Marketer Trang Mimosa
Trang Mimosa

Founder Communication Consultant @ Mimosa Communciation Agency

Từ khái niệm Tiếp Thị Xã Hội đến cách Apple kể sáng tạo thành tựu bảo vệ môi trường

1. Xây dựng chiến lược marketing theo Khái niệm Tiếp Thị Xã Hội

Các công ty cần thiết kế các chiến lược marekting để tạo ra mối quan hệ sinh lời với người tiêu dùng mục tiêu. Vậy có những triết lý nào có thể định hướng cho các chiến lược này? Lợi ích của khách hàng, tổ chức, xã hội nên được coi trọng ra sao? Thông thường, các lợi ích này xung đột. Có năm khái niệm để theo đó lựa chọn: khái niệm sản xuất, sản phẩm, bán hàng, tiếp thị và tiếp thị xã hội.

Khái niệm sản xuất (Production Concept) là ý tưởng người tiêu dùng sẽ ưa chuộng những sản phẩm có sẵn và giá cả phải chăng, do đó, cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất và phân phối. Khái niệm sản phẩm (Product Concept) cho rằng người tiêu dùng sẽ ưa chuộng những sản phẩm có chất lượng, hiệu suất và tính năng cao nhất. Do đó, tổ chức nên dành mọi nguồn lực để cải tiến sản phẩm liên tục. Khái niệm bán hàng (Selling Concept) là ý tưởng người tiêu dùng sẽ không mua đủ sản phẩm của công ty trừ khi công ty thực hiện nỗ lực bán hàng và khuyến mại trên quy mô lớn. Khái niệm tiếp thị (Marketing Concept) là triết lý trong đó việc đạt được mục tiêu của tổ chức phụ thuộc vào việc hiểu biết rõ hơn về nhu cầu và sự thỏa mãn mong muốn của các khách hàng mục tiêu so với đối thủ cạnh tranh.

Khái niệm tiếp thị xã hội (Societal Marketing Concept) tập trung vào ý tưởng các quyết định tiếp thị của công ty nên xem xét mong muốn của người tiêu dùng, yêu cầu của công ty, lợi ích lâu dài của người tiêu dùng và xã hội. Khái niệm tiếp thị xã hội kêu gọi tiếp thị bền vững, tiếp thị có trách nhiệm với xã hội, môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của người tiêu dùng và doanh nghiệp đồng thời bảo tồn hoặc nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Các công ty theo đuổi khái niệm tiếp thị xã hội quan tâm không chỉ đến lợi ích kinh tế ngắn hạn mà còn đến phúc lợi của khách hàng, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, khả năng tồn tại của các nhà cung cấp chính và phúc lợi kinh tế của cộng đồng nơi sinh sống, sản xuất và bán hàng. Các công ty nên cân bằng ba yếu tố chính khi thiết lập chiến lược tiếp thị của mình: lợi nhuận công ty, mong muốn của người tiêu dùng và lợi ích của xã hội.

2. Áp dụng ESG tại các công ty theo Khái niệm Tiếp Thị Xã Hội

Chúng ta sẽ thấy rằng việc theo đuổi ESG có ý nghĩa tại các công ty theo triết lý Tiếp thị xã hội. ESG là viết tắt của Environmental, Social, and Governance, tức là Môi trường, Xã hội và Quản trị. Đây là một khái niệm trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh, thường được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Các yếu tố môi trường bao gồm tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường, sử dụng tài nguyên và năng lượng bền vững, chính sách và thực hành bảo vệ môi trường. Các yếu tố xã hội liên quan đến các chính sách và thực hành liên quan đến nhân quyền, quản lý lao động và đối xử công bằng với khách hàng, đối tác và cộng đồng. Các yếu tố quản trị bao gồm chính sách quản lý, đạo đức kinh doanh, đội ngũ lãnh đạo và quản lý rủi ro. ESG được coi là một cách tiếp cận toàn diện trong đầu tư và kinh doanh, nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh có lợi cho tất cả các bên liên quan, không chỉ là chủ sở hữu và cổ đông của công ty, mà còn bao gồm cả môi trường, cộng đồng, nhân viên và khách hàng.

3. Chuyện của Apple

Apple là một ví dụ công ty theo đuổi Khái niệm Tiếp Thị Xã Hội và ESG. Gần đây, thương hiệu vừa phát động một chiến dịch mới nêu rõ những thành tựu liên quan đến tính bền vững môi trường. Tâm điểm là một bộ phim dài hơn 5 phút có tên là “Mother Nature – Mẹ Thiên Nhiên”, với sự tham gia của của nữ diễn viên da màu người Mỹ nổi tiếng Octavia Spencer trong vai Mẹ Thiên Nhiên. Bà là người đã nhận được nhiều giải thưởng danh tiếng, bao gồm Oscar, BAFTA, và Quả cầu vàng.

Quảng cáo diễn ra theo phong cách căng thẳng hài hước trong phòng họp của Apple, có sự tham gia của Giám đốc điều hành Apple Tim Cook. Bộ phim bắt đầu với cảnh nhóm điều hành của Apple đang chờ Mẹ Thiên nhiên đến để báo cáo về các mục tiêu môi trường của tổ chức. Xuyên suốt quảng cáo, chúng ta có thể thấy Apple đã và đang thực hiện những thay đổi như thế nào để giữ cho môi trường trong sạch và bền vững bằng những dữ liệu thực tế.

Nội dung báo cáo xoay quanh việc năm 2020, Apple hứa sẽ đưa toàn bộ lượng khí thải carbon của mình xuống mức 0 trong năm. Nên bây giờ Mẹ Thiên nhiên cần báo cáo tình trạng. Từng nhân viên điều hành Apple đã trình bày chi tiết. Apple đang trong quá trình loại bỏ tất cả nhựa khỏi bao bì, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2024. Apple đang sử dụng 100% nhôm tái chế để làm vỏ của tất cả MacBook, Apple TV, Apple Watch. Apple cũng đang dần loại bỏ da trong vỏ iPhone của mình. Các văn phòng, cửa hàng và trung tâm dữ liệu của Apple đều chạy bằng điện sạch 100% và bằng gió, năng lượng mặt trời. Các văn phòng của Apple đã trung hòa carbon. Điều này được thực hiện bằng cách kết hợp năng lượng sạch và loại bỏ khí thải nhà kính. Hơn 300 nhà cung cấp của Apple đã cam kết sử dụng 100% điện tái tạo sạch. Apple vận chuyển nhiều sản phẩm bằng đường biển hơn đường hàng không, giúp giảm 95% lượng khí thải vận chuyển. Apple đang đầu tư vào các dự án trên khắp thế giới nhằm bảo vệ đất, thực vật và cây cối trên trái đất. Apple trồng rừng tại Paraguay, Braxin, Colombia, Kenya. Mục tiêu là loại bỏ vĩnh viễn carbon khỏi khí quyển. Apple đã giảm sử dụng nước, đã đổi mới và trang bị lại hầu hết mọi phần trong quy trình của mình để giảm tác động lên hành tinh. Apple đang ra các sản phẩm trung tính carbon đầu tiên. Đến năm 2030, tất cả các thiết bị của Apple sẽ không có tác động tới khí hậu.

Mỗi chiến dịch đều có mục tiêu cần đạt được. Mục tiêu chiến dịch mới này của Apple là thông báo về những thành tựu bảo vệ môi trường của Apple cũng như những cam kết từ lãnh đạo cấp cao nhất với sự xuất hiện của giám đốc điều hành Tim Cook trong các thước phim. Chiến dịch giúp người xem nhận thức được việc Apple luôn coi trọng sự bền vững môi trường như thế nào và đã đặt ra những mục tiêu lượng hóa cần đạt được. Thương hiệu đã đơn giản hóa việc thông báo này bằng ý tưởng quảng cáo thú vị, kỹ thuật quay phim xuất sắc cùng cách kể gián tiếp với người xem qua những báo cáo với Mẹ Thiên Nhiên.

Nguồn: https://blog.mimosa.org.vn/articles/tu-khai-niem-tiep-thi-xa-hoi-societal-marketing-den-cach-apple-ke-sang-tao-thanh-tuu-bao-ve-moi-truong/