Điều hướng sự gia tăng của thông tin sai lệch và thông tin giả mạo

Đầu những năm 2000, thế giới chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong cách phổ biến và tiêu thụ thông tin. Sự phát triển của Internet mang lại sự sẵn có ngày càng tăng của các ấn phẩm tin tức và biên tập trực tuyến, giúp khán giả toàn cầu dễ tiếp cận thông tin hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội từ năm 2007 đến năm 2014, bản chất của việc phổ biến thông tin một lần nữa lại thay đổi. Phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một lăng kính quan trọng trong hoạt động kinh doanh, mang đến cho các cá nhân và tổ chức một nền tảng chưa từng có để chia sẻ quan điểm và thông tin của mình. Thật không may, quá trình chuyển đổi này chứa đựng một số những thách thức. Những năm sau đó chúng ta chứng kiến sự can thiệp rõ ràng vào các cuộc bầu cử và quy trình bầu cử dân chủ, cùng với đó là sự gia tăng của các tin tức giả và sự mờ nhạt ranh giới giữa sự thật và hư cấu. Bước vào năm 2023, chúng ta đang phải đối mặt với một sự chuyển đổi quan trọng khác – quá trình dân chủ hóa AI. Viễn cảnh tương lai này mang đến cả cơ hội và thách thức, đặc biệt là về nội dung và cộng đồng. Blog này dựa trên hội thảo trực tuyến “Navigating the Surge of Misinformation and Disinformation” – Điều hướng sự gia tăng thông tin sai lệch và thông tin giả mạo của Meltwater cùng những ghi chú của tôi khi tham dự hội thảo đó. Tôi không nhận được bất cứ quyền lợi nào khi chia sẻ những kiến thức hữu ích này.

Hiểu thông tin sai lệch và thông tin giả mạo

Trước khi đi sâu vào các chiến lược chống lại thông tin sai lệch và thông tin giả mạo, điều quan trọng là phải hiểu được sự khác biệt giữa hai loại thông tin này:

  • Thông tin sai lệch đề cập đến việc vô tình lan truyền thông tin sai lệch. Nó có thể đến từ sự sai sót, hiểu lầm hoặc vô tình.
  • Mặt khác, thông tin giả mạo là hành vi cố tình truyền bá thông tin sai lệch với mục đích xấu. Nó thường bị thúc đẩy bởi mong muốn lừa dối, thao túng hoặc gieo rắc sự mâu thuẫn.

Để chống lại thông tin sai lệch và thông tin giả mạo một cách hiệu quả, chúng ta cần phải chia nhỏ hơn nữa các mối đe dọa này thành các yếu tố cấu thành cốt lõi của chúng:

  1. Tác nhân: Đây là những cá nhân, nhóm hoặc tổ chức có mục đích xấu đứng đằng sau việc truyền bá thông tin giả mạo.
  2. Hành vi: Những chiến thuật, kỹ thuật và cách thức được các tác nhân sử dụng để truyền bá thông tin sai sự thật.
  3. Nội dung: Bản chất thực tế của thông tin sai sự thật.
  4. Miền: Nơi phổ biến thông tin giả mạo, cho dù là thông qua phương tiện truyền thông xã hội, trang web hoặc bất cứ nền tảng nào khác.
  5. Môi trường: Những người có xu hướng bị ảnh hưởng bởi thông tin giả mạo, có thể bao gồm từ nhân khẩu học cụ thể đến toàn bộ dân số.

Bài học từ Thuyết âm mưu

Các thuyết âm mưu thường đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá thông tin sai lệch và thông tin giả mạo. Chúng phục vụ một số nhu cầu cơ bản của con người:

  1. Tạo ra cảm giác về thế giới: Các thuyết âm mưu đưa ra những lời giải thích đơn giản cho các sự kiện phức tạp, giúp các cá nhân dễ dàng hiểu được một thế giới hỗn loạn.
  2. Kiểm soát nội dung câu chuyện: Chúng cho phép mọi người kiểm soát câu chuyện, nhằm giảm bớt sự không chắc chắn và khẳng định quyền tự quyết trong một thế giới mà họ hay cảm thấy bản thân bất lực.
  3. Thỏa mãn nhu cầu “được thuộc về”: Các thuyết âm mưu mang lại cho người tin vào chúng cảm giác thuộc về cộng đồng những người bị gạt ra bên lề xã hội hoặc những người có cùng chí hướng.

Khung 4T: Trang bị kỹ năng chống lại thông tin giả mạo

Để trang bị kỹ năng chống lại thông tin sai lệch và thông tin giả mạo, các tổ chức có thể sử dụng Khung 4T:

Track – theo dõi:

  • Sử dụng dữ liệu để tìm hiểu insight và phát hiện các dấu hiệu cảnh báo từ sớm.
  • Tham gia vào việc lắng nghe xã hội trên nhiều kênh để hiểu các cộng đồng khác nhau.
  • Giám sát các nguồn tin không uy tín để theo dõi những câu chuyện và hoạt động đáng ngờ.
  • Hãy thận trọng về vị trí đặt quảng cáo lập trình, tránh những nội dung có hại.

Transparency – minh bạch:

  • Chứng minh rằng bạn luôn quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng, điều này là rất quan trọng nếu bạn muốn có được sự tin tưởng.
  • Tập trung vào việc truyền tải các giá trị của doanh nghiệp, chứ không chỉ là những “biểu hiện đạo đức”.
  • Truyền đạt thật rõ ràng và nhất quán về năng lực và tính cách của bạn hay của doanh nghiệp bạn.
  • Kết hợp trust metrics vào core KPIs và kế hoạch trả thưởng cho giám đốc điều hành.
  • Nhấn mạnh vào lượng tương tác và tiếp cận địa phương được tạo ra từ những người phát ngôn và influencer phù hợp.

Test – kiểm tra:

  • Mở rộng các thông số an ninh mạng để bảo vệ mình khỏi các chiến dịch truyền bá thông tin giả mạo.
  • Sử dụng các kỹ thuật tương tác thị trường để kiểm tra khả năng phục hồi của thương hiệu.
  • Đánh giá mức độ hiệu quả dựa trên các nhóm người tiêu dùng và nhân khẩu học khác nhau.
  • Thu hút các bên liên quan, các nhóm quan hệ xã hội của nhân viên để học hỏi từ quan điểm của họ.
  • Định lượng chỉ số niềm tin, tin cậy và rủi ro của doanh nghiệp.
  • Hãy thử nghiệm những câu chuyện, tình huống mang tính phản biện và các cơ hội giao tiếp mang tính chiến lược.

Transform – biến đổi:

  • Chủ động can thiệp vào các vấn đề để trở nên dễ thích ứng cũng như dễ điều chỉnh cách tiếp cận của mình.
  • Liên tục theo dõi các yếu tố và lỗ hổng phát sinh.
  • Làm rõ và củng cố các giá trị, mục đích của doanh nghiệp bạn.
  • Luôn sẵn sàng để thử nghiệm và điều chỉnh các chiến lược khi cần thiết.

Kết luận

Thông tin sai lệch và thông tin giả mạo là những vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi từ trong cơ cấu. Những tiến bộ trong công nghệ, cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, đã làm trầm trọng thêm những vấn đề trên. Ở những khu vực như Việt Nam, nơi mà trước đây việc kiểm soát thông tin từng diễn ra rất chặt chẽ, thì những thách thức trên có những khía cạnh khá đặc biệt. Các tác nhân có ý đồ xấu có thể làm suy yếu các cơ quan công cộng, làm suy yếu nền kinh tế và tạo sự chia rẽ bằng cách nhắm vào các doanh nghiệp và chính phủ. Sự thiếu hụt của thông tin, sự tin tưởng và sự gắn kết có thể châm ngòi và duy trì sự tồn tại cho các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch, làm tác động đến nhận thức và cuối cùng là ảnh hưởng lên hành vi của con người.

Khung 4T mang đến một quy chuẩn đánh giá rõ ràng để các doanh nghiệp trang bị kỹ năng phục hồi và duy trì hiệu quả, đồng thời vẫn tuân thủ các nguyên tắc của các tổ chức, doanh nghiệp như OECD. Khi chúng ta định hướng tương lai của việc phổ biến thông tin và AI, khả năng chống lại thông tin sai lệch và thông tin giả mạo sẽ là yếu tố quyết định nhằm đảm bảo một xã hội thông thái, gắn kết và kiên cường.

Bài viết gốc được đăng tải trên EloQ's Blog