Những khó khăn startup công nghệ y tế thường gặp phải và cách vượt qua

Đa phần các công ty công nghệ y tế (healthtech, medtech) hiện nay tại Việt Nam đi lên từ nền tảng công nghệ. Vì vậy, khi phát triển ứng dụng y tế, họ thường không hình dung trước được những khó khăn khi bước chân vô lĩnh vực đặc thù này.

Bài viết là quan điểm của ông Đỗ Sơn Hà – Giám đốc Marketing Hệ thống Y khoa Diamond, nguyên Giám đốc Sản phẩm eDoctor, đồng sáng lập Unu digital, chuyên tư vấn và hỗ trợ các startup y tế.

Cách đây vài năm có rất nhiều startup lĩnh vực công nghệ y tế, thường bắt đầu bằng việc kết nối người dùng – bệnh nhân với các chuyên gia y tế, bác sĩ và phòng khám/ bệnh viện. Tuy nhiên, những cái tên còn sống sót đến thời điểm này thực sự không nhiều. Nguyên nhân là vì họ không vượt qua được những khó khăn đặc thù của lĩnh vực này.

Khó khăn đầu tiên và phổ biến nhất là thiếu kiến thức chuyên môn y tế. Tại Việt Nam hiện nay, đa phần các startup công nghệ y tế đi lên từ nền tảng công nghệ nên không có thế mạnh về khám chữa bệnh. Năng lực của họ chưa đủ để vận hành một phòng khám/ bệnh viện nên chỉ dừng lại ở việc kết nối người cần dịch vụ y tế và người cung cấp dịch vụ y tế. Hơn nữa, chi phí để tự xây dựng phòng khám/ bệnh viện thường rất cao, ít startup nào có đủ ngân sách cho việc này.

Giữ chân người dùng là một thách thức lớn của các startup ứng dụng y tế.
Nguồn: Getty Images

Chính trở ngại ban đầu là không có nền tảng phòng khám/ bệnh viện đã dẫn đến khó khăn thứ hai: Startup ứng dụng y tế không thể chủ động được chất lượng dịch vụ mà bị lệ thuộc vào các bên cung cấp dịch vụ y tế. Thực tế dù các ứng dụng y tế hỗ trợ người dùng rất tốt về mặt công nghệ, nhưng khi bệnh nhân đến phòng khám/ bệnh viện và đánh giá chất lượng dịch vụ ở đó không tốt, người chịu thiệt lúc này lại chính là các ứng dụng y tế và phải đối diện với rủi ro mất người dùng.

Do đó, giữ chân người dùng cũng là một thách thức lớn khác của các startup ứng dụng y tế. Sau một thời gian hoạt động online, các ứng dụng công nghệ y tế thường chuyển qua mô hình offline: Cho chuyên viên y tế đến tận nhà người dùng để lấy mẫu xét nghiệm rồi chuyển đến các trung tâm/ phòng khám/ bệnh viện để thực hiện việc xét nghiệm.

Như đã nói, vì bản thân công ty công nghệ không có nền tảng cơ sở vật chất để xét nghiệm máu hoặc khám chữa bệnh, họ buộc phải liên kết với các phòng khám/ bệnh viện – người trực tiếp thực hiện những chỉ định, xét nghiệm đó. Và xu hướng chung là khi đó, những khách hàng từ app y tế chuyển thành bệnh nhân – khách hàng của các phòng khám/ bệnh viện. Nghĩa là, khi đã tiếp cận được dịch vụ y tế tốt, người dùng sẽ đến trực tiếp phòng khám/ bệnh viện và không quay trở lại dùng app y tế nữa.

Thói quen người dùng là một trong những bài toán nan giải của các startup y tế.
Nguồn: Envato

Thói quen người dùng cũng là một trong những bài toán nan giải. Thực tế người dân Việt Nam không có thói quen khám bệnh chủ động, không thường xuyên khám định kỳ, tầm soát bệnh tật mỗi 6 tháng hoặc một năm mà chỉ trực tiếp đến bệnh viện điều trị khi có vấn đề về sức khỏe. Dù ai cũng biết rằng việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn và chi phí cũng thấp hơn nhiều. Khi phát triển một mô hình app y tế, các startup phải xác định rằng rất khó thay đổi thói quen này của người dùng. Quá trình “educate” thị trường cần khoảng 5-10 năm chứ không phải 1 hay 2 năm.

Song song đó, việc chuyển đổi thói quen người dùng từ sử dụng dịch vụ tư vấn miễn phí sang dùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có tốn phí cũng là một chặng đường khá dài khác. Trong khi nguồn thu của app y tế đa phần phụ thuộc vào người dùng, hiện tại họ lại chỉ có xu hướng sử dụng dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh miễn phí trên hệ thống, startup do đó đối diện với thử thách lớn là không đủ chi phí để chi trả cho đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế và các giải pháp kết nối.

Ngân sách hạn chế, quá trình phát triển cần nhiều thời gian khiến các startup đối diện với khó khăn thường trực về giữ chân nhân sự. Lĩnh vực công nghệ hiện nay đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhân tài công nghệ do đó được săn đón nhiều. Nhiều công ty sẵn sàng chi mức lương 1.000-4.000 USD/tháng để chiêu mộ người tài, đặc biệt là khi nhân sự về công nghệ y tế lại khan hiếm. Một khi “bộ máy” startup mất đi một mắt xích nhân sự, việc đào tạo một người mới để thay thế tiêu tốn rất nhiều thời gian.

Khó khăn bủa vây, hướng đi nào cho các startup công nghệ y tế?

Để thay đổi thói quen người dùng, nhiều hình thức tận dụng sự phát triển của công nghệ được thực hiện nhằm mục tiêu giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế hơn. Ví dụ, giai đoạn 2016-2017, hình thức livestream bắt đầu được áp dụng trong lĩnh vực tư vấn y tế. Nhiều công ty công nghệ y tế tổ chức các hoạt động này trung bình 1-2 số/tháng.

Tâm lý phổ biến của các bệnh nhân là gần như tin tưởng tuyệt đối vào bác sĩ, nên khi các bác sĩ tham gia chương trình tư vấn, trao đổi trực tuyến, ngày càng nhiều người dùng tiếp cận với hình thức này. Quá trình “training” liên tục như vậy nếu diễn ra trong một thời gian đủ dài, nhờ có thêm nhiều kiến thức y tế, người dùng sẽ bắt đầu hình thành thói quen mới là chuyển từ thụ động sang chủ động trong tiếp cận các dịch vụ y tế.

Giai đoạn 2016-2017, hình thức livestream bắt đầu được áp dụng trong lĩnh vực tư vấn y tế.
Nguồn: Truyền thông Sài Gòn HD

Hiện tại, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lựa chọn, người dùng Việt Nam đã bắt đầu chủ động hơn trong tiếp cận lĩnh vực y tế. Đơn cử, ở những khu vực dân trí cao như TP.HCM, người dân đã bắt đầu quen với việc khám sức khỏe định kỳ và lựa chọn các dịch vụ y tế tốt cho mình.

Bên cạnh việc thay đổi thói quen người dùng, để phát triển đường dài, hướng đi phù hợp nhất cho các startup công nghệ y tế hiện tại là buộc phải kết hợp với các bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Chính giới bác sĩ là những người có kinh nghiệm thăm khám bệnh và hiểu được tâm lý bệnh nhân nhất. Nhờ đó, họ có thể tư vấn cho startup cách hoàn thiện quy trình để phát triển hệ thống, giúp tối ưu thời gian và chi phí. Vì đối với lĩnh vực công nghệ, việc thay đổi, chỉnh sửa một quy trình hay một hệ thống thường tốn rất nhiều thời gian.

Và đặc biệt, các startup công nghệ y tế cần phải có nền tảng về phòng khám/ bệnh viện ở bên dưới. Nếu app y tế chỉ dừng lại ở việc kết nối người dùng với bên cung cấp dịch vụ y tế thì chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Họ phải có cơ sở vật chất để khám chữa bệnh, chăm sóc khách hàng và tiếp tục hỗ trợ người dùng về sau. Về lâu dài, không những app y tế cần phòng khám/ bệnh viện mà ngay cả phòng khám/ bệnh viện cũng cần app y tế. Vì nhiều phòng khám/ bệnh viện đã có sẵn bệnh nhân – khách hàng đang có nhu cầu áp dụng công nghệ để tối ưu hóa chi phí và hỗ trợ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Việc hợp tác này sẽ vừa có lợi cho các phòng khám/ bệnh viện lẫn app y tế.

Hiện tại, các startup app y tế có tiềm năng phát triển tốt, vì thói quen người dùng đã bắt đầu thay đổi. Nếu các startup đi đúng hướng, kết hợp với các phòng khám/ bệnh viện và đảm bảo được chất lượng dịch vụ thì người dùng sẽ gắn kết với app y tế đó, phòng khám/ bệnh viện đó để chăm sóc sức khỏe chủ động cho bản thân và gia đình.

Đỗ Sơn Hà