Storydoing: Hãy nói ít và hành động nhiều hơn

Trong những năm gần đây, Storydoing bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm của các thương hiệu. Storydoing được xem là bản nâng cấp toàn diện hơn của Storytelling. Bởi Storydoing không đơn thuần là chỉ là kể chuyện, thay vào đó, nó khuyến khích người xem tham gia và trở thành một phần của câu chuyện theo cách riêng của họ để có được những trải nghiệm hấp dẫn.

Trong bài viết này, Ori Agency sẽ cùng bạn khám phá Storydoing – phương pháp kể chuyện đầy tiềm năng trong tương lai.

I. Storydoing là gì?

Ori Agency tin rằng hơn một lần bạn đã được người khác yêu cầu kiểu như “Hãy làm nhiều hơn nói” hay “Đừng chỉ nói suông mà hãy hành động”. Hoặc đâu đó, chắc bạn cũng đã nghe rằng: Hành động có ý nghĩa hơn lời nói…

Những câu nói trên không chỉ dừng lại là những bài học, lời khuyên trong cuộc sống mà nó đã len lỏi và ảnh hưởng tới các chiến lược tiếp thị – truyền thông. Thật vậy, một câu chuyện được kể hay truyền tải một cách hấp dẫn, truyền cảm hứng, chạm đến cảm xúc của người xem là điều tuyệt vời nhưng lại chưa đủ. Thay vào đó, một câu chuyện hay phải khiến người nghe hành động và trực tiếp tham gia vào nó.

Và Storydoing đã ra đời từ khoảng những năm 2013 để chỉ sự thật trên.

Hiểu đơn giản, Storytelling khuyến khích, thuyết phục khách hàng mục tiêu tiếp thu những thông điệp, những lý giải đằng sau những hành động, chiến lược họ đang làm và cam kết theo đuổi... Trong khi đó, Storydoing sẽ truyền cảm hứng, mời người xem tham gia sâu hơn bằng cách đứng lên hành động theo thông điệp đó và trở thành một phần của chiến dịch. Hay cụ thể:

  • Storytelling là việc truyền tải các giá trị cốt lõi của công ty, trả lời các câu hỏi “tại sao” doanh nghiệp lại làm những gì họ đã, đang và sẽ làm – Storydoing sẽ là những hành động truyền cảm hứng dựa trên những mục tiêu đó.
  • Storytelling yêu cầu người xem cân nhắc các ý tưởng – Storydoing thúc đẩy người xem đưa ra lựa chọn và hành động để tạo ra các kết nối sâu sắc hơn với sản phẩm, với thương hiệu.
  • Storytelling giúp khách hàng tin vào những gì doanh nghiệp đang làm – Storydoing thuyết phục khách hàng tiếp thu thông điệp của thương hiệu và biến nó thành của riêng họ.

II. Tại sao Storydoing là xu hướng tiếp thị hiện nay và trong tương lai?

Storytelling cần thiết nhưng chưa đủ

Như Ori đã đề cập ngay từ những dòng đầu của bài viết, Storytelling hoạt động hiệu quả và vẫn đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược tiếp thị của các thương hiệu, nhưng vẫn chưa đủ.

Trên thực tế hiện nay, dễ dàng nhận thấy, các thương hiệu đang đua nhau tạo ra các câu chuyện với mục tiêu truyền tải thông điệp, để khách hàng ghi nhớ mình nhanh và lâu hơn. Điều này vô tình khiến khách hàng cảm thấy “khủng hoảng” khi đối diện với những câu chuyện thông điệp chồng chéo lên nhau theo một công thức dập khuôn. Theo báo cáo của Brand Asset Valuator, niềm tin và sự trung thành của khách hàng đang giảm mạnh.

Chính vì vậy, nhiều thương hiệu đã bắt đầu chuyển sang áp dụng phương pháp Storydoing để cung cấp cho khách hàng các cơ hội trải nghiệm thực sự với sản phẩm thay vì chỉ đơn thuần là tạo sức hút truyền thông. Qua đó, nó giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng hiệu quả hơn.

Xây dựng lòng tin và tạo sự trung thành thương hiệu cho khách hàng

Bằng cách tạo ra những trải nghiệm có ý nghĩa và chân thực cho khách hàng, các thương hiệu có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn, lâu dài hơn với họ. Mối liên hệ cảm xúc được thiết lập thông qua phương pháp kể chuyện có thể dẫn đến sự tin tưởng và trung thành cao hơn đối với thương hiệu. Thông qua đó, thương hiệu sẽ đạt được doanh thu cao hơn và danh tiếng tốt hơn.

Tăng khả năng hiển thị và tác động mạnh mẽ hơn tới khách hàng

Storydoing có thể giúp thương hiệu nổi bật trong một thị trường bão hòa và cạnh tranh. Bằng cách tạo ra những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ, thương hiệu có thể thu hút sự chú ý của công chúng và tạo ra tác động lớn hơn. Ngoài ra, trải nghiệm được chia sẻ trên mạng xã hội có thể tăng khả năng hiển thị thương hiệu và thu hút khách hàng mới.

Tạo ra kết nối cảm xúc với khách hàng tốt hơn

Storydoing tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm thu hút người tiêu dùng và khiến họ cảm thấy mình là một phần của thương hiệu. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể đạt được các kết nối cảm xúc lớn hơn giữa thương hiệu với khách hàng. Không chỉ vậy, chiến lược này còn đặc biệt quan trọng để “chinh phục” những người tiêu dùng trẻ tuổi đang tìm kiếm những thương hiệu có sứ mệnh và giá trị rõ ràng.

Xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực hơn

Trải nghiệm được tạo ra thông qua Storydoing có thể bao gồm các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) nhằm thể hiện cam kết của thương hiệu đối với các vấn đề toàn cầu như sự bền vững, công bằng, bình đẳng xã hội... Chính vì vậy, Storydoing sẽ giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực và khiến người tiêu dùng cảm thấy muốn gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Thúc đẩy khách hàng tương tác và hành động nhiều hơn với thương hiệu

Storydoing là một chiến lược dựa trên sự tham gia tích cực của khách hàng. Trải nghiệm được tạo ra thông qua việc kể chuyện phải có tính tương tác và tạo ra các cuộc đối thoại có ý nghĩa hơn giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Điều này có thể giúp thương hiệu hiểu rõ hơn về đối tượng mục tiêu. Thông qua đó, họ sẽ có chiến lược điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ của mình theo nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu.

III. 3 thương hiệu nổi tiếng đã chuyển chiến lược từ Storytelling sang Storydoing

Để giúp bạn có thêm hiểu biết, hình dung rõ ràng hơn cũng như kiểm chứng về hiệu quả của phương pháp kể truyện tương lai, trong phần này, Ori sẽ điểm lại 3 thương hiệu nổi tiếng đã và đang dịch chuyển chiến lược tiếp thị của mình từ Storytelling sang Storydoing.

1. Airbnb: “A Night at a Shark’s House”

Năm 2016, Airbnb hợp tác với Thủy cung Paris để mang đến trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ: Nghỉ đêm trong căn phòng dưới nước, được bao quanh bởi 35 con cá mập. Trải nghiệm này không chỉ thú vị và độc đáo đối với những vị khách được chọn mà còn tạo ra sự chú ý lớn của giới truyền thông và tác động tích cực đến hình ảnh thương hiệu của Airbnb.

2. Coca-Cola: “The Happiness Machine”

Coca-Cola từ lâu đã nổi tiếng với những kỹ thuật marketing – truyền thông ấn tượng. Vì vậy, có lẽ không quá ngạc nhiên khi “ông lớn” ngành nước giải khát toàn cầu này đã nhanh chóng áp dụng Storydoing vào chiến dịch tiếp thị của mình ngay từ những năm 2010.

Cụ thể, năm 2010, Coca-Cola đã thành công tạo được tiếng vang lớn và “lấy lòng” khách hàng của mình với chiến dịch quảng cáo “The Happiness Machine”. Với chiến dịch này, Coca-Cola đã lắp đặt các máy bán hàng tự động đặc biệt ở những khu vực công cộng với biển hiệu “press the happiness button” (tạm dịch: Hãy nhấn chiếc nút hạnh phúc này). Chính điều này đã thôi thúc, kích thích sự lò của mọi người tiêu dùng tiềm năng đi qua đó. Và khi người tiêu dùng làm theo lời kêu gọi, ấn vào những chiếc nút, họ sẽ nhận được một lon Coca-Cola.

Đồng thời, Coca-Cola sẽ đem tới cho họ những trải nghiệm vô cùng bất ngờ, thú vị. Chẳng hạn, khách hàng sẽ được tặng kèm những bó hoa, một chiếc pizza nóng hổi... Coca-Cola thực sự đã biến những chiếc máy bán hàng tự động của mình thành những cỗ máy hạnh phúc. Chia sẻ hạnh phúc không nhất thiết phải tốn kém, nó có thể chỉ là một lời động viên nhỏ, một món quà miễn phí, một gói khuyến mãi hay bất cứ thứ gì!

Kết quả là tháng 4/2010, video quảng bá chiến dịch “The Happiness Machine” đã thu được hơn 2,2 triệu lượt xem. Không những vậy, gã khổng lồ ngành đồ uống này còn phát hiện ra rằng khoảng 50% người xem đến từ các quốc gia bên ngoài Hoa Kỳ và hơn 70% bài đăng trên blog về đoạn video không phải bằng tiếng Anh.

Nguồn: Coca-Cola

3. TOMS: “A Day Without Shoes”

TOMS là một trong những thương hiệu giày phổ biến tại Mỹ, nổi tiếng với những thiết kế đơn giản, tinh tế, có tính ứng dụng cao. Điều đặc biệt và ghi điểm lớn nhất của TOMS nằm ở triết lý kinh doanh “One for one”. Mỗi đôi giày được mua, công ty sẽ thay khách hàng tặng một đôi khác cho những trẻ em nghèo.

Ý tưởng kinh doanh độc đáo trên được nảy sinh và xuất phát từ chuyến đi tình nguyện của nhà sáng lập thương hiệu – ông Blake Mycoskie – tại Argentina. Trong lần tham gia tình nguyện đó, vị giám đốc trẻ tuổi đã chứng kiến rất nhiều trẻ em nghèo phải đi chân trần và đối mặt với nguy cơ bị thương và nhiễm bệnh. Mycoskie nhận ra rằng một đôi giày nhỏ bé nhưng có thể tạo ra một thay đổi lớn cho cuộc sống của mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, chỉ dựa vào một cá nhân là chưa đủ. Vì vậy, để tạo ra được sự thay đổi có tính bền vững, TOMS Shoes đã ra đời để lan tỏa, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ.

Tháng 5/2015, TOMS Shoes đã thực sự có một bước tiến xa hơn khi thành công lan tỏa câu chuyện của mình qua chiến dịch #WithoutShoes (tạm dịch: Một ngày không mang giày) trên Instagram. Trong đó, TOMS Shoes yêu cầu những người tham gia hãy thử trải nghiệm một ngày mà không mang giày để thấu hiểu cảm giác của những đứa trẻ lớn lên mà không có giày. Thay vì khuyến khách hàng mua sản phẩm, TOMS chỉ đơn giản khuyến khích họ đăng tải các bức ảnh chụp chân trần và gắn kèm hashtag #WithoutShoes. Với mỗi bài đăng được đăng tải, TOMS Shoes sẽ gửi tặng một đôi giày tới những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Chiến dịch kết thúc khi số lượng quà tặng đạt đến một triệu đôi giày cùng sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ như UNICEF và Save the Children.

Rõ ràng, một chiến dịch marketing kể chuyện tạo được tiếng vang mạnh mẽ cần được xây dựng dựa trên giá trị, sứ mệnh thương hiệu gắn liền với những thông điệp ý nghĩa nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Và trên hết, một chiến dịch tiếp thị thành công phải kêu gọi được khách hàng thực sự hành động, tham gia và kết nối sâu hơn với thương hiệu.

Tóm lại, Storytelling tìm cách thuyết phục người tiêu dùng bằng một câu chuyện hấp dẫn. Trong khi đó, Storydoing lại tìm cách lôi kéo khách hàng tạo ra trải nghiệm đáng nhớ, khiến họ cảm thấy mình là một phần của thương hiệu. Cả Storytelling và Storydoing đều là những chiến lược tiếp thị quan trọng và hiệu quả. Tuy nhiên, dựa trên những phân tích phía trên của Ori, rõ ràng Storydoing thể hiện sự tham vọng hơn của thương hiệu. Bởi nó có thể tạo ra lợi ích lâu dài lớn hơn về lòng trung thành cũng như cam kết của người tiêu dùng đối với thương hiệu.

Nếu thấy nội dung hữu ích, đừng quên nhấn follow fanpage Ori Marketing Agency cũng như tiếp tục theo dõi chúng tôi tại đây để nhận thông báo ngay khi có bài viết mới nhé!

* Nguồn: Ori Marketing Agency

Về Ori Agency

Chúng tôi định vị là một Performance Agency, không chỉ triển khai các dịch vụ marketing đơn thuần, chúng tôi thực hiện một giải pháp marketing toàn diện, hiệu quả cao trên nền tảng số.

Với kinh nghiệm vận hành hơn 500+ khách hàng, nhiều ngành nghề khác nhau như: Lexus Thăng Long, FPT School of Business & Technology, Manulife Tràng An, Dai ichi Life, Trung tâm kính - Bệnh viện mắt HN 2, Nhà sách Tiến Thọ, Sữa chua trân châu Hạ Long, Quán Nhỏ... chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn trên con đường kinh doanh.

Sẵn sàng cho sự tăng trưởng kinh doanh cùng chúng tôi: https://bit.ly/3OMrF7E