 2023 này.

Sự phát triển của công nghệ trong Quan hệ công chúng

Trong những năm gần đây, các chuyên gia PR đã khéo léo sử dụng công nghệ để nâng cao năng suất cũng như tăng giá trị hiệu suất công việc của mình. Vào năm 2023, sự xuất hiện của phần mềm tự động hóa tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong ngành khi cung cấp các tính năng như lập danh sách báo chí, viết thông cáo báo chí, phân tích email, giám sát các phương tiện truyền thông và lập báo cáo. Một số người thường sử dụng AI vào những phần việc riêng biệt, vẫn có một số khác sử dụng công nghệ này cho việc xử lí và thực thi án PR. Việc sử dụng công nghệ trong PR ngày càng trở nên phổ biến, với lượng tìm kiếm toàn cầu cho các từ khóa liên quan đến PR ngày càng tăng, cho thấy sự quan tâm liên tục đến các giải pháp phần mềm và kỹ thuật số.

Một bước phát triển quan trọng trong ngành PR là việc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào các khía cạnh khác nhau của hoạt động PR. Công nghệ AI đã tăng mức độ hiệu quả trong PR, đặc biệt là trong việc tạo ý tưởng và nội dung. Trong các cuộc thảo luận về giá trị tích cực cũng như mối đe dọa của AI, phần lớn các chuyên gia PR (63%) cho biết họ có trải nghiệm tốt khi có sự hỗ trợ từ AI. Những người trải nghiệm AI thời gian đầu đánh giá hiệu quả của AI trong việc tự động hóa các tác vụ định kỳ, cung cấp các bản nháp đầu tiên cho các ý tưởng và nội dung, đồng thời tăng hiệu suất công việc tổng thể. Tuy nhiên, những mối lo ngại về ảnh hưởng của AI đối với hoạt động PR cũng đang được cân nhắc.

Một cuộc khảo sát gần đây của Prowly với hơn 300 chuyên gia PR đã xác định những thách thức phổ biến nhất mà những người làm trong ngành PR trên toàn cầu phải đối mặt. Từ việc liên hệ với các phóng viên, tìm kiếm các bên truyền thông liên quan, nhận phản hồi và đảm bảo đưa tin trên các đầu báo hàng đầu là những trở ngại đáng kể. Phần mềm hỗ trợ cho PR mang lại những lợi thế nhất định, bao gồm quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu truyền thông rộng rãi, cải thiện việc trình bày cho khách hàng thông qua phân tích các chi tiết và theo dõi tự động. Các chuyên gia PR bày tỏ mong muốn mạnh mẽ trong việc đảm bảo các ấn phẩm được xuất bản ở các đầu báo hàng đầu, khả năng theo dõi và đo lường giá trị PR. Đồng thời hiểu rõ hơn về các mối quan hệ truyền thông và xu hướng trên thị trường. Những khía cạnh này xây dựng và đóng góp nên sự thành công của ngành Quan hệ công chúng.

Tại Việt Nam, các chuyên gia PR cũng đang nắm bắt công nghệ để nâng cao hiệu quả làm việc. Với bối cảnh kỹ thuật số đang phát triển, nhu cầu về những hoạt động PR hiệu quả cũng như đo lường hiệu suất ngày càng tăng cao. Ngành PR tại Việt Nam đang sử dụng các công cụ công nghệ để đẩy nhanh quy trình làm việc, truy cập cơ sở dữ liệu truyền thông và cải thiện quá trình pitch cho doanh nghiệp. Cũng như ở các quốc gia khác, những thách thức như kết nối, liên hệ với các nhà báo để đảm bảo việc đưa tin vẫn còn phổ biến trong ngành PR của Việt Nam. Bằng cách tận dụng công nghệ, các chuyên gia PR Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này và tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ, lập kế hoạch chiến lược và đảm bảo trong việc giao tiếp với khách hàng,

Tương lai của PR với công nghệ.

Việc áp dụng AI trong PR không phải là một điều đơn giản. Mối lo ngại hàng đầu của các chuyên gia PR trên toàn thế giới là rủi ro trong việc lan truyền tin giả thông qua nội dung do AI tạo ra. Điều đáng lo ngại là thông tin sai lệch có thể gây tổn hại đến uy tín và danh tiếng của khách hàng hoặc tổ chức của họ. Một mối quan tâm khác chính là xoay quanh việc mất đi sự tiếp xúc tương tác giữa con người trong quá trình làm việc. Các chuyên gia PR đánh giá cao các mối quan hệ cá nhân, trực giác của con người và sự hiểu biết về cảm xúc để giao tiếp hiệu quả. Vì vậy, họ lo lắng rằng các quy trình do AI điều khiển có thể thiếu tính xác thực và ảnh hưởng đến khía cạnh cá nhân hóa của PR. Ngoài ra, có những lo ngại về việc AI làm giảm nhu cầu sáng tạo và tư duy lập luận của con người trong PR, có khả năng thay thế các chiến lược đổi mới bằng các phương pháp tiếp cận được tiêu chuẩn hóa.

Bất chấp những lo ngại này, phần lớn các chuyên gia PR nhận ra lợi ích của việc kết hợp AI để nâng cao hiệu quả. AI có khả năng hợp lý hóa các quy trình, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa việc quản lý quy trình làm việc. Người ta kỳ vọng rằng các chuyên gia PR sẽ tiếp tục mang đến những giá trị nhân văn mà AI vẫn chưa thể nhân rộng, chẳng hạn như giao tiếp đa sắc thái, xây dựng mối quan hệ và lập kế hoạch chiến lược. Việc sử dụng AI cho những khía cạnh đơn giản sẽ giúp các chuyên viên PR tiếp túc thúc đẩy vào những khía cạnh khác cần nhiều sự tập trung hơn.

Các chuyên gia PR trên toàn cầu (bao gồm cả những người ở Việt Nam) đang sử dụng công nghệ để hỗ trợ tăng hiệu suất công việc, hợp lý hóa quy trình làm việc và đạt được những kết quả đáng kể. Khi ngành PR tiếp tục phát triển, việc đạt được sự cân bằng giữa công nghệ và chuyên môn của con người sẽ là chìa khóa để đảm bảo các chiến dịch PR thành công và duy trì các giá trị mà các chuyên gia PR mang lại cho khách hàng và tổ chức của họ.

Nguồn: EloQ Communications