YouNet Media: Thống kê thảo luận về bệnh đau mắt đỏ – Mỗi ngày, cả trăm bài đăng lan truyền cách chữa phản khoa học

Cứ 2.14 thảo luận chia sẻ về phương pháp phòng và điều trị đau mắt đỏ thì có 1 thảo luận lan truyền các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng.

Đau mắt đỏ vốn là một căn bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, lây qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với dịch tiết cơ thể, bệnh diễn tiến nhanh, không quá nguy hiểm và điều trị không phức tạp (theo TTYT Q10). Thế nhưng, mặc dù đã có nhiều thông tin cảnh báo từ trước bởi Bộ Y tế vào cận thời điểm tựu trường (đầu tháng 8/2023), bệnh đau mắt đỏ vẫn lây lan nhanh, nhiều trường hợp trở nặng và nhanh chóng trở thành tâm điểm thảo luận trên MXH trong suốt 2 tháng qua.

Theo thống kê từ YouNet Media, “đau mắt đỏ” đã trở thành chủ đề được quan tâm rộng rãi và kéo dài liên tục trong 2 tháng (1/8-30/9/2023), tạo ra gần 380 nghìn thảo luận hơn 226,4 nghìn người dùng thảo luận trên MXH. Đỉnh điểm là trong tháng 9/2023, “đau mắt đỏ” đã trở thành tin tức nóng nhất MXH với hơn 268 nghìn thảo luận (dữ liệu từ SocialTrend – Lĩnh vực Tin Tức MXH, YouNet Media). Tính đến hôm nay 4/10, chủ đề này vẫn tiếp tục được quan tâm, liên tục thảo luận.

Trong đó, bên cạnh những chủ đề thảo luận thông thường như thắc mắc về triệu chứng của bệnh, chia sẻ phương pháp phòng và điều trị, cập nhật tin tức về bệnh… thì vấn nạn tin giả, gây hoang mang dư luận đặc biệt là các phương pháp dân gian, tự mua thuốc sử dụng sai phác đồ, gây nên những biến chứng đau lòng là chủ đề nhức nhối hơn cả.

* Disclaimer: Bài viết tập trung vào các thảo luận của người dùng trong đợt bùng phát dịch đau mắt đỏ và các phương pháp tự điều trị. Vì hình ảnh nhạy cảm, YouNet Media sẽ không dẫn chứng hình ảnh thực tế.

Đáng chú ý, có hơn 32,2 nghìn thảo luận, 24,5 nghìn bài đăng chia sẻ các phương pháp phòng và điều trị đau mắt đỏ. Trong đó, có hơn 15 nghìn thảo luận, 7 nghìn bài đăng lan truyền về các phương pháp tự điều trị chưa được kiểm chứng, chiếm gần 47% thảo luận về phương pháp phòng ngừa và điều trị đau mắt đỏ.

Phương pháp điều trị đau mắt đỏ chưa được kiểm chứng nhưng lại “viral chóng mặt” trên MXH

Rất bất ngờ là các phương pháp điều trị đau mắt đỏ chưa được kiểm chứng, nghe vô lý nhưng lại “viral chóng mặt” trên MXH là áp dụng các mẹo: nhỏ sữa, nhỏ nước tiểu, mật gấu lên mắt… Hoặc các bài thuốc dân gian như: xông lá trầu không, đắp nha đam, rau diếp cá… (nguồn thông tin tham khảo từ VTV News). Nhiều bài đăng Facebook, clip TikTok chia sẻ bài thuốc dân gian, các mẹo trị chữa kì lạ với các tựa đề “giật tít” như “Đau mắt đỏ khỏi sau 3 ngày”, “Mẹo ngừa đau mắt đỏ” đang “viral” trên MXH, thu hút hàng triệu người xem và hàng ngàn thảo luận, chia sẻ.

Dưới mỗi bài đăng không khó để bắt gặp các bình luận như: “Đắp nha đam 1 ngày là hết”, “Trước mình xông lá trầu là khỏi” , “Lấy đọt gòn là hiệu quả, nhanh khỏi nhất”... đã thành công đánh vào tâm lý nóng vội, mong muốn nhanh chóng chữa khỏi bệnh nhưng hiệu quả thì chưa có, chỉ có hậu quả trước mắt.

Phương pháp điều trị thứ hai cũng phổ biến không kém là thay vì đến thăm khám tại bệnh viện, nhiều người đã theo thói quen tự ra nhà thuốc mua thuốc điều trị hoặc tiện lợi hơn là sử dụng lại đơn thuốc của người khác. Người dùng chủ quan, tự tin giao đôi mắt của mình cho những người không có kiến thức chuyên môn, không được đào tạo bài bản về Y dược, hỏi xin đơn thuốc trị đau mắt đỏ trên các hội nhóm online: “Cả nhà ai bị đau mắt đỏ đợt dịch này rồi cho em xin đơn thuốc chuẩn, nhanh khỏi với ạ”; “Mình đang bầu 5 tuần mà bị đau mắt đỏ. Ai biết dùng loại thuốc nào dùng cho bầu không, chỉ em với ạ?”... Không ít người dùng “có lòng tốt” chia sẻ lại đơn thuốc, loại thuốc đã sử dụng nhưng không hiểu rõ thành phần của thuốc. Vì chưa tìm hiểu kỹ, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, cùng với việc đặt lòng tốt không đúng nơi đã khiến nhiều người khác rơi vào nguy hiểm.

Giải cơn “khát thông tin”, người bệnh cần tìm đến hướng dẫn của người có chuyên môn: Bộ Y tế, Sở Y tế, Bệnh viện, Bác sĩ, Các đơn vị uy tín trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Việc người dùng MXH “tự phong mình là bác sĩ” đã khiến không ít trường hợp càng chữa càng nặng. Điển hình như trường hợp bé 7 tháng tuổi phải khoét bỏ mắt vì mẹ nhỏ sữa chữa đau mắt đỏ hay nguy hiểm hơn là tử vong do sốc phản vệ sau khi tự ý đi mua uống thuốc chữa đau mắt đỏ (nguồn: VTV News).

Để tránh đưa bản thân vào nguy hiểm không đáng có vì những phương pháp tự điều trị sai phác đồ, thậm chí có phần “trời ơi đất hỡi”, khi có dấu hiệu nghi nhiễm, người dùng nên đến thăm khám ngay lập tức tại bệnh viện, dùng thuốc theo toa và chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, các trang tin tức chính thức của Bộ Y tế, hay các Bác sĩ đã được chứng nhận chuyên môn và đơn vị công tác công khai rõ ràng như Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang; các chuỗi nhà thuốc đáng tin cậy như FPT Long Châu, Pharmacity… Đây là những kênh truyền thông, nguồn thông tin uy tín mà người bệnh có thể tìm đến trong trường hợp cần tư vấn, tham khảo ý kiến. Chính vì vậy, nhằm giúp người bệnh không “đói” thông tin, các đơn vị Y tế – Chăm sóc sức khỏe nên liên tục truyền thông các thông tin chính thống về bệnh, các phương án phòng bệnh, tình hình nguồn hàng để ổn định tinh thần cho người bệnh, tránh các trường hợp đáng tiếc tiếp tục xảy ra.

Ví dụ như tại thời điểm tin tức sai sự thật về tình trạng “Khan hiếm thuốc”, “Cháy hàng thuốc trị đau mắt đỏ” tại TP.HCM khiến cộng đồng mạng và người bệnh hoang mang đổ xô đi mua thuốc tích trữ, chỉ số cảm xúc lúc này là -0.41. Sau đó 1 ngày, cổng thông tin chính thức của Sở Y tế TP.HCM đã nhanh chóng công bố thông tin đính chính, bác bỏ tin giả, kịp thời trấn an tinh thần cộng đồng, chỉ số cảm xúc lúc này được cải thiện, tăng từ -0,41 lên -0,32.

Hay một trường hợp khác, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã có bài giải đáp thắc mắc về đau mắt đỏ trên Facebook. Bài đăng của bác sĩ ngay lập tức thu hút sự chú ý quan tâm của người dùng, có đến 21 nghìn tương tác, 2,1 nghìn bình luận và hơn 6,1 nghìn lượt chia sẻ.

Tóm lại, để bảo vệ sức khoẻ khỏi những biến chứng đáng tiếc chỉ vì thiếu hiểu biết, người bệnh cần chọn lọc tin tức tại những nguồn tin chính thống, đáng tin cậy. Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực Y tế, Chăm sóc sức khoẻ như bệnh viện, phòng khám có giấy phép, bác sĩ cũng cần có những hành động kịp thời, trên những kênh thông tin thân thiện, dễ dàng tiếp cận để liên tục thông tin, trấn an người bệnh và giúp người dùng nâng cao ý thức bệnh, không dễ dàng bị dẫn dắt, lôi kéo bởi các tin tức sai sự thật trên MXH.