Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Re-think CSR #25.2: Teach For Viet Nam – CSR trong giáo dục là câu chuyện “nhìn dài, đi xa”

“Sau một hoạt động trao tặng, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Ai sẽ là người tiếp tục phát huy và chăm lo cho những cái cơ sở vật chất đó và thật sự biết tận dụng để phát huy được năng lực của học sinh?”.

Đó là câu hỏi mà chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Điều hành của doanh nghiệp xã hội Giảng dạy vì Việt Nam (Teach For Viet Nam), muốn đặt ra cho tất cả chúng ta cùng suy nghĩ. Trong phần thứ hai của câu chuyện CSR trong giáo dục, hãy cùng đi sâu vào câu chuyện của hợp tác giữa các nguồn lực.

“Re-think CSR” là series do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

* Dưới góc nhìn của một người đang điều hành một doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chị có thể chia sẻ quan điểm về các hoạt động CSR hướng đến mục tiêu phát triển giáo dục đang diễn ra tại Việt Nam?

Hiện tại, giáo dục là lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy rất nhiều hoạt động CSR trong giáo dục, có thể kể đến như hoạt động xây trường, hỗ trợ cơ sở vật chất, những chương trình dành cho học sinh thuộc các nhóm yếu thế như trẻ em đường phố hoặc trẻ em có trở ngại nhất định về năng lực vận động và suy nghĩ.

Theo chị Trang, trong tất cả các hoạt động CSR, thay đổi về tư duy là câu chuyện khó nhất và sẽ cần một khoảng thời gian dài để thấy kết quả.

Tuy nhiên, có một điểm mà tôi rất băn khoăn, đó là câu chuyện về vai trò của cộng đồng. Phải chia sẻ thật lòng rằng tôi thấy có khá nhiều các hoạt động liên quan đến trao tặng, nhưng bước tiếp theo của việc trao tặng là gì? Trong quá trình làm việc, chúng tôi đã thật sự rất đau lòng khi nhìn thấy có những cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư khá lớn và bài bản với mong đợi là các bạn học sinh, giáo viên sẽ sử dụng. Thế nhưng sau trao tặng, những cơ sở vật chất như: thư viện, phòng thí nghiệm, thậm chí là những phòng học trở nên… trống rỗng, và chúng tôi gọi đó là những “thư viện chết”.

Tình trạng này xảy ra là bởi giáo viên chưa được hỗ trợ nhiều trong việc tổ chức các tiết học văn hóa đọc hoặc trường chưa có đủ năng lực, nhân lực để có thể vận hành. Có một câu hỏi tôi luôn đặt ra cho tất cả các dự án, đó là chuyện gì sẽ xảy ra với cộng đồng đó, với cơ sở vật chất đó nếu các bạn không còn ở đấy nữa? Và hoạt động của Teach For Viet Nam là tập trung vào câu chuyện của những-bước-tiếp theo.

Thứ hai, nếu đã nói về câu chuyện bền vững thì với những hoạt động CSR, tính bền vững sẽ được thể hiện ở đâu? Bản thân tôi rất mong doanh nghiệp có thể nghĩ về lâu dài khi bắt đầu bắt tay hợp tác với một tổ chức. Nếu năm nay làm sáng kiến này, năm sau làm sáng kiến khác thì chuyện gì xảy ra với những nhóm đối tượng cũ?

Với trải nghiệm của tôi, 1-2 năm có lẽ là vẫn chưa chắc thấy được kết quả và nếu mình đã rút đi, khả năng sẽ còn mang lại tác động tiêu cực với nhóm thụ hưởng đó, nhất là khi trao tặng không phù hợp với nhu cầu cộng đồng. Trong tất cả các hoạt động, thay đổi về tư duy là câu chuyện khó nhất và sẽ cần một khoảng thời gian dài.

Trước khi băn khoăn về câu chuyện ngân sách, hãy nghĩ về mức độ tác động mà doanh nghiệp mong muốn đạt được là gì.

Vì vậy, nếu có thể, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, bởi việc này sẽ mang đến cho các bạn học sinh cơ hội thay đổi tư duy lớn hơn. Khi chương trình bắt đầu với đối tượng cấp ba hay đại học, tôi nghĩ cần mức độ đầu tư cao hơn. Bởi khi ấy, các bạn đã có những nếp tư duy được hình thành trong nhiều năm tháng trước, việc chỉnh sửa hay đưa vào những tư duy mới do vậy sẽ cần một khoảng thời gian dài hơn.

Một trải nghiệm chỉ có thể thực sự chuyển hóa khi đủ cả về chất và lượng. Tôi hiểu nhiều doanh nghiệp đôi khi cũng băn khoăn về câu chuyện ngân sách nhiều hay ít, nhưng trước hết, hãy nghĩ về mức độ tác động doanh nghiệp mong muốn đạt được là gì.

* Hợp tác đa bên là một trong những mục tiêu Teach For Viet Nam quan tâm ngay từ ban đầu và có thể thấy, nhiều hoạt động CSR của các doanh nghiệp có sự đồng hành của Teach For Viet Nam. Chị có thể chia sẻ thêm về mối quan hệ giữa Teach For Viet Nam với các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy / triển khai các hoạt động CSR?

Ngay từ thời điểm thành lập, Teach For Viet Nam đã đi theo hướng tiếp cận đa bên trong các hoạt động liên quan đến CSR. Chúng tôi cũng chia sẻ thẳng thắn với doanh nghiệp rằng bên cạnh sự đồng hành của doanh nghiệp, mỗi dự án cũng cần có sự tham gia của cộng đồng.

Chẳng hạn như câu chuyện là không gian sáng chế STEM Lab tại trường Trung học cơ sở Long Khánh B mà Bosch tham gia và tài trợ. Trong dự án này, trường là đơn vị đối ứng phòng học, Bosch tài trợ cơ sở vật chất bên trong như trang thiết bị, sách, những vật dụng liên quan đến STEM dưới sự cho phép của Phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng cũng hỗ trợ việc triển khai chương trình tại địa phương. Teach For Viet Nam đóng vai trò như một đơn vị điều phối quá trình làm việc giữa các bên liên quan với nhau và hỗ trợ giáo viên.

Các em học sinh trường Trung học cơ sở Long Khánh B trong lễ khánh thành không gian sáng chế STEM Lab.
Nguồn: Teach For Viet Nam

Khi hợp tác cùng doanh nghiệp, điều đầu tiên chúng tôi luôn hỏi là doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng với Teach For Viet Nam và nhà trường trong bao lâu, bởi chúng tôi luôn muốn hướng đến việc trở thành một Strategic Partnership (đối tác chiến lược) dài hạn trong ít nhất ba năm thay vì những dự án chỉ làm một lần.

Trong một chương trình, bên cạnh sự tham gia của doanh nghiệp thì còn có sự góp sức của nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo hay những bên thuộc về khối công và những tổ chức khác, mỗi bên đều có một cái vai trò rõ ràng khác nhau.

* Với những chương trình đòi hỏi phải được triển khai trong lâu dài và có sự hợp tác đa bên như vậy, Teach For Viet Nam sử dụng phương pháp nào để đo lường hiệu quả của các chương trình?

Chúng tôi sử dụng hai phương pháp, đầu tiên là ABCD (Asset-based Community Development) – phát triển dựa trên tài sản và nguồn lực của cộng đồng. Điều này có nghĩa là mọi sáng kiến phải xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, chẳng hạn như phải xác định được trường hiện tại đang có năng lực giảng dạy STEM như thế nào, vai trò của các bên và đặt ra mục tiêu/ kết quả muốn đạt được thông qua dự án đó.

Lấy lại câu chuyện của phòng STEM Lab ở trường Long Khánh B, biết là trường có khoảng hơn 400 học sinh, vậy phải xác định có bao nhiêu học sinh có thể sử dụng phòng STEM này và có bao nhiêu giáo viên sẽ cùng tham gia. Sau đó một năm, trường sẽ là đơn vị vận hành chính cho các hoạt động đó.

Sau đó một năm, trường Long Khánh B sẽ đảm nhận công tác vận hành chính cho các hoạt động của phòng STEM Lab.
Nguồn: Teach For Viet Nam

Thứ hai là phương pháp Community Matrix (ma trận cộng đồng). Phương pháp này đặt ra 5 mức độ tham tham dự của cộng đồng (engagement level). Mức độ đầu tiên là thông báo (inform). Mức độ thứ hai là tư vấn và mức độ thứ ba là họ tham gia.

Teach For Viet Nam không chỉ dừng lại ở câu chuyện trách nhiệm xã hội cộng đồng mà còn muốn hướng tới giải pháp để các bên cùng tham gia tạo ra giá trị chung.

Teach For Viet Nam sẽ xác định những thành viên trong cộng đồng này họ đang tham gia ở vai trò nào từ mức 1 đến 5, mình muốn họ đạt mức nào và tất cả đều có đo lường và đánh giá cụ thể thông qua từng giai đoạn. Do vậy, một trong những yêu cầu của từng dự án là nhà trường sẽ phải báo cáo theo từng kỳ để cho thấy sự hiệu quả của không gian sáng chế sáng tạo đó.

Dĩ nhiên, mặc dù có thể làm rất chặt chẽ ngay từ giai đoạn ban đầu, nhưng chuyện thay đổi cộng đồng không phải lúc nào cũng được như kế hoạch, vẫn sẽ có những rủi ro xảy ra. Do vậy, việc đo lường, đánh giá và kiểm tra dự án đó thường xuyên cũng sẽ giúp hạn chế những rủi ro, đảm bảo rằng sự tham gia của cộng đồng cũng như của nhà đầu tư thực sự đem lại hiệu quả.

* Có một câu chuyện vẫn thường được bàn khi nhắc đến các hoạt động CSR, đó là tiến hành truyền thông hay không truyền thông. Với góc nhìn của chị, đâu là ranh giới giữa truyền thông tích cực và phô trương? Và nếu đã chọn truyền thông thì nên làm như thế nào?

Với Teach For Viet Nam, chúng tôi không chỉ dừng lại ở câu chuyện Corporate Social Community (trách nhiệm xã hội cộng đồng) mà còn muốn hướng tới Creating Shared Value, tức là làm thế nào để các bên cùng tham gia tạo ra giá trị chung.

Là một doanh nghiệp xã hội, chúng tôi hiểu rằng vai trò của truyền thông rất quan trọng. Thế nhưng truyền thông về cái gì, đó là vấn đề cần được bàn thảo và chia sẻ nhiều hơn. Bởi ngay từ ban đầu, nếu không nói thì sẽ rất khó để có thể thu hút được cộng đồng cùng tham gia. Còn nếu nói mà không làm thì chắc chắn là đang đi ngược lại với giá trị đạo đức và nó sẽ trở thành nội dung truyền thông rỗng.

Teach For Viet Nam không chỉ dừng lại ở câu chuyện Corporate Social Community mà còn muốn hướng tới Creating Shared Value.
Nguồn: aFamily

Một câu chuyện khác nữa là truyền thông sự thật, nếu đang khó khăn thì hãy nói là đang khó khăn. Chẳng hạn như đây cũng đây là một giai đoạn khó khăn với Teach For Viet Nam và chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng.

Tôi nghĩ sẽ không có một đáp án nào là khuôn mẫu chung cho tất cả mọi người. Nhưng với quan điểm của tôi thì truyền thông và hành động phải đi song hành cùng với nhau và hãy truyền thông về chính những giá trị mà bạn đã tạo được và bạn mong muốn tạo được cho cộng đồng. Và khi bạn truyền thông về những chuyện đó, hãy thực sự thực thi những hành động tương ứng.

Tôi tin rằng sử dụng truyền thông để lan tỏa những điều tốt đẹp sẽ hạn chế những thông tin tiêu cực. Bên cạnh đó, khi truyền thông những điều mọi người làm ra bên ngoài, có thể nó sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Và biết đâu, sự truyền cảm hứng này của bạn sẽ khơi lên một ngọn lửa, một hoạt động nào đó mà chính bạn có thể không mường tượng ra được.

Hãy truyền thông về chính những giá trị mà doanh nghiệp đã tạo được và mong muốn tạo được cho cộng đồng.
Nguồn: CafeF

* Chị có thể chia sẻ thêm một chút về dự định hoặc kỳ vọng của Teach For Viet Nam trong thời gian tới đối với việc triển khai các hoạt động CSR tại Việt Nam?

Thế hệ nhà giáo dục tiên phong đầu tiên của chúng tôi là năm 2017. Từ 2017 đến 2023, chúng tôi tổng kết được có 97 nhà giáo dục tiên phong trong vòng bảy năm và tham vọng của chúng tôi là có thể nhân rộng được 10.000 người từ năm nay cho đến năm 2030, bao gồm những nhà giáo dục tiên phong, học sinh và giáo viên. Chúng tôi cũng hi vọng rằng sẽ ngày càng có sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp. Mọi người có thể cùng hình thành các phong trào, hoạt động để giải quyết được những vấn đề tại địa phương và tự mình đưa ra được giải pháp.

Chúng tôi đổi tên từ Teach For Viet Nam sang Giảng dạy vì Việt Nam là bởi chúng tôi có một giấc mơ, mơ rằng đây là một doanh nghiệp của người Việt Nam, vì người Việt Nam và do người Việt Nam. Bởi lẽ thật ra, chúng tôi cũng là một thành viên trong mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach For All và sáng kiến này hoàn toàn không phải là quá mới trên thế giới, nó đã thành công ở hơn 60 quốc gia và chúng tôi là thành viên thứ 44 của phong trào giáo dục toàn cầu đó.

Teach For Viet Nam kỳ vọng có thể nhân rộng được 10.000 người từ năm nay cho đến năm 2030, bao gồm những nhà giáo dục tiên phong, học sinh và giáo viên.
Nguồn: Kênh 14

Chúng tôi hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều hoạt động CSR, những doanh nghiệp sẵn sàng cùng đồng hành nghĩ lâu, đi xa để tạo ra được những tác động dài hơi, từ đó mang đến sự chuyển biến cho cả ngành giáo dục.

Và dĩ nhiên, để tạo ra được sự chuyển biến lớn lao đó, tôi nghĩ không chỉ với Teach For Viet Nam thôi mà còn phải có sự có mặt của các viện nghiên cứu hay các tổ chức xã hội khác, những hoạt động của các doanh nghiệp khác nữa.

* Cảm ơn chị Trang vì những chia sẻ chân thành và thú vị!

Xem lại phần 1 của bài viết tại đây.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam