Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Re-think CSR #25.1: Teach For Viet Nam – Mang giáo dục chất lượng đến học sinh trong hệ thống trường công

Từ xưa đến nay, giáo dục không chỉ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển cá nhân mà còn đóng vai trò quyết định đối với sự tiến bộ của xã hội. Câu chuyện của CSR trong lĩnh vực giáo dục không chỉ dừng lại ở việc tạo ra cơ hội mới cho học sinh, mà còn là câu chuyện của tương lai, của những giá trị và kỹ năng bền vững.

Trong số Re-think CSR lần này, hãy cùng tìm hiểu về tầm nhìn và khám phá những hoạt động CSR của một doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – Giảng dạy vì Việt Nam (Teach For Viet Nam), qua những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Giám đốc Điều hành.

“Re-think CSR” là series do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

* Trước hết, nếu được chọn 3 điều đầu tiên để chia sẻ về tầm nhìn và cách thức hoạt động của Teach For Viet Nam thì chị sẽ muốn mọi người nhớ đến điều gì?

Chúng tôi là một doanh nghiệp xã hội hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận (Nonprofit Organization – NPO) và hướng tới mục tiêu tất cả trẻ em Việt Nam đều nhận được một nền giáo dục hoàn thiện, có cơ hội giáo dục công bằng và được tiếp cận với giáo dục chất lượng để phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Giám đốc Điều hành Teach For Viet Nam.

Chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu này thông qua mô hình chương trình Phát triển Nhà giáo dục Tiên phong (fellow), đây cũng là điều đầu tiên mà chúng tôi rất mong mọi người có thể nhớ đến. Các bạn fellow sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể góp phần kiến tạo một nền giáo dục công bằng và chất lượng cho mọi trẻ em Việt Nam.

Cụ thể, các bạn sẽ được tuyển chọn, đào tạo, tham gia giảng dạy và thực hiện các dự án ở các trường công vùng sâu, vùng xa trong vòng hai năm với ba môn học chính là môn tiếng Anh và nhóm kỹ năng thế kỷ 21, môn thứ hai là STEM (Science, Technology, Engineering and Math - dạy các môn theo hướng tích hợp liên ngành), môn thứ ba là giáo dục khởi nghiệp.

Với chương trình này, chúng tôi tập trung vào câu chuyện phát triển năng lực lãnh đạo để chính những người trong cộng đồng đó có thể tìm ra giải pháp phù hợp với cộng đồng của mình, vượt ra khỏi những rào cản đang giữ họ lại trong suy nghĩ về mặt tư duy và kỹ năng.

Teach For Viet Nam muốn hướng tới câu chuyện của hệ thống giáo dục trong trường công, đây cũng là nhóm đối tượng thụ hưởng của chúng tôi. Có một số liệu thực tế là 93% học sinh Việt Nam đang theo học tại các hệ thống giáo dục công nên có thể nói, đây gần như là cơ hội duy nhất dành cho những bạn học sinh yếu thế có thêm nhiều cơ hội được học khi chưa có nhiều giải pháp tư có thể chi trả.

Cuối cùng là câu chuyện liên quan đến việc hợp tác đa bên. Nếu làm một mình, chắc chắn sẽ khó để thành công, chúng tôi hiểu câu chuyện này cần sự kết hợp giữa các bên khác nhau, không chỉ trong ngành giáo dục mà còn đến từ các doanh nghiệp, các bộ ngành.

Chúng tôi tin rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam có rất nhiều người giỏi và điều quan trọng là làm thế nào để kêu gọi thêm nhiều nguồn lực tham gia vào hệ thống này, cũng như cho mọi người động lực, niềm tin, sự ủng hộ để từ đó dám nghĩ, dám làm và dám vượt ra khỏi những khuôn khổ hiện tại.

Mục tiêu quan trọng mà Teach For Viet Nam hướng tới từ những ngày đầu là Quality Education (giáo dục chất lượng)
Nguồn: Teach For Viet Nam

* Trong 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững (Sustainable Development Goals) của Liên Hợp Quốc, đâu là những mục tiêu mà Teach For Viet Nam chọn để cùng theo đuổi với nền giáo dục thế giới?

Mục tiêu quan trọng mà Teach For Viet Nam hướng tới từ những ngày đầu là mục tiêu số 4 – Quality Education (giáo dục chất lượng). Như đã chia sẻ ban đầu, chúng tôi luôn mong các bạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa, các nhóm học sinh yếu thế có thể tiếp cận với giáo dục chất lượng cao nên đó là mục tiêu đầu tiên.

Tiếp đến là mục tiêu số 17 – Partnerships for the goals (mục tiêu hợp tác). Có một thực tế là dù nhận được sự quan tâm từ nhiều đối tượng nhưng sự tham gia thật sự trong lĩnh vực giáo dục đôi khi vẫn còn rất hạn chế. Chúng ta nói về câu chuyện xã hội hóa nhưng xã hội hóa làm như thế nào, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò ra sao trong quá trình này thì vẫn đang khá mờ nhạt.

Teach For Viet Nam hướng tới mục tiêu tất cả trẻ em Việt Nam đều nhận được một nền giáo dục hoàn thiện, có cơ hội giáo dục công bằng và tiếp cận với giáo dục chất lượng.

Một câu chuyện “về lâu về dài” khác nữa là hợp tác không chỉ là giữa các nước mà còn là hợp tác trong các lĩnh vực tương quan lẫn nhau. Làm thế nào để lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa hay những lĩnh vực khác cùng có thể tham gia vào trong ngành giáo dục cũng là một vấn đề mà tôi nghĩ cần được thúc đẩy.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung vào câu chuyện của bình đẳng, cũng tức là mục tiêu số 5 – Gender equality (bình đẳng giới). Chúng tôi có một mong muốn khá tham vọng là tái định nghĩa lại về câu chuyện này bằng cách tạo ra một môi trường an toàn và bình đẳng để các bạn có thể đối thoại và học hỏi lẫn nhau. Bài toán rất lớn mà chúng tôi đặt ra là làm thế nào trong lớp học có cả nam và nữ, tất cả đều nhận được sự quan tâm và được đối xử bình đẳng. Các bạn nam có thể nhận thức được vai trò của các bạn nữ và ngược lại.

Cuối cùng, chúng tôi cũng tập trung vào câu chuyện của mục tiêu số 13 – Climate action (biến đổi khí hậu). Một trong những địa phương chúng tôi đang làm việc là Đồng Tháp có thể thấy rất rõ những ảnh hưởng của điều này, đặc biệt là sự thay đổi của nguồn nước đối với đời sống của các bạn học sinh ở khu vực đó.

Với niềm tin là con người bền vững, hành tinh bền vững, một trong những tầm nhìn của chúng tôi là làm thế nào để các bạn học sinh biết yêu thiên nhiên và yêu cộng đồng, và chính các bạn cũng sẽ sống được hài hòa được trong cộng đồng đó. Nếu đưa được những điều này vào chương trình giảng dạy thì cũng là một trong những cách giúp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc được nhân rộng hơn.

* Một số chương trình và dự án nổi bật Teach For Viet Nam đã và đang triển khai để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra, cũng như mang lại giá trị thiết thực cho đối tượng thụ hưởng mà Teach For Viet Nam đang hướng tới?

Chương trình lớn nhất và cốt lõi nhất của Teach For Việt Nam là chương trình phát triển nhà giáo dục tiên phong mà tôi đã chia sẻ. Khác với những dự án khác, đây là một dự án dài hạn mà chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển để tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau, chúng tôi mong những bạn ngoài ngành giáo dục cũng quan tâm đến chương trình này.

Trong các chương trình giảng dạy tiếng Anh, các yếu tố về mặt văn hóa và kiến thức liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ được lồng ghép bên trong, hay với môn STEM, chúng tôi giảng dạy theo hướng liên ngành. Một ví dụ cụ thể là chương trình kết hợp với Mitsubishi Electric Việt Nam, xây dựng những vườn rau mà chúng tôi gọi là vườn rau 4.0 thuộc dự án “nông dân tí hon” – dạy về nông nghiệp bền vững tùy theo từng địa phương.

Không gian sáng chế, sáng tạo STEM Lab và vườn rau 4.0 thuộc dự án “nông dân tí hon” do Teach For Viet Nam phối hợp thực hiện cùng Mitsubishi Electric Việt Nam.
Nguồn: Teach For Việt Nam

Chẳng hạn như đối với địa bàn ở tỉnh Tây Ninh, chúng tôi đưa vào nội dung nông nghiệp xanh và nông nghiệp công nghệ cao bởi vì đó là một trong những chủ trương phát triển của tỉnh. Sự bền vững dự án này được thể hiện trong việc lựa chọn đất, lựa chọn cây trồng và mô hình nông nghiệp. Và 4.0 không chỉ là công nghệ mà còn liên quan đến không rác thải, không phá hủy môi trường, không thuốc trừ sâu. Những vườn rau này sẽ giúp cho các bạn học sinh gắn nội dung các bạn học trong môn sinh học, vật lý, toán học, hóa học vào việc trồng trọt.

Sau khi học xong, các bạn lại có thể quay trở về nhà để hỗ trợ ba mẹ, chia sẻ với ba mẹ có thể ứng dụng công nghệ nào để bớt sử dụng thuốc trừ sâu. Từ đó, các bạn sẽ chính là những nhân tố tạo ra sự thay đổi trong chính gia đình của mình. Ngoài ra, việc vừa học, vừa thực hành cũng giúp cho các bạn phát triển được năng lực làm việc nhóm. Khi thu hoạch xong, các bạn có thể bán rau cho giáo viên để học cách thuyết phục người lớn, đồng thời cũng là đang học về khởi nghiệp.

Những vườn rau này sẽ giúp cho các bạn học sinh gắn nội dung môn sinh học, vật lý, toán học, hóa học vào việc trồng trọt.
Nguồn: Teach For Việt Nam

Và đó cũng chính là câu chuyện liên quan đến mục tiêu hợp tác (collaboration). Bởi vì khi xây dựng vườn rau thì chúng tôi có sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Trung tâm giống và cây trồng để tìm những loại cây phù hợp với địa phương, sự đối ứng của doanh nghiệp, sự duy trì và cam kết của trường học.

Khi chúng tôi rút đi, những giáo viên trong trường sẽ là người vận hành vườn rau đó về lâu về dài và sau đó, chúng tôi quay trở lại để cùng đồng hành với các thầy cô, tập huấn nâng cao năng lực để thiết kế hoạt động trải nghiệm hoặc làm việc trực tiếp với nhà tài trợ nếu họ cần sự hỗ trợ.

* Một số kết quả tiêu biểu mà những chương trình trên đã đạt được khiến Teach For Viet Nam cảm thấy hạnh phúc khi nhắc đến những kết quả đó?

Chúng tôi có khá nhiều câu chuyện về học sinh và cả những nhà giáo dục tiên phong (fellow). Hằng năm, chúng tôi sẽ mở chương trình tuyển dụng và mỗi bạn fellow sẽ tham gia trong vòng hai năm. Có một điều rất tự hào chúng tôi thống kê được là ban đầu, chỉ có khoảng 30% các bạn theo chuyên ngành sư phạm ứng tuyển, nhưng sau khi kết thúc chương trình, chúng tôi có 72% các bạn tiếp tục ở lại làm việc, học tập và phát triển chuyên môn của mình trong lĩnh vực giáo dục.

Trước khi chính thức tham gia vào 2 năm của chương trình phát triển nhà giáo dục tiên phong, các thành viên mới sẽ trải qua quá trình thử việc với SI (Summer Institute) và SS (Summer School).
Nguồn: Teach For Viet Nam

Có những bạn đang tập trung vào câu chuyện phát triển chương trình, có những bạn đang là tổ trưởng tổ bộ môn ở một số trường hay chọn vận hành doanh nghiệp xã hội riêng như Your-E. Các bạn đang có những sáng kiến để hỗ trợ hơn 700 học sinh, sinh viên học tiếng Anh và phát triển năng lực lãnh đạo với chi phí thấp.

Muốn phát triển bền vững thì phải có người “chịu đi” về lâu dài, vì vậy, chúng tôi rất vui khi đã kêu gọi được một nguồn lực quan trọng – những bạn trẻ luôn đau đáu, trăn trở về giáo dục. Những hạt mầm đã gieo trong các bạn fellow đang được nở hoa thành những dự án dài hơi, những con đường nghề nghiệp.

Doanh nghiệp xã hội Your-E phát triển những sáng kiến để hỗ trợ hơn 700 học sinh, sinh viên học tiếng Anh và phát triển năng lực lãnh đạo với một chi phí thấp.
Nguồn: Your-E

Hay như câu chuyện của một bạn học sinh ở Tây Ninh, những năm 2017-2018, bạn mới học lớp 5 lên lớp 6. Bạn tham gia chương trình tiếng Anh và sau đó là một trong sáu bạn nhỏ được cử đi tham gia một chương trình STEM quốc tế do Teach For Viet Nam kết hợp với một đơn vị ở Singapore. Bây giờ, bạn đã trở thành thủ khoa đầu vào chuyên Anh của trường chuyên Hoàng Lê Kha và đang có một câu lạc bộ ở trường, bạn phát huy được năng lực lãnh đạo của mình từ rất sớm.

Muốn phát triển bền vững thì phải có người “chịu đi” về lâu dài, vì vậy, chúng tôi rất vui khi kêu gọi được nguồn lực quan trọng – những bạn trẻ luôn đau đáu, trăn trở về giáo dục.

Những câu chuyện như vậy là để thấy được rằng: Các bạn học sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa, bạn nào cũng có một tiềm năng rất lớn.

Hay ở Quế Sơn, có một không gian học tập cộng đồng được vận hành hoàn toàn bởi các bạn học sinh, sinh viên. Đây đều là các bạn đã tham gia vào những chương trình đào tạo ngắn hạn của Teach For Viet Nam năm 2019 khi chúng tôi bắt đầu làm việc ở khu vực Quảng Nam.

Đó là một thư viện có hơn gần 6.000 đầu sách mà hiện tại đã có hơn 400 lượt các bạn học sinh đến đọc và mượn sách. Ban đầu, dự án này là các bạn fellow xây dựng, nhưng hiện nay, văn hóa đọc đã thật sự được vận hành và duy trì bởi chính các bạn học sinh ở khu vực đó mà không cần có sự tham gia của chúng tôi nữa.

* Cảm ơn chị Trang vì những chia sẻ thú vị về các hoạt động CSR trong giáo dục của Teach For Viet Nam!

★★★

Đó là những chia sẻ của chị Quỳnh Trang về tầm nhìn, mục tiêu, các hoạt động CSR thực tế, và cả câu chuyện của những bạn học sinh, fellow đã được gieo mầm thay đổi của Teach for Viet Nam. Cùng đón chờ phần tiếp theo vào ngày mai (21/12) để đi sâu hơn về câu chuyện “cho con cá hay cho cần câu”, truyền thông hay không truyền thông, những mắt xích và sự kết hợp giữa các bên trong một hoạt động CSR giáo dục.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam