Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Kantar – FMCG Monitor quý I/2024: Tăng trưởng âm bất chấp mùa Tết

Kantar – FMCG Monitor quý I/2024: Tăng trưởng âm bất chấp mùa Tết

Theo báo cáo Vietnam FMCG Monitor quý I/2024 của Kantar Việt Nam, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý đầu năm 2024 dù đây là mùa Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế chung vẫn được đánh giá tích cực với niềm tin của người tiêu dùng vào sự phục hồi kinh tế đang ở mức cao nhất trong 5 quý qua.

Dưới đây là một số tiêu điểm từ báo cáo Vietnam FMCG Monitor của Kantar trong quý I/2024:

1. Các chỉ số kinh tế

GDP Việt Nam tăng trưởng 5,66% trong quý I/2024, là mức tăng trưởng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với mức 6,7% của quý IV/2023, đây vẫn là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang trên đà đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2024.

2. Niềm tin của người tiêu dùng

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được dự báo có triển vọng tích cực, niềm tin của người tiêu dùng vào tình hình kinh tế đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua. Trong khi lo ngại về ổn định thu nhập hộ gia đình đã giảm bớt thì những lo lắng về chi phí sinh hoạt tăng cao lại nổi lên sau đề xuất tăng giá điện từ đầu năm.

3. Bức tranh FMCG

Cả khu vực Thành thị 4 Thành phố và Nông thôn đều chứng kiến sự sụt giảm về khối lượng mua, dẫn đến tổng giá trị FMCG trong quý đầu năm tăng trưởng âm. Ngành thực phẩm và đồ uống chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là đồ uống có cồn, do Nghị định 100 được thực thi nghiêm ngặt hơn, kìm hãm tiêu thụ.

4. Toàn cảnh thị trường bán lẻ

Tỷ trọng giá trị từ kênh online tăng trưởng ở cả khu vực Thành thị 4 Thành phố và Nông thôn, mở ra tiềm năng phát triển thành kênh bán hàng quan trọng của thị trường bán lẻ trong tương lai. Tại khu vực nông thôn, các kênh bán lẻ như cửa hàng tạp hóa lớn và cửa hàng chuyên doanh ngày càng được ưa chuộng.

5. Tiêu điểm Tết 2024

Trong khoảng 8 tuần trước và sau Tết 2024, giá trị của FMCG đã giảm so với Tết năm 2023, nhưng vẫn vượt qua mức đỉnh của giai đoạn Tết các năm 2019-2022. Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là do tiêu thụ rượu bia giảm mạnh cả Thành thị và Nông thôn, chiếm đến hơn 30% giá trị sụt giảm FMCG trong tháng 1 và 2.

Tải báo cáo đầy đủ tại đây.