Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Tỉnh táo trước “fake news” từ tin đồn Google khai tử Gmail

“Nếu thứ gì cho bạn miễn phí, thì bạn là sản phẩm” (If something is free, you’re the product).

Cuối tháng 2 vừa qua, một trong những thông tin thu hút được nhiều sự quan tâm là việc Google sẽ khai tử Gmail vào tháng 8/2024. Đáng nói hơn cả là “nguồn cơn” của thông tin này vốn chỉ bắt đầu từ một bài đăng trên X (tiền thân là Twitter). Sự việc này đã khiến Google phải lên tiếng đính chính ngay sau đó.

Vụ việc một lần nữa đặt ra câu chuyện về kỹ năng thẩm định thông tin trên mạng xã hội, một phần của thông hiểu thông tin (media literacy) – kỹ năng cần thiết trong thời đại mà chúng ta được (hay bị?) bủa vây bởi một lượng lớn thông tin hằng ngày. Và liệu có “cái giá” nào phải trả cho việc tiếp cận được thông tin một cách quá dễ dàng và miễn phí trên các nền tảng mạng xã hội?

Liệu có “cái giá” nào có thể phải trả cho việc tiếp cận được thông tin một cách quá dễ dàng và miễn phí trên các nền tảng mạng xã hội?
Nguồn: pixabay

Toàn cảnh vụ việc của Google

Cuối tháng hai vừa qua, Google đã phải đăng bài xác nhận “Gmail vẫn hoạt động bình thường” sau một tin đồn cho rằng dịch vụ này sẽ đóng cửa bị lan truyền rộng khắp mạng xã hội.

Cụ thể, thông tin này được đăng tải trên X (tiền thân là Twitter) bởi Chris Bakke, một cựu nhân viên Google. Người này đã giả danh thành Giám đốc Sản phẩm Cấp cao tại Google và tuyên bố được Giám đốc Điều hành (CEO) Sundar Pichai yêu cầu đóng cửa nền tảng AI, song đã vô tình chấm dứt hoạt động của dịch vụ Gmail. Người này cũng đăng kèm ảnh chụp màn hình một email với một phần nội dung như sau:

“Chúng tôi liên hệ để thông báo một tin tức quan trọng về Gmail. Sau nhiều năm kết nối hàng triệu người trên toàn thế giới, giúp họ liên lạc nhanh chóng và rộng rãi, hành trình của Gmail giờ đây đã sắp kết thúc”.

Email giả mạo, cho rằng dịch vụ Gmail sắp đóng cửa.
Nguồn: Forbes

Theo Statista, Gmail vốn là dịch vụ email phổ biến nhất thế giới, với hơn 1,5 tỷ người dùng tích cực trên toàn thế giới. Do đó, không quá khó hiểu khi bài đăng với thông tin Gmail sẽ bị khai tử này thu hút hơn 7 triệu lượt xem.

Ngay sau đó, Google đã sử dụng chính nền tảng X để phản bác lại thông tin giả mạo.

Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Theo tờ BBC, một chuyên gia truyền thông đã nói rằng đây chính là “một ví dụ điển hình” về những nguy cơ của thông tin sai lệch.

“Hầu hết mọi người tin vào những gì họ thấy trên online và thiếu các công cụ, quy trình để xác minh sự thật", ông Richard Bagnall, giám đốc công ty tình báo truyền thông CARMA nói.

Ông Richard nói thêm, các nền tảng mạng xã hội vẫn chưa có quy trình kiểm duyệt thông tin, khiến thông tin chưa xác thực lan truyền nhanh chóng, những sự cố thế này sẽ vẫn còn tiếp diễn. “Sự kiện của Gmail lần này sẽ không phải là trường hợp cuối cùng mà chúng ta nhìn thấy”, ông nói.

Chúng ta có thể làm gì?

Những quan điểm sau đây được biên tập từ bài viết gốc “How to spot ‘fake news’ online” đăng tải trên Johns Hopkins University.

Theo số liệu của ITU, hơn 5 tỷ người trên toàn cầu đang sử dụng Internet để giải trí, đọc thông tin và kết nối với nhau, và hầu hết họ đều sử dụng mạng xã hội. Trong khi đó, theo một ước tính của Statista, 40% người dùng Internet cho biết họ đã vô tình chia sẻ thông tin sai lệch (misinformation) trên không gian mạng.

Như vậy, đứng trước những thông tin trên mạng xã hội, bạn cần tiếp nhận một cách tỉnh táo, để bảo vệ bản thân cũng như người khác khỏi các thông tin sai lệch. Dưới đây là những lời khuyên của ông Joe Carrigan, chuyên gia an toàn thông tin đang làm việc tại Viện An ninh Thông tin Đại học Johns Hopkins, ông cũng là đồng chủ trì của một podcast khá nổi tiếng về an ninh mạng (cyberwire) – Hacking Humans.

Các nguồn thông tin đều có thể tồn tại định kiến (bias)

Mỗi thông tin đều có thể đang hàm chứa một định kiến nào đó mà đôi khi chính người viết cũng không nhận ra.
Nguồn: Pexels

Khi sử dụng Internet, cần hiểu rằng mỗi thông tin đều có thể đang hàm chứa một định kiến nào đó mà đôi khi chính người viết cũng không nhận ra. Carrigan khuyến cáo người dùng Internet cần phải nhận thức rõ ràng về sự khác biệt giữa một bài viết tin tức và một bài viết quan điểm, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều bài viết quan điểm “ẩn” dưới vỏ bọc tin tức.

Do vậy, bên cạnh các kênh truyền thông phổ biến và được đón nhận rộng rãi bởi cộng đồng, hãy kiểm chứng tin tức bằng cách sử dụng thêm nhiều nguồn khác. Còn khi tìm kiếm, hãy cố gắng tìm kiếm thật nhiều quan điểm đa dạng, kể cả những quan điểm trái ngược với quan điểm của bản thân.

“Chúng ta đều thích đọc tin tức mà chúng ta đồng tình, và đó là phần lớn của vấn đề!”, ông nói.

Mỗi người cần đủ dũng cảm để có thể tự hỏi bản thân rằng: Liệu có ai đó đang không đồng tình với tôi, nhưng quan điểm của họ cũng có thể hợp lý hay không?

Ngoài con người, tin tức trên mạng xã hội còn có thể được tạo ra bởi… con bot

Bot là một ứng dụng phần mềm tự động thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại qua mạng. Bot tuân theo các hướng dẫn cụ thể để bắt chước hành vi của con người nhưng nhanh hơn và chính xác hơn. Bot cũng có thể chạy độc lập mà không cần sự can thiệp của con người. Ví dụ: bot có thể tương tác với các trang web, trò chuyện với khách truy cập trang web hoặc quét qua nội dung. Mặc dù hầu hết các bot đều hữu ích nhưng các đối tượng bên ngoài lại thiết kế một số bot để phục vụ mục đích xấu.

Theo Carrigan, không có dữ liệu chính xác về số lượng bot trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, các ước lượng cũng có sự chênh lệch lớn. Chẳng hạn như với nền tảng X (tiền thân là Twitter), một điều tra viên FBI cho biết X có số lượng bot dao động 8-80%. Carrigan nói rằng ông đã thấy những con số có vẻ đáng tin cậy hơn là 10-12%, “và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó là sự thật” – ông nói.

Trong khi đó, Meta đã ước lượng rằng 5% số tài khoản hoạt động hàng tháng trên Facebook là giả mạo, tuy nhiên, theo Carrigan, con số này có vẻ như đang thấp hơn so với thực tế.

Ngoài con người, tin tức trên mạng xã hội còn có thể được tạo ra bởi… con bot.
Nguồn: Getty Images

Carrigan cho biết với ông, các nền tảng mạng xã hội không phải là nguồn thông tin đáng tin cậy. “Người dùng không nên lấy tin tức từ mạng xã hội – đó là quy tắc tuyệt đối. Họ nên hoàn toàn bác bỏ bất kỳ tin tức nào được chuyển tải bằng phương thức đó… Hãy nhìn nhận nội dung tin tức trên mạng xã hội với một tư duy hoài nghi (skepticism) và hãy do dự trước khi bạn chia sẻ thông tin đó”, ông nói.

Sử dụng các công cụ và trang web kiểm chứng thông tin (fact checking)

Chúng ta có thể sử dụng các nguồn kiểm chứng thông tin như Snopes, PolitiFact, factcheck.org và Leadstories.com để đánh giá nội dung. Carrigan lưu ý khi sử dụng các trang web để kiểm chứng, người dùng vẫn cần lưu ý rằng: Ngay cả những trang web kiểm chứng sự thật này cũng có thể tồn tại những định kiến riêng.

Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng những điều mà chúng ta nhìn thấy chưa hẳn đã là sự thật, vì vậy hãy kiểm tra cả video và hình ảnh bên cạnh nội dung thông tin.

Hãy sử dụng các công cụ và trang web kiểm chứng thông tin (fact checking).
Nguồn: Getty Images

Hiện nay, công nghệ “deep fake”, từ ghép của “deep learning” (học sâu) và “fake” (giả mạo) là công nghệ đã trở nên quen thuộc với khả năng tái tạo khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Với Carrigan, đây là thách thức lớn hơn bao giờ hết để xác định xem những gì bạn đang thấy có phải là sự thật hay không. “Video có thể được chỉnh sửa theo nhiều cách khác nhau, từ việc bị lấy ra khỏi ngữ cảnh đến việc cố tình cắt ghép gây hiểu lầm”, ông nói thêm.

Carrigan khuyến khích người dùng sử dụng thêm các nguồn tài nguyên trực tuyến khác để hiểu rõ hơn về mối đe dọa của deep fake, đặc biệt là bộ kiểm chứng sự thật của The Washington Post và Viện Poynter. Bên cạnh đó, có một số công cụ đơn giản khác cũng có thể giúp phát hiện giả mạo, chẳng hạn như chức năng tìm kiếm hình ảnh của Google sẽ cung cấp lịch sử của một hình ảnh và nơi mà nó đã xuất hiện, hay một công cụ khác là InVid cũng có thể giúp xác minh tính chân thực của video.

Kết

Hãy nhìn nhận mọi thông tin trên không gian mạng với sự hoài nghi và một tư duy phản biện.

Câu ngạn ngữ “Đừng tin vào bất cứ điều gì bạn nghe và chỉ tin một nửa vào những gì bạn thấy” có thể áp dụng cho tình trạng hiện tại của tin tức trên mạng xã hội. Nhưng với Carrigan, câu này nên được cập nhật thành: “Đừng tin vào bất cứ điều gì bạn đọc trên mạng xã hội, và chỉ tin một nửa vào những video nói là xác thực”. Bởi lẽ hãy nhớ rằng, những tin tức, hình ảnh và video đó cũng có thể đã được lấy ra khỏi ngữ cảnh để phục vụ cho một mục đích khác.

Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp