Marketer Mai Linh Châu
Mai Linh Châu

B2B Marketing Manager @ Cốc Cốc

Tổng hợp nguồn Market Research đáng tin cậy cho dân kinh tế và Marketing

Những báo cáo thị trường uy tín sẽ giúp các doanh nghiệp tìm thấy “chìa khóa vàng” mở cửa những cơ hội thành công mới. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số nguồn báo cáo thị trường được công bố bởi các đơn vị thứ 3 uy tín cùng một số lưu ý khi sử dụng dữ liệu.

Các nguồn Market Research (nghiên cứu thứ cấp) uy tín

Nhóm báo cáo dữ liệu đa quốc gia bao gồm Việt Nam: Với nguồn dữ liệu được thu thập lớn, được cập nhật thường xuyên, những báo cáo này thường mang tính tổng quan, phù hợp để đánh giá xu hướng vĩ mô của một quốc gia hoặc một khu vực địa lý rộng lớn. Tuy nhiên, những báo cáo này thường mất phí hoặc không public hết trên website, không đi sâu vào khảo sát cụ thể hành vi người tiêu dùng.

Nhóm báo cáo dữ liệu hành vi người tiêu dùng thông qua khảo sát / công cụ tìm kiếm: Dựa trên dữ liệu được thu thập từ các khảo sát và số lượng từ khóa trên công cụ tìm kiếm, các báo cáo này có thể đánh giá được xu hướng và hành vi của người tiêu dùng trong từng ngành hàng cụ thể; từ đó giúp người đọc nhận định sâu sát lĩnh vực mà mình đang quan tâm.

Đặc biệt, những báo cáo dựa trên dữ liệu của công cụ tìm kiếm thường có khối lượng thông tin nhiều, được thu thập từ hàng chục đến trăm triệu người dùng nên có độ chính xác cao. Hầu hết các nguồn báo cáo này đều miễn phí. Tuy nhiên, một số báo cáo thu thập dựa trên kết quả khảo sát thường gặp hạn chế về khối lượng dữ liệu.

Nhóm báo cáo thảo luận trên mạng xã hội: Đo lường các chỉ số thảo luận trong phạm vi mạng xã hội, các báo cáo này giúp người đọc bắt được lượng thảo luận và chỉ số cảm xúc (tích cực / tiêu cực / trung lập) của người tiêu dùng về một chủ đề nhất định. Loại báo cáo này phù hợp để đánh giá những nhân vật / nội dung / chủ đề / chiến dịch nào đang nhận được sự quan tâm lớn tại từng thời điểm.

Nhóm báo cáo dữ liệu kinh tế xã hội của quốc gia: Những sự thay đổi của các yếu tố kinh tế – xã hội sẽ luôn có những tác động nhất định đến xu hướng tiêu dùng tại từng quốc gia. Việc nắm bắt và có cái nhìn tổng quan về các yếu tố vĩ mô đang diễn ra sẽ giúp chúng ta dự đoán xu hướng tiếp theo. Hầu hết các báo cáo này đều được công bố từ các tổ chức lớn, với nguồn dữ liệu cập nhật, miễn phí. Tuy nhiên, tần suất cập nhật dữ liệu thấp, đặc biệt với dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp (thông thường 2 năm/lần); không có dữ liệu cụ thể về hành vi người tiêu dùng.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều nguồn dữ liệu uy tín khác có thể tham khảo. Với dữ liệu trên các sàn TMĐT có thể sử dụng báo cáo từ Metric, muốn đọc dữ liệu tài chính của các công ty thì tìm đến báo cáo của StoxPlus hoặc đọc các dữ liệu học thuật từ ResearchGate.

Tìm báo cáo ở đâu, như thế nào?

Vậy làm thế nào để tìm được báo cáo uy tín trong vô vàn những nguồn thông tin trên Internet? Chìa khóa chính là hãy tận dụng sức mạnh của từ khóa thông qua các công cụ tìm kiếm như Google, Cốc Cốc… Dưới đây là một số từ khóa thường hay được dùng để tìm kiếm report:

  • Báo cáo / nghiên cứu / thị phần / thị trường + tên ngành hàng + Việt Nam (+pdf)
  • Khảo sát / người tiêu dùng + tên ngành hàng + Việt Nam (+pdf)
  • Vietnam + tên ngành hàng + market report / market share (+pdf)
  • Tên ngành hàng + trend in Vietnam / consumer behavior in Vietnam/ consumer insight in Vietnam (+pdf)

5 bước thực hiện nghiên cứu thứ cấp

  1. Xác định chủ đề, mục đích và phạm vi nghiên cứu
  2. Liệt kê những nguồn thông tin phù hợp
  3. Sàng lọc dữ liệu có thể tiếp cận được
  4. Thu thập – so sánh – tổng hợp
  5. Phân tích

Ở bước này, nếu vấn đề nghiên cứu vẫn chưa được giải quyết thì quay lại bước 2 và mở rộng tìm kiếm. Có những vấn đề nghiên cứu thứ cấp không giải thích được, sẽ chỉ có thể dùng nghiên cứu sơ cấp.

Ứng dụng của dữ liệu thứ cấp

Nguồn dữ liệu thứ cấp giúp cung cấp cho người đọc insight về thị trường (category) và đối thủ cạnh tranh (competitor). Tuy nhiên nguồn thông tin về người tiêu dùng (consumer) nên được khai thác từ nguồn dữ liệu sơ cấp do dữ liệu thứ cấp thường mang tính chung, đại diện (generic) hơn là cụ thể (customized).

Ví dụ: Đáp viên của một khảo sát X không thể cùng một tệp đáp viên với đối tượng mục tiêu của brand Y, nên việc dựa vào khảo sát X để đưa ra insight về người tiêu dùng cho brand Y chỉ có thể tham khảo một phần.

Nguồn: Getty Images

Đọc hiểu dữ liệu thứ cấp như thế nào?

Khi đọc các báo cáo thứ cấp, chúng ta cần đánh giá và tiếp nhận thông tin dựa trên những tiêu chí sau:

  • Tính minh bạch: Các dữ liệu có minh bạch hay không, nguồn cung cấp báo cáo có liên kết lợi ích với bên thứ ba tác động đến tính minh bạch của báo cáo hay không.
  • Quy mô nghiên cứu: Nghiên cứu một thị trường lớn với dữ liệu đủ lớn, hay nghiên cứu nhỏ phục vụ một thị trường ngách. Insight từ thị trường xe hơi quốc tế chưa chắc đã phù hợp với insight thị trường Việt, nhưng insight thị trường mỹ phẩm Châu Á có thể phần nào trùng khớp hoặc dự báo cho thị trường mỹ phẩm Việt. Đó là lí do cần xem xét quy mô nghiên cứu cho phù hợp, thay vì niềm tin dữ liệu “càng nhiều càng tốt”.
  • Tính thiên lệch: Đọc hiểu nguồn dữ liệu của nghiên cứu để hiểu được những hạn chế và thiên lệch sẵn có. Một khảo sát trực tuyến sẽ thiên về nhóm đáp viên trẻ hơn, tiếp cận Internet nhiều hơn, có học vấn cao hơn mặt bằng chung, xuất phát từ chính tính chất “trực tuyến” đã hạn chế nhóm người cao tuổi, nhóm người không biết chữ, nhóm người không có điều kiện tiếp xúc Internet…
  • Tính cập nhật: Sử dụng dữ liệu quá cũ không còn phản ánh thị trường thực tế, có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Dữ liệu nên nằm trong 3 năm gần nhất để mang tính cập nhật tại thời điểm.

Một lưu ý khác dành cho bạn khi đọc báo cáo thị trường là hãy luôn tìm kiếm đến tận cùng nguồn thông tin. Một số báo cáo thị trường có sẵn sẽ tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, việc tìm đến “nguồn của nguồn” ban đầu sẽ cung cấp cái nhìn đầy đủ và xác thực hơn. Không loại trừ trường hợp các thông tin bị trích dẫn sai, bị vô tình bóp méo hoặc viết lại, việc tìm kiếm đến nguồn thông tin gốc là cần thiết để kiểm tra và mở rộng những thông tin đang có.

Tuy nhiên, trước khi tìm đến những nguồn dữ liệu bên ngoài, nếu có sẵn dữ liệu nội bộ, đây có thể là nguồn thông tin thứ cấp hữu ích và đáng tin cậy dành cho bạn. Hãy tìm kiếm tài liệu sẵn có dưới một số hình thức sau:

  • Dữ liệu bán hàng
  • Dữ liệu các chiến dịch từng được tổ chức
  • Phân tích website / app
  • Dữ liệu trung tâm chăm sóc khách hàng
  • Dữ liệu khách hàng
  • Kinh nghiệm chuyên gia

Đọc thêm các báo cáo thị trường do Cốc Cốc đã thực hiện tại đây.