Marketer Brands Vietnam
Brands Vietnam

Community Admin @ Brands Vietnam

Re-think CSR #24: RMIT Việt Nam – Đem bền vững từ lớp học đến chiến dịch cho cộng đồng

“Do đó, trọng tâm của chúng tôi mở rộng ra ngoài khuôn viên lớp học, biến bền vững và đóng góp xã hội thành những khía cạnh không thể thiếu trong lối sống của cộng đồng RMIT (...). Thật vậy, khung năng lực sinh viên của chúng tôi đặt quy chuẩn ‘Công dân toàn cầu có đạo đức’ là thuộc tính ưu tiên của sinh viên tốt nghiệp từ RMIT”.

Đó là những chia sẻ của Phó Giáo sư Seng Kiat Kok – Giám đốc Phụ trách Sinh viên, RMIT Việt Nam – khi bàn về chủ đề Giáo dục vì phát triển bền vững.

“Re-think CSR” là series do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

* Giáo dục vì phát triển bền vững (Education for Sustainable Development – ESD) là mục tiêu chung mà Liên Hợp Quốc và UNESCO đặt ra để thúc đẩy môi trường giáo dục bền vững, công bằng và toàn diện. Tuy nhiên, khái niệm này còn chưa được hiểu rõ bởi nhiều người tại Việt Nam. Thầy có thể chia sẻ thêm về khái niệm ESD?

Giáo dục vì sự Phát triển bền vững (ESD) là sáng kiến có chủ ý và chiến lược của UNESCO trong ngành giáo dục nhằm đối mặt với những thách thức cấp bách và sâu sắc trên toàn thế giới. Cách tiếp cận là trao quyền cho người học ở nhiều lứa tuổi, cho phép họ đưa ra quyết định sáng suốt, thúc đẩy các hành động cá nhân và tập thể dẫn đến chuyển đổi xã hội và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm cao đối với hành tinh.

Là một trường đại học, chúng tôi tìm hiểu nhiều phương án và phương pháp khác nhau mà thông qua đó, giáo dục có thể tạo ra những khác biệt ý nghĩa. Chúng tôi đã thành lập Cộng đồng Thực hành, tạo ra các chương trình, cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng liên quan đến sáng kiến xanh, công nghệ xanh, thiết kế, khả năng tiếp cận và hòa nhập, năng lượng tái tạo và vật liệu thân thiện với môi trường. Những điều này phù hợp và giúp thúc đẩy phần lớn các ưu tiên của UNESCO trong ESD, phát triển hành động địa phương, xây dựng năng lực của các bên liên quan, và quan trọng nhất là chuyển đổi môi trường học tập.

Cộng đồng Thực hành do RMIT Việt Nam thành lập.
Nguồn: RMIT Việt Nam

Nỗ lực giáo dục của chúng tôi trải rộng trên khắp các cơ sở của trường, cả trong lớp học và ngoài cộng đồng, chú trọng vào các sáng kiến như tái chế, giải quyết ô nhiễm nhựa và giúp không khí sạch hơn. Bên cạnh việc cải thiện sức khỏe, đây cũng là nỗ lực của nhà trường nhằm đóng góp tích cực cho mẹ thiên nhiên, từ đó nâng cao phúc lợi của cộng đồng và khu vực. Chẳng hạn, trong môn học của chương trình quản trị du lịch và khách sạn, chúng tôi đề cập đến tính bền vững bằng cách cho sinh viên tìm hiểu về những khách sạn có chứng nhận xanh và về việc du lịch sinh thái quan trọng như thế nào với bảo vệ môi trường cũng như lợi ích của các thế hệ tương lai.

* Mặc dù đã được phổ biến và hưởng ứng rộng rãi bởi nhiều tổ chức giáo dục trên toàn cầu, khái niệm ESD ở Việt Nam vẫn còn ở mức tiềm năng. Thầy đánh giá thế nào về những thuận lợi và thách thức để nhân rộng ESD đến toàn bộ cơ sở giáo dục tại Việt Nam?

Nhận thức và mong mỏi thực hiện ESD hiện đã có nhưng lộ trình đạt được điều này cần thời gian, nguồn lực và sự ủng hộ của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Giáo dục xuất hiện như một yếu tố quyết định, bởi các quyết định dựa trên nền tảng kiến thức có thể thúc đẩy nhu cầu về các thực hành bền vững và đảm bảo những hành động này đi đúng hướng. Một trong những thách thức là thay đổi các chuẩn mực và thông lệ sang thói quen và cách làm việc mới, và đây thường là những thay đổi cho cả thế hệ.

Bên cạnh đó, giữa nhịp sống hối hả và nhộn nhịp với muôn vàn lo toan trong cân đối chi tiêu, việc vừa thực hành và duy trì bền vững, vừa đảm bảo các vấn đề tài chính là một thách thức vô cùng lớn. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến việc ủng hộ bền vững. Điều này có thể được nhìn thấy qua các sáng kiến do sinh viên RMIT khởi xướng.

Cán bộ, giảng viên và sinh viên của RMIT Việt Nam trong ngày hội thu gom rác.
Nguồn: RMIT Việt Nam

Tương tự như vậy, chúng tôi quan sát thấy một xu hướng đáng chú ý trong sinh viên tốt nghiệp từ RMIT, những người đã trở thành lãnh đạo trong các ngành nghề khác nhau và nhận ra tầm quan trọng cũng như tiềm năng của tính bền vững. Họ tích cực đóng góp cho phúc lợi xã hội bằng cách khởi xướng các chiến dịch nâng cao và định hình lại nhận thức trong lĩnh vực này.

Cụ thể, nhiều cựu sinh viên, hiện là các doanh nhân thành công hoặc các nhà lãnh đạo đầu ngành, sẵn sàng quay lại trường chia sẻ chuyên môn cho sinh viên hiện đang học tại RMIT. Họ nhấn mạnh vào tầm quan trọng lâu dài của tính bền vững, lay động suy nghĩ của cộng đồng và tạo nhận thức cho các thế hệ tương lai. Bền vững không đi ngược lại mục tiêu kinh doanh, trái với những lo ngại, yếu tố này có thể được khai thác như một lợi điểm bán hàng độc đáo (USP).

* Ở góc độ là cơ sở giáo dục nổi bật tại Việt Nam và thế giới trong các hoạt động giảng dạy chất lượng và bao trùm, thầy có thể giới thiệu chung về tầm nhìn và sứ mệnh RMIT đang theo đuổi để đóng góp cho mục tiêu ESD trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam?

Bền vững không đi ngược lại mục tiêu kinh doanh, trái với những lo ngại, yếu tố này có thể được khai thác như một lợi điểm bán hàng độc đáo (USP).

Chúng tôi đóng góp rất nhiều cho ESD. Chiến lược Biến tri thức thành Hành động của RMIT và Cam kết của Đại học RMIT với Việt Nam thể hiện rõ nguyên tắc của chúng tôi trong việc tập trung tăng cường, hỗ trợ và đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng các nhu cầu của đất nước. Điều này thể hiện trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như chuyển đổi số, bền vững, hòa nhập, công nghiệp 4.0, khả năng tiếp cận và nhiều lĩnh vực khác.

Ví dụ, Định hướng chiến lược số 3 – Phục vụ cộng đồng của chúng tôi tập trung vào vai trò của nhà trường không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Do đó, ESD không chỉ khắc sâu vào định vị mang tính lịch sử của nhà trường từ 23 năm trước khi RMIT nhận được lời mời đến đây để hỗ trợ bồi đắp cho sự xuất sắc của giáo dục ở Việt Nam, mà còn trong tầm nhìn và sứ mệnh tương lai của chúng tôi đối với Việt Nam, Australia, khu vực và quốc tế.

* Phát triển vì các mục tiêu bền vững trong môi trường giáo dục cần phải có chiến lược cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy, điều kiện làm việc cho nhân sự, môi trường học tập cho sinh viên… Làm thế nào để RMIT đáp ứng được sự phát triển đặc thù cho các bộ phận, đối tượng khác nhau mà vẫn gắn liền với giá trị cốt lõi của trường?

Triết lý của chúng tôi được củng cố bởi các giá trị của nhà trường gồm Hòa nhập, Tưởng tượng, Chính trực, Can đảm, Đam mê và Tạo tác động, định hướng phát triển cho cả các chương trình học thuật và nâng cao nhận thức. Chẳng hạn như rất nhiều sáng kiến trong các chương trình và môn học của chúng tôi đã chủ động tập trung vào các vấn đề về bền vững đang ngày càng gia tăng, cũng như các vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận, nghèo đói, năng lượng xanh, ô nhiễm nhựa và tái chế.

Chúng tôi tổ chức các cuộc thi và chiến dịch nâng cao nhận thức về tính bao hàm và khả năng tiếp cận, giải quyết một số mục tiêu trong số các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và cả các vấn đề đang tác động đến hành tinh chúng ta. Ví dụ như cuộc thi tiên phong của chúng tôi về thiết kế thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật – Accessibility Design Competition nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tìm hiểu về những cách hỗ trợ, tạo tác động thực sự đến cộng đồng và xã hội. Vòng thi khu vực còn chứng kiến sự hợp tác của các cố vấn trong ngành để cùng xác định giải pháp cho tương lai, tạo ra một cộng đồng nơi những ai có liên quan đều mong muốn tạo ra thay đổi tích cực.

Cuộc thi về thiết kế thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật – Accessibility Design Competition.
Nguồn: RMIT Accessibility Design Competition

Đội ngũ giảng viên của chúng tôi cũng được tri ân với nỗ lực trong các sáng kiến như ô nhiễm nhựa và tái chế. Chúng tôi tích cực trao nhiều suất Học bổng chắp cánh ước mơ để giúp những người có nhu cầu đặc biệt có thể tiếp cận với giáo dục đại học, những cá nhân có động lực và mong muốn trở thành những lãnh đạo tương lai. Ở Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, chúng tôi còn trao học bổng dành riêng cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM, nhằm thúc đẩy sự bao hàm và tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ trong lĩnh vực này.

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam, do Đại học RMIT Việt Nam khởi xướng và tổ chức, giới thiệu một số kỹ thuật bền vững độc đáo mà chúng tôi đưa vào giảng dạy trong ngành Thời trang tại Khoa Truyền thông và Thiết kế. Các giảng viên trong khoa đã tìm hiểu về các dạng vật liệu sinh học mới, cung cấp các lựa chọn thay thế cho nhựa và dệt may, đồng thời xác định cách tiếp cận bền vững hơn cho ngành công nghiệp thời trang.

Triển lãm “Trí tuệ & Công nghệ” trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) lần thứ năm.

Do đó, trọng tâm của chúng tôi mở rộng ra ngoài khuôn viên lớp học, biến bền vững và đóng góp xã hội thành những khía cạnh không thể thiếu trong lối sống của cộng đồng RMIT. Những hành động đơn giản như hệ thống thùng rác mới cho phép phân loại rác thải giúp hỗ trợ tái chế, đến việc cấm sử dụng nhựa dùng một lần, đều là một phần trong nét đặc trưng của RMIT nhằm đẩy mạnh bền vững.

Nỗ lực của chúng tôi là nuôi dưỡng những thói quen tích cực và sự cân nhắc cẩn thận. Thật vậy, khung năng lực sinh viên của chúng tôi đặt quy chuẩn “Công dân toàn cầu có đạo đức” là thuộc tính ưu tiên của sinh viên tốt nghiệp từ RMIT. Điều này còn thể hiện rõ nét với thành tích mới đây của nhà trường khi được xếp hạng số một toàn cầu về tác động đối với nhiều mục tiêu phát triển bền vững, theo Bảng xếp hạng Tác động của Times Higher Education năm 2023.

Hệ thống phân loại rác được đặt khắp nơi trong trường.
Nguồn: RMIT Việt Nam

* Làm sao để RMIT Việt Nam xây dựng chiến lược truyền thông về ESD để thu hút, tạo ảnh hưởng tích cực và sự hưởng ứng nhiệt tình của đa dạng đối tượng sinh viên, nhân viên, khác nhau?

Chúng tôi thực hiện một loạt các chiến dịch nâng cao nhận thức, xoay quanh các thử thách dùng trí tuệ giải quyết vấn đề đến các sáng kiến thu hút cộng đồng. Trong danh mục này có các cuộc thi và hội nghị nhằm giải quyết các vấn đề trong thế giới thực, thúc đẩy hiểu biết toàn diện và các giải pháp cho ESD. Cuộc thi Accessibility Design Competition mà tôi đã đề cập ở trên là một ví dụ tuyệt vời về cách chúng tôi thu hút cộng đồng của mình.

Sự kiện Act Green được tổ chức tại Hà Nội là minh chứng cho cách tiếp cận của chúng tôi trong việc thu hút cộng đồng RMIT, cựu sinh viên và các bên liên quan tham gia vào các sáng kiến bền vững. Sự kiện này đã thu hút cựu sinh viên RMIT, hiện là những người dẫn đầu ngành, chia sẻ các hoạt động và mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường của họ, đem đến những hiểu biết giá trị về các lựa chọn bền vững và cơ hội trong tương lai.

Triển lãm doanh nghiệp xanh của cựu sinh viên RMIT với gian hàng làm từ bìa carton.
Nguồn: RMIT Việt Nam

* Với rất nhiều các hoạt động để mang đến những giá trị bền vững tới các bên có liên quan, liệu RMIT có sử dụng các thông tin đó cho các chiến lược truyền thông marketing?

Chúng tôi tích cực tham gia vào các hoạt động khác nhau, chẳng hạn như tổ chức các sự kiện và chia sẻ các bài viết về lãnh đạo tư tưởng như bài bạn đang đọc. Chúng tôi cũng thực hiện các nghiên cứu tạo tác động và đã kêu gọi tài trợ trong nước và quốc tế thành công cho các nghiên cứu này.

Ví dụ, chúng tôi đã thực hiện và công bố nhiều nghiên cứu, tích cực theo đuổi nguồn tài trợ từ các tổ chức như ERASMUS, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Khẩn cấp dành cho trẻ em của Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Horizon 2020. Các dự án nghiên cứu của chúng tôi giải quyết những vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm nhựa, không khí sạch hơn, năng lượng xanh và phát triển các thành phố thông minh cho một tương lai bền vững. Năm 2021, chúng tôi đã phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) tổ chức Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững, nơi các chuyên gia hàng đầu cùng thảo luận về các phương pháp tiếp cận để tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa thành phố thông minh và tính bền vững.

Một dự án đáng chú ý của chúng tôi là Urban GreenUP, được hỗ trợ bởi Liên minh Châu Âu. Sáng kiến này nhằm thực hiện và xác nhận một phương pháp luận để tăng cường quy hoạch đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí, quản lý tài nguyên nước và tăng cường tính bền vững tổng thể của các thành phố thông qua các giải pháp sáng tạo dựa vào thiên nhiên.

Một dự án khác, WANASEA, được tài trợ bởi Erasmus+, tập trung xây dựng năng lực giáo dục đại học ở các nước đối tác Đông Nam Á. Dự án này cung cấp đào tạo, cơ hội nghiên cứu và các buổi kết nối, đặc biệt nhấn mạnh vào nước và các tài nguyên thiên nhiên liên quan như một thách thức đáng kể hiện nay.

Chúng tôi cũng tham gia vào Chiến dịch #môtôthùng, một nỗ lực hợp tác với Happiness Saigon và UNICEF. RMIT Việt Nam đóng vai trò là địa điểm thí điểm cho sáng kiến này, được thiết kế để thay đổi hành vi xả rác.

Trạm thu gom rác và tái sử dụng túi giấy.
Nguồn: RMIT Việt Nam

* Trong tương lai, RMIT Việt Nam có kế hoạch hoặc chiến lược gì để tăng cường hơn nữa về quy mô lẫn chất lượng của hoạt động ESD, góp phần mang đến những tác động tích cực vượt ra ngoài phạm vi nhà trường?

Chúng tôi mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình không chỉ thông qua việc cung cấp giáo dục và nâng cao nhận thức, mà còn đảm bảo rằng cả cộng đồng trường và Việt Nam nói chung đều gặt hái được những lợi ích từ các sáng kiến bền vững của chúng tôi.

Trọng tâm của chúng tôi là kết hợp thực hiện nhiều hoạt động thân thiện với môi trường hơn, đồng thời tổ chức các sự kiện, cuộc thi và sáng kiến phù hợp với các nguyên tắc bền vững, cũng như áp dụng sâu rộng điều này hơn nữa vào các chương trình học của chúng tôi.

Trong tương lai, mục tiêu của chúng tôi là tất cả các hoạt động và sự kiện do trường tổ chức đều có lượng khí thải carbon và ô nhiễm tối thiểu. Những điều đơn giản như giảm nhựa sử dụng một lần trong khuôn viên trường và thay thế tất cả các thùng rác bằng thùng tái chế đã cho phép chúng tôi thực hiện phần việc của mình và nâng cao nhận thức trong cộng đồng trường.

Đó là mục tiêu không ngừng nghỉ của nhà trường nhằm giáo dục các thế hệ hiện tại và tương lai về tầm quan trọng của việc quan tâm tới môi trường và duy trì lăng kính bền vững trong mọi việc chúng ta làm.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Hoàng Hà – Senior Media Writer and Editor, Communications @ RMIT Việt Nam
* Nguồn: Brands Vietnam