Marketer Như Hạnh
Như Hạnh

Reporter @ MOT Magazine

Huế by light – The live show: Trình diễn 3D Mapping trên di sản đầu tiên tại Việt Nam

Vào tối 12/12/2023, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công dự án nghệ thuật độc đáo “Huế by light – The live show”. Chương trình nhằm tôn vinh di sản kiến trúc của Cố đô thông qua buổi biểu diễn âm nhạc điện tử kết hợp trình diễn ánh sáng (3D mapping).

Tôn vinh vẻ đẹp di sản bằng bữa tiệc âm thanh và ánh sáng

Là sự kiện khép lại chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Pháp, màn trình diễn ánh sáng đặc sắc “Huế by light – The live show” là sự kết hợp của hệ máy chiếu với cường độ sáng 300.000 lumens, một sơ đồ kỹ thuật hoàn chỉnh và một hệ thống âm thanh cao cấp. Các yếu tố này đã giúp cho buổi biểu diễn nghệ thuật âm nhạc điện tử mới lạ của nhà soạn nhạc nổi tiếng nước Pháp – Sébastien Tellier và nhóm nhạc Việt Nam – Limebócx trở nên độc đáo hơn bao giờ hết.

Buổi biểu diễn kéo dài 50 phút, với những hình ảnh 2D và 3D siêu thực, được thiết kế đồ họa dành riêng cho Đại Nội, đồng bộ với các sáng tạo âm nhạc, đan xen cùng các biểu tượng của văn hóa Pháp và Việt Nam khiến khán giả hòa vào trong thế giới của buổi trình diễn âm thanh ánh sáng đặc sắc. “Huế by light – The live show” được xây dựng xoay quanh chủ đề “Bốn mùa”, trào lưu Tân nghệ thuật (Art Nouveau) kết hợp cùng nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam, chủ nghĩa tối giản với Rồng và Phượng, hay trào lưu Nghệ thuật Trang trí (Art Deco) với những loài cây cỏ mang tính biểu tượng trong văn hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – chia sẻ về ý nghĩa của “Huế by light”

Ông Nguyễn Thanh Bình – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – chia sẻ: “Đây là chương trình hết sức có ý nghĩa trong Tuần lễ Âm nhạc quốc tế 2023, là hạt nhân của Lễ hội mùa đông Festival Huế 2023. Hình thức tổ chức đêm hội ‘Huế by light – The live show’ rất mới lạ, trên cơ sở kết hợp văn hóa Pháp với văn hóa truyền thống của Huế.

Đó là màn trình diễn ánh sáng 3D Mapping chiếu trên kiến trúc Lầu Ngũ Phụng, cửa Ngọ Môn, một địa điểm nổi tiếng của quần thể di tích Cố đô Huế. Chúng tôi mong rằng ‘Huế by light’ sẽ đem đến cho công chúng một bữa tiệc âm nhạc và ánh sáng thực sự đặc sắc”.

Ông cũng cho biết năm 2023 là năm cột mốc đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt – Pháp và kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận và đưa vào danh sách Di sản Thế giới. Vì vậy, Đại Nội Huế đã trở thành điểm hẹn độc đáo được lựa chọn dành cho “Huế by light – The live show”. Festival Huế – một sự kiện văn hóa điển hình đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là sản phẩm tiêu biểu của quá trình hợp tác hiệu quả giữa Thừa Thiên Huế, Đại sứ quán Pháp, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân Pháp. “Huế by light – The live show” hứa hẹn mở ra giai đoạn mới cho mối quan hệ mang tính lịch sử của hai quốc gia.

Màn trình diễn ánh sáng đặc sắc “Huế by light – The live show”.

Trước thềm sự kiện, Tham tán văn hóa, Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam – bà Sophie Maysonnave đã dành thời gian chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí Mốt Việt Nam.

* Thưa bà, ý tưởng từ đâu để Đại sứ quán Pháp, Tổng Lãnh sự quán Pháp và Viện Pháp có ý tưởng tổ chức Huế by Light?

Chúng tôi mong muốn phối hợp với đối tác Huế tổ chức sự kiện lớn khép lại chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp và Việt Nam. Huế được chọn là nơi tổ chức một cách khá tự nhiên, vì sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa Pháp và tỉnh Thừa thiên Huế rất quan trọng. Có nhiều nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, các nhà tri thức Pháp đã và đang làm việc tại đây. Như vậy, thật logic và hợp lý khi tổ chức chương trình tại Huế. Hơn nữa, Huế là Cố đô, là thành phố văn hóa của Việt Nam và nước Pháp luôn quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa.

Bà Sophie Maysonnave trả lời phỏng vấn cùng tác giả.

* Xuyên suốt chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt – Pháp là những chương trình nghệ thuật không trùng lặp. Thưa bà, nguồn cảm hứng từ đâu để Đại sứ quán Pháp luôn đưa ra các sự kiện độc đáo như vậy?

Tôi không thể giấu niềm tự hào vì Pháp được ca ngợi là quốc gia sáng tạo và nổi tiếng thế giới trong việc tổ chức những chương trình nghệ thuật độc đáo. Pháp là nước đón khách du lịch đứng đầu thế giới nhờ có các hoạt động văn hóa được tổ chức. Pháp có nhiều ý tưởng tổ chức các hoạt động văn hóa như vậy vì trước hết là sự hỗ trợ của công chúng, của xã hội. Có thể bạn đã biết, Pháp là nước có ý tưởng đầu tiên về khái niệm Bộ Văn hóa.

Hàng năm, mỗi doanh nghiệp phải đóng góp 1% doanh thu dành cho văn hóa và các hoạt động văn hóa. Pháp hỗ trợ thực sự cho các hoạt động văn hóa và giúp tạo nên hệ sinh thái “Chính quyền – sáng tạo – doanh nghiệp”, tất cả cùng làm việc với nhau. Và để chia sẻ những lợi ích từ sáng tạo với Việt Nam, cách đây hơn 20 năm, chính Pháp đã có sáng kiến tổ chức Festival Huế, cụ thể là ý tưởng chia sẻ những sáng tạo của Pháp và kết hợp với sự phong phú của văn hóa Việt Nam.

Theo bà Sophie, Huế được chọn là nơi tổ chức một cách khá tự nhiên vì sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa Pháp và tỉnh Thừa thiên Huế rất quan trọng.

* Thông điệp mà Đại sứ quán Pháp muốn truyền tải thông qua Huế by Light là gì thưa bà?

“Huế by light” là chương trình dài hơi chúng tôi đã đầu tư rất rất nhiều năng lượng, nhân lực, tiền bạc cũng như những sáng tạo từ hai năm nay. Đơn vị phụ trách thực hiện Video Mapping 3D là công ty AC3 Studio, đơn vị chuyên thực hiện video mapping và âm thanh với công nghệ hiện đại. Đây cũng là đơn vị sẽ đảm nhiệm phần ánh sáng mở màn cho Thế vận hội Paris 2024 tới đây. Tôi bật mí thế để chúng ta biết được sản phẩm sáng tạo của họ chất lượng như thế nào. Tất cả những sáng tạo, công nghệ, kỹ thuật tân tiến đó phục vụ cho công việc phát huy di sản cổ kính và tuyệt đẹp như di sản Đại Nội.

Bên cạnh đó, việc tổ chức buổi trình diễn kết hợp giữa video mapping cùng âm nhạc của các nghệ sĩ Pháp và nghệ sĩ Việt Nam. Ý tưởng này phần nào minh chứng cho thông điệp cũng như khẩu hiệu của năm 2023 – kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa hai nước. Đó là “Văn hóa sẻ chia”, cầu nối giữa quá khứ với tương lai.

* Bà có thể chia sẻ về những khó khăn trong quá trình xây dựng màn trình diễn không?

Khi tổ chức sự kiện quy mô như vậy, chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Trước hết là sự phức tạp về kỹ thuật, tiếp đến là yêu cầu cần phải bảo vệ được di sản. Chúng ta không thể tùy tiện làm bất cứ việc gì trên di sản được xếp hạng của Unesco. Một trong những thách thức nữa là tìm ra được đúng các máy chiếu đảm bảo yêu cầu.

Ở Việt Nam có nhiều buổi trình diễn video mapping rồi nhưng không có máy chiếu nào đủ đảm bảo yêu cầu chất lượng như trong chương trình này. Sự kiện cần 6 chiếc máy chiếu trong khi ở Việt Nam chỉ tìm được 4 chiếc. Chúng tôi phải đưa 2 chiếc từ nước ngoài về. Mỗi chiếc trị giá 80 nghìn USD. Vì vậy rất khó khăn để đảm bảo cho việc vận chuyển máy móc. Thật may mắn công tác tổ chức khác cũng gặp thuận lợi nhờ sự hợp tác, trao đổi giữa hai phía Pháp và Việt Nam.

Nguồn: VTV8

* “Huế by Light” có sự tham gia của nhiều đơn vị, vậy cách phối hợp giữa các đơn vị với nhau trong quá trình chuẩn bị có khó khăn không thưa bà?

Một trong những khó khăn nữa là công tác tổ chức có sự tham gia của nhiều người, nhiều đơn vị như: nhà sử học, nhạc sĩ, nhà chính trị, thợ điện… mỗi người đến với quan điểm khác nhau và cũng không hẳn có cùng ngôn ngữ. Tuy nhiên, thành thật mà nói thì mọi chuyện diễn ra khá thuận lợi vì tất cả chúng tôi đều hướng tới sự lớn lao và ý nghĩa của dự án. Tất cả sự đa dạng này được hòa quyện thành một một mục tiêu, sứ mệnh chung đồng nhất.

Tôi xin nói lời cảm ơn các bạn Việt Nam đã đồng hành cùng chúng tôi thực hiện dự án tuyệt vời, với mục đích phát huy được những gì cách tân nhất với những gì cổ kính nhất.

* Cảm ơn bà vì buổi chia sẻ ý nghĩa này!

Như Hạnh